Thứ sáu, 16 Tháng 6 2023 17:46

MỘT SỐ DI TÍCH, DI VẬT LIÊN QUAN ĐẾN QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN Ở LẠNG SƠN

Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng Đoàn Viết Thọ từ Long Châu (Trung Quốc) trở về đình Háng Pài, xã Thuỵ Hùng, châu Văn Uyên (nay là huyện Cao Lộc) để thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Lạng Sơn. Đó là kết quả của một quá trình nỗ lực xây dựng cơ sở quần chúng và tuyên truyền, giác ngộ cách mạng ở vùng biên giới Việt – Trung kể từ khi những người thanh niên yêu nước Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri tìm đến với các tổ chức Cách mạng ở nước ngoài năm 1928. Xung quanh sự kiện này, hiện có một số tư liệu, di tích, di vật quý giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu quá trình thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Lạng Sơn…

Tại Long Châu (Trung Quốc) hiện có một số địa điểm liên quan đến quá trình thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Lạng Sơn. Một trong những di tích tiêu biểu nhất là nhà số 74 – 76 phố Nam, cơ quan bí mật của Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1931, những người Việt Nam yêu nước ở Long Châu đã thuê căn nhà này để làm ăn buôn bán nhưng thực chất là thiết lập trụ sở bí mật của tổ chức Đảng. Đó là một ngôi nhà rộng rãi ở mặt phố gồm hai tầng, tầng dưới dùng để làm cửa hiệu, tầng trên dùng để ở. Đây là nơi các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam như Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri…thường xuyên cư trú, công tác trong nhiều năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đến đây. Cuối năm 1932, đầu năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong – người của Quốc tế cộng sản từ Xiêm về Long Châu củng cố, khôi phục phong trào cách mạng ở trong nước đã được các đồng chí trong tổ chức đón về đây. Tại ngôi nhà này, đồng chí đã ở cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, truyền đạt chỉ thị về việc tục duy trì, phát triển phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, đồng thời trực tiếp bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin, phương pháp tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng trong hoàn cảnh bí mật cho hai đồng chí… Ngay sau đó đã tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng ngắn ngày đầu tiên cho các đồng chí đang hoạt động ở Long Châu và cán bộ chủ chốt của Cao Bằng được đưa từ trong nước sang. Các lớp học này được gọi là “Lớp huấn luyện Lê Hồng Phong”. Cuối năm 1932, đầu năm 1933, Đảng bộ Long Châu được thành lập do đồng chí Hoàng Đình Giong là Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ là phó Bí thư. Với nhiệm vụ xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Đảng bộ đã tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ ở hai tỉnh tại đây để tạo lực lượng nòng cốt cho phong trào. Theo tư liệu của Bảo tàng Long Châu, mỗi lớp chỉ có khoảng 5 - 6 người, mỗi khoá học diễn ra trong 7 - 8 ngày, chủ yếu là học kiến thức đấu tranh cách mạng. Sau khi học xong thì quay trở về Việt Nam để hoạt động.

