Ngày 24/6/1993, Bảo tàng tổng hợp - nay là Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn chính thức được thành lập. Lúc này, hiện vật trong kho cơ sở vừa ít về số lượng, vừa đơn điệu về loại hình. Chủ yếu là hiện vật lịch sử cách mạng và một số hiện vật dân tộc học. Nhiều hiện vật dân tộc học sưu tầm về nhưng chưa được đăng ký kiểm kê. Hồ sơ của một số hiện vật thông tin còn sơ sài, chưa chính xác, rất khó khăn cho việc khai thác, sử dụng. Thời kỳ đầu sau khi thành lập, công tác nghiên cứu sưu tầm chưa được triển khai thường xuyên, còn phụ thuộc nhiều vào thời gian công việc của bảo tàng do phải giành sự quan tâm cấp thiết cho việc xếp hạng, quản lý di tích để tránh bị xâm hại, phá hủy.
Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, coi đó là hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài của đơn vị. Từ năm 1995 công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật của bảo tàng tỉnh bắt đầu được đẩy mạnh. Nguồn bổ sung hiện vật thời kỳ này chủ yếu là các di vật khảo cổ. Từ các chương trình dự án nghiên cứu về khảo cổ, rất nhiều di tích được nghiên cứu, thám sát, khai quật như Mai Pha, Phai Vệ, Phia Điểm, Lạng Nắc... Từ đó đã thu thập hàng vạn di vật khảo cổ thuộc nhiều loại hình, nâng tổng số hiện vật của Bảo tàng tăng lên một cách đáng kể. Bên cạnh đó, các đợt điền dã dân tộc học, kiểm kê di tích trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 1997 – 2001 cũng giúp cho Bảo tàng thu thập, vận động nhân dân giao nộp, hiến tặng khá nhiều hiện vật. Đồng thời nắm bắt nguồn tin về hiện vật do nhân dân lưu giữ để có kế hoạch sưu tầm trong thời gian tiếp theo. Để công tác sưu tầm đạt hiệu quả, hàng năm đơn vị đã tiến hành lập kế hoạch, xây dựng đề cương sưu tầm ngắn hạn hoặc dài hạn để phục vụ cho việc tổ chức các triển lãm chuyên đề nhân các ngày lễ lớn, các đợt sinh hoạt chính trị nhằm làm phong phú thêm hoạt động chuyên môn của Bảo tàng. Để qua đó bổ sung thêm hiện vật cho kho cơ sở, cho hệ thống trưng bày, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Bảo tàng.
Mỗi đợt sưu tầm khảo sát thực địa, các cán bộ bảo tàng thường đi từ 3- 5 ngày, với 2 - 4 người/đoàn đến một số địa phương trong tỉnh để gặp gỡ, liên hệ với nhân chứng lịch sử, các tổ chức, đặc biệt là các cá nhân đang lưu giữ hiện vật bao gồm: các vị lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử... có thể cung cấp và lưu giữ những tài liệu, hiện vật có giá trị. Ngoài ra Bảo tàng còn kết hợp khai thác thông tin, sưu tầm tài liệu hiện vật từ bảo tàng TW và các bảo tàng tỉnh bạn. Xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan chức năng của tỉnh: Công an tỉnh, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Chi cục Quản lý thị trường…để làm tốt công tác tiếp nhận, chuyển giao cổ vật.. Thiết lập mối quan hệ với các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương như Hội cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong, các vị già làng, trưởng các tộc họ cùng nhiều hình thức khác để nhân dân biết và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cho cán bộ Bảo tàng trong quá trình đi sưu tầm hiện vật và kịp thời thông tin cho Bảo tàng khi phát hiện những tài liệu, hiện vật có giá trị. Đây chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho cán bộ sưu tầm có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, góp phần thúc đẩy công tác sưu tầm của Bảo tàng Lạng Sơn ngày càng đạt kết quả tốt.
