Nhắc đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chúng ta nhớ đến kế sách, chiến lược “vây thành, diệt viện”, của vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi, nhớ đến những thắng lợi của chính nghĩa, của tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết dân tộc. Để tưởng nhớ về những trang sử đầy tự hào của dân tộc, nhớ đến những vị anh hùng dân tộc trong suốt dặm dài công cuộc dựng nước và giữ nước, trong đó có những chiến công oanh liệt gắn với mảnh đất Lạng Sơn. Hàng năm vào ngày 23 tháng giêng, UBND thành phố Lạng Sơn lại tổ chức lễ hội đền vua Lê.
Mở đầu lễ hội là lễ khai mạc diễn ra tưng bừng và nhộn nhịp với sự xuất hiện của các đội múa sư tử, đầy tinh thần thượng võ – một nét đẹp văn hóa giàu bản sắc trong nhiều lễ hội ở Lạng Sơn.
Tiếp đó là chương trình văn nghệ với những tiết mục hát, múa đậm đà bản sắc dân tộc, tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng người dự hội về những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng. Đặc biệt, các tiết mục hát then, đàn tính của những người trung cao tuổi và màn hát múa của các bạn trẻ, các em thiếu nhi càng khiến cho không khí buổi khai mạc thêm vui tươi, náo nức hơn.
Ngay sau tiếng trống khai hội, đại biểu, nhân dân và du khách thập phương vào đền dâng hương, cầu cho “quốc thái dân an”, “nhân khang, vật thịnh”, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Kế đó, các trò chơi vui hội hào hứng và ý nghĩa như: đẩy gậy, đánh cờ tướng,… thu hút nhiều người dự hội tham gia và cổ vũ, khiến cho ngày hội đã nhộn nhịp lại càng đông vui hơn.
Năm 2002 Đền Vua Lê đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố. Có thể nói, lễ hội Đền Vua Lê đã và đang góp phần thiết thực vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ qua di sản văn hóa, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội trên quê hương Xứ Lạng./.