Từ sự tiến triển của phong trào cách mạng, đồng thời để gây dựng và tổ chức phong trào có trọng điểm, đồng chí Hoàng Văn Thụ (khi đó là Bí thư Đảng bộ Long Châu thay đồng chí Hoàng Đình Giong nhận nhiệm vụ khác) đã quyết định thành lập một chi bộ Đảng ở Văn Uyên để làm nòng cốt cho phong trào tỉnh Lạng Sơn. Được sự phân công, uỷ nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Đoàn Viết Thọ (tức Đoàn Văn Thọ, Vi Đức Minh) đã về Háng Pài tổ chức thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Có thể thấy, với Lạng Sơn, cơ quan bí mật của Đảng ở 74 – 76 phố Nam gắn bó chặt chẽ với sự kiện thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh. Đó chính là là khởi nguồn, nơi ra đời chủ trương về việc thành lập chi bộ Thuỵ Hùng. Gắn với di tích này là những di vật quý bao gồm cuốc sách “Cách mạng Trung Quốc với Đảng cộng sản Trung Quốc” là giáo trình tập huấn cho cán bộ của đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ ở Long Châu. Bên cạnh đó là một số đồ dùng sinh hoạt đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ đã dùng khi ở đây: thùng gỗ, chày giã gạo, cối xay đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ đã dùng hàng ngày khi ở đó. Tại Long Châu còn có một số địa điểm quan trọng khác như nhà bà Hai Nông – cơ sở quần chúng do đồng chí Hoàng Văn Thụ gây dựng từ năm 1929 để làm trạm liên lạc; xưởng dệt khăn mặt trên phố Long Giang do Hoàng Đình Giong và Hoàng Văn Thụ lập nên khoảng năm 1929 -1930. Bên ngoài đặt máy dệt bán sản phẩm lấy tiền mua vũ khí, hoạt động, nhưng bên trong là nơi tổ chức huấn luyện, in ấn truyền đơn, tài liệu Cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Đoàn Văn Thọ của Lạng Sơn đều đã từng làm việc và hoạt động ở đây. Truyền đơn, tài liệu về mục tiêu đấu tranh của Cách mạng… được đánh máy, in ấn chuyển về trong nước để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Tại một số địa điểm khác ở Long Châu như nhà ông Nông Kỳ Chấn, hang núi Phi Vân, hang Nham Lôi (bản Nà Tạo) cũng là nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tổ chức in ấn tài liệu cách mạng thời kỳ đó. Trong Bảo tàng Lạng Sơn hiện nay đang lưu giữ, trưng bày một chiếc máy đánh chữ của ông Đoàn Văn Thọ (quê ở Còn Pheo, xã Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc) đã dùng từ những năm 1930. Thời gian làm ở xưởng dệt khăn mặt, ông đã được đồng chí Hoàng Văn Thụ tận tình hướng dẫn in ấn tài liệu cách mạng, sau đó ông đã trở thành thành viên của ban soạn thảo truyền đơn. Chiếc máy chữ này ông đã dùng để đánh máy tài liệu suốt những năm 1930 - 1939. Bên cạnh đó, ở Bảo tàng tỉnh còn có cuốn sách “Cách mạng tiên phong”sưu tầm năm 2004 tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng. Cuốn sách này xuất bản tại Trung Quốc, in bằng tiếng Trung, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng để nghiên cứu từ những năm 1930 và sau đó vận dụng tuyên truyền cách mạng tại Lạng Sơn. Trong lần về thăm nhà, ở tại lán Khau Bay (làng Phạc Lạn, xã Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là huyện Văn Lãng), đồng chí đã tranh thủ giác ngộ cách mạng cho một số quần chúng tích cực ở đây, trong đó có ông Hoàng Tợ Trao. Sau khi đi đồng chí đã giao lại cho ông Hoàng Tợ Trao để tiếp tục nghiên cứu, sử dụng để tuyên truyền cách mạng. Đây là những di vật quý minh chứng cho quá trình xây dựng và phát triển Đảng ở Lạng Sơn, Cao Bằng của đồng chí Hoàng Văn Thụ và những người Việt Nam yêu nước tại Long Châu những năm 1930.

Ngày nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là nơi lưu giữ khá nhiều hiện vật về các nhà hoạt động cách mạng tiền bối của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ... Tại đây có một số hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động ở Long Châu của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đó là chiếc cối đá dùng để xay ngô của gia đình bà Bế Thị Vay – ông Mã Thành Nhân tại Lũng Nghịu (Long Châu, Trung Quốc). Bà là mẹ của các đồng chí: Mã Khánh Phương (đảng viên đầu tiên của chi bộ Thuỵ Hùng), Mã Thị Phảy (người đã nhận nhiệm vụ đi giúp việc cho tổ chức Đảng ở Hồng Kông thòi kỳ 1934 - 1939). Những ngày đầu từ Việt Nam sang Trung Quốc tìm đến với các tổ chức Cách mạng (năm 1928), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được gia đình bà cưu mang, cho ở lại đây để chờ bắt mối với các tổ chức Đảng. Những năm hoạt động sau đó, đồng chí có nhiều thời gian ở nhà bà. Chiếc cối đá này đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng để xay ngô chế biến thức ăn trong thời gian 1928 – 1929 ở tại nhà bà Bế Thị Vay. Cùng với di tích đình Háng Pài đây là những tài liệu hiện vật tiêu biểu, tư liệu quý mình chứng rõ nét cho quá trình thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Lạng Sơn.

z4414952549738 55d34ee7a604eb12e98e77805955c99f 1

  1. Sách “Cách mạng tiên phong”, tài liệu đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng để nghiên cứu, tuyên truyền cách mạng những năm 1930 (Hiện vật của Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn).

Chay coi

  1. Thùng gỗ, cối xay, chày tay đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ đã dùng thời kỳ ở nhà số 74 – 76 phố Nam (thị trấn Long Châu, Trung Quốc).

DSC01178 Copy

ảnh 3: Nhà số 74 – 76 phố Nam cơ quan bí mật của Đảng ở thị trấn Long Châu, (Trung Quốc)

Chu Quế Ngân

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 9

Tất cả 2839634

Videos

Liên kết website