Thứ hai, 12 Tháng 9 2016 04:02

Tục thờ rắn và tín ngưỡng thờ thần sông của người Xứ Lạng

   Trong văn hoá dân gian, rắn là con vật thuộc 12 con giáp, đồng thời là vật linh được thờ với ý nghĩa là biểu tượng của vị thần sông nước. Tục thờ thần sông (Thuỷ thần) vốn là tín ngưỡng bản địa của cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống dọc theo các con sông lớn ở nước ta. Sông nước – vốn là nguồn sống nhưng đồng thời cũng là mối thiên tai đe doạ cuộc sống của người dân vùng ven sông. Xuất phát từ quan niệm “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, từ tâm lý tôn thờ nước, sợ nước mà nảy sinh ra tín ngưỡng thờ Thuỷ thần.

Họ thờ Thuỷ thần với ước vọng cầu mong sông nước hiền hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu, đánh bắt được nhiều sản vật dưới sông, tránh được những tai ương do sông nước gây nên… Thần sông được thờ dưới nhiều hình thức khác nhau: thờ cá chép, rồng, rắn, giao long, thuồng luồng… nhưng phổ biến nhất vẫn là thờ rắn. Người Việt cổ xem rắn như là vật tổ của mình. Đối với Lạng Sơn, tục thờ rắn và tín ngưỡng thờ thần Sông có ở cộng đồng cư dân nông nghiệp sinh sống dọc theo các con sông lớn: sông Kỳ Cùng, sông Bắc Giang… Vật linh được thờ đều là rắn. Đây là loại hình tín ngưỡng rất tiêu biểu, độc đáo và đặc sắc của người Xứ Lạng – thể hiện qua các truyền thuyết, di tích và lễ hội liên quan đến tục thờ rắn.

Có thể dễ dàng nhận thấy khá rõ nét diện mạo của loại hình tín ngưỡng này qua khảo sát thực địa, các thư tịch cổ, tư liệu về di tích, lễ hội đã được nghiên cứu một cách có hệ thống. ở các địa phương có sông lớn chảy qua, gần như nơi nào cũng có một vài truyền thuyết, di tích, lễ hội nổi tiếng liên quan đến tục thờ rắn: thành phố Lạng Sơn có đền Kỳ Cùng, đền Cửa Đông (đền Bạch Đế), ở huyện Lộc Bình có di tích đình Vằng Khắc (đền Khác Uyên), thần tích xã Vân Mộng; huyện Bình Gia, Tràng Định có lễ hội “phài lừa” (1)  Văn Mịch, Nà Lình; huyện Cao Lộc có gia phả họ Đinh ở bản Mòng…

ran 1

Đền Kỳ Cùng

Tỉnh Lạng Sơn có một số di tích thờ rắn rất nổi tiếng từng được ghi trong các thư tịch cổ. Đền Kỳ Cùng, đền Khác Uyên (đình Vằng Khắc), đền Bạch Đế (đền Cửa Đông) đã được nhắc đến trong các sách: Hòang Việt Nhất thống địa chí, Đại Việt địa chí, Bắc Thành địa dư chí lục, Đại Nam nhất thống chí (2)… Trong các sách địa chí này, nội dung thờ tự tại di tích thường được chép là thờ thuỷ thần, hoặc thờ giao long (3)Sách Sại Nam nhất thống chí chép về đền Kỳ Cùng như sau: “ở bên tả sông Kỳ Cùng thuộc xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng có con giao long thành thần đào hang ở đây, đền rất thiêng, nhiều lần được phong tặng “. Đền Khác Uyên cũng được nhắc đến tương tự như vậy. Riêng đền Bạch Đế thì được chép là thờ Thuỷ thần: “đền Bạch Đế ở phía đông tỉnh thành, thuộc địa phận xã Mai Pha, Châu Ôn, thờ thuỷ thần, nhiều lần được phong tặng”. Tuy nhiên, trong truyền thuyết, thần tích về các di tích này thì đây đều là những di tích thờ rắn với tư cách là vị thần sông nước.
Liên quan đến tục thờ rắn có rất nhiều truyền thuyết – bao gồm nhiều dị bản khác nhau về nguồn gốc các di tích và lễ hội. Có thể thấy, về cơ bản nội dung của các truyền thuyết khá thống nhất với môtíp truyện ông Dài, ông Cụt lưu truyền ở nước ta: người dân vùng ven sông đi đánh cá vớt được một quả trứng lạ, cứ vứt xuống sông lại vớt đựơc đúng quả trứng đó. Đến lần thứ ba thì họ đem về nhà cho gà ấp hoặc ủ trong thúng trấu, trứng nở ra rắn, rắn sống với người và được nuôi dưỡng, chăm sóc như con, trong nhiều tình huống khác nhau (theo người đi kiếm ăn, bị nghi kỵ là ác thú vì hình dáng khác thường …), rắn bị chém cụt đuôi nên có tên là Cộc, Cụt. Sau đó rắn trở thành vị thần cai quản khúc sông và được nhân dân lập đền, miếu thờ. ơn người nuôi dưỡng, mỗi khi nước lên cao, rắn lại hiện lên cứu giúp theo tiếng gọi của dân làng. Rắn trở thành vị thần bảo hộ cho xóm làng, được thờ cúng như vị thành hoàng của làng. Hằng năm dân làng mở hội tế lễ, cầu cúng, tổ chức đua thuyền, đua bè mảng. Tuy nhiên, các truyền thuyết này cũng mang đậm màu sắc địa phương với nhiều tình tiết khác nhau. Trong đó hình ảnh con sông Kỳ Cùng, cuộc sống của cư dân miền sông nước Xứ Lạng với những phong tục tập quán đặc thù hiện lên rất rõ nét. Đôi khi là cả bối cảnh lịch sử Lạng Sơn như trường hợp truyền thuyết về quan lớn Tuần Tranh – vị quan đời Trần được cử lên trấn giữ biên trấn Lạng Sơn. Sau khi nhảy xuống sông tự vẫn, linh hồn ông hoá thành đôi rắn có tên là ông Dài, ông Cộc.

