Đây là phần trưng bày chiếm toàn bộ không gian tầng II của nhà trưng bày. Với giải pháp trưng bày theo chuyên đề và các tổ hợp hình ảnh, hiện vật, Bảo tàng Lạng Sơn giới thiệu với người xem những nét đặc trưng cơ bản về địa lý tự nhiên và văn hóa, dân tộc của tỉnh Lạng Sơn.
Về địa lý tự nhiên, hệ thống trưng bày tập trung giới thiệu các loài động vật, mẫu tài nguyên khoáng sản tiêu biểu ở các địa phương trong tỉnh: sắt, mănggan ở Mai Sao (Chi Lăng); nhôm, chì, kẽm ở huyện Bắc Sơn; than nâu Na Dương, thạch anh Mẫu Sơn (Lộc Bình). Kết hợp với các hình ảnh, tài liệu khoa học phụ (bản đồ, biểu đồ bản trích), giúp người xem hình dung một cách khái quát về miền đất nơi địa đầu Tổ Quốc: Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, có 253 km đường biên giới với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đây là vùng đất có quá trình kiến tạo địa chất lâu đời, địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh, 80% diện tích của tỉnh là đồi núi. Khí hậu Lạng Sơn mang những nét đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa miền Bắc Việt Nam: nóng ẩm, mưa nhiều, mùa hè mát mẻ, mùa đông lạnh và kéo dài. Thảm động - thực vật phát triển rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là sự xuất hiện các loài cây cận nhiệt đới, ôn đới. Nguồn tài nguyên khoáng sản của Lạng Sơn rất dồi dào, phong phú, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh. Trong suốt quá trình lịch sử, Lạng Sơn vừa là phên dậu trấn giữ, vừa là cửa ngõ bang giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc
Phần trưng bày mô phỏng rừng nguyên sinh của Lạng Sơn
Phần trưng bày về văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn hướng người xem về với vùng văn hóa đặc sắc Xứ Lạng - nơi sinh tụ của các dân tộc anh em: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, HMông. Trải qua hàng ngàn năm dựng làng, giữ nước, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn sáng tạo nên văn hóa truyền thống rất phong phú và giàu bản sắc - thể hiện rõ nét qua đời sống văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của các dân tộc cư trú nơi đây.
Ở phần này, Bảo tàng Lạng Sơn đã chọn lọc, trưng bày, giới thiệu các sưu tập hiện vật dân tộc học về các dân tộc sinh sống trên vùng đất Lạng Sơn, trọng tâm là văn hóa Tày và Nùng - hai dân tộc chiếm gần 80% dân số của tỉnh. Bao gồm các sưu tập: trang phục, trang sức các dân tộc; công cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ hành lễ tâm linh tín ngưỡng; hình ảnh các lễ hội dân gian, chợ phiên, đám cưới, tang ma, văn hóa ẩm thực... Qua đó giúp người xem hiểu một cách toàn diện, sâu sắc những đặc trưng cơ bản về dân cư, dân tộc; bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên vùng đất Lạng Sơn từ truyền thống đến hiện đại.
Nội dung trưng bày Địa lý nhân văn, văn hóa truyền thống