Văn hóa truyền thống

  • Đồ trang sức Dân tộc Dao

    Đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Dao thường dùng trong các ngày lễ tết, hội hè, cưới xin.

    Bộ trang sức bao gồm: hoa tai, vòng cổ, vòng tay, chất liệu bằng bạc 

    -Hoa tai có thiết diện tròn, to ở giữa và thuôn nhỏ dần về phía 2 đầu. Phần chót hai đầu xoắn cuộn tròn lại với nhau, phía trên có 1 móc nhỏ để đeo.

    -Vòng cổ có thiết diện tròn,  phình to ở giữa và thuôn dần về hai đầu, phần chót hai đầu xoắn cuộn ngược lại. Ở hai đầu tạo thành khe hở để đeo dễ dàng hơn. Vòng có đường kính 16,5 cm

    -Vòng tay có hình tròn, thiết diện tròn thuôn nhỏ dần về 2 đầu và gập lại cuốn tròn theo thân vòng. Vòng có đường kính: 7,3 cm

  • Đồ trang sức Dân tộc Nùng

    Đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Nùng thường dùng trong các ngày lễ tết, hội hè, cưới xin.

    - Bộ trang sức gồm có: 01 vòng cổ, 01 vòng tay, 02 vòng chân, 02 khuyên tai, chế tác bằng chất liệu đồng

    - Vòng cổ có đường kính 15 cm. Vòng chân 10 cm. Vòng tay 7 cm. Vòng cổ, vòng tay, vòng chân đều có kiểu dáng như nhau: Ở giữa xoắn kiểu quấn thừng, hai đầu chót  quấn vòng quanh thân vòng thành 9 vòng. Riêng vòng cổ ở hai  đầu uốn cong.

    - Khuyên tai có đường kính 2,5 cm, Khuyên tai uốn cong như hình móc câu, một đầu có núm tròn.

    - Khuyên tai được chế tác bằng chất liệu bạc, khuyên tai hình tròn, ở giữa to và thuôn nhỏ dần về phía 2 đầu. Phần chót hai đầu xoắn cuộn tròn lại.

    - Xà tích là đồ trang sức đeo bên thắt lưng của phụ nữ dân tộc Nùng, được chế tác bằng chất liệu bạc. Xà tích là một đoạn dây gồm những vòng tròn nối dài, hai đầu dây được móc vào 1 vòng tròn nhỏ . Tiếp đến là đồng 10 cent, nối tiếp là đồng 20 cent, tiếp theo bên dưới là 2 đồng 10 cent, tất cả được gắn với nhau bằng những vòng tròn nhỏ. Cuối cùng là 4 que được gắn liền với  2 đồng 10 cent bởi các vòng tròn; (2 que đầu nhọn, 2 que đầu dẹt) có những đường chạm khắc dọc hoặc ngang.

  • Đồ trang sức Dân tộc Tày

    Đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Tày bao gồm: vòng cổ, vòng tay và xà tích, đồ trang sức thường dùng trong các ngày lễ tết, hội hè, cưới xin.

    - Vòng cổ: được  làm bằng chất liệu đồng pha bạc. đường kính 20,5 cm.  2/3 chiếc vòng có thiết diện tròn, nhỏ dần về 2 đầu, 2 đầu chiếc vòng tiếp giáp với nhau 1 khoảng cách dài 3,7cm và được xoắn lại ở 2 bên bằng những vòng tròn nhỏ quấn quanh; đoạn giữa của vòng có thiết diện hình thoi, to dần về phía giữa vòng, 2 mặt của hình thoi trang trí hoa cúc dây, 1 mặt trang trí đường gấp khúc hình chữ V được khắc chìm bằng 2 đường song song ở giữa hình chữ V có trang trí hình 1 nửa bông hoa đào; mặt còn lại của hình thoi được khắc chìm 4 chữ Hán “Trường, sinh, mệnh, bảo" khoảng cách của từng chữ được trang trí hoa văn dây được khắc bằng các chấm.

    - Vòng tay có hình tròn, mặt ngoài hình sống trâu ( nhô lên ở chính giữa mặt ngoài). Có trang trí hình hoa cúc và các đường trang trí theo kiểu chạm chìm, có một khe hở ngang khi đeo. Vòng có đường kính 5,7cm, rộng 2cm

    -  Xà tích là đồ trang sức thường đeo ở bên thắt lưng. Chất liệu bạc, xà tích là 1 đoạn dây dài 43 cm quấn theo kiểu vặn thừng, hai đầu dây được móc vào 1 vòng to gần bằng đồng xu. Có 1 bộ tua gồm 3 sợi dây xích nhỏ ( 2 dây đính  vuốt hổ và 1 dây đính 1 hộp hình quả tim) được đính vào vòng tròn. Hình hộp trái tim được chạm hình hoa đào 4 mặt.

  • Dụng cụ cán bông quay tay (BTLS 536)

    Hiện vật là chiếc máy cán bông đạp chân dùng để tách riêng hạt bông trong quá trình xe sợi dệt vải. Đây là một trong những dụng cụ được dùng phổ biến trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Nùng ở Lạng Sơn. Hiện vật được chế tác bằng thủ công bằng chất liệu gỗ. Bàn máy đóng theo hình chiếc ghế vuông 4 chân. Bộ phận chính là cần đạp tạo bởi 1 thanh gỗ tròn phía dưới bở 1 sợi dây chắc chắn. Phía trên bàn máy là là bộ phận dùng để cho bông vào cán tạo bởi các thanh gỗ tròn có khả năng chuyển động dưới tác động của lực đạp chân để cán, tách hạt bông. Kích thước Dài 1m07, Rộng 40cm, Cao 1m30. Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng, xã Hoà Cư - Cao Lộc, năm 2001.

  • Trang phục nữ dân tộc Sán chỉ

    Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ được cắt may thủ công, khâu tay, gồm: hai áo ( áo ngoài và áo mặc trong), quần.

    - Áo ngoài: Là loại áo dài đến gối may bằng vải chàm, gần giống áo của phụ nữ tày, cổ tròn dựng 2 phân. Cúc đồng cài chéo nách. Dài áo 100 cm;   Rộng gấu 66 cm;  Dài tay 60 cm; Rộng tay: 11 cm

    - Quần  may kiểu quần ống rộng, Dài quần 91,5 cm; Rộng ống 30,5 cm

    - Áo trong:  may bằng vải lon màu xanh lá mạ , may theo kiểu áo cánh bà già. Dài áo: 57,5 cm; Rộng gấu 57 cm; Dài tay 60,5 cm;  Rộng tay 13 cm

    -  Khăn: Khăn vuông màu chàm để đội đầu, có kích thước: 84 x 84 cm

    - Thông: Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ thường đeo trên vai dùng để đựng đồ, chiếc thông hình chữ nhật, đan bằng sợi trắng, kích thước dài 29 cm;  Rộng 41 cm

    Hiện vật sưu tầm tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

  • Slình cảo

    Slình cảo được  làm từ một nửa khúc gỗ nhỏ,  màu nâu hồng, mặt dưới bằng, mặt trên hơi khum, một đầu to hơn và thuôn nhỏ dần về đầu bên kia, đầu to đẽo vát, đáy hình tứ giác. Kích thước dài 28cm, rộng 4,5cm, dày 1,2 cm.

  • Bộ đồ hành lễ của thầy Mo dân tộc Tày

    Bộ đồ hành lễ của thầy Mo dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn thường dùng khi hành lễ trong lễ đám ma, cấp sắc, tạ ơn thánh mụ. Bộ đồ hành lễ bao gồm các hiện vật: sách nho, sắc lệnh, slinh cảo, con dấu, quẻ âm dương, nghiên mực - bút, ống bút, kiếm, cờ xiêng tâng.  

    Hiện vật sưu tầm tại thôn Nà Làng, xã  Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003

    - Sách cúng là tài liệu viết bằng chữ Hán, dùng cho các thầy Mo học tập, nghiên cứu phương pháp làm lễ. Sách được làm từ giấy gió, có hình chữ nhật, bìa sách màu xám đen, các trang sách phía trong có màu ngả vàng, bìa mặt trước trang sách đã bị mất, sách được khâu bằng chỉ dù, chữ nho viết trên cả 2 mặt giấy. Sách có 2 quyển, Kích thước 24,5cm x 14cm, dày 1.5cm và 28cm x 12,5cm, dày 0.5 cm .

