Thứ năm, 09 Tháng 5 2019 09:23

LỄ HỘI PHÀI LỪA XÃ QUỐC VIỆT, HUYỆN TRÀNG ĐỊNH TỈNH LẠNG SƠN

Lễ hội Phài Lừa xã Quốc Việt đã có từ rất lâu đời được tổ chức với chu kỳ 2 năm một lần vào ngày 4/4 âm lịch tại Miếu thôn Nà Lình và đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua làng ( khu vực đoạn Thà Bó ). Đây lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới của xã Quốc Việt nói riêng, của huyện Tràng Định nói chung.

 

Truyện kể rằng: Ngày xưa ở vùng dân cư thưa thớt, núi rừng hoang sơ, hiểm trở, ở một gia đình họ Hoàng Kia có một cô con dâu rất giỏi giang, xinh đẹp, thông minh, tháo vát. Cô chỉ bảo, giúp đỡ mọi người trong vùng xẻ khe làm ruộng, khai hoang đất bãi ven sông, trồng lúa, trồng màu. Nhờ có sự giúp đỡ của cô mà nhân dân vùng này đủ ăn, gia súc đầy đàn. Nhưng họ Hoàng kia lại có bà mẹ chồng cay nghiệt, không thương con dâu. Một năm cô con dâu ở cữ, không làm được việc nặng nhọc. Cô muốn giúp gia đình làm cơm, chăn lợn, đun nước uống, nhưng hiềm một nỗi ở vùng này nguồn nước ăn hiếm, phải ra sông mới có nước. Củi đun thì phải vào vùng xa mới kiếm được. Cô con dâu đành phải nhờ mẹ chồng đi kiếm giúp. Nhưng bà mẹ chồng vốn cay nghiệt, không thương con dâu, nên khi con dâu nhờ đi lấy nước kiếm củi hộ thì bà cho rằng con dâu đầy đọa mình nên bà kêu gào chửi bới con dâu. Bà kêu trời hại con dâu. Lời kêu đó lên đến trời, trời thương cô con dâu bèn nổi cơn sấm sét, mưa to gió lớn, hóa phép đưa người con dâu và đứa con biến mất. ngày đó là ngày 4/4 âm lịch.

          Dân làng quanh vùng ai cũng tiếc thương cô gái. Để tỏ lòng biết ơn người công lao dạy bảo của Cô, dân làng đã cùng nhau lập đàn cúng cầu cho linh hồn cô siêu thoát. Linh hồn cô gái về báo mộng hiển thần, thân xác đã đưa về an táng tại đỉnh núi Pò Pạo. Nếu dân làng có điều gì cần phù trợ thì cứ đến đó mà khấn cầu. Nhưng đường lên đỉnh núi Pò Pạo lại quá xa xôi, hiểm trở vì vậy dân làng lại lập đàn cầu cúng xin thần cho lập miếu thờ tại làng. Linh hồn cô gái ưng thuận đạp đồng về báo: Nếu thấy một gắp gianh có cài chiếc kiếm rơi vào chỗ nào thì đó là nơi đất thiêng và dựng miếu thờ ở đó. Dân làng bèn dựng miếu thờ ở nơi gắp gianh rơi và chiếc kiếm đã bay ra cắm vào phía dưới gò đất ven sông thành giếng nước vừa trong vừa mát. Dân làng lập miếu thờ ở chỗ bây giờ và giao cho nhà họ Hoàng kia chịu việc phụng thờ, thắp hương cúng lễ thần hàng năm.

Một năm nọ, có ông họ Hoàng ra đoạn sông Thà Bó đánh cá, Ông kéo lưới lên vớt được một quả trứng, không giống trứng gà, không giống trứng vịt. Ba lần vứt đi, ba lần ông vẫn thấy trứng, ông bèn mang về nhà cho gà ấp, sau nở ra một con rắn, ông đặt tên cho là Củm. Ông cho vào chum nuôi, sau rắn lớn chum nhỏ, ông cho vào bồ đựng thóc, Rắn lớn nhanh như thổi thường bò lên xà nhà nằm, khiến cho mọi người sợ hãi, ông bèn đem rắn ra sông thả. Khi thấy người qua sông rắn thường nổi lên làm mọi người sợ hãi. Ông họ Hoàng bèn ra sông nói: “ Rắn không được nổi lên nữa, khi nào ta vỗ nước ba lần mày hãy về mà kỳ lưng cho ta. Từ đó rắn không nổi lên nữa. Cho đến bây giờ thỉnh thoảng đoạn sông đó nước đục ngầu, dân làng cho rằng rắn về tắm nước nên sông mới đục như vậy. Với mong muốn vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng đã tổ chức hội đua bè trên đoạn sông Thà Bó. Dân làng cho rằng Rắn là con trai của vị thần ở miếu Nà Lình. Vì vậy đến ngày 4/4 âm lịch là ngày cúng lễ của miếu Nà Lình.

