Thứ hai, 24 Tháng 6 2019 08:16

BẢO TÀNG TỔNG HỢP TỈNH LẠNG SƠN GIAN NAN NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lạng Sơn, (nay là Bảo tàng Lạng Sơn) được thành lập theo Quyết định số 441/QĐ-UB ngày 24/6/1993 của UBND tỉnh trên cơ sở phòng Bảo tồn Bảo tàng thuộc sở Văn hóa, thông tin và thể thao tỉnh Lạng Sơn là đơn vị sự nghiệp về Bảo tàng và Bảo tồn di tích.

 Ngày đầu thành lập, đơn vị đứng trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về con người và cơ sở vật chất. Trụ sở là nhà triển lãm cũ tại khu đầu cầu gần bờ sông, Kho bảo quản hiện vật - trong đó có cả bảo vật quốc gia chỉ là dãy nhà cấp bốn sập xệ chung với khu tập thể cán bộ viên chức gần đó, không đảm bảo an ninh, nguy cơ cháy nổ, lũ lụt luôn đe dọa. Cán bộ vừa thiếu vừa khó khăn về đời sống, nhiều người ở các huyện trong tỉnh và tỉnh khác đã về cùng chung tay xây dựng Bảo tàng. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, tập thể cán bộ Bảo tàng đã đồng lòng xây dựng sự nghiệp từ cái nền của các anh chị phòng Bảo tàng đi trước.

Trở thành đơn vị sự nghiệp không còn quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ đa ngành, trẻ hóa nên chất lượng chuyên môn cũng dần được nâng lên. Cả cơ quan chỉ có gần 20 người với 4 phòng ban là phòng Hành chính tổ chức, phòng nghiệp vụ, Phòng Kiểm kê Bảo quản và Ban Quản lý di tích. Có phòng chỉ có 2, 3 người như phòng Nghiệp vụ, Phòng Kiểm kê, Bảo quản. Mỗi phòng chỉ có một lãnh đạo là Trưởng phòng, tuổi đời bình quân của cán bộ chỉ trên dưới 30. Giám đốc Bảo tàng là đồng chí Nguyễn Cường nay là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khi đó cũng mới ngoài 30 tuổi. Phó Giám đốc là đồng chí Dương Xuân Hòa hiện là Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh. Điều kiện làm việc của đơn vị hết sức khó khăn, chỗ ngồi chật hẹp, bàn ghế được tu sửa lại. Cả cơ quan mới có một máy điện thoại bàn, một máy chữ và một chiếc ô tô Uaz cũ nát được điều chuyển từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã hết niên hạn sử dụng. Việc chụp ảnh các di tích, hiện vật, lễ hội nhiều khi còn phải đi thuê. Trụ sở cũng chuyển năm lần bảy lượt rồi mới tọa lạc khang trang ở vị trí như hiện nay. Cái khó ló cái khôn, Ban Giám đốc Bảo tàng đã cho thành lập Trung tâm dịch vụ di sản văn hóa trực thuộc Bảo tàng để bán các sản phẩm thủ công truyền thông đặc trưng góp phần nâng cao đời sống cán bộ và trang bị thêm cơ sở vật chất đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị. Cơ quan cũng xây dựng mối quan hệ rất chặt chẽ với Viện Khảo cổ học, Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian, Viện Hán Nôm, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội... trong việc đào tạo cán bộ, hợp tác nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.

Rất nhiều di tích được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh trong giai đoạn này. Hồ sơ di tích được lập theo đúng các quy định và hướng dẫn của ngành. Một danh mục đồ sộ các di tích danh thắng của tỉnh được xây dựng một cách khoa học, đầy đủ tính chất pháp lý để làm cơ sở cho công tác quản lý di tích sau này. Việc bảo vệ di tích đôi khi diễn ra rất quyết liệt. Nhiều bài báo của chính cán bộ Bảo tàng đã góp phần tác động ngành điện phải chuyển hướng đường dây cao thế đi qua trước cửa động tại di tích Nhị Tam Thanh để tránh vi phạm di tích (Bài “Lời khẩn cầu của nàng Tô Thị” đăng trên trang nhất báo Văn Hóa). Nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện mới như Mai Pha (xã Mai Pha, thị xã Lạng Sơn), hang Tu Lầm (Bình Trung, Cao Lộc)... Nhiều di chỉ được thám sát lại và khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt như Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Lạng Nắc... Các di tích lịch sử Cách mạng dần được phục hồi, tôn tạo. Một số di tích có giá trị lần lượt được xếp hạng di tích Quốc gia như Di tích Hồ Chủ Tịch thăm Thất Khê năm 1961, di tích Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại Văn Lãng và TP Lạng Sơn, di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri tại Văn Quan... Công tác xếp hạng Di tích gắn với lễ kỷ niệm ngày sinh của các đ/c làm nức lòng nhân dân trong vùng, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử rất lớn.

2

Lễ đón bằng công nhận di tích Quốc gia

Nhà lưu niệm đ/c Lương Văn Tri

 

Mặc dù lương thấp, các chế độ của nhà nước đối với cán bộ còn hạn chế vì đất nước vừa ra khỏi thời kỳ bao cấp, đời sống khó khăn nhưng cán bộ Bảo tàng vẫn hăng say, nhiệt huyết với nghề. Năm 1998, di tích Nhị - Tam Thanh được tôn tạo, tu bổ, đưa vào phục vụ khách tham quan trở thành mô hình xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích đầu tiên của tỉnh. Nguồn thu từ vé tham quan di tích tuy không lớn nhưng đã cũng góp phần tạo ra nguồn kinh phí đầu tư trở lại cho di tích ngày càng trở nên đẹp đẽ và có sức hấp dẫn hơn.

