Địa bàn cư trú của đồng bào Dao (Thanh Y) tập trung nhiều nhất tại hai xã Châu Sơn và Bắc Lãng của huyện Đình Lập. Còn nhóm đồng bào Dao (Đỏ) lại tập trung chủ yếu ở hai xã Vĩnh Tiến và Khánh Long của huyện Tràng Định. Họ thường ở các nơi vùng núi cao thuận tiện phát triển nghề trồng trọt trên nương rẫy. Để thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết vùng núi cao, trang phục của người Dao có những đặc điểm rất riêng so với các dân tộc khác. Có thể nhận dạng các nhóm Dao qua kiểu dáng trang phục của họ. Trang phục người Dao đều được làm thủ công. Đây là công việc hoàn toàn của phụ nữ, từ lúc 9-10 tuổi các bé gái đã được các bà mẹ hoặc chị gái dạy thêu, suốt đời người phụ nữ Dao không bao giờ tách khỏi công việc này. Họ tự khâu, thêu quần áo của mình và người thân trong gia đình. Các họa tiết hoa văn của người Dao đều có đặc điểm chung là hình cỏ, cây, hoa, chim, chó, rồng...
Hiện nay trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao vẫn được những người cao tuổi sử dụng, lưu giữ và trao truyền, đa dạng về các họa tiết hoa văn trang trí. Phụ nữ Dao rất yêu thích các loại chỉ ngũ sắc, thêu trên nền vải đen, chàm hoặc trắng. Các hoạ tiết hoa văn trên trang phục được các chị các bà tự sáng tạo ra mà không cần kẻ vẽ trước và thêu mặt trái là kỹ thuật thêu độc đáo của riêng dân tộc Dao.
Dưới đây là một số hình ảnh công tác sưu tầm trang phục Dao (Thanh Y) của cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn:
Thực hiện công tác sưu tầm trang phục Dao (Thanh Y) tại thôn Nà Nát, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập
Sưu tầm trang phục truyền thống Dao (Đỏ) tại xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định
Trang phục nữ truyền thống của dân tộc Dao (Thanh Y)
Trang phục nữ truyền thống của dân tộc Dao (Đỏ)
Trang phục thầy cúng của dân tộc Dao (Thanh Y)
Vy Thị Bích Hạnh – Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn