Ngày 6/9/1975, chuyến thăm Lạng Sơn của đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận tỉnh Đắk Lắk kết nghĩa chính thức bắt đầu. Đoàn gồm có 13 người đại diện các thành phần dân tộc, chính quyền, tổ chức đoàn thể: mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… Đồng chí Ma Pui – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban thị xã Buôn Ma Thuột làm trưởng đoàn. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất đặc biệt vì là chuyến thăm đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam đã sum họp một nhà, ước vọng độc lập, thống nhất của dân tộc trở thành hiện thực. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, thắt chặt hơn tình đoàn kết gắn bó giữa hai tỉnh, đồng thời cùng nhau ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ mới.
Cờ Hội Phụ nữ Đắc Lắc tặng Hội Phụ nữ Lạng Sơn năm 1961.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữa Lạng Sơn và Đắk Lắk đã từng có rất nhiều hoạt động kết nghĩa sôi nổi. Thông qua phong trào kết nghĩa Bắc Nam, ở tỉnh Lạng Sơn đã dấy lên phong trào đấu tranh chống Mỹ Diệm, ủng hộ đồng bào miền Nam. Các phong trào thi đua lao động sản xuất vì miền Nam ruột thịt và hướng về tỉnh kết nghĩa Đắk Lắk của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã lan tỏa rộng khắp từ thành thị đến nông thôn; từ nhà máy, công trường ra ruộng đồng, vào trường học… Tiêu biểu là các phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch trước thời hạn, phong trào đào hồ chứa nước làm thủy lợi, trồng cây lâm nghiệp và hoa màu, làm phân bón… Kết quả của các hoạt động đó đã nâng cao năng suất lao động, tạo nên nhiều sản phẩm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều công trình văn hóa, đơn vị sản xuất của Lạng Sơn đã lấy tên tỉnh Đắk Lắk để đặt tên: vườn hoa Đắk Lắk, hồ chứa nước Đắk Lắk, đồi cây Đắk Lắk, nhóm tre Đắk Lắk… Từ những tình cảm gắn bó, sâu nặng đó, khi đoàn đại biểu Đắk Lắk đến thăm Lạng Sơn, tỉnh đã dành cho đoàn sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị, thắm đượm tình nghĩa anh em ruột thịt. Phát biểu chào mừng trong ngày đầu tiên đón đoàn, đồng chí Bế Chấn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn lúc đó đã vô cùng xúc động chia sẻ: “Hôm nay, lần đầu tiên chúng ta sum họp bên nhau trong khúc ca khải hoàn của Tổ quốc Việt Nam quang vinh đã hoàn toàn hòa bình, độc lập, thống nhất và tự do…”
Những ngày ở Lạng Sơn, đoàn đã gặp gỡ, tiếp xúc thân mật với các đồng chí lãnh đạo, đại diện các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; đến thăm Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và chính quyền thị xã Lạng Sơn. Nhằm giúp đoàn hiểu sâu sắc hơn về vùng đất, con người Xứ Lạng; cảm nhận rõ nét cuộc sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu và học tập của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Ban tổ chức đã đưa đoàn tới tham quan các danh lam thắng cảnh ở thị xã, xem triển lãm 30 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, thăm chợ phiên Kỳ Lừa, xem phim thời sự về Lạng Sơn… Bên cạnh đó, còn dẫn đoàn đến thăm các cơ sở sản xuất tiêu biểu của tỉnh như xưởng gỗ, nhà máy sản xuất tinh dầu (thị xã Lạng Sơn); thăm huyện Lộc Bình – địa phương có nhiều thành tích lao động sản xuất trong phong trào kết nghĩa. Tại đây, đoàn đã đến thăm mỏ than Na Dương – đơn vị có phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch trước thời hạn rất sôi nổi, được Bộ Công nghiệp nhẹ tặng cờ thi đua xuất sắc năm 1960 vì đã hoàn thành kế hoạch 3 năm (1958- 1960) trước thời hạn 122 ngày, đúng vào dịp tổ chức kết nghĩa. Đoàn cũng đã đến thăm công trình thủy lợi hồ Nà Cáy (hồ Đắk Lắk), thăm nông trường dứa, đồi cây Đắk Lắk… Để đoàn hiểu thêm về vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, tỉnh đã bố trí đưa đoàn tới tham quan Bảo tàng Hoàng Văn Thụ (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng) và Cửa khẩu Hữu Nghị (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc).
Thư của đ/c Bế Chấn Hưng – Phó Bí thu tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn gửi đồng bào Đắc Lắc kết nghĩa đọc trên đài Giải phóng - năm 1973.
Những ngày đoàn đại biểu Đắk Lắk lưu tại tỉnh, ở thị xã Lạng Sơn đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: biểu diễn văn nghệ chào mừng đoàn đại biểu Đắk Lắk tại hội trường Uỷ ban tỉnh, tổ chức dạ hội tại vườn hoa Đắk Lắk với sự tham gia của các đội văn nghệ nghiệp dư, đội múa rồng, múa sư tử, cùng đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh, quần chúng Nhân dân thị xã… Các hoạt động đó đã tạo nên bầu không khí rộn ràng, thắm tình kết nghĩa keo sơn, thể hiện tình cảm nồng hậu của Nhân dân Lạng Sơn đối với tỉnh bạn. Những ngày cuối cùng ở Lạng Sơn, đoàn đã gặp gỡ thân mật với các cán bộ quê Đắk Lắk tập kết ra Bắc đang công tác tại đây, chia sẻ, động viên họ trong cuộc sống và công tác.
Chuyến thăm Lạng Sơn của đoàn đại biểu tỉnh Đắk Lắk đã để lại những tình cảm tốt đẹp, những kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức quê hương Xứ Lạng. Đó là nguồn động viên tinh thần, niềm cổ vũ lớn lao để Nhân dân hai tỉnh Lạng Sơn – Đắk Lắk có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh sau ngày giải phóng miền Nam
CHU QUẾ NGÂN