Từ lâu, chợ phiên ngày 12/8 âm lịch hay còn gọi là Hội bánh nướng (Hội Háng Pỉng) hàng năm đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao Xứ Lạng. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa chuẩn bị cho ngày rằm trung thu chợ phiên 12/8 âm lịch còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Đông đảo bà con tập trung trước sân Bảo tàng xem văn nghệ
Theo nhà nghiên cứu dân gian ở Lạng Sơn cho biết: Ngày xưa chỉ có một loại bánh duy nhất, đặc trưng của người miền núi xứ Lạng mỗi dịp rằm tháng Tám đó là bánh nướng. Người con gái đi làm dâu xa nhà, dịp này mua bánh biếu bà Ngoại thể hiện sự trân trọng, biết ơn bậc sinh thành. Ai được nhiều bánh, người ấy rất vinh dự với làng trên, xóm dưới.
Chương trình giao lưu hát dân ca cho bà con đến dự hội
Đến hẹn lại lên, từ sáng sớm trên con đường dẫn vào trung tâm tâm thành phố đồng bào các dân tộc Tày, Nùng… lại tụ họp về khu vực đường Hùng Vương và khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ. Các ông các bà, các anh các chị từ các huyện trong tỉnh như: Chi Lăng,Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia, Hữu Lũng, … xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc, cùng nhau đi xuống chợ khuôn mặt ai cũng lộ vẻ hân hoan, háo hức. Bà con đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện tâm tình, để vui nhau một vài chén rượu, trao nhau những câu hát sli say đắm lòng người..
Khuôn mặt ai cũng hào hứng, phấn khởi
Ngày hội, là dịp để thanh niên nam nữ các làng tìm hiểu, hẹn hò hoặc trổ tài hát sli với nhau. Do đó, hành trang của thanh niên nam nữ các làng bản đến tham dự ngày hội không chỉ có tiền bạc, áo quần, mà quan trọng nhất là kho kiến thức về điệu hát sli. Cũng từ phiên chợ này, bằng những câu hát mượt mà, nhiều chàng trai, cô gái Nùng đã nên duyên vợ chồng.
Có thể bắt gặp hình ảnh bà con đang hát sli tại bất cứ đâu trong hội
Ở bất cứ nơi đâu trong chợ hội cũng có thể bắt gặp các nhóm đang hát sli, họ hát một cách tự nhiên, mộc mạc không phô trương, cầu kỳ. Những làn điệu sli trong ngày hội có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người mà có thể chưa quen biết với nhau.
Khi mặt trời đã dần xuống núi, bà con lại lục tục kéo nhau ra về, kết thúc một phiên hội chợ hội đầy náo nhiệt. Những người hát sli hẹn hò nhau đến với chợ hội để được bày tỏ tâm tình qua các làn điệu đằm thắm thiết tha; rồi cuối chợ, họ lại chia tay nhau mặn mà trong lời hẹn phiên chợ hội sau lại gặp lại.
Đến nay, do nhiều lý do, những làn điệu sli không còn nhiều, nhất là hát sli theo đúng nguyên bản, vì thế bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa này là hết sức cần thiết. Việc tổ chức hội hát sli hằng năm cũng là một hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Dương Thùy Linh