Thứ ba, 03 Tháng 9 2019 04:11

KẾT QUẢ ĐÀO KHẢO SÁT HANG ỐC Ở HUYỆN HỮU LŨNG, TỈNH LẠNG SƠN

Hang Ốc ở xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng được Bảo tàng Lạng Sơn phát hiện vào tháng 7 năm 2018 (1). Tháng 8 năm 2019, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành đào thám sát

 

Hang Ốc phân bố ở lưng chừng sườn phía tây nam một quả núi lớn, ở độ cao hơn 50m so với chân núi. Hang có vị trí tọa độ 210 37’ 22’’ Vĩ độ Bắc, 106021’ 21’’ Kinh độ Đông.Cửa hang có hình vòm lớn mở về phía tây nam, trông xuống thung lũng lớn, có dòng suối chảy gần chân núi. Đường lên hang rất thuận tiện. Bề mặt hang khá bằng phẳng rộng trên 300m2, vào sâu bên trong, lòng hang chia làm hai ngách lớn, trần hang hình vòm ít nhũ rủ. Phần lớn diện tích lòng hang nhận được ánh sáng tự nhiên, thuận lợi cho con người cư trú.

Hang Ốc, đúng như tên gọi với bề mặt hang phủ đầy vỏ ốc núi (Cyclophorus) và ốc suối (Antimelania) đã bị trầm tích hóa kết cấu cứng chặt. Phần lớn bề mặt lòng hang đã bị xáo trộn do nhân dân địa phương tiến hành đào phân dơi trong một thời gian dài. Có những dấu hiệu của những đợt địa chấn xảy ra trong quá khứ với bằng chứng là nhiều tảng đá to, nhiều khối nhũ lớn từ trần hang cao hơn 10m rơi xuống, nằm rải trên bề mặt hang.

Đoàn khảo sát đã tiến hành đào thám sát một hố nhỏ 4m2 ở khu vực gần cửa hang. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, tầng văn hóa khảo cổ xuất lộ ngay trên bề mặt. Căn cứ vào địa tầng trong hố đào cho thấy, di tích có 1 lớp văn hoá duy nhất dày khoảng 40- 50cm, có độ kết cấu khá tơi xốp, được hình thành bởi đất sét trong hang đá có màu xám sẫm, chứa di tích, di vật khảo cổ xen lẫn vỏ nhuyễn thể và xương răng động vật. Ở một vị trí khác nằm sâu trong hang, cách hố đào khoảng 3m, đoàn đã đào sửa vách 1 hố đào phân dơi cho thấy tầng văn hóa dầy tương tự, đáy chạm đá nền.

Trong hố đào đã phát hiện được dấu tích của 3 bếp lửa với tầng than tro khá dầy, chưa tìm thấy dấu tích mộ táng. Đã thu lượm trong hố đào gần 20 di vật đá gồm 2 công cụ cuội ghè đẽo, 1 rìu mài nhẵn lan thân hình tứ giác, 4 cuội có vết ghè, 1 mảnh bàn mài, 4 cuội nguyên liệu, 5 mảnh tước, 2 thỏi cuội nhỏ và 2 công cụ xương mũi nhọn cùng nhiều xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể ốc núi và ốc suối, càng cua, vỏ trai, vỏ trùng trục.

 

 image002  image004

Hang Ốc (vòng mầu đỏ), x.Yên Thịnh, h. Hữu Lũng

Đào thám sát hang Ốc

Ngoài ra, đoàn đã tiến hành thu lượm hiện vật trên bề mặt hang(do người dân khai thác phân dơi để lại), phát hiện gần 100 di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá và đồ xương.