Không chỉ di sản vật thể mà di sản phi vật thể cũng bắt đầu được quan tâm. Các di sản như phong tục tập quán, dân ca, dân vũ, lễ hội, diễn xướng dân gian cũng được ghi âm, ghi hình, ghi chép tỉ mỉ. Không chỉ phòng Nghiệp vụ mà cả phòng Kiểm kê Bảo quản, Ban Quản lý di tích cũng cử người cùng đi kiểm kê di tích, sưu tầm hiện vật, di sản phi vật thể. Nhiều chuyến đi công tác gặp bão lũ anh em phải dầm mưa, đẩy xe, leo núi, lội suối đi bộ quãng đường dài nhưng vẫn vui vẻ và tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3

Cán bộ Bảo tàng cùng với các nhà khoa học ở TW

trên đường đi khảo sát di tích Chóp Chài, TPLS

Không khí nghiên cứu khoa học trong cơ quan rất nghiêm túc, chất lượng.. Nhiều bài viết của cán bộ Bảo tàng được các báo, tạp chí ở TW và địa phương đăng tải. Tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học thường niên do Viện Khảo cổ học, (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội ViệtNam) tổ chức đều có sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn.

Nhiều kết quả nghiên cứu, khảo sát do các cán bộ trẻ của Bảo tàng lập khi đó hiện vẫn đang được lưu giữ tại Kho tư liệu và trở nên rất có giá trị trong nghiên cứu lịch sử văn hóa của địa phương. Nhiều tấm ảnh và bản khảo tả di tích trở thành tư liệu quý vì thời gian làm cho di tích xuống cấp, mai một dần. Các lưu chiếu đó giúp cho việc nghiên cứu, phục dựng, trùng tu tôn tạo di tích được khoa học, chính xác hơn. Cuốn “Địa chí Lạng Sơn”, một công trình khoa học đồ sộ của tỉnh cũng có sự đóng góp của nhiều cán bộ Bảo tàng, hay như cuốn “Xứ Lạng văn hóa và du lịch” do hai tác giả đồng chủ biên là Nguyễn Cường và Hoàng Văn Nghiệm cũng có sự tham gia của hầu hết cán bộ chuyên môn của Bảo tàng. Một số cán bộ chuyên môn của Bảo tàng được kết nạp vào các Hội chuyên ngành ở Trung ương và địa phương như Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh … Qua đó có điều kiện tốt hơn để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi kiến thức bởi Bảo tàng là cơ quan có chức năng nghiên cứu khoa học. Hoạt động đoàn thể cũng rất sôi nổi. Nhiều đoàn viên thanh niên trong cơ quan đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi do Tỉnh đoàn và báo Tiền phong tổ chức.

Công tác tuyên truyền hoạt động của Bảo tàng, giới thiệu giá trị của di sản được đẩy mạnh. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người dân đã biết đến chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng. Họ đã tự giác mang đến tặng cho Bảo tàng nhiều hiện vật lịch sử cách mạng, dân tộc học, khảo cổ học có giá trị.

4

Một số ấn phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học tiêu biểu

của cán bộ bảo tàng

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khi đó được Ban lãnh đạo Bảo tàng rất quan tâm và tạo điều kiện. Nhiều cán bộ của Bảo tàng tích cực học tập chuyên môn, nâng cao trình độ, trong đó có những đồng chí đã bảo về thành công luận án Tiến sỹ, Thạc sỹ và trở thành những người có trình độ sau đại học đầu tiên của ngành văn hóa tỉnh nhà. Luận án của họ đều là các đề tài gắn liền với thực tiễn công việc hằng ngày. Hai trong số đó đã được in thành sách phục vụ khảo cứu chuyên môn.

Tôi rất thích tên Bảo tàng tổng hợp vì nội hàm của nó lột tả đúng chức năng nhiệm vụ hơn. Khi xưa Bảo tàng còn được gọi là Viện Bảo tàng vì nó là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền, lưu giữ lịch sử văn hóa của cả tỉnh hay cả nước hay một lĩnh vực nào đó. Ngày nay vì nhiều lý do khác nhau, vì liên quan đến chính sách đầu tư, đến vị trí việc làm vì học tập một số nước nên tên gọi của Bảo tàng nói riêng và một số cơ quan nói chung thường bị thay đổi dễ cho công tác quản lý nhưng lại không lột tả được bản chất của cơ quan sự nghiệp. Hy vọng đến lúc nào đó các nhà quản lý lại đổi tên thành Bảo tàng Tổng hợp hay Viện bảo tàng thì có lẽ khoa học hơn.

Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Lạng Sơn đã qua nhiều thế hệ cán bộ, cơ sở vật chất cũng khang trang hơn, thành tích trong công tác cũng nhiều hơn. Là một trong những cán bộ có mặt từ những ngày đầu xây dựng Bảo tàng, mặc dù chuyển công tác đã lâu, tôi vẫn luôn dõi theo từng bước đi và sự phát triển của cơ quan cũ. Tôi nhận thấy, lớp cán bộ hiện nay của bảo tàng trình độ khá đồng đều. Họ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp Bảo tàng trong thời kỳ mới. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Bảo tàng Lạng Sơn, xin có đôi lời chia sẻ để nhớ về một thời gian khó nhưng cũng rất nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển sự nghiệp. Để mỗi chúng ta hiểu và thêm trân trọng những thành quả Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn có được hôm nay./.

                                                                    

Thạc Sĩ Nguyễn Đặng Ân

Phó Bí thư, Chủ tịch UBNd huyện Lộc Bình

Nguyên cán bộ Bảo tàng Lạng Sơn

Last modified on Thứ hai, 24 Tháng 6 2019 08:27

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 12

Tất cả 2857453

Videos

Liên kết website