Cán bộ Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt bàn giao cổ vật thu hồi từ các đối tượng buôn, bán trái phép qua biên giới cho Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn năm 2017
Từ những định hướng đúng đắn đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức triển khai hàng trăm đợt nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật trên địa bàn tỉnh cũng như hàng chục đợt sưu tầm ở Bảo tàng các tỉnh bạn, các cơ quan lưu trữ Trung ương. Trong đó có nhiều đợt sưu tầm chuyên đề để bổ sung các sưu tập còn thiếu, các giai đoạn và sự kiện lịch sử còn trống hiện vật. Cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm đã không quản ngại khó khăn đi đến các làng bản xa xôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng căn cứ địa cách mạng, đường xá khó đi, nhiều khi phải đi bộ hàng chục cây số để sưu tầm được những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa các dân tộc, về nghề thủ công truyền thống; hiện vật cách mạng kháng chiến, cũng như những hiện vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Là những người trực tiếp làm công tác sưu tầm, những cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng luôn thấu hiểu những khó khăn vất vả khi tiếp cận với nhân chứng, đặc biệt là những nhân chứng là cựu chiến binh, lão thành cách mạng tuổi đã cao, sức khỏe, trí nhớ giảm sút, nhưng tư liệu hiện vật mà họ đang lưu giữ lại rất phong phú đa dạng, gắn liền lịch sử của địa phương, đất nước. Để khai thác được những nhân chứng này, cán bộ bảo tàng phải đi lại nhiều lần, thăm hỏi động viên, kiên trì nói chuyện, vận động gia đình, cá nhân hiến tặng hoặc trao đổi hiện vật… Đặc biệt, từ các chuyến đi nghiên cứu, khảo sát thực địa gần đây, vào các năm 2014, 2015, 2016, cán bộ Bảo tàng tỉnh đã trực tiếp phát hiện được một số di chỉ khảo cổ rất có giá trị. Khi công bố tại Hội nghị Thông báo khảo cổ học thường niên do Viện khảo cổ học tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hai di chỉ: hang Cốc Mười (xã Chí Minh, huyện Tràng Định) và di chỉ hang Pác Đây (xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng) khai quật đã thu được hàng ngàn hiện vật cổ sinh có niên đại cách ngày nay khoảng 114 nghìn năm. Bổ sung cho các sưu tập hiện vật khảo cổ của kho cơ sở Bảo tàng để phục vụ nghiên cứu khoa học và trưng bày. Đến nay bản đồ di tích khảo cổ học Lạng Sơn đã phủ kín 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Răng voi phát hiện tại di chỉ hang Cốc Mười, xã Chí Minh, huyện Tràng Định
Bên cạnh đó, một số người sau khi tham quan Bảo tàng Lạng Sơn trực tiếp cũng như gián tiếp nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã hiến tặng cho bảo tàng nhiều tài liệu, hiện vật, quý. Từ năm 2010 - 2017 đã có 743 tài liệu, hiện vật được hiến tặng cho bảo tàng. Tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Anh Phấn (phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn), ông Hoàng Văn Bảo (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia), ông Hoàng Doãn Đức (xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn), ông Hoàng Văn Kỳ (xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc), ông Vi Văn Đắc (xã Mai Sao, huyện Chi Lăng)...
Từ kết quả nghiên cứu, sưu tầm, đến nay, kho cơ sở của Bảo tàng ngày càng phong phú về loại hình, tăng về số lượng. Hiện đã có trên 73 nghìn tài liệu, hiện vật thuộc các loại hình: mẫu tài nguyên khoáng sản, lịch sử cách mạng, dân tộc học, cổ vật; trên 8000 ảnh tư liệu; tư liệu viết; 130 băng, đĩa... đang được lưu giữ tại kho cơ sở. Số lượng hiện vật sưu tầm hàng năm dao động từ 250 - 300 hiện vật. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng, đặc biệt là những cán bộ làm công tác nghiên cứu sưu tầm... Hiện vật sau khi sưu tầm đều được phân loại, xử lý kỹ thuật, lập hồ sơ sưu tầm theo quy dịnh và được Hội đồng khoa học thẩm định giá trị, xét duyệt, nhập kho đúng quy định để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày. Những hiện vật quý, có giá trị khoa học đều được công bố trên các tạp chí thông báo khoa học, các tạp chí chuyên ngành ở TW và địa phương. Qua đó tích cực góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Xứ Lạng.
Từ những chuyến đi khảo sát, sưu tầm, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, đó là:
- Mỗi cán bộ làm công tác sưu tầm phải có sự đầu tư nghiêm túc về tổng hợp thông tin, phân tích, đối chiếu các nguồn sử liệu để có được những đánh giá chính xác và khoa học. Người cán bộ sưu tầm cũng cần biết kết hợp giữa các khâu tiếp cận, gặp gỡ vận động đến khai thác thông tin, thu thập tài liệu, sưu tầm hiện vật.
- Những người làm công tác sưu tầm, phải là người có tâm huyết, có trình độ nhất định, tạo niềm tin, sự nhiệt tình hợp tác từ phía chủ hiện vật khi hiến tặng hoặc sang nhượng cho Bảo tàng. Bên cạnh đó, phải phát huy nâng cao tri thức về văn hóa, lịch sử, nắm rõ những thông tin, lý lịch của nhân chứng có hiện vật cần sưu tầm, hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ, giỏi về công tác dân vận, công tác quần chúng.
- Nghệ thuật giao tiếp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình sưu tầm, sự hòa nhập, tính hòa đồng, sự hiểu biết sẽ tạo không khí vui vẻ và cởi mở, giúp người đến sưu tầm cũng như người có hiện vật tự nhiên hơn trong quá trình kể chuyện, tiếp xúc.