Rắn – vị thần sông thường được nhân dân Lạng Sơn thờ cúng trong các ngôi đền, miếu được dựng lên ở nơi có địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình sát bờ sông, thường có mặt hướng ra sông. Hiện nay chưa có cứ liệu để khẳng định di tích thờ rắn sớm nhất ở Lạng Sơn xuất hiện từ bao giờ, song căn cứ vào sắc phong, thư tịch cổ có thể thấy chúng có từ rất lâu đời. Tại đình Vằng Khắc, sắc phong sớm nhất có niên đại năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), bức hoành phi ở đền Kỳ Cùng “Long cung hiển thánh” có niên đại năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Nghĩa là các di tích này đã có từ trước đó rất lâu. Những cây đa cổ thụ to lớn, cành lá xum xuê hàng trăm năm tuổi toả bóng trước ngôi đình Vằng Khắc cổ kính, thâm nghiêm là một trong những bằng chứng xác đáng về sự hiện diện  rất sớm của di tích thờ thần Sông ở vùng đất này.     

  Ban đầu những ngôi đền, miếu này chỉ là những kiến trúc nhỏ, đơn giản, lập ra để thờ riêng thần sông nước. Sau này, một số di tích có nhiều thay đổi về quy mô kiến trúc cũng như nội dung thờ tự. Đình Vằng Khắc lại có sự biến đổi từ “đền” sang “đình”. Khi mới lập đó là ngôi đền thờ thần sông với tên là đền Khác Uyên – gọi Nôm là đền Vằng Khắc (4) . Cuối thế kỷ 19, Vằng Khắc vẫn được sách Đại Nam nhất thống chí nhắc đến là một ngôi đền: “đền Khác Uyên: ở bến Khác Uyên, xã Vân Mộng, châu Lộc Bình. Tương truyền có con giao long thành thần ở dưới, được nhân dân lập đền thờ, cầu đảo rất linh ứng”… Sau này rắn trở thành hoàng – vị thần bảo hộ cho xóm làng  như đã được ghi trong bài vị trên ngai thờ (Bảo hộ thần linh) nên ngày nay thường được gọi là “đình” chứ không gọi là đền nữa. Đền Kỳ Cùng, đền Bạch Đế (đền Cửa Đông) kiến trúc được mở mang, trở thành nơi dung hội nhiều loại tín ngưỡng dân gian khác như thờ Mẫu, thờ Đức thánh Trần – thậm chí có cả ban thờ Phật. Tuy nhiên yếu tố thờ thần sông vẫn được duy trì và thể hiện dưới hình thức một Ban thờ. Khi phân loại, mặc nhiên đó vẫn là các di tích thờ thần sông như đã được ghi trong các sắc phong, thư tịch cổ. 

ran 2

Đình Vằng Khắc trên bến sông Kỳ Cùng  (xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình)

