Thứ năm, 12 Tháng 9 2019 08:35

Tương tác, trải nghiệm trong trưng bày bảo tàng và thu hút khách tham quan

Những năm gần đây, sự phát triển của hệ thống bảo tàng trên thế giới đã ngày càng góp phần khẳng định bảo tàng là công cụ đắc lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Bởi "Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận, hoạt động thường xuyên, mở cửa đón công chúng đến xem, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, thông tin và trưng bày các bằng chứng vật thể và phi vật thể về con người và môi trường của con người với mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức”. (Theo định nghĩa của ICOM được thông qua kỳ họp thứ 20 tại Seoul, Hàn Quốc, 2004). Với mục đích đáp ứng tốt nhất nhu cầu thưởng thức của công chúng, các bảo tàng cần đổi mới trên mọi lĩnh vực từ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, giáo dục... đặc biệt là trong trưng bày bảo tàng và thu hút khách tham quan.

 

Cùng với giáo dục, trưng bày trong bảo tàng là kênh kết nối hiệu quả đưa nội dung trưng bày tới khách tham quan bảo tàng. Vì thế khi nói đến tương tác, trải nghiệm chúng ta thường nghĩ đến việc tương tác, trải nghiệm dành cho công chúng trong chương trình giáo dục của các bảo tàng. Thế nhưng, hiện nay trưng bày bảo tàng và thu hút khách tham quan cũng là một trong những vấn đề quan trọng, có tác động đến sự phát triển và sức sống cho mỗi bảo tàng. Bởi, trước tiên công chúng sẽ tham quan trưng bày, khám phá, tìm hiểu nội dung trưng bày sau đó mới tương tác, trải nghiệm với các hoạt động giáo dục cụ thể. Hiện nay, xu hướng lồng ghép tương tác, trải nghiệm vào trưng bày đã được các bảo tàng quan tâm và chú trọng.

Vậy, làm thế nào để trưng bày hấp dẫn và thu hút được đông đảo công chúng? Đây là chủ đề được nhiều hội thảo trong nước và quốc tế quan tâm, nghiên cứu, mong muốn tìm kiếm các cách thức, phương pháp trưng bày mới, hiện đại để áp dụng và đổi mới hoạt động bảo tàng. Kết quả nghiên cứu của các hội thảo đều thấy rõ: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số và internet đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động và sự phát triển của mỗi bảo tàng. Với trưng bày, các bảo tàng cần đổi mới nội dung, phương pháp trưng bày (ứng dụng công nghệ số về âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, trang thiết bị hiện đại) và lồng ghép các hoạt động tương tác, trải nghiệm cho công chúng ngay tại không gian trưng bày để tăng tính hấp dẫn cho mỗi bảo tàng.

 

Mỗi bảo tàng khác nhau có thể ứng dụng, thiết kế, trưng bày và ứng dụng tương tác, trải nghiệm theo nhiều cách thức khác nhau nhưng đều hướng tới một đối tượng chung, đó là công chúng. Xu hướng công chúng tham quan bảo tàng theo cách truyền thống đã được các bảo tàng ở Việt Nam và trên thế giới đổi mới bằng hình thức tham quan kết hợp trải nghiệm, tương tác trực quan hoặc bằng công nghệ ảo. Vậy tương tác, trải nghiệm trong trưng bày là như thế nào? Đó là cách mà các trưng bày bảo tàng vận dụng mọi ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại nhất nhằm chuyển tải một cách hiệu quả nhất nội dung và thông điệp của trưng bày tới công chúng tham quan. Tạo không gian trưng bày sống động để công chúng vừa được thưởng ngoạn hiện vật vừa được trải nghiệm những câu chuyện gắn với hiện vật mà bảo tàng đang nắm giữ; tạo ra các ứng dụng, tương tác để khách tham quan tham gia, trao đổi và chia sẻ ý kiến, câu chuyện và hiện vật của riêng mình với bảo tàng.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy_ Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Học, PGD Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCH) cho rằng: “Tương tác, trải nghiệm của công chúng ở đây được hiểu là sự tham gia tương tác trực tiếp của từng cá nhân cả về không gian, thời gian trong trưng bày bảo tàng, đó là hoạt động mang tính trực quan sinh động của con người, kích thích hoạt động của các giác quan, để tìm hiểu thông tin, câu chuyện hiện vật trong trưng bày bảo tàng hoặc cũng có thể là tương tác bằng thiết bị kỹ thuật số với nhiều hình thức khác nhau như nghe, nhìn, cảm nhận, hoá thân...” (Trích Báo cáo Hội thảo “Tương tác, trải nghiệm từ trưng bày bảo tàng” tổ chức tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP.HCM, 2018)

