Thứ sáu, 20 Tháng 9 2019 07:04

Lạng Sơn: 4 ngôi đền thiêng ‘Tứ Trấn‘ tạo nên sức mạnh huyền diệu

Như miêu tả của sách xưa Thành cổ Lạng Sơn có 04 cửa (cổng Thành) Đông - Tây - Nam - Bắc và tương ứng với 04 cổng thành là 04 ngôi Đền thiêng (Tứ trấn): Cửa Đông - Cửa Tây - Cửa Nam - Cửa Bắc. Tứ trấn tạo nên sức mạnh huyền diệu nhằm tăng cường uy lực cho Thành cổ ngày càng vững chắc.

I. Di tích Đền Cửa Tây

tay

Đền Cửa Tây nằm ở phía tây Thành cổ Lạng Sơn, nay là đường Trần Hưng Đạo (quốc lộ 1A cũ Lạng Sơn - Hà Nội), phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đền được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013 và là một trong 4 ngôi đền trấn giữ bốn hướng của Thành cổ Lạng Sơn.

Đền có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, thờ Trần Hưng Đạo và các vị Thánh Mẫu. Kiến trúc của đền gồm 2 tòa nhà: Tòa thứ nhất là điện thờ Mẫu, toà thứ 2 kiến trúc theo kiểu chữ Đinh thờ Đức Thánh Trần và các gia tướng: Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu cùng các Hoàng Tử và Công chúa. Đây là một trong những đền thờ vọng Đức Thánh Trần ở Lạng Sơn.

Hiện nay trong đền vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hoành phi, câu đối, hệ thống tượng thờ, chuông… Ngoài ra, Đền còn có 2 tấm bia công đức được tạc năm 1916 và 1923, là những tấm bia tạo hình có giá trị về mặt nội dung cũng như nguồn sử liệu để tra cứu.

Đền Cửa Tây ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, còn là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương cũng như khách thập phương. Lễ hội đền Cửa Tây được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này, các gia đình, các Tổ liên gia trên địa bàn bày biện, sắm sửa các mâm lễ dâng lên đền để cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đền Cửa Tây cùng với “Tứ trấn” và Thành cổ Lạng Sơn xứng đáng là một điểm di tích lịch sử văn hóa hứa hẹn du khách phương xa khi đặt chân đến thăm Lạng Sơn không thể không đến nơi này.

II. Di tích Đền Cửa Đông  

            dong             

Đền Cửa Đông nằm ở phía đông Thành cổ Lạng Sơn, nay là đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013. Là một trong 4 ngôi đền trấn giữ bốn hướng của Thành cổ Lạng Sơn. Đền ngụ dưới tán lá của cây đa trăm tuổi in bóng xuống sông Kỳ Cùng tạo nên không gian tĩnh mịch, trầm mặc.

Đền có tên chữ là Đông Môn Từ và tên cũ là Đền Bạch Đế hay Đền Quan Lớn Tam Phủ. Trong sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” ghi chép: “Đền Bạch Đế nằm ở phía Đông tỉnh thành. Địa phận xã Mai Pha thuộc Châu Ôn, thờ Thủy Thần”. Theo các nhà nghiên cứu nhận định và căn cứ vào một số tài liệu ghi chép cho rằng: Đền được xây dựng muộn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Đối tượng thờ chính của Đền là thần Bạch Đế (tức là thờ thủy thần, thần sông, thần rắn), đó là đặc trưng của cư dân nông nghiệp gieo trồng lúa nước thờ tự theo mô típ “Ông Cộc - Ông Dài” thần sông nước như trong các truyền thuyết của Việt Nam.

Đền là một di tích tín ngưỡng được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, cửa chính đền quay hướng chính Đông nhìn ra sông Kỳ Cùng, cổng vào Đền quay mặt hướng chính Tây, trên bức tường sau Đền ở phía tây có trang trí và đắp hai chữ đại tự lớn “Đông Môn”, cổng Đền liền kề ngay đó về phía tay phải. Cấu trúc Đền gồm 3 phần liền nhau: Nghi môn - Chính điện - Tả hữu vu.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1968 - 1972), đền Cửa Đông là một trong những điểm chốt của Ga Lạng Sơn, nơi tiếp nhận những chuyến hàng vũ khí, đạn dược từ nước bạn Liên Xô đưa về Việt Nam qua đường Trung Quốc để gửi vào Miền Nam.