Trong các di tích này, thần sông được thờ dưới nhiều dạng khác nhau song hình thức khá nhất quán. Có khi đơn giản chỉ là bát hương đặt trên bệ thờ chính dưới bức hoành phi, giữa đôi câu đối như miếu Nà Lình (Quốc Việt, Tràng Định). Song ở một số di tích khác như đền Kỳ Cùng, đền Cửa Đông, đình Vằng Khắc… thì lại là những ban thờ được bài trí rất quy củ: bên cạnh bát hương, hoành phi, câu đối, thì tâm điểm của Ban thờ là các ngai thờ, bài vị thờ thần sông (thờ ông Dài, ông Cộc), lại có trường hợp có cả tượng thờ bằng gỗ (kích thước nhỏ) như ở đình Vằng Khắc. Nhân dân cho rằng đây là hoá thân của ông Cộc  – vị thần được thờ trong đình. Trong ngôi đình này còn có hình hai con rắn khổng lồ uốn lượn quanh các bức tường của gian hậu cung – nơi đặt ngai thờ. Nhìn chung, cách thức thờ tự luôn toát lên vẻ sùng kính, thể hiện ước vọng cầu phúc, cầu an, cầu mùa của con người đối vị thần được thờ.

ran 3

Hậu cung đình Vằng Khắc – nơi đặt ngai thờ thần sông Kỳ Cùng.

Cũng như nhiều nơi ở nước ta, tục thờ rắn, thờ thần sông luôn gắn liền với hội đua thuyền, bơi chải, hội rước nước. ở Lạng Sơn, tính địa phương của lễ hội thể hiện ở lễ hội đua bè mảng, thường được gọi theo tiếng Tày “phài lừa”. Đây là loại hình lễ hội rất đặc sắc của người Lạng Sơn. Trong tỉnh, tuy có nhiều nơi có tục thờ rắn, thờ thần sông nhưng theo nghiên cứu của ngành Văn hoá, đến nay chỉ còn hai nơi còn duy trì đựơc loại hình lễ hội này là Nà Lình (xã Quốc Việt, huyện Tràng Định) và Văn Mịch (Xã Hồng Phong, huyện Bình Gia) với những nét đặc trưng, nguyên bản nhất. Các nơi khác chỉ có cúng lễ, hoặc có lễ hội nhưng lại mang một màu sắc khác như trường hợp hội đền Kỳ Cùng – tâm điểm của lễ hội là nghi lễ rước Quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và rước về. Khác với lễ hội lồng tồng thường diễn ra vào đầu năm, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ thần sông chủ yếu diễn ra vào tháng tư âm lịch – trước mùa mưa lũ, mùa nước lên. Đây chính là cuối mùa thô – khoảng thời gian bình an nhất của sông nước. Họ mở hội cầu mong mưa thuận gió hoà, không bị thiên tai lũ lụt, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Trong các lễ hội này, tín ngưỡng thờ rắn thể hiện rõ nét nhất là ở nghi thức cúng lễ hoặc trò diễn dân gian. Hội đình Vằng Khắc có nghi thức bơi thuyền ra giữa lòng sông Kỳ Cùng cúng tế mời thần Rắn về dự hội, có nghi lễ rước bình nước thiêng lấy ở sông về đặt lên ngai thờ trong đình, nghi lễ rước thần sông về đình làm lễ cầu an, cầu mùa… ở hội Nà Lình và Văn Mịch là trò đua bè mảng. Đó là các đội đua những chiếc bè được kết từ những cây tre. Đây là trò diễn tái hiện (tưởng nhớ) cảnh rắn thần đánh nhau với thuỷ quái để cứu giúp dân làng. Thông qua hình ảnh lực lượng đua thuyền, trò lật thuyền giữa sông, trò chơi có ý nghĩa biểu dương sức mạnh vô song, oai hùng của thần rắn, diễn tả cuộc chiến cam go quyết liệt của rắn thần để diệt trừ thuỷ quái, đem lại sự bình an cho sông nước, cho dân làng.

Có thể thấy, tục thờ rắn gắn với tín ngưỡng thờ thần sông của Lạng Sơn vừa mang những nét chung của tín ngưỡng thờ thuỷ thần của Việt Nam, vừa mang những nét đặc trưng riêng của vùng sông nước – miền núi Lạng Sơn. Tuy phạm vi phổ biến của loại hình tín ngưỡng này không rộng như một số tín ngưỡng khác ở Lạng Sơn như: thờ sơn thần, thờ Mẫu… – song đây lại là loại hình tín ngưỡng rất độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống vô cùng đặc sắc cần được nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá quý giá của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.    

                                                               Chu Quế Ngân         

                                                                                                                

 

Chú thích:  (1) “Phài lừa”: tiếng Tày có nghĩa là bơi (chèo) bè mảng.

(2) Từ điển di tích Văn hoá Việt Nam – Ngô Đức Thọ, NXB Khoa học xã hội, 1993.

(3) Giao long: là con vật huyền thoại, có hình dáng giống con rắn lớn, có bốn chân

(4) Vằng Khắc: có nghĩa là thằng Cụt.


Last modified on Thứ hai, 12 Tháng 9 2016 04:11

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 49

Tất cả 2857419

Videos

Liên kết website