Sưu tập đồ gia dụng bằng gốm của Việt Nam từ thời Trần, niên đại thế kỷ 13 đến thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18 gồm có: liễn (men ngà, men trắng); đĩa gốm ( men ngà, gốm hoa lam, men nâu, men ngọc); chén men trắng; bát gốm (hoa lam, men trắng):
1. Liễn gốm men ngà là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14, Liễn có đường kính miệng 17,2 cm, đường kính đáy 16,8 cm, cao 15 cm. Liễn có nắp hình chỏm cầu, đỉnh nắp phẳng, có núm cầm nhỏ. Miệng tròn, hơi cúp. Vai có rãnh lõm hình lòng máng. Thân hình trụ tròn, hơi thuôn về phía đáy. Đáy bằng, để mộc. Bị tróc hết men, nung chưa kỹ.
2. Đĩa gốm men ngà là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có dạng hình tròn, men ngà phủ cả hai mặt nhưng bị tróc men, đĩa có đường kính miệng 16,5 cm, đường kính đáy 6 cm, cao 4,3 cm . Lòng đĩa phẳng, được giới hạn bởi một vòng tròn, có 5 dấu kê. Thành đĩa cong, trang trí ám họa hình bông hoa cúc dưới men. Đáy nhỏ, thấp, để mộc không tráng men . Mặt ngoài không có hoa văn trang trí, có vết men nâu (màu socola).
3. Liễn men trắng là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Liễn có đường kính miệng 25 cm, đường kính đáy 16,8 cm, cao 17 cm. Liễn men trắng rạn, thân hình trụ tròn. Miệng hơi loe, mép miệng vê tròn, có rãnh hình lòng máng. Đáy tráng một lớp men mỏng, không đều. Tại nơi khắc rãnh có 6 chấm tròn rải đều trên vòng tròn. Đĩa bị nứt vỡ, đã được gắn lại.
4. Đĩa gốm hoa lam là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có đường kính miệng 24,5 cm, đường kính đáy 17 cm, cao 5,5 cm. Đĩa hình tròn, thành cong, men màu trắng ngả xanh. Lòng đĩa vẽ lam đề tài hoa dây xung quanh thành đĩa. Giữa lòng đĩa vẽ trang trí một bông hoa mai trong vòng tròn. Thành ngoài trang trí hình cánh sen, có hai vết lỗi do chế tác. Đế thấp, lõm, tô màu nâu (màu sôcôla).
5. - Chén men trắng là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13- 14. Chén có đường kính miệng 5 cm, đường kính đáy 3 cm, cao 2,2 cm. Chén có miệng tròn, lòng phẳng (hơi sần sùi do kỹ thuật chế tác) Thành ngoài men tráng không đều (chỉ phủ men 1/2). Đế thấp, đáy để mộc.
- Chén men trắng có đường kính miệng 5,3 cm, đường kính đáy 3,8 cm, cao 3,2 cm. Chén gốm men trắng. Thành chén dày, phẳng, sứt ở miệng. Thành ngoài men tráng không đều ở gần đế. Đế thấp, đáy để mộc
6. Đĩa gốm men nâu là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có đường kính miệng 15,8 cm, đường kính đáy 6,2 cm, cao 3,4 cm. Đĩa hình tròn, men màu nâu sẫm tráng toàn bộ mặt trong và 1/2 mặt ngoài. Lòng đĩa phẳng, nông, có dấu bàn kê. Thành đĩa loe cong. Đáy nhỏ cao 1 cm, không tráng men. Cốt gốm màu vàng nhạt
7. - Bát gốm hoa lam là đồ gia dụng thời Lê Sơ thế kỷ 15. Bát có đường kính miệng 15,4 cm, đường kính đáy 6,7 cm, cao 8 cm. Bát gốm men trắng vẽ lam. Bát có dáng cao, thành cong, sâu lòng. Lòng bát được giới hạn bởi một đường chỉ tròn màu lam, bên trong vẽ hình một bông hoa. Mép miệng và lòng bát vẽ hồi văn chữ S kiểu mầm giá. Thành ngoài vẽ hoa dây và cánh sen cách điệu. Đế cao, đáy tô màu nâu sôcôla.
- Bát gốm hoa lam là đồ gia dụng thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 -18. Bát có đường kính miệng 15,2 cm; đường kính đáy 9 cm; cao 5,3 cm. Bát có miệng hình tròn, men rạn hoa lam, tróc men. Thành bát thấp, lòng nông và phẳng, ve lòng. Lòng bát và thành ngoài hình hoa cúc (có 5 bông hoa cách đều nhau). Mặt ngoài trang trí 8 bông hoa cúc. Đế bát khá to, cao khoảng 1 cm, để mộc, không tráng men
8. Đĩa men ngọc là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có đường kính miệng 14 cm, đường kính đáy 5 cm, cao 2 cm. Đĩa gốm men rạn màu xanh ngọc, lòng nông và phẳng, ve lòng. Bên trong có hai đường chỉ lam vòng quanh miệng đĩa. Lòng đĩa trang trí hình cánh hoa cúc xung quanh. Thành ngoài tráng men không hết (chỉ khoảng 1/3). Đế thấp, đáy để mộc.
9. Bát gốm men trắng là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Bát có đường kính miệng 9 cm, đường kính đáy 4,5 cm, cao 3,9 cm. Bát có men trắng rạn, có nhiều nốt chấm đen nhỏ li ti ở mặt trong và ngoài của thành bát. Thành cong, lòng nông, ve lòng. Đế thấp, lõm, để mộc.