Đền Cửa Đông hiện nay ngoài thờ thần sông “Bạch Đế” còn là nơi thờ Mẫu và Đức Thánh Trần; là điểm di tích tín ngưỡng - kiến trúc nghệ thuật độc đáo và cổ kính, nơi đón tiếp nhân dân, du khách gần xa tới tham quan, hành lễ và tìm hiểu gốc tích Đức Thánh Đệ Tam thờ Thủy Thần cũng như mối liên kết giữ các Đức Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở địa phương trong tình và cả nước./.

III. Di tích Đền Cửa Nam

nam

Đền Cửa Nam nằm ở phía nam Thành cổ Lạng Sơn, nay thuộc phố Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, cách Cổng thành phía nam Thành cổ Lạng Sơn khoảng 100 m;

Đền Cửa Nam được xây dựng cùng thời điểm với các đền cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc vào khoảng cuối thế kỷ XVIII và được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013. Đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh chuôi vồ, cửa chính của Đền quay về hướng Bắc. Đền thờ Mẫu (hệ tứ phủ) và thờ vọng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).

Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật có ý nghĩa lịch sử quan trọng; cùng với các đền: Cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc có nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ linh khí cho Thành cổ Lạng Sơn, tạo nên sức mạnh cho Thành cổ làm nhiệm vụ trấn giữ, phòng thủ biên giới nơi địa đầu của Tổ quốc.

Lễ hội truyền thống của di tích đền Cửa Nam được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm không chỉ thu hút nhân dân các khu phố thuộc khối Cửa Nam mà còn thu hút cả nhân dân trong vùng cùng khách thập phương đến lễ đền, cầu cho gia đình thuận hòa, làm ăn phát tài, cầu phúc cầu lộc.

IV. Di tích Đền Cửa Bắc

bac 2

Đền Cửa Bắc nằm ở phía bắc Thành cổ Lạng Sơn, nằm vuông góc giữa 2 trục đường Trần Hưng Đạo - Cửa Bắc thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII và được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013. Cùng với các đền: Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, đền ca Bắc có nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ linh khí cho Thành cổ Lạng Sơn.

Đền thờ Đức Thánh Trần (Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và thờ Mẫu (Mẫu Liễu), Phật (Thiên Thủ Thiên Nhãn); đây chính là sự phối thờ: Tiền Thánh - Hậu Phật.

Kiến trúc của Đền hình chữ Nhị (=) gồm gian Đại Bái (Chính Điện) ở bên ngoài, gian Hậu Cung ở phía trong. Theo tư liệu “Xã chí Lạng Sơn”. trước đây Đền có nhiều hiện vật quý gồm: 1 tấm bia đá ghi công đức thời Khải Định (1924), 06 tượng thánh bằng gỗ sơn son thếp vàng, 2 nhang án, lỗ bộ, 1 bát nhang cổ bằng sứ, 1 bát nhang đỏ. Hiện nay, tại Đền vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi công đức (năm 1924) và có thêm các tượng, đồ thờ tự, ngai (thờ bóng), điện thờ…

Sau bao biến cố thăng trầm của thời gian, Đền đã bị xuống cấp. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, được sự chấp thuận của Bộ VHTT&DL, năm 2017 - 2018, Đền được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa. Công trình hoàn thành là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cầu phúc, cầu lộc, cầu may mắn, cầu bình an của nhân dân và du khách gần xa, đồng thời tạo điểm nhấn cho địa phương trong việc khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh.

 https://dulich.petrotimes.vn/

Last modified on Thứ sáu, 20 Tháng 9 2019 07:09

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 10

Tất cả 2857451

Videos

Liên kết website