Cổng chính của Đền
Đền Kỳ Cùng nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng là nơi có vị thế rất đẹp, nằm ở trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố Lạng Sơn.Sân đền còn có bến đá, là 1 trong 8 cảnh đẹp của Lạng Sơn ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” và được danh nhân Ngô Thì Sĩ gọi là Kỳ Cùng thạch độ. Đền Kỳ Cùng là một di tích kiến trúc nghệ thuật – tín ngưỡng dân gian của người Việt. Căn cứ theo tên gọi của đền là “Kỳ Cùng đại vương từ” và tấm hoành phi triều Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) ban tặng thì đền là nơi thờ ông Cộc, ông Dài (vị thần của sông Kỳ Cùng). Tuy nhiên, theo quan niệm của nhân dân trong vùng thì đây là nơi thờ Quan lớn Tuần Tranh – người từng được triều đình cử lên làm Trấn thủ Lạng Sơn trong lịch sử; trong tín ngưỡng Mẫu, Quan lớn Tuần Tranh là một vị thần thuộc hàng Ngũ vị Quan lớn.Đền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia năm 1993
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo lần gần đây nhất là năm 1989 theo thời gian di tích đã bị xuống cấp không đảm bảo được tính thẩm mỹ và sự an toàn cho nhân dân và du khách đến hành lễ, tham quan du lịch. Bên cạnh đó việc triển khai xây dựng cầu Kỳ Cùng đã hạ cốt nền xuống thấp hơn so với mặt đường cũ nên ảnh hưởng đến tổng thể của ngôi đền.
Tiết mục văn nghệ chào mừng trong buổi lễ
Sau gần 2 năm tiến hành trùng tu, đến nay công trình đã đưa vào sử dụng các hạng mục công trình có Đền chính được mở rộng, phục hồi theo lối kiến trúc cũ của di tích, công trình cao 1 tầng, mặt bằng kiểu hình chữ Đinh. Tiền bái 7 gian, Trung cung dạng ống muỗng, Hậu cung 5 gian. Hiên phía trước tiền bái rộng 2,5m; hai bên tả, hữu bố trí lầu chuông, Mái dốc, phía trên lợp ngói ngũ hài. Cổng chính rộng 6m, hai bên cổng mỗi bên 4,5m. Trụ cổng được xây theo lối trụ biểu (gồm 2 trụ lớn và 2 trụ nhỏ).
Các đại biểu cắt băng khánh thành
Công trình tu bổ di tích Quốc gia Đền Kỳ Cùng đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật góp phần phục vụ tốt nhu cầu văn hóa của nhân dân và du khách thập phương đến với Lạng Sơn.
Dương Thị Thùy Linh