  • Áo thầy mo (bộ áo tào côn)

    Bộ áo tào côn là trang phục truyền thống của thầy Mo, thầy Tào dân tộc Nùng ở huyện Bình Gia, Bắc Sơn thường mặc khi hành lễ đám tang, cấp sắc phong. Áo được may bằng vải chàm đen và vải phin màu đỏ, cố chữ V, thân dài, xẻ tà cao, thân trước được chia làm 2 mảnh cài giữa, tay ngắn. viền gấu, cổ tay và chỗ cài áo được may bằng vải màu đỏ. Hai tà áo phía trước và phía sau thêu tay hình rồng, cá, người và ngựa cùng một số chữ Nho. Kích thước áo dài 114cm, rộng 66cm. Mũ rộng 30cm, cao 15cm.  Hiện vật sưu tầm tại xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003

  • Áo thầy mo (Bộ áo tiền thân)
    Áo thầy mo (Bộ áo tiền thân) là trang phục truyền thống của Thầy Mo dân tộc Tày – Nùng ở huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Trang phục thường sử dụng trong việc hành lễ tạ ơn thánh mẫu và việc an nhà. Hiện vật sưu tầm tại thôn Nà Làng, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn năm 2003

    - Áo được làm bằng vải lon màu xanh xí lâm, cổ tròn, thân dài, vạt cài chéo từ cổ sang nách và 2 bên sườn, xẻ tà 2 bên. Viền cổ, tay và các chỗ cài áo bằng vải đỏ, áo được cài bởi những cái dây làm bằng vải đỏ. phía trước ngực áo đính một miếng vải thêu tay hình vuông 20 x 20cm thêu hình đôi chim, giữa có hình chữ nhật. Phía sau lưng áo đính một miếng vải thêu tay đính kim sa hình ngựa cách điệu, hai góc phía trên có 2 chữ hán Nhật và Nguyệt ở hai bên. Kích thước áo dài 100cm, rộng 75cm, dài tay 70cm.

    - Mũ hình bán cầu, có 2 nửa dưới màu đen, trên màu đỏ. Chóp mũ có 1 chiếc khuy bọc vải, vành mũ lượn sóng 2 mặt, vành mũ thêu tay hình rồng, phượng chầu biểu tượng mặt trời có viết các chữ Nho. Mũ có kích thước rộng 28cm, cao 17cm

  • Cào cỏ 2

    Cào cỏ là dụng cụ dùng để diệt trừ cỏ thủ công  được sử dụng phổ biến trong các hợp tác xã của thời kỳ bao cấp. Dụng cụ làm cỏ được rèn bằng sắt, gồm 2 phần thân và cán. Phần thân gồm 2 lưỡi cào có hình xoắn được gắn vào 2 trục quay tròn. Phần cán được gắn với thân bằng 2 thanh gỗ dẹt và nối cố định giữa 2 thanh là các thanh gỗ ngắn, phía trên có tay cầm. Kích thước dài 1,5m rộng 18cm. Hiện vật sưu tầm tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, sử dụng từ những năm 1960 – 1985.

  • Nỏ báng thẳng

    Nỏ báng thẳng  là công cụ săn bắn của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn. Nỏ được làm bằng gỗ, báng  thẳng dài 105cm, dày 5cm cánh nỏ là một thanh gỗ thẳng, được xuyên qua thân nỏ thành 2 phần bằng nhau, lẫy nỏ đặt ở gần phần báng súng. Khi bắn, người ta lắp mũi tên vào lẫy nỏ và dùng lực kéo và phóng mũi tên  trúng mục tiêu. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý - Bắc Sơn năm 1990.

  • Cồng
  • Dân tộc Dao
  • Dân tộc Nùng
  • Dân tộc Tày
  • Vải tơ tằm

    Vải tơ tằm của đồng bào dân tộc Tày tự dệt để may quần áo. Vải dệt đan kiểu sổ dọc và ngang, vải dệt thưa có độ cứng, màu vàng nhạt. Kích thước: Dài 640 cm,  Rộng 35 cm. Hiện vật sưu tầm tại thôn Đông Đằng, xã Bắc Sơn - Bắc Sơn, năm 1987

                              

     

  • Vải kẻ caro
  • Vải chàm

    Vải chàm của đồng bào dân tộc tự dệt để may trang phục cá nhân. Vải thô nhuộm chàm màu đen, khổ vải nhỏ, kích thước Rộng  38 cm, Dài 750cm.

                              

  • Mõ trâu

    Mõ trâu là vật dụng được dùng khá phổ biến của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn. Mõ là dụng cụ phát ra âm thanh được đeo vào cổ con trâu khi chăn thả để xác định vị trí. Mõ làm từ thân cây tre gai già, mỗi cái mõ là một ống tre, được khoét ¼ dọc theo ống tre rộng khoảng 5cm.   Trên thân có 2 tai  dài từ  3,5 – 6cm  rộng khoảng 4-6cm và đục 2 lỗ để xỏ dây qua buộc vào cổ trâu. Bên trong ống tre dùng thanh sắt nhỏ hoặc thanh gỗ nhỏ xuyên cố định 2 -3 đầu  mẩu gỗ nhỏ ở giữa, khi trâu di chuyển đuôi mẩu gỗ va chạm với ống tre  tạo ra âm thanh.

  • Cào cỏ

    Cào cỏ tiếng dân tộc gọi là (Mạc cầu) - dụng cụ lao động sản xuất bà con dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn dùng để làm cỏ lúa, tra đỗ. Chiếc cào có dáng uốn cong hình móc câu, lưỡi có kích thước nhỏ, mũi cào cắt thuôn nhọn, lưỡi cào không có răng cưa, có chuôi và tra cán bằng gỗ. Kích thước dài 90cm, lưỡi rộng 7cm. Là dụng cụ  nông nghiệp thiết yếu của bà con dân tộc Tày Nùng Lạng Sơn. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Nà Giá, xã Vũ Sơn - Bắc Sơn năm 1990.

  • Đó bắt cá

    Đó - là dụng cụ dùng để bắt cá theo kiểu truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Đó được chế tác bằng các nan tre đan vào nhau, có hình dáng như một chiếc phễu, loe rộng ở phần miệng, phần cổ thắt lại, phần thân phình rộng và hơi thắt lại ở phần đáy, các nan tre được đan song song và đan kết hợp với các nan tre ngang tạo thành các ô hình chữ nhật. Miệng đó loe rộng được cạp bởi một cật tre dầy bản, hom rút sâu vào phía trong để ngăn không cho cá ra ngoài. Kích thước dài 72cm, đường kính miệng 7cm, đường kính đáy 21cm.

    Hiện vật sưu tầm tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn sử dụng trong những năm 1985-2000.

  • Khung cửi dệt vải

    Khung dệt vải thủ công của phụ nữ dân tộc Nùng Phàn Slình  ở xã Hoà Cư  - Cao Lộc thường dùng để dệt vải. Hiện vật có dạng hình hộp chữ nhật, có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    -         Khung làm bằng gỗ

    -         Trục để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng. mịn

    -         Phưm giống như một chiếc lược chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang cho mặt vải mịn.

    -         Go dùng để chỉnh sợi vải

    -         Bàn đạp

    -         Thanh ngang sợi vải

    Kích thước: Dài 1m 20, cao toàn bộ 1m70, Rộng 63cm, Cao khung dệt 1m18

    Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng – xã Hoà Cư - Cao Lộc, năm 2001

     

  • Sản phẩm dệt truyền thống của dân tộc Nùng

    Vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn dệt để dùng trong sinh hoạt. Vải dệt nền đen có các sọc  ngang nhỏ màu trắng, đỏ xen kẽ.  Một đầu mảnh vải có nền vải trắng to khoảng 5 cm. Mảnh vải có khổ nhỏ. Kích thước: Rộng 40cm, Dài 150cm  (SĐK 232)

    Khăn thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn sử dụng hàng ngày. Khăn hình chữ nhật, hai bên mép phía ngoài của khăn là các đường kẻ sọc xanh, đỏ, tím vàng... Ở khoảng giữa dệt thành các hình học hoa lá, mặt trời cách điệu đan chen nhau. Tất cả đều trang trí theo kiểu dàn hàng ngang. Kích thước: Rộng 28 cm, Dài 128cm. Hiện vật sưu tầm năm 1987 (Sđk 198)

    Vải thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Nùng Phàn Slinh, ở xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc tự dệt thủ công, dùng làm khăn đội đầu. Hiện vật có hình chữ nhật, được bố trí các sọc đen ( 1,4 cm ) trắng ( 0,4 cm ) xen kễ nhau theo chiều ngang. Cứ cách khoảng 8 cm, ở chính giữa sọc vải đen lại có một đường chỉ màu dệt xen kẽ bằng chỉ màu xanh, đỏ... Kích thước: Dài 276cm, Rộng 29cm. Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng, xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc , năm

    2001.(Sđk 524)

     

  • Túi thêu

    Túi thêu của đồng bào dân tộc Nùng Lạng Sơn. Túi hình vuông, nền đen. Ở giữa túi thêu hoa văn hình tròn bằng chỉ xanh, đỏ, trắng xen kẽ tạo thành hình mặt trời, chính giữa có hình bông hoa hồi. Hai góc túi  thêu hình vòng cung, bên trong có hình bông hoa. Miệng túi có 4 đường hoa văn xen kẽ nhau. Đáy túi có 2 tua dài, bên cạnh túi có các tua ngắn hơn. Dây đeo được dệt màu xanh, trắng, đỏ. ( Túi 223A,B )

    Túi thêu của đồng bào dân tộc Nùng Lạng Sơn. Túi có  hình gần vuông, 3 ngăn; 1 ngăn giữa và 2 ngăn bên. Mép các ngăn túi thêu các hoạ tiết hình tam giác ( răng cưa). Chính giưũa hai bên túi thêu hình mặt trời ( tròn) cách điệu. Hai góc túi thêu trang trí 1/4 đường tròn. Quoi túi được kết bằng vải đỏ và dây dù từ hai góc túi. Hiện vật sưu tầm  ở thôn Tằm Riềng, xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc, năm 2001. ( Túi 525/1 )

     

  • Gối thêu

    Gối là đồ dùng sinh hoạt cá nhân của đồng bào dân tộc Tày, huyện Bình Gia dùng để đệm đầu  ngủ. Gối có hình hộp chữ nhật, hai đáy vuông, 4 mặt xung quanh may bằng vải valyde hoa nền đỏ. Ở hai đầu thêu trang trí bằng chỉ màu hình chữ thập - giữa hai cạnh là hình chữ " vạn"  cách

    điệu. kích thước: Dài 30cm, Rộng 10cm, Cao 10cm. Gối vải của người Tày huyện Bình Gia - Lạng Sơn. Hiện vật sưu tầm tại  thôn Thuần Như, xã Hoàng Văn Thụ - huyện Bình Gia.