Việc lồng ghép tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng được khám phá, trải nghiệm, tương tác với trưng bày và thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động và hiệu quả. Với những bảo tàng có các hoạt động tương tác, trải nghiệm độc đáo, mới lạ, hiện đại sẽ thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, thưởng ngoạn... bởi đây là nhu cầu chung của con người khi đến bảo tàng. Khi nhu cầu được đáp ứng, công chúng đến bảo tàng nhiều hơn và bảo tàng đó sẽ trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn du khách. Để có được hiệu quả đó, những người làm công tác trưng bày bảo tàng cần nghiên cứu nội dung, lập kế hoạch trưng bày ngắn hạn, dài hạn, tạm thời; đồng thời tiếp cận với các phương pháp, cách thức trưng bày mới từ các bảo tàng hiện đại và thay đổi từ cách thức trưng bày từ tĩnh sang động, kết hợp với công nghệ số, lồng ghép với tương tác, trải nghiệm để thu hút khách tham quan đến và trở lại bảo tàng nhiều lần hơn nữa.

 

Trong trưng bày bảo tàng, hiện vật là chủ thể chính và công chúng là đối tượng thưởng thức các chủ thể đó. Cùng với sự phát triển của xã hội và sự thay đổi nhu cầu tìm hiểu kiến thức, học tập và giải trí của khách tham quan, mong muốn được thỏa mãn tối đa mục tiêu hoạt động của mình tại bảo tàng. Công chúng không chỉ đến bảo tàng để chiêm ngưỡng hiện vật mà còn mong muốn được trải nghiệm, tương tác cùng hiện vật bằng nhiều cách thức khác nhau. Các thông tin, tri thức khoa học từ hiện vật sẽ được công chúng cảm nhận, tiếp nhận theo cách thức riêng của mỗi người. Hiện nay, slogan “I hear and I forget. I see and I remember. I do and I understand” (tạm dịch là “Tôi nghe tôi sẽ quên, tôi nhìn tôi sẽ nhớ, tôi làm tôi sẽ hiểu”) được ứng dụng phổ biến trong trưng bày ở nhiều bảo tàng trên thế giới, để chúng ta có thể thấy được vai trò và giá trị của trải nghiệm, tương tác dành cho công chúng trong trưng bày/giáo dục bảo tàng là hết sức cần thiết.

 

Việc áp dụng các hoạt động trải nghiệm, tương tác trong trưng bày bảo tàng hiện nay đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng và thu hút công chúng. Trong hành trình tham quan, khi công chúng vừa được thưởng thức, vừa được trải nghiệm; nhu cầu của họ được thỏa mãn phần nào, họ sẽ chủ động selfie, livestream, comment, review... hành trình của mình qua các kênh truyền thông, mạng xã hội như facebook, zalo, intagram, twitter... được đẩy mạnh. Đây cũng chính là cách truyền thông, quảng bá bảo tàng hiệu quả tới đông đảo công chúng trong nước và trên thế giới hiện nay. Do đó, các bảo tàng cần đổi mới trưng bày và đẩy mạnh các hoạt động tương tác, trải nghiệm để công chúng có cơ hội thưởng thức, khám phá giá trị của các di sản. Các hoạt động đó, không chỉ phù hợp với đặc trưng, tính chất của mỗi bảo tàng mà còn phù hợp tâm lí, sở thích của du khách và phải hết sức phong phú, mới lạ để cho phép công chúng được lựa chọn hình thức trải nghiệm mà mình yêu thích trong rất nhiều hình thức khác nhau mà các bảo tàng đang áp dụng trong trưng bày bảo tàng.

 

7

Một góc trải nghiệm tham quan trưng bày bằng thiết bị kỹ thuật số 360 Scope

(ứng dụng công nghệ ảo), Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc

Như vậy, khi trưng bày và thu hút khách tham quan được đẩy mạnh, thì bảo tàng và công chúng được xích lại gần nhau hơn, các chức năng truyền thụ tri thức của mỗi bảo tàng được thực hiện hiệu quả hơn, từ đó góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị và tinh hoa văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc tới đông đảo công chúng toàn cầu.

Nguồn: Baotanglichsu.vn

Last modified on Thứ tư, 11 Tháng 12 2019 03:02

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 10

Tất cả 2857451

Videos

Liên kết website