Thứ tư, 30 Tháng 10 2019 02:06

Một số di tích ghi dấu hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Long Châu, Trung Quốc

Long Châu, huyện biên giới, cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc là địa bàn hoạt động quan trọng của đồng chí Hoàng Văn Thụ và các chiến sỹ cách mạng Việt Nam thời kỳ trước và sau khi thành lập Đảng (1930). Nơi đây hiện có các di tích quan trọng ghi dấu những hoạt động của đồng chí đã và đang được chính phủ Trung Quốc gìn giữ, bảo tồn phục vụ nghiên cứu, tham quan du lịch.

 

Thị trấn Long Châu là nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tìm đến với các tổ chức yêu nước của Việt Nam ở Trung Quốc để bắt đầu con đường hoạt động cách mạng của mình. Hiện nay, tại trung tâm huyện lỵ có các địa điểm, di tích đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đến làm việc, tạo vỏ bọc để hoạt động cách mạng thời kỳ 1929 – 1935 như xưởng dệt Đức Hưng (phố Bạch Sa), xưởng dệt khăn mặt, xưởng xay xát gạo (phố Long Giang), xưởng cơ khí của Hồng Bát quân (phố Hưng Nhân)… Đây là những nơi đồng chí vừa lao động kiếm sống, vừa thâm nhập nắm bắt thực tế và tạo dựng các mối quan hệ thuận lợi cho hoạt động của mình. Bên cạnh đó có các địa điểm đồng chí Hoàng Văn Thụ và các chiến sĩ cách mạng thường xuyên qua lại trong quá trình hoạt động như bến thuyền, cầu bắc qua sông Lệ Giang (phố Bạch Sa). Đặc biệt là nơi đây có các di tích quan trọng ghi dấu hoạt động cách mạng của đồng chí như nhà 74, 76 phố Nam – cơ quan bí mật của Đảng ở ngay giữa trung tâm huyện lỵ Long Châu. Thời kỳ 1931-1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thường xuyên ở và làm việc, đồng thời tham gia tổ chức các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cốt cán để đưa về nước xây dựng và phát triển phong trào cách mạng tại ngôi nhà này.

DSC01409

Bản Nà Tạo nằm dưới chân núi Phi Vân (Hạ Đống, Long Châu), địa bàn hoạt động quan trọng của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Trung Quốc

Ở phía nam thị trấn có di tích nhà ông Nông Nhân Bảo – bà Hai Nông (81 phố Bát Bảo, nay là 73 phố Doanh) – cơ sở quần chúng do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp gây dựng từ năm 1929. Ngôi nhà này đã trở thành trạm liên lạc, nơi trú ngụ và tổ chức các lớp huấn luyện, các cuộc họp quan trọng của ta ở Long Châu suốt thời kỳ 1930 – 1944. Quá trình hoạt động, đồng chí Hoàng Văn Thụ thường xuyên qua lại nơi này. Tuy kiến trúc ngôi nhà xưa không còn nhưng tại đó vẫn còn một số vật dụng cũ như cối xay, cối giã bằng đá… Phía sau nhà là hồ nước với những lùm cây um tùm – con đường rút bí mật của các chiến sỹ cách mạng trú tại đây mỗi khi có động.

23 2

 

Hang núi Nham Lôi bản Nà Tạo, Hạ Đống, Long Châu, Trung Quốc nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ đặt xưởng in, in ấn các văn kiện, truyền đơn phục vụ cách mạng và in tiền đưa về Việt Nam thời kỳ 1930- 1933


Ở vùng Hạ Đống giáp biên giới Việt – Trung, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 10 đến 30 km, có rất nhiều địa điểm đồng chí đã chọn làm cơ sở bí mật để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động. Trước nguy cơ bị lộ, tháng 12/1930, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã rời huyện lỵ Long Châu chuyển về hoạt động ở trấn Hạ Đống. Nơi này địa bàn núi non hiểm trở, có nhiều hang động kín đáo thuận lợi cho việc trú ẩn, có những người thân quen tin cậy của đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn sẵn lòng ủng hộ cách mạng Việt Nam.

Tại bản Nà Tạo có các điểm di tích: hang núi Phi Vân, hang Nham Lôi, ngườm Pác Sao… là nơi đồng chí từng trú ẩn và làm việc. Đồng chí đã trực tiếp chế tác công cụ in thạch, bí mật tổ chức in ấn văn bản, tài liệu tuyên truyền để đưa về Việt Nam. Có những thời điểm còn đúc tiền để giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động. Ngay dưới chân núi Phi Vân là nhà ông Nông Kỳ Chấn – một cơ sở quan trọng đồng chí Hoàng Văn Thụ đã từng ở và hoạt động từ những ngày đầu chuyển địa bàn hoạt động về Hạ Đống. Hiện ngôi nhà đã trở thành phế tích với chân móng đá và các đoạn tường đổ nát. Bên cạnh đó là các làng bản ghi dấu những năm tháng hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ như bản Cát, Nà Thành… (xã Xuân Tú, thị trấn Hạ Đống). Gắn với các địa danh này là gia đình những ân nhân của cách mạng Việt Nam như: nhà bà Hoàng Nguyệt Sơ, nhà ông Nông Bài, Hoàng Đức Quyền, Lê Vĩnh Cơ… Họ và các thành viên trong gia đình đã hết lòng che chở, cấp dưỡng và giúp đỡ đồng chí Hoàng Văn Thụ trong quá trình hoạt động. Hầu hết các hiện vật có liên quan đã được các gia đình hiến tặng cho Bảo tàng huyện. Hiện ở đó còn lưu giữ khá nhiều ảnh kỷ niệm về các chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Bác Hồ và các vị lãnh đạo, Đảng, Nhà nước ta; ảnh các cán bộ cách mạng Việt Nam đã từng hoạt động ở khu vực Hạ Đống…

IMG 7298 - Copy\

 

Ông Hoàng Tử Cường (Bản Cát, Hạ Đống, Long Châu) trao tặng Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn chiếc mũ bố ông đã đội trong chuyến đi thăm Việt Nam năm 1959 theo lời mời của Hồ Chủ Tịch


Trải qua thời gian, các di tích có cấu trúc tự nhiên như hang động, bến sông, hồ nước… cảnh quan vẫn còn khá nguyên vẹn. Còn lại đều đã biến đổi, không còn giữ nguyên được kiến trúc xưa, phần lớn chỉ còn là các địa điểm ghi dấu các sự kiện. Trong số đó, nhiều điểm đã được cắm biển xếp hạng di tích các cấp. Ngày nay, các di tích đó đã trở thành tư liệu quý trong việc nghiên cứu cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Long Châu; là tài sản văn hóa tinh thần, biểu trưng cho tình hữu nghị lâu đời của hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

CHU QUẾ NGÂN (Bảo tàng tỉnh)

 

Last modified on Thứ tư, 30 Tháng 10 2019 02:48

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 5

Tất cả 2857446

Videos

Liên kết website