     

  • Dụng cụ cán bông quay tay (BTLS 268)

    Đây là loại máy cán bông thủ công, dùng trong các gia đình của đồng bào dân tộc Nùng Lạng Sơn dùng để cán bông dệt vải loại bỏ hạt bông. Máy cán bông được làm bằng gỗ, máy gồm hai bộ phận chính

    -         bộ phận chứa bông ( đổ bông vào để cán ):  là 1 miếng ván khá rộng (để bông được cán nhỏ không lẫn hạt)

    -          bộ phận quay tay gồm 2 thanh gỗ tròn, 1 đầu của 2 thanh gỗ có cách rãnh để khi quay các rãnh khớp với nhau, 1 đầu của 1 thanh gỗ dài hơn để làm tay cầm khi quay.

    Kích thước: chân máy 40cm, thân rộng 25cm, cao 50cm . Hiện vật sưu tầm của ông Hoàng Văn Coóc ở Bản Quần, xã Quang Trung - Bình Gia, ngày 3/3/1987

     

  • Giá đựng ống sợi vải

    Giá đựng ống sợi dùng để cắm ống sợi trong quá trình dệt vải. Hiện vật được làm bằng gỗ theo lối  thủ công. Hiện vật là khuy gỗ hình hộp chữ nhật. Hai bên có 10 lỗ khoan nhỏ cách đều nhau ( mỗi bên có 5 lỗ ) để xiên các thanh tre tròn nhỏ qua các ống tre cuốn sợi. Phía trên có giá dùng để xách. Kích thước: Dài 52cm, Rộng 26cm, Cao 37,5cm . Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng – xã Hoà Cư - Cao Lộc, năm 2001.

  • Xa quay sợi

    Xa quay sợi dùng để se bông thành sợi trong quá trình dệt vải của phụ nữ dân tộc Nùng Lạng Sơn. Xa quay sợi  được chế tác bằng gỗ. Gồm 2 bộ phận chính:    Giá đỡ tạo bởi các thanh gỗ chắc chẵn lắp ghép theo chiều ngang và trục thẳng đứng; Bộ phận xa quay ( chuyển động theo hình

    tròn ) bằng những thanh gỗ mỏng bằng nhau kết nối bằng dây thành hình tròn quay quanh trục. Kích thước: Dài 87cm, Rộng 42cm, Cao 68,5 cm . Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng – xã Hoà Cư - Cao Lộc, năm 2001.

     

  • Guồng cuốn sợi

    Guồng cuốn sợi là hiện vật dùng để cuốn  sợi trong quá trình dệt vải của phụ nữ dân tộc Nùng Phàn Slình  ở Hoà Cư  - Cao Lộc. Guồng cuốn sợi gồm 2 bộ phận chính:

    - Giá đỡ bằng gỗ được tạo bởi chân đế hình chữ thập và giá đỡ đóng theo chiều thẳng đứng.

    - Bộ phận cuốn sợi gồm 8 thanh tre mỏng đóng thành hình chữ thập chia thành 2 cặp đối nhau, quay quanh trục gắn trên giá đỡ. Kích thước: Dài 37cm, Rộng 10cm và 31cm. Cao 55cm . Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng – xã Hoà Cư - Cao Lộc, năm 2001.

     

  • Còm lót đồ đựng kim chỉ

    Còm lót là hiện vật đan bằng tre, dụng cụ đựng kim chỉ của phụ nữ  dân tộc Nùng.  Còm lót có đáy vuông, thân và miệng tròn, nắp đạy miệng tròn, bắt 4 góc vuông. Toàn bộ phía ngoài của hiện vật được trang trí bằng các hoa văn hình vuông, bố trí theo kiểu vuông ở đáy, nắp và băng dài ở thân.

    Thông thường Còm lót do các chàng trai đan tặng  người yêu để bày tỏ tình cảm, vì vậy ngoài giá trị thẩm mỹ về văn hóa dân tộc , hiện vật còn phản ánh nét độc đáo, nét đẹp trong đời sống tình cảm của nam nữ dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Hiện vật sưu tầm tại Thôn Tằm Riềng, xã Hoà Cư - Cao Lộc. Năm 2001

     

  • Háp lỳ đồ đựng con bông dệt vải

    Háp lỳ là hiện vật đan bằng tre, dụng cụ đựng con bông của phụ nữ  dân tộc Nùng trong quá trình  xe sợi, dệt vải. Háp lỳ có hình bầu dục dài, các góc ở nắp được bắt vuông. Bên trong để trơn không trang trí. Riêng phần nắp thường ghi tên, ngày, tháng, năm tặng. Toàn bộ vỏ ngoài được sơn nền vàng đậm, trang trí môtíp hoa văn hình vuông  sơn màu đen, đỏ và viền quanh bằng các đường diềm gạch chéo.  Thông thường Háp lỳ do các chàng trai đan tặng  người yêu để bày tỏ tình cảm, vì vậy ngoài giá trị thẩm mỹ về văn hóa dân tộc , hiện vật còn phản ánh nét độc đáo, nét đẹp trong đời sống tình cảm của nam nữ dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Hiện vật sưu tầm tại thôn Tằm Riềng, xã Hoà Cư - Cao Lộc. Năm 2001

     

  • Choóng đồ đựng quần áo của cô dâu dân tộc Nùng

    Choóng  dùng để đựng đồ cưới của cô dâu dân tộc Nùng khi về nhà chống. Choóng đan bằng nan tre cứng. Đáy bắt 4 góc vuông, thân khum và miệng tròn. Nắp choóng có miệng tròn khớp với miệng thân, đáy nắp cũng bắt 4 góc vuông. Phía ngoài của choóng quét một lớp sơn nền màu vàng. Đáy, miệng của choóng đều có các đường viền màu đỏ, đen. Phần giữa thân và mặt trên của nắp có trang trí các ô hoa văn hình vuông phối màu đen, đỏ rất hài hoà đẹp mắt. đường kính  miệng: 35 cm; Đáy: 40 x 40 cm; Nắp: 25 x 25 cm. Hiện vật sưu tầm ở Bản Quần, xã Quang Trung - Bình Gia, ngày 3/3/1987

    Choóng dùng để đựng đồ cưới của cô dâu Nùng khi về nhà chồng . Chóong được đan bằng nan tre mỏng có đáy vuông, thân và miệng tròn, mặt trên của nắp vuông. Toàn thân sơn nền vàng có trang trí các mô típ hoa văn ô vuông và gạch chéo, sơn màu đỏ đen. Đường kính miệng 39cm,kích thước đáy 40 x 42cm, cao 39cm . Hiện vật sưu tầm thôn Tằm Riềng- Hoà Cư - Cao Lộc, ngày 20/12/2001.

     

  • Trang phục nữ dân tộc Nùng cúm cọt

    Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Nùng Cúm Cọt gồm: 2 áo ( áo mặc trong, áo ngoài), quần và khăn đội đầu

    - Áo: may bằng chàm đen là loại áo 5 thân, cài khuy chéo. Áo may theo kiểu " thượng thu hạ thách ". Phần gấu áo xoè rộng, hơi lượn tròn nách. Cổ áo khâu, tết chỉ màu. Mép tay áo có các đường viền bằng vải đỏ, trắng, khâu chỉ màu. Áo trắng mặc bên trong may bằng bằng vải mộc màu trắng ngà.

    - Quần: May bằng vải chàm đen theo kiểu ghép nối vải thành quần chân què, cạp lá toạ.

    - Khăn đội đầu: được dệt thủ công, khăn   có hình chữ nhật, được bố trí các sọc đen - trắng xen kẽ nhau theo chiều ngang. Ở  chính giữa sọc vải đen lại có một đường chỉ màu dệt xen kẽ bằng chỉ màu xanh, đỏ... Kích thước khăn: Dài 276cm, Rộng 29cm.

    Hiện vật sưu tầm ở xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

    .