- Cán bộ sưu tầm cần khéo léo hướng nhân chứng kể theo chủ đề cũng như nội dung của hiện vật mình đang cần tìm hiểu, những điều gì chưa hiểu, cần đánh dấu để sau đó hỏi lại cho chính xác. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ còn làm tốt vai trò của mình là tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng, làm cho mỗi người dân hiểu rằng việc hiến tặng các tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng lưu giữ cũng là vinh dự của cá nhân, gia đình, tổ chức.
Tuy nhiên qua các đợt sưu tầm tài liệu, hiện vật, chúng tôi nhận thấy công tác sưu tầm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
- Thiếu nhiều hiện vật mang tính điển hình gắn với các sự kiện nhân vật lịch sử quan trọng của địa phương để tạo điểm nhấn và gây ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan, hoặc có những hiện vật chưa phản ánh hết được các sự kiện, tầm ảnh hưởng của các nhân vật lịch sử có liên quan. Chất lượng công tác sưu tầm chưa cao do một số cán bộ trẻ ít kinh nghiệm, ít được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ.
- Trong những năm đầu thành lập, hiện vật sưu tầm được chủ yếu là hiện vật dân tộc học và hiện vật khảo cổ. Những hiện vật về cách mạng kháng chiến và tài nguyên thiên nhiên ít được sưu tầm. Vì vậy mà đến nay chưa có hoặc rất khó sưu tầm các hiện vật thể khối lớn về cách mạng kháng chiến, hiện vật về tài nguyên thiên nhiên dẫn đến công tác trưng bày giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh vẫn còn đơn điệu, thiếu sức hút đối với khách tham quan.
- Do nguồn kinh phí hàng năm hạn chế, nên hầu như chủ yếu chỉ sưu tầm được những hiện vật nhỏ, lẻ. Bảo tàng chưa đủ kinh phí để sưu tầm những bộ sưu tập, hoặc những hiện vật có giá trị cao.
Để công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật được tốt hơn, trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn cần có kế hoạch dài hạn, trung hạn để công tác sưu tầm hiện vật được chủ động hơn. Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu, hình ảnh gốc; chú trọng các nhóm hiện vật lịch sử, văn hóa thể khối lớn để bổ sung, hoàn thiện phần trưng bày ngoài trời.
- Đầy mạnh nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật về văn hóa phi vật thể và vật thể; các dân tộc thiểu số. Thực hiện giao lưu, hợp tác trong công tác sưu tầm với các bảo tàng trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến công tác phục chế hiện vật, xây dựng đề cương chỉnh lý trưng bàynhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan....
- Đa dạng hóa các hình thức sưu tầm của Bảo tàng để vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp, hiến tặng tài liệu hiện vật cho bảo tàng.
- Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, tạp chí của địa phương, đài PTTH tỉnh, trang thông tin điện tử Bảo tàng. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền, thuyết minh, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử, văn hóa tỉnh nhà thông qua hệ thống trưng bày của Bảo tàng...
Học sinh trường THCS xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc Lạng Sơn
tham quan Bảo tàng 3/2018
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn trong 25 năm qua, cũng là chặng đường gắn liền với sự nỗ lực cố gẵng của các thế hệ cán bộ, những người tâm huyết làm công tác nghiên cứu sưu tầm đã thực hiện bao chuyến điền dã để có được những bộ sưu tập, những tài liệu, hiện vật có giá trị, về văn hóa, lịch sử, dân tộc hoc, khảo cổ học... Xét về giá trị văn hóa, thì những hiện vật này rất có ý nghĩa đối với bảo tàng, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương. Những hiện vật đã được sưu tầm sẽ tạo tiền đề và định hình vững chắc cho Bảo tàng, khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương và cả nước.
Trong thời gian tới, những cán bộ Bảo tàng còn rất nhiều việc phải làm, nhất là công tác sưu tầm hiện vật. Bởi, quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, tốc độ phát triển ngày càng cao, những giá trị văn hóa, lịch sử cũng theo đó mà phai nhạt nếu không được đầu tư nghiên cứu sưu tầm, bảo quản để giữ gìn và giáo dục truyền thống. Với lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết với văn hóa, vùng đất Xứ Lạng, cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng phải luôn tìm tòi nghiên cứu và hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện tốt công việc chuyên môn, không ngừng sưu tầm và bổ sung nhiều hơn nữa các bộ sưu tập tài liệu, hiện vật để qua đó nâng tầm và lưu giữ những giá trị về lịch sử, bản sắc văn hóa của tỉnh nhà, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau./.
Nguyễn Gia Quyền