Để chuẩn bị, từ năm trước dân làng đã giao cho một gia đình trong làng nuôi sẵn một con lợn tế. Trước ngày lễ hội các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ. Gia đình Họ Hoàng (người chủ trì của lễ hội được giao nhiệm vụ chăm nom, thờ cúng miếu Nà Lình) đến miếu quét dọn sạch sẽ trang hoàng, để chuẩn bị đón khách đến lễ tại miếu, chuẩn bị mâm lễ để mang ra cúng miếu Nà Lình và lương phẩm để đón khách. Các thôn tham gia đua bè đóng bè mảng thật chắc chắn để chuẩn bị tốt cho cuộc đua.

Lễ hội diễn ra liên tục cả ngày với nghi lễ trang nghiêm, các trò chơi dân gian sôi nổi như : Đẩy gậy, kéo co, tung còn, lảy cỏ… cùng các cuộc đua ngoạn mục như: Thi bơi, thi đua bè mảng… với sự tham gia của các thanh niên trong thôn, bản trong xã và một số làng lân cận.

Điều đặc biệt nhất không thể không nhắc đến của lễ hội chính là trò đua bè mảng, trước giờ đua Ban tổ chức và các vận động viên cùng vào miếu làm lễ thắp hương, sau đó đến địa điểm tập chung. 17 thôn ven sông và các thôn lân cận chuẩn bị bè mảng được kết bằng các cây tre dài, đầu bè cắm cờ hiệu riêng theo quy định. Mỗi bè có 3 vận động viên mình trần, mặc quần đùi, tay cầm mái chèo gỗ, đầu cuốn khăn và thắt lưng buộc vải cùng màu. Điểm xuất phát kéo dài từ bến sông Pác Hát đến Pò Phiêng rồi quay lại. Cuộc đua có từ 15 đến 20 bè tham gia, được chia thành từng đợt, mỗi đợt đua 3 vòng. Đến vòng thứ 3 khi các bè đua đến khúc sông trước cửa miếu Nà Linh đều phải lật bè 3 lần, động tác này tượng trưng cho việc gọi thần rắn lên cùng đua bè, cùng vui hội với dân làng. Bè thắng cuộc là bè có thời gian bơi 3 vòng ít nhất. Cuộc đua được tiến hành theo sự điều khiển của trọng tài và tiếng trống giục rộn rã liên hồi cùng không khí náo nhiệt và tiếng hò reo không ngớt của các khán giả cổ động. Lễ hội diễn ra đến khi trời xế chiều, các trò chơi dân gian kết thúc. Ban tổ chức trao giải cho các đội thi xuất sắc trong lễ hội. Mọi người tản ra thụ lộc lễ cúng ngay tại hội hoặc mang về mời bạn bè phương xa đến thụ lộc cùng gia đình.

Lễ hội Phài Lừa xã Quốc Việt đã quy tụ được những sắc thái văn hóa đặc trưng, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt và sông nước, được tổ chức để cầu cúng thần sông - vị thần cai quản sông nước, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, gia đình no ấm, bản làng yên lành. Lễ hội kết thúc trong không khí vui tươi phấn khởi của hàng nghìn khách tham dự và sự luyến tiếc của dân làng. Mọi người chia tay nhau để trở về với cuộc sống thường nhật nhưng trong lòng vẫn khát khao, chờ mong một mùa lễ hội mới lại về.

Một số hình ảnh trong lễ hội :

IMG 8260

Văn nghệ chào mừng lễ hội

IMG 8317

Cúng lễ tại Miếu Nà Lình

IMG 8273

Thi Kéo co giữa các đội trong xã

IMG 8294

Khán giả cổ vũ nhiệt tình

IMG 8329

Thi đẩy gậy

maxresdefault

Thi đua bè mảng (nguồn ảnh interner)

 

Dương Thùy Linh

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 12

Tất cả 2857453

Videos

Liên kết website