     

  • Trang phục nam dân tộc Nùng cúm cọt

    Bộ trang phục truyền thống của nam dân tộc Nùng Cúm Cọt gồm: 2 áo ( áo mặc trong, áo ngoài) và quần

    -  Áo trong: May bằng vải xanh sí lâm, có 4 túi. Gấu áo, túi và vai áo thêu đặc hoa văn ( hoa lá dây ). Cổ và nách áo có các tua chỉ màu vàng chanh.

    - Áo ngoài:  may bằng vải chàm, cổ 3 phân, cài cúc giữa, khuy tết bằng vải, có 4 túi. các đường chỉ may nổi bằng  chỉ trắng. khi mặc không cài cúc, để khoe phần thêu trang trí của áo mặc trong

    - Quần: May theo kiểu chân què, cạp lá toạ cạp bằng vải mộc trắng.

    Hiện vật sưu tầm ở xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc,tỉnh Lạng Sơn.

  • Trang phục nữ dân tộc Nùng cháo

    Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Nùng Cháo huyện Bắc Sơn gồm: áo, quần

     -  Áo: dài đến đầu gối và rộng, cổ tròn cài cúc chéo từ cổ xuống nách và cài cạnh sườn. 2 chiếc cúc chéo (ở cổ và gần vai) bằng 2 đồng cent Pháp năm 1923, cúc ở nách bằng vải, tay liền, cổ trong đáp vải trắng, có thêu chỉ màu, tà áo đính chỉ màu xanh đỏ, nẹp tay rộng.

    - Quần: Ống quần may ngắn, rộng, cạp đáp bằng vải xanh cửu long có chiều  rộng 6 cm   

    Hiện vật được sưu tầm tại thôn  Nà Tèng, xã Vạn Thuỷ, huyện Bắc Sơn

     

  • Trang phục nữ dân tộc Sán chay
  • Trang phục nữ dân tộc Tày

    Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày mang những nét đặc trưng riêng và đã tồn tại từ rất lâu đời, trước đây trang phục dân tộc Tày gắn bó trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày của người dân, bộ trang phục bao gồm: Áo, quần, thắt lưng, khăn

    + Áo dài năm thân (sửa lỳ): Áo được may từ loại vải bông nhuộm chàm, cổ áo đứng, tròn, thấp, khuy cài chéo sang nách phải. Đối với loại áo dài, tà áo được xẻ cao đến tận hông, thuận tiện cho việc đi lại, gấu áo dài quá gối.

    + Quần: Quần của phụ nữ Tày Lạng Sơn được may bằng vải bông nhuộm chàm, dài chấm gót. Cạp quần  may kiểu lá tọa, khi mặc dùng dây vải thắt phủ ra ngoài.

    + Thắt lưng: được may bằng vải bông nhuộm chàm, kích thước: dài 352cm;    rộng 33cm. Thắt lưng dùng để buộc ra ngoài áo dài, để xõa hai đầu thắt vải ra phía sau.

    + Khăn: gồm có khăn vấn tóc và khăn đội đầu. Khăn vấn tóc dùng để bó lọn tóc vào trong khăn rồi vấn quanh đầu. Sau đó dùng khăn vuông gấp chéo lại để đội ra bên ngoài, thắt mũi khăn về phía sau.

    Hiện vật được sưu tầm tại thôn Đông Đằng - xã Bắc Sơn- huyện Bắc Sơn.

  • Trang phục nữ dân tộc Dao Đỏ (áo, yếm, quần, thắt lưng, đai bụng, khăn, mũ)

    Bộ trang phục truyền thống nữ dân tộc Dao đỏ được cắt may thủ công, khâu tay, gồm: Áo, quần, yếm, dây lưng, đai bụng, khăn đóng và mũ

    - Áo: Được làm bằng vải màu đen, chiều dài áo đến ngang ống chân, áo cổ liền, hai bên nẹp áo, trước ngực được trang trí bằng  mảnh dệt thổ cẩm nhiều hoa văn họa tiết và gắn những quả bông được làm bằng len đỏ có đường kính từ 4-5cm. Dọc hai bên tà áo được gắn bằng  một đoạn chỉ dệt màu đỏ dài 15cm. Ống tay áo phía trong được nẹp bằng hai màu vải chàm và trắng. 

    - Yếm: Được làm bằng vải màu đen, cổ làm bằng vải các màu (xanh sí lâm, trắng, đỏ) may trồng lên nhau, quanh cổ và trước ngực, sau lưng được may đáp bằng vải đỏ dọc theo yến và viền bằng vải các màu. Phía sau gấu yếm được trang trí bằng một dây thổ cẩm có đính tua rua hạt cườm nhiều màu sắc ngang theo gấu.  Yếm mặc trong áo dài.

    - Quần: Được làm bằng vải màu đen, cạp nẹp  vải hoa sim, nửa dưới của ống quần được thêu các hình chữ “vạn”, cây thông,  hình vuông, hình chữ nhật  bằng chỉ màu rực rỡ (trắng, đỏ, cam). Gấu quần được thêu chỉ màu cốm.

    - Dây lưng: bằng vải chàm, dài cuốn từ 3 đến 4 vòng và buộc phía sau,  hai đầu dây lưng thêu sặc sỡ.

    - Đai bụng: Được làm bằng len và hạt cườm, gắn với mảnh dây màu cốm thêu họa tiết hoa văn trang trí. Đai bụng phía trước là len màu tím cẩm, được xâu với những hạt cườm kết lại thành tấm che trước bụng.

    - Khăn đóng: được làm bằng mảnh vải chàm, rộng 32cm; dài 3,10m. Không trang trí hoa văn, họa tiết.

    - Mũ: Hình tròn đường kính 29cm, tua len dài 83cm. Mũ được cuốn tròn, cốt mũ được bọc bằng lớp vải nhung đen, trên đỉnh mũ được gắn với một mảnh khăn thêu họa tiết hình vuông, phía ngoài cùng mũ được bao quanh là tấm vải viền thêu trang trí bằng các họa tiết hoa văn màu rực rỡ. Tua len màu đỏ được nối với các dây hạt cườm gắn với mũ.

    Hiện vật được sưu tầm tại thôn Hợp Thành, xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, bộ trang phục may năm 1950.

  • Trang phục dân tộc cô dâu Dao Lôgang

    Bộ trang phục truyền thống nữ dân tộc Dao Lô Gang được cắt may thủ công, khâu tay, gồm: Áo, quần, yếm, thắt lưng, mũ xếp, khăn đội đầu, khăn quàng cổ, dây cườm mũ, dây cườm cổ và xà cạp

    -Áo: Dài gần đến gối, mép áo ở hai bên tà được thêu các họa tiết hoa văn, lưng và gấu áo thêu hình cây, lá cách điệu, lưng áo đính tua rua nhỏ. Kích thước: Dài 113 cm . Rộng: 57 cm . Dài tay: 38 cm

    - Quần: May kiểu thông thường, đáp cạp, phía dưới gấu quần thêu hình cây, lá. Kích thước: Dài: 89 cm. Rộng: 22 cm.

    - Yếm: Hình thoi có 4 dây buộc, chính giữa thêu hoa văn, đính 4 ngôi sao 8 cánh bằng nhôm  mỏng chạm hoa văn. Dài: 35 cm. Rộng: 35 cm

    - Thắt lưng: may bằng vải mộc trắng, hai đầu thêu hoa văn lá cây bằng chỉ đỏ đen. Dài: 275 cm. Rộng: 35 cm

    - Mũ xếp: Gồm 20 lớp vải chàm, mép viền đỏ, xếp chồng lên nhau, ghim liền nhau bằng các que tre nhỏ. Dài: 31 cm Rộng: 20 cm

    - Khăn đội đầu: Hình chữ nhật, 3 lớp vải chàm, xung quanh các lớp vải đáp vải chéo Trung Quốc, mép viền vải vàng đỏ. Miếng vải giữa thêu hoa văn, chính giữa có một ngôi sao 8 cánh bằng bạc và những hạt cườm đính tua len tròn. 4 góc có 4 tua vải hoa đỏ, đầu các góc có 1 đồng xu. Kích thước Dài: 60 cm. Rộng: 40 cm

    - Khăn quàng cổ: Làm bằng vải mộc trắng hai đầu thêu hoa văn lá cây bằng chỉ đỏ đen . Kích thước Dài: 60 cm. Rộng: 40 cm

    - Dây cườm mũ: Kết bằng hạt nhựa nhỏ có màu đỏ, vàng dài 30cm.

    - Dây cườm cổ : Kết bằng hạt nhựa có các tua len và một chùm que xương khắc trang trí hình tròn đồng tâm dài 50cm.