Tất cả công cụ đá (cả trong hố đào và thu lượm bên ngoài) đều được chế tác từ những viên cuội suối. Loại hình công cụ ở đây mang đặc trưng công cụ văn hoá Bắc Sơn như công cụ mài lưỡi kiểu “rìu Bắc Sơn”, rìu hình tứ giác mài toàn thân, nhiều thỏi cuội có vết mài kiểu “dấu Bắc Sơn”, cùng nhiều công cụ cuội ghè đẽo hình bầu dục, rìu ngắn, công cụ chặt thô, công cụ mảnh,mảnh tước, hòn thổ hoàng.Cũng tìm thấy nhiều công cụ bằng xương.Người xưa đã chẻ dọc một số xương chi động vật như lợn, hươu, nai, sau vót nhọn tạo thành các mũi nhọn sử dụng làm công cụ.

Cũng đã thu lượm được nhiều bàn mài, bàn nghiền và chầy nghiền. Những bàn mài được sử dụng nhiều lần trên cả hai bề mặt đá tạo thành những vết lõm lòng máng trên hai mặt của viên đá. Điều này chứng tỏ cư dân Hang Ốc đã sử dụng rất thành thục kỹ thuật mài trong việc chế tác công cụ.Sự có mặt của nhiều đá cuội nguyên liệu, đá có vết ghè và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ.

       Cùng với những di vật trên là dấu tích xương động vật gồm lợn, khỉ, don, dúi, nhím, hươu, nai và vỏ nhuyễn thể như ốc sông, vỏ trai, hến, trùng trục v.v... Đó chính là tàn tích thức ăn của người tiền sử bỏ lại.

Việc tìm thấy nhiều bàn nghiền, chầy nghiền cho thấy hành vi khai thác và chế biến thức ăn từ quả và hạt của người tiền sử. Cùng với những dấu tích xương răng động vật cho thấy săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người tiền sử nơi đây.

Đáng chú ý là có bàn nghiền và chầy còn bám đầy chất thổ hoàng trên bề mặt tiếp xúc.

Công việc nghiên cứu những di tích di vật vẫn đang được tiến hành. Đoàn đã thu thập những mẫu vật trong địa tầng để phân tích mẫu C14 và bào tử phấn hoa.

 

 image006  image008

Công cụ cuội ghè Hang Ốc

Rìu mài Hang Ốc

Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu trầm tích địa tầng văn hoá và so sánh với các di tích văn hóa Bắc Sơn khác như hang Ốc (Võ Nhai, Lạng Sơn), hang Ngườm Vài (Cao Bằng), hang Pắc Tà (Hà Giang) (2), bước đầu đoàn nghiên cứu cho rằng, Hang Ốc là di tích cư trú của người tiền sử, thuộc hệ thống văn hóa Bắc Sơn giai đoạn muộn, có niên đại khoảng 6.000 năm cách nay.Với hiện trạng thực tế, Hang Ốc là một di tích tiền sử rất quan trọng và còn rất ít gặp trong bối cảnh kinh tế, xã hội chung hiện nay.

Do diện tích mặt bằng chứa di tích, di vật còn rất lớn trong hang (khoảng trên 100m2) mặc dù bề mặt hang đã có dấu hiệu bị xáo trộn, nhưng dưới các lớp đất hiện tại trong lòng hang còn lưu giữ số lượng hiện vật rất phong phú, chúng tôi đề nghị các cơ quan chuyên môn như Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn có kế hoạch khai quật địa điểm Hang Ốc trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nông Văn Kiên, Đinh Hồng Cương, Dương Việt Hưng (2018). Phát hiện mới hai di tích khảo cổ học tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2019.Viện Khảo cổ học.

2. Trình Năng Chung (Chủ biên) (2018). Nghiên cứu các di tích văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn qua các tài liệu khảo cổ học được phát hiện từ năm 2000- 2015 ở miền núi Đông Bắc Việt Nam. Đề tài cấp Bộ- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do PGS.TS Trình Năng Chung làm Chủ nhiệm.

Last modified on Thứ ba, 03 Tháng 9 2019 04:20

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 45

Tất cả 2857888

Videos

Liên kết website