    - Xà cạp: Làm bằng vải chàm hình tam giác, dây buộc thêu hoa văn. Kích thước Dài : 102 cm. Rộng: 31 cm

    Hiện vật được sưu tầm  tại thôn Nóc Mò, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

  • Trang phục nam dân tộc Dao Lôgang

     Bộ trang phục truyền thống nam dân tộc Dao Lô Gang, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc được cắt may thủ công, khâu tay, gồm: Áo, quần và mũ

    - Áo: Được làm bằng vải thô đen, cổ nẹp vải cùng màu cao 04 phân, áo được thêu hoa văn trang trí bằng các đường kỷ hà (hình học) hình gấp khúc, zích zắc, hình thoi, hình cây cỏ cách điệu bằng len nhiều màu sắc (màu xanh, cam, vàng). Hai bên tay áo được thêu gần hết đến cổ tay. Mặt trước có bốn túi, trên mỗi túi được thêu hai hình sao tám cánh. Miệng túi, gấu áo, cổ tay được viền một dây băng có hình những bông hoa cúc nhỏ. Xung quanh túi được trang trí bằng đường diềm tua len. Từ vai áo kéo xuống cổ và hai bên nẹp áo được đính các tua trang trí. Toàn bộ phía sau lưng áo được thêu trang trí họa tiết hoa văn.

    - Quần: Cắt may theo kiểu quần chân què, đáp cạp lá tọa cao 08cm, không chun. Được thêu trang trí hoa văn cách điệu hình vuông ở hai bên cạch ống quần.

    - Mũ: Cốt mũ được cuốn bằng vải đen phủ vải nhung đen, phía bên ngoài được thêu viền bằng các dây ngang trang trí nhiều màu sắc đỏ, cam, xanh, vàng. Phía trước và phía sau của mũ được gắn hai mảnh vải thêu cây cỏ cách điệu, phía dưới thêu các đường băng ngang trang trí họa tiết hoa văn. Phía sau mũ được gắn thêm các trùm tua rua bằng len nhiều màu.

     

  • Trang phục nữ dân tộc Mông Trắng

    Trang phục truyền thống phụ nữ dân tộc Mông trắng được cắt may thủ công, khâu tay, gồm: Áo, váy, khăn quấn đầu, khăn vuông đội đầu, tạp dề, thắt lưng, xà cạp

    - Áo có dạng xẻ ngực, không cài khuy, lá cổ phía sau gáy có hình chữ nhật - trang trí viền vải các màu, hoa văn hình vuông bằng chỉ ngũ sắc. Đường viền cổ áo và nẹp hai thân trước trang trí bằng cách viền vải các màu và vải phin hoa. Ống tay áo trang trí những đường vằn ngang từ nách đến cửa tay. Gấu áo không khâu, gấu thân trước dài hơn thân sau 9 cm. Phía sau thân áo khâu đáp một miếng vải lót. Dài trước 52 cm; Dài sau 47 cm. Dài tay 38 cm. Rộng thân 57 cm.

    - Váy được may thủ công bằng vải lanh thô nhuộm chàm, có dạng hình nón cụt. là loại váy kín, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn. Kích thước: Dài  váy 72 cm; Rộng cạp 72 cm

    - Khăn đội đầu  hình vuông, được dệt bằng sợi bông theo hình kẻ màu hồng pha trắng, đen, xanh. Ở 4 góc vuông dệt hình 4 bông hoa lá, diềm khăn có tua rua bằng sợi vải. Kích thước của khăn 60 x 60 cm.

    - Khăn quấn đầu được làm từ một mảnh vải dài gấp lại, hình kẻ caro màu đen trắng. ở hai đầu khăn có dây tua rua được làm từ chính sợi vải dệt khăn. Khăn thường được dùng  để quấn quanh đầu. Dài 2,72 cm. Rộng 4,5 cm

    - Tạp dề được may bằng vải màu đen, có 2 lớp, có cạp và 2 quai dài dùng để buộc. Tạp dề thường được mang trước bụng hoặc sau mông phủ xuống chân. Tạp dề thường được mặc ở  trong váy để che đoạn nối của váy xòe. Kích thước: Dài 64 cm; Rộng 34 cm.

    - Thắt lưng là một đoạn vải dài được khâu từ các mảnh vải thổ cẩm nhỏ ghép lại. Đoạn giữa thắt lưng được nối bởi một đoạn dây bằng vải hoa dài 15 cm. Hai đầu của thắt lưng được khâu nối thêm hai đoạn dây màu xanh dùng để buộc. Kích thước: Dài 100 cm. Rộng 9 cm

    - Xà cạp làm bằng vải lanh nhuộm chàm, có hình tam giác. Một cạnh dài của xà cạp là biên vải  không khâu viền, hai cạnh bên khâu viền chỉ màu xanh. Dây buộc xà cạp bằng chất liệu vải dù, có màu trắng điểm xanh. Kích thước: Dài 1,3 m. Rộng 35 cm. Dây dài 3,08m

    Bộ trang phục được sưu tầm xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

  • Tù và bằng vỏ ốc biển

    Tù và làm bằng vỏ ốc biển  là một loại kèn hiệu của đồng bào dân tộc  Tày - Nùng tỉnh Lạng Sơn thường sử dụng khi triệu tập dân làng hay báo động khi đi săn, có trộm, cướp. Tù và bằng vỏ ốc biển, có kích thước to bằng nắm tay được mài trôn theo chiều thẳng đứng tạo thành lỗ thủng có đường kính 1 cm. Do cấu tạo xoắn tự nhiên của thân ốc, thêm lỗ nhân tạo ở trôn, hơi thổi con ốc vào sẽ tạo nên âm thanh to nhỏ tuỳ theo độ dài và mạnh của hơi. Kèn có màu vàng nâu, kích thước dài: 28 cm

  • Cờ xiêng tâng

    Cờ xiên tâng được các thầy Mo  dân tộc Tày, Nùng  sử dụng khi hành lễ trong đám ma với ý nghĩa xua đuổi tà ma. Cờ có hình tam giác, nền vàng, 3 cạnh được may viền bằng vải hoa, hai cạnh có tua hình vây cá, 1 cạnh may thành ống để xỏ cán. Giữa cờ vẽ hình rồng, hình chim và hình chữ nho. Kích thước 34,5 x 64 x 70cm .

  • Kiếm

    Kiếm được làm bằng hợp kim, chuôi kiếm có hình tròn, phía trong là gỗ bọc ngoài bằng hợp kim nhôm màu trắng bạc, chắn tay hơi giống hình chữ S. Lưỡi kiếm thon dài, giữa dày, mỏng dần về 2 phía rìa cạnh, Kiếm màu nâu xám, mũi nhọn. Chỗ chắn tay buộc 1 sợi dây bằng vải đỏ. kích thước dài 43cm, rộng chắn tay 13cm

  • Ống bút

    - Ống đựng bút được làm bằng một đốt tre tròn, có màu nâu đen, lấy mấu đốt tre làm đáy ống và đầu ống, đầu ống được cưa rời ra làm nắp, đoạn miệng ống bút được đẽo nhỏ vào để tra vừa nắp ống. kích thước dài 28cm, đường kính 3,8cm.

  • Nghiên mực, bút

    - Nghiên mực được thầy Mo dùng đựng mực để viết khi làm lễ. Nghiên mực làm bằng đá, hình bầu dục màu đen, ở giữa mặt trên khoét một lỗ tròn để đổ mực, mặt sần sùi. Mặt dưới đề bằng nhẵn. kích thước dài 10,5cm, rộng 8cm, dày 1cm.

    - Bút  được thầy Mo  dùng để viết khi làm lễ. Bút được làm bằng một đốt trúc nhỏ, màu nâu đen, thân tròn, đầu bút được bịt kín. Ngòi bút được gắn lông để khi chấm vào mực tàu viết thành các nét chữ. kích thước dài 24cm, đường kính 0,8cm.

  • Qủe âm dương

    Quẻ âm dương gồm hai  mảnh gỗ được  làm từ một nửa khúc gỗ nhỏ, màu nâu hồng, mặt dưới bằng, mặt trên hơi khum, một đầu to hơn và thuôn nhỏ dần về đầu bên kia. Kích thước dài 9cm, rộng 2,5cm, dày 1,8 cm.

  • Con dấu

    - Con dấu được  làm từ một mảnh gỗ liền, có dạng hình chữ nhật, mặt dấu khắc chữ Triện có núm cầm tay hình chữ nhật. kích thước 5cm x 4.5 cm; cao 2,8 cm, dày 1,8cm

    - Hộp dấu làm từ một khúc gỗ hình chữ nhật (hơi vuông) ở giữa khoét rỗng hình chữ nhật, vừa đủ để đặt con dấu vào trong. kích thước 6,5cm x 7,5cm; cao 5cm

    - Nắp dấu làm từ mảnh gỗ hình chữ nhật,ở giữa nắp đẽo hình vuông, vát 4 cạnh về đế nắp. kích thước 6cm x 7cm; dày 2cm

  • Slình cảo (ở kho sẩu cản)
  • Chuông hành lễ

    Chuông là đồ hành lễ của thầy mo được sử dụng trong khi làm lễ đám ma, cấp sắc, sinh nhật, chuộc hồn và tạ ơn thánh mụ... Đây là hiện vật thuộc loại hình tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn.  Chuông  hành lễ  được đúc bằng đồng, có nhiều chiếc và có hình dáng, kích thước khác nhau, cụ thể:

    - Chuông  màu xám đen, miệng tròn, trong lòng có quả lắc, 2 đầu lỗ chốt bằng ống nhôm, quai được tết bằng dây thép, đường kính miệng 6cm, cao 11cm

    - Chuông có miệng tròn loe, quai hình trụ đúc liền với chuông, có 2 lỗ chốt ở 2 bên để xỏ dây treo, thân trang trí hoa văn chấm giải, cánh sen và hình sâu mực, đường kính miệng 8,5cm, cao 9cm

    - Chuông màu xám đen, miệng tròn loe, trang trí các đường chỉ chìm song song ở vai và thân. Đỉnh chuông có một lỗ nhỏ để xỏ dây, đường kính miệng 6,5cm, cao 9,5cm

    -  Chuông màu vàng xám, miệng tròn, loe. Quai đúc liền hình cánh hoa và 1 lỗ nhỏ để xỏ dây, thân và miệng trang trí đường chỉ chìm, đường kính miệng 8,4cm, cao 12cm

    - Chuông màu xám đen, miệng tròn hơi loe, quai đúc liền hình bán khuyên, thân và miệng trang trí một đường chỉ chìm, đường kính miệng 6,5cm, cao 6cm

    Hiện vật sưu tầm tại xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003.

  • Sắc lệnh

    Sắc lệnh làm bằng một mảnh gỗ màu nâu hồng, có dạng hình chữ nhật bị khuyết một góc, để trơn không trang trí, kích thước dài 9,5 cm, rộng 4,5 cm, dày 1,8 cm.

  • Sách nho

    Bộ đồ hành lễ của thầy Mo dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn thường dùng khi hành lễ trong lễ đám ma, cấp sắc, tạ ơn thánh mụ. Bộ đồ hành lễ bao gồm các hiện vật: sách nho, sắc lệnh, slinh cảo, con dấu, quẻ âm dương, nghiên mực - bút, ống bút, kiếm, cờ xiêng tâng.  

    Hiện vật sưu tầm tại thôn Nà Làng, xã  Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003

    - Sách cúng là tài liệu viết bằng chữ Hán, dùng cho các thầy Mo học tập, nghiên cứu phương pháp làm lễ. Sách được làm từ giấy gió, có hình chữ nhật, bìa sách màu xám đen, các trang sách phía trong có màu ngả vàng, bìa mặt trước trang sách đã bị mất, sách được khâu bằng chỉ dù, chữ nho viết trên cả 2 mặt giấy. Sách có 2 quyển, Kích thước 24,5cm x 14cm, dày 1.5cm và 28cm x 12,5cm, dày 0.5 cm .

  • Áo thầy mo
  • Áo Thầy mo dân tộc Nùng

     Bộ áo tào côn là trang phục truyền thống của thầy Mo - thầy Tào dân tộc Tày, Nùng ở huyện Bình Gia, Bắc Sơn thường mặc khi hành lễ tang ma, cấp sắc.

    - Áo được làm bằng vải thô xanh xí lâm, cổ tròn, thân dài, xẻ tà, tay dài màu xanh xí lâm để trơn không trang trí, viền gấu, cổ tay và các chỗ cài áo được viền bằng vải lon đỏ. Hai tà áo phía trước thêu tay hình rồng, người, cua, cá và chữ nho. Áo không có khuy mà được buộc lại bằng các dây vải màu đỏ đính vào áo.

    - Mũ làm bằng vải lanh nền đen, viền đỏ, thêu tay hình chim phượng chầu biểu tượng mặt trời, có 4 chữ nho. Đỉnh mũ lượn hình sóng, có 2 quai bằng dây vải đỏ buộc phía sau đầu.

    Kích thước áo: dài 110cm, rộng 70cm. Mũ: dài 35,5 cm, cao 16,5 cm. Hiện vật sưu tầm tại thôn Nà Làng, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003

  • Kèn pílè

    Kèn pílè của đồng bào dân tộc Tày - Nùng là loại kèn dùng riêng trong các đám ma đưa tiễn người quá cố về nơi yên nghỉ cuối cùng. Kèn làm hoàn toàn bằng gỗ, loại gỗ tốt, được gọt rất công phu. Thân kèn hình ống đục 5 lỗ tròn kiểu lỗ sáo đều nhau. Miệng kèn loe hình phếu tiện thành 2 ngấn.  Kích thước kèn dài 40cm, Hiện vật sưu tầm tại huyện Bắc Sơn năm 1989

  • Tranh thờ dân tộc tày

    Tranh thờ của đồng bào dân tộc Tày được sử dụng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và nghi lễ tang ma. Đây là loại tranh dân gian được in bằng phương pháp khắc gỗ, chất liệu màu chủ yếu từ các nguyên liệu tự nhiên: đất đá, vỏ sò, rễ, vỏ cây. Bức "Sở Giang Nhị Điện" " là một trong những  bức tranh của bộ tranh thờ, tranh có kích thước 62cm x 130cm, tiêu đề của bức tranh được viết ở trên cùng bằng mực tàu với  dòng chữ  hán Sở Giang nhị điện, bên dưới là hình vẽ Sở Giang diêm vương ngồi sau bàn xử án, đầu chít khăn xanh, mặc áo long bào cầm bút phê vào sách hành quyết, đứng xung quanh là các quan lại, hầu cận, phía dưới là các nha lại, quỷ sứ đứng chờ lệnh. Dưới cùng là cảnh xử các tội đồ bằng nhiều hình thức như: lột mũ áo, từng người một đi qua cầu vồng, ai có tội liền bị xô xuống cầu, sau đó bị chém và đập chết. Hiện vật sưu tầm tại thôn Bản Mạ, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng năm 1999

    Bức tranh "Ngũ quan tứ  điện" là một trong những  bức tranh trong bộ tranh thờ  của đồng bào dân tộc Tày được sử dụng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và nghi lễ tang ma. Đây là loại tranh dân gian được in bằng phương pháp khắc gỗ, chất liệu màu chủ yếu từ các nguyên liệu tự nhiên: đất đá, vỏ sò, rễ, vỏ cây.  Bức tranh có kích thước 62cm x 120cm, tiêu đề của bức tranh được viết ở trên cùng bằng mực tàu với  dòng chữ  hán Ngũ quan tứ điện, bên dưới là hình vẽ ngũ quan diêm vương đầu đội mũ miện, áo long bào xám, 2 tay nâng hốt bạc ngồi trước bàn xử án, xung quanh là các quan lại, nam tào, bắc đẩu và người hầu, phía dưới là quan lại chờ lệnh và quỷ dương oai.  Dưới cùng là các tội đồ bị xử tội bằng nhiều hình thức như: đeo gông, cư người, cho vào cối giã. đập trùy.

  • Xóc nhạc

    Xóc nhạc là loại nhạc khí của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn. Xóc nhạc là loại nhạc đệm, thường kết hợp khi đánh đàn tính, nó làm tôn âm thanh của cây đàn tính. Xóc nhạc gồm 5 đoạn dây xích lồng vào một vòng  thép nhỏ, có 2 dây xích được treo 2 quả lắc chuông bằng đồng hình thoi nhỏ. kích thước dài 20cm, chất liệu thép - đồng

  • Đàn tính

    Đàn tính là loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Loại đàn này thường sử dụng đệm cho các bài hát dân ca, hát then của người Tày. Cấu tạo của đàn gồm 2 phần: bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nước, cần đàn làm bằng gỗ, thuôn dần, đầu cần đàn uốn cong hình  lưỡi liềm hoặc đầu rồng,  đầu phượng, Mặt cần đàn trơn, không có phím, đàn tính có 3 dây. Đàn có kích thước to, nhỏ khác nhau. Hiện vật sưu tầm tại thôn Pàn Pè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn năm 2003

  • Áo thầy mo – áo Tào côn

    Bộ áo tào côn là trang phục truyền thống của thầy Mo, thầy Tào dân tộc Nùng ở huyện Bình Gia, Bắc Sơn thường mặc khi hành lễ đám tang, cấp sắc phong. Áo được may bằng vải chàm đen và vải phin màu đỏ, cố chữ V, thân dài, xẻ tà cao, thân trước được chia làm 2 mảnh cài giữa, tay ngắn. viền gấu, cổ tay và chỗ cài áo được may bằng vải màu đỏ. Hai tà áo phía trước và phía sau thêu tay hình rồng, cá, người và ngựa cùng một số chữ Nho. Kích thước áo dài 114cm, rộng 66cm. Mũ rộng 30cm, cao 15cm.  Hiện vật sưu tầm tại xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003

  • Cày gỗ

    Cái cày dùng để cày ruộng canh tác theo phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Cày được đục đẽo từ thân cây gỗ, gồm hai bộ phận: thân cày làm bằng gỗ, lưỡi cày làm bằng gang có hình tam giác, nhọn dần về đầu lưỡi, kèm theo cày có một cái ách trâu để kéo. Kích thước dài 195cm, cao 58cm. Hiện vật  được sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003.

  • Bừa đôi

    Cái bừa dùng để bừa đất canh tác cây trồng của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Bừa được làm từ gỗ, tre, gồm hai phần: phần tay bừa được nối với phần răng bừa bằng 4 thanh gỗ. Phần răng bừa gồm có 17 cái làm bằng gỗ vót nhọn, các răng bừa được đóng vào một thanh gỗ to theo một khoảng cách nhất định. Nối với bừa được buộc bằng một sợi dây thừng  (hoặc dây rừng) dài khoảng 2m. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn.

  • Giáo săn thú

    Giáo là một trong những loại công cụ săn bắt của đồng bào dân tộc Tày - Nùng tỉnh Lạng Sơn. Cán giáo làm bằng gỗ tròn, dài 110cm, lưỡi giáo hình thuôn, mũi giáo sắc nhọn, dẹt.  Hiện vật được sưu tầm tại thôn Bắc Yếng, xã Đồng Ý, Bắc Sơn năm 1990.

  • Súng săn thú
  • Nỏ báng súng

    Nỏ báng súng là công cụ săn bắn của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn. Nỏ được làm bằng gỗ, thân nỏ có hình báng súng dài 110cm, cánh nỏ là một thanh gỗ tròn nhỏ, dài 100 cm được xuyên qua thân nỏ thành 2 phần bằng nhau, lẫy nỏ đặt ở gần phần báng súng. Khi bắn, người ta lắp mũi tên vào lẫy nỏ và dùng lực kéo làm mũi tên lao về phía trước trúng mục tiêu.

    Hiện vật được sưu tầm tại  thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, năm 1990.

  • Nơm úp cá - Giỏ đựng cá

    Cái nơm là dụng cụ dùng để úp cá của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Nơm được đan bằng  tre; có dạng hình chóp cụt, miệng nhỏ phình to dần về phía đáy; phía trên gần miệng đan trang trí hình quả trám bằng dây mây.  Kích thước đường kính miệng 17cm, đường kính đáy 47cm, cao 54cm. Hiện vật được sưu tầm tại xã Đồng Ý, huyện  Bắc Sơn năm 2003.

  • Bẫy thú

    Bẫy thú của đồng bào dân tộc Tày - Nùng tỉnh Lạng Sơn dùng để bắt các loài thú lớn. Bẫy gồm 2 phần: Phần dưới gồm hai nửa vòng sắt ghép kín nhau  làm giá đỡ  khi mở ngoàm bẫy và một vòng dây xích to để cố định bẫy trong khu vực đặt, phần trên là hai ngoàm sắt có răng cạp khớp nhau dựng lên một góc 60 độ. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Bắc Yếng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, năm 1980.

  • Vồ đập đất dụng cụ lao động của đồng bào dân tộc Tày Nùng

    Vồ đập đất là công cụ lao động phổ biến trong đời sống lao động sẳn xuất của nông dân miền núi. Vồ dùng để đập tơi đất ở các chân ruộng khô sau khi đã cày ải. Vồ được làm bằng gỗ, dáng hình chữ T gần giống với chày giã. Cán có độ dài vừa phải khoảng 80cm, thân vồ dài 50cm, đường kính thân 10cm, độ  nặng vừa sức người, đủ làm tơi đất.

  • Bấy bắt sâu

    Bẫy bắt sâu là đồ dùng phổ biến để bắt sâu bọ trong quá trình cấy trồng của đồng bào dân tộc Tày – Nùng Lạng Sơn. Bẫy bắt sâu được làm bằng gỗ hình dáng như chiếc ki hót, có nhiều nan  xếp gần sát và song song tạo thành rắng bẫy để vợt sâu, cán bằng cây song cong về phía cuối tay cầm. Kích thước cán dài 70cm, thân bẫy 20cm, rộng 20cm, cao 15cm.

  • Ống đựng tên

    Ống  đựng tên của đồng bào dân tộc miền núi Lạng Sơn dùng để đựng tên nỏ trong khi săn bắt thú rừng. Ống đựng tên được làm từ 1 đốt tre, đáy là phần cắt ngang đốt tre, ống dùng để đựng các mũi tên tre có 1 đầu vót nhọn dùng khi đi săn. Ống có màu nâu. Kích thước dài 30cm đường kính 5,0cm. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý - Bắc Sơn, năm 1990

  • Thuổng dụng cụ đào đất dân tộc Nùng

    Thuổng  là công cụ lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Tày - Nùng tỉnh Lạng Sơn. Thuổng làm bằng sắt, lưỡi hơi vát và sắc, có tra cán bằng gỗ. Kích thước hiện vật dài 18cm rộng 6,0cm. Hiện vật được sưu tầm tại  thôn An Ninh, xã Long Đống - Bắc Sơn năm 1987.

  • Cái giạ đồ dùng đựng rau quả dân tộc Tày
  • Mạc hép

    Mạc hép là dụng cụ cắt lúa nương của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn. Mạc hép có hình con cá hoặc hình bán nguyệt, chuôi bằng gỗ, phần giữa có khoan 1 lỗ nhỏ để luồn dây đeo. Giữa lưng hái đặt một thanh tre nhỏ, tròn vuông góc để làm cán cầm. Giữa bụng hái cắt một hình chữ nhật nhỏ để đặt lưỡi hái. Lưỡi hái bằng sắt sắc (kiểu lưỡi dao). Kích thước dài 15cm rộng 5,0cm. Hiện vật được sưu tầm  tại xã Vạn Thuỷ, huyện Bắc Sơn năm 1990.

  • Dao phát nương dân tộc Tày Nùng

    Dao là một loại vật dụng dùng để phát nương  của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng  Sơn. Dao có mũi bằng, chuôi làm bằng gỗ màu vàng, bóng  phần  đuôi hơi loe và cong. Dao thẳng thường có bao dao làm bằng gỗ, là loại dao chuyên dùng cho nam giới. Kích thước dài 45cm, rộng 6cm, dày 5mm. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Nà Cuốn, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, năm 1990

  • Liềm cắt lúa

    Liềm là một loại nông cụ dùng trong lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn. Liềm có cán bằng gỗ tra vào chuôi liềm bằng sắt, lưỡi liềm dài, nhỏ và cong dần về phía mũi, do đó thuận lợi cho việc gặt lúa, cắt cỏ. So với chiếc liềm ở miền xuôi thì liềm của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn có kích thước nhỏ, lưỡi có độ cong ít hơn. Kích thức liềm dài 35cm,  rộng 2,5cm. .

    Hiện vật được sưu tầm tại thôn Bản Rong, xã Đồng Ý - Bắc Sơn năm 1990

  • Dao nhọn

    Dao nhọn một trong các loại dao thường dùng trong đời sống lao động của các gia đình ở vùng núi Lạng Sơn. Tùy vào mục đích sử dụng mà dao nhọn có kích thước to nhỏ khác nhau. Dao có phần cán bằng gỗ tra vào chuôi  bằng sắt. Sống dao dày mỏng dần về phía lưỡi dao. Phần mũi dao thuôn  nhọn sắc, để đảm bảo an toàn phần lưỡi dao nhọn thường được tra vào bao dao.

    Có thể sử dụng dao để chặt đẽo, khi cần thiết có thể sử dụng bằng đầu nhọn của dao để cậy, khoét hay đào. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Nà Bao, xã Vũ Sơn - Bắc Sơn năm 1990.

  • Cuốc móc

    Cuốc móc là dụng cụ lao động của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn dùng làm cỏ lúa và bổ hố trồng trọt. Cán cuốc làm bằng gỗ, cán dài, tròn, dáng cán có hình chữ L. Lưỡi cuốc bằng kim loại, có bề mặt mỏng, sắc; lưỡi cuốc không thẳng mà có hình hơi cong khum hai bên cạnh, phần thân gần lưỡi cuốc phình to hơn so với phần trên gần chuôi.  Nhờ cấu tạo hình L và dáng của lưỡi cuốc mà có thể cào cỏ nương được dễ dàng. Kích thước cán cuốc dài : 125cm, lưỡi cuốc: dài 20cm, rộng 16cm . Hiện vật được sưu tầm tại thôn Bản Sao, xã Đồng Ý - Bắc Sơn, năm 1990

  • Gầu cào cỏ lúa nương
  • Dao phát

    Dao phát của đồng bào dân tộc miền núi dùng để phát nương làm rẫy. Dao phát có cán dài bằng gỗ tròn nhẵn bóng, lưỡi dao bằng kim loại, mũi dao hơi uốn cong và nhọn, nhờ đó có thể phát cây được dễ dàng. Kích thước dài 28cm, rộng 6cm, dày 0,6cm . Hiện vật được sưu tầm tại thôn Nà Bao, xã Vũ Sơn, Bắc Sơn năm 1992.

  • Nón đội đầu dân tộc Mông

    Nón dùng để đội đầu che mưa nắng của đồng bào dân tộc HMông, huyện Tràng Định. Nón được đan thủ công bằng lá cây và tre, vành nón hình tròn, từ vành đến chóp dáng thoải hơi ngang, ở chính giữa có chóp nhọn, nón đan 03 lớp, 02 lớp ngoài bằng nan tre mỏng, đan hình mắt cáo, ở giữa là 01 lớp lá chít dày xếp chồng nhau. Nón có đường kính  là 51cm. Hiện vật được sưu tầm tại xã Chí Minh huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn.

  • Bộ nấu rượu dân tộc Dao, huyện Lộc Bình

    Bộ nấu rượu truyền thống của dân tộc Dao Mẫu Sơn. Bộ đồ nấu rượu gồm 2 chảo gang, 01 chõ nấu rượu hình tròn bằng gỗ, bên trong chõ này có một máng hứng rượu, bên ngoài gần miệng chõ có gắn  ống bằng tre để dẫn rượu ra ngoài. Khi nấu rượu sẽ đặt chảo to ở phía dưới sau đó đặt chõ vào chảo và đặt chiếc chảo nhỏ lên trên miệng chõ và đổ nước lên để làm lạnh. Hiện vật sưu tầm tại thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn vào năm 2018.

  • Cối giã bánh dày

    Cối giã bánh dày của đồng bào dân tộc Tày - Lạng Sơn dùng để giã xôi nếp làm bánh dày trong các dịp lễ tết, ma, chay, hiếu hỷ. Cối được làm từ một khối gỗ, có dạng hình thang, giữa lòng khoét một lỗ hình tam giác. Đế cối có hai chân chìa ra, một chân liền với khối gỗ, một chân đóng bằng đinh. Chày  được làm từ một thân cây nhỏ, dài 92cm, đường kính chày 3,5cm. Kích thước cối cao 28cm, dài 72cm rộng 32cm. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Khau ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

  • Thớt nghiến

    Cái thớt, dụng cụ chế biến thực phẩm ( dùng để thái, chặt, băm ) trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Thớt được làm từ một khoanh gỗ lớn, có dạng hình bầu dục, mặt trên phẳng, mặt dưới và rìa thớt sần sùi. Kích thước dài 71cm rộng 46,5 cm dày 7cm. Hiện vật sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003.

  • Chõ đồ xôi

    Chõ gỗ dùng để đồ xôi  của gia đình đồng bào Tày Lạng Sơn. Chõ đồ xôi được làm từ một khúc gỗ lớn được khoét rỗng thủng cả hai đầu. Thân chõ có hình trụ tròn, giữa thân để lồi hai mẩu gỗ làm thành hai cái tay cầm. Đế loe, được trang trí bằng một đường gờ nổi răng cưa. Bên trong cách đáy chõ từ dưới lên khoảng 10cm có hai thanh gỗ hình chữ thập để cố định. Kích thước cao 58cm, đường kính mặt 33cm, đường kính đáy 36cm. Hiện vật được sưu tầm tại  thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

  • Bộ nấu rượu dân tộc Nùng, huyện Chi Lăng

    Bộ nấu rượu truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng. Bộ nấu rượu gồm nồi đồng, chõ gỗ, nắp đậy, bên trong thân chõ có lắp máng bằng gỗ để hứng rượu và trổ một lỗ thủng nhỏ, gắn một đoạn một ống tre nhỏ để dẫn rượu ra chum hoặc can đựng. Kích thước cao 60cm, đường kính nắp 42cm, ống dẫn rượu dài 67cm, đường kính 2,5cm. Mầu sắc nâu đen. Hiện vật sưu tầm tại  xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, bộ nấu rượu sử dụng từ năm 1990 - 1998

  • Cối giã gạo bằng tay

    Cối giã gạo bằng tay dùng để giã gạo hoặc ngũ cốc theo cách thủ công truyền thống của người Tày Lạng Sơn. Cối  làm từ một thân cây to  được khoét rỗng ở giữa, có hình trụ tròn, hơn thon về đáy, ở giữa thân cối phía ngoài khoét một lỗ vuông nhỏ. Chày hình chữ  T được khớp với nhau bằng các mộng gỗ. Cán chày tròn  đường kính 3-4cm vừa tay cầm. Hiện vật sưu tầm tại thôn Khau Ràng,  xã  Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003.

  • Cối xay thóc

    Cối xay thóc là công cụ dùng để chế biến sản phẩm nông nghiệp của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, đây là dụng cụ dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo. Cối được làm bằng gỗ, gồm có 2 phần: thớt trên và thớt dưới, thớt dưới cố định ở trung tâm cối có 1 cái trục cối làm bằng gỗ,thớt trên làm bằng một khoanh gỗ tròn, lòng khoét hình chảo lõm. Lưng chừng thớt trên có một thanh gỗ xẻ ngang, 2 đầu thò ra ngoài, đục 1 lỗ tròn để tra cái giằng xay vào. Ở giữa cối có 1 cái boong hình bát giác để chứa trấu, đế cối được làm bằng 2 thanh gỗ hình chữ thập. Kích thước: cao 92cm, đường kính miệng cối 40cm, cán cầm dài 1,55m. Hiện vật sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện  Bắc Sơn năm 2003.

  • Dậu gánh

    Bộ dậu gánh là dụng cụ phổ biến của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn dùng để đựng và vận chuyển ngũ cốc, rau quả. Dậu được đan bằng nan tre mỏng, miệng và thân tròn, đáy vuông, trên miệng có 2 quai đối xứng nhau, đan trơn không trang trí. Kích thước đáy 30 x 30 cm, đường kính mặt 40cm, chiều dài đòn 1m48, rộng 5,5 cm. Đòn dùng để gánh dậu, được vót từ thân cây tre thẳng, chọn đoạn tre có điểm mấu, chốt ở hai đầu với tác dụng giữ tai dậu hoặc dây, quang gánh. Kích thước dài khoảng 1,4m đến1,6m tùy mục đích sử dụng và dóng tre mà có độ dài ngắn khác nhau. Hiện vật sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003

  • Quạt thóc

    Quạt thóc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn dùng để quạt thóc loại bỏ những hạt lép sau khi phơi khô. Quạt thóc được làm bằng gỗ, có hình khối chữ nhật, có 4 chân đứng vững chắc, quạt có 4 cánh gắn với trục quay tay làm bằng sắt. Kích thước cao 135cm, dài 204 cm rộng 60cm. Hiện vật sưu tầm tại thôn Bản Roọng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003

  • Máng đập lúa

    Máng đập lúa của đồng bào Tày Lạng Sơn dùng để đập lúa trong khi thu hoạch. Máng được làm từ một nửa đoạn cây thân  gỗ, khoét rỗng bên trong. Máng được đỡ bởi một chân đế làm bằng thân cây liền có chạc hình chữ Y ngược. Kích thước dài 80cm, rộng 41cm, cao 70 cm.    Hiện vật sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003.

  • Loỏng đập lúa

    Loỏng đập lúa là một loại nông cụ thô sơ, chuyên dùng để đập lúa của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Loỏng đập lúa có dạng hình thang, được làm từ thân của một cây gỗ lớn, ở giữa khoét rỗng hình thang, 2 đầu uốn cong hơi vát để đập lúa. phía ngoài ở hai bên thành loỏng có 4 cái tai hình thang có lỗ để đựng mành cho thóc không bị bắn ra ngoài. Kích thước sâu lòng 42cm, dài trên miệng 2m22, dài dưới đáy 1m13. Hiện vật sưu tầm tại  thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003.

  • Cối xay bằng đá

    Cối xay dùng để xay bột, ngô, đỗ... chế biến thực phẩm của đồng bào dân tộc Tày Lạng Sơn. Cối xay được tạc từ những khối đá trong tự nhiên, cối có hình tròn gồm 2 thớt đá đặt chồng lên nhau, bề mặt tiếp xúc của 2 mặt đá được đục lỗi lõm tạo nên các rãnh như răng cưa để khi xay khớp nhau. Khối đá để dùng làm cối xay  được lựa chọn rất kỹ và phải đạt yêu cầu về độ cứng, mặt phẳng mịn. Nếu đá không phẳng, xù xì khi xay những vụn đá nhỏ li ti của cối đá sẽ rớt xuống làm hỏng thực phẩm. Kích thước: cao 32cm, đường kính 28cm, chân đế gỗ dài 136, rộng 32cm. Hiện vật sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn năm 2003.

  • Khuôn ép bún

    Khuôn ép bún của đồng bào dân tộc Tày dùng để làm bún ăn trong gia đình. Khuôn ép bún được làm bằng chất liệu gỗ, khuôn ép chia làm hai phần, phần bên dưới là khuôn để cho bột vào ép, phần trên  có một miếng gỗ để ép xuống khuôn. Kích thước  dài 161cm, rộng 14cm, cao 64 cm. Kích thước khuôn để cho bột ép thành bún là 8cm x 8cm . Hiện vật sưu tầm tại  xã Đồng Ý, huyện  Bắc Sơn năm 2003.

  • Kiếm múa
  • Mặt nạ đười ươi
  • Đầu sư tử mèo
  • Chũm chọe
  • Thanh la
  • Chiêng
  • Trống
  • Mặt nạ khỉ
  • Đinh ba
  • Gậy
  • Thanh la (não bạt)
  • Chũm chọe
  • Chiêng
 

Trang tin điện tử Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn - Văn hóa truyền thống - QR Code Friendly

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 7

Tất cả 2857377

Videos

Liên kết website