Thứ ba, 23 Tháng 4 2019 02:53

NỖ LỰC ĐỔI MỚI TRƯNG BÀY, PHỤC VỤ KHÁCH THAM QUAN NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP TẠI BẢO TÀNG TỈNH LẠNG SƠN

Bảo tàng tỉnh được thành lập năm 1993 trên cơ sở phòng Bảo tồn Bảo tàng thuộc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao Lạng Sơn. Khi đó, Lạng Sơn đang bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, giao lưu kinh tế với Trung Quốc. Hằng năm có hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước đến với Lạng Sơn, dẫn đến những thay đổi về kinh tế, sự mở rộng giao lưu. Bên cạnh đó, những ứng dụng của tiến bộ khoa học kĩ thuật và cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Nhu cầu và trình độ thưởng thức văn hóa và nhu cầu giải trí của người dân ngày càng tăng lên. Chính những nhu cầu này của người dân là điều kiện thuận lợi để Bảo tàng mở rộng cánh cửa của mình đón chào du khách. Nhưng đó cũng lại là một thách thức lớn đối với công tác Bảo tàng.

Hiện nay đất nước đang trong thời kỳ phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy Bảo tàng cũng không nằm ngoài quy luật kinh tế thị trường nữa. Bảo tàng không thể coi nhẹ đối tượng phục vụ của mình mà phải vận động và lôi cuốn công chúng đến thăm Bảo tàng. Để thu hút được công chúng đến với Bảo tàng, trước hết Bảo tàng phải hiểu rõ để từ đó đáp ứng những yêu cầu của công chúng. Nghĩa là Bảo tàng không chỉ đơn thuần đưa ra những chủ đề trưng bày hay hoạt động mang tính chủ quan, mà không quan tâm đến những sở thích, nhu cầu hay ý kiến của công chúng. Do vậy chỉ khi nào có được những trưng bày hay hoạt động đa dạng, đều kỳ, hấp dẫn, nhiều thông tin và đầy tính giáo dục, đồng thời những thông tin về những hoạt động ấy được truyền bá tới đông đảo công chúng thì Bảo tàng mới thực sự vươn tới công chúng của mình.

IMG 8030

Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn,

điểm đến trong hành trình khám phá di sản Xứ Lạng

          Thực tiễn hoạt động cho thấy, trước đây, đa phần các Bảo tàng đã tiến hành các hoạt động chuyên môn của mình như nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục... nhưng vai trò của công chúng, của cộng đồng chưa thực sự được đề cao. Sự tham gia của cộng đồng chủ yếu ở việc lấy thông tin, thì nay lại chú trọng nhiều đến sự hợp tác, cộng tác của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả các di sản văn hóa. Đa số các trưng bày thời kỳ trước thiên về mục đích tuyên truyền thuần túy, đơn giản, nên thường khô cứng và kém hấp dẫn, thiếu vắng những chương trình giáo dục riêng phù hợp với từng đối tượng, nhất là học sinh. Không những thế, do đơn giản coi trưng bày là hoạt động trung tâm của Bảo tàng nên sau khi cắt băng khai mạc, thì các cuộc trưng bày coi như đã hoàn thành, mà không có các hoạt động khác để lôi cuốn khách đến tham quan kể từ khi khai mạc cho đến lúc kết thúc cuộc trưng bày. Ví dụ như các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, tọa đàm, chiếu phim và nhiều hoạt động khác nhau của chương trình giáo dục.

          Việc đổi mới hoạt động trưng bày, các hình thức giáo dục nhằm đảm bảo tính khoa học, phù hợp với mọi đối tượng khách tham quan, góp phần giáo dục truyền thống quê hương, đất nước và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn dân là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, nhưng cũng rất nhiều khó khăn, thách thức đối với Bảo tàng Lạng Sơn. Trong những năm qua, Bảo tàng Lạng Sơn đã chủ động từng bước đổi mới hoạt động trưng bày, giáo dục với những nội dung, kết quả như sau:

1. Đổi mới công tác trưng bày cố định.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, cùng với tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, trong những năm qua, toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Bảo tàng không ngừng nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng hoạt động để thu hút khách tham quan đến bảo tàng, không ngừng đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân tỏng và ngoài tỉnh.

Một trong những hoạt động quan trọng để thu hút khách đến với Bảo tàng đó là hệ thống trưng bày cố định tại Bảo tàng. Là Bảo tàng khảo cứu địa phương mang tính tổng hợp nên nội dung trưng bày Bảo tàng Lạng Sơn rất phong phú và đa dạng bao gồm các lĩnh vực như: Giới thiệu về tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; đặc trưng văn hóa của các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh; quá trình hình thành và phát triển của tỉnh trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử từ thời tiền – sơ sử đến nay...

IMG 7502

Đ/c Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn cùng toàn thể đoàn viên thanh niên ngành tòa án tham quan Bảo tàng nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/1931 – 26/3/2017)

 

Để chuyển tải các ý tưởng đó, Bảo tàng Lạng Sơn đã lựa chọn, trưng bày các bộ sưu tập hiện vật quý, có giá trị về lịch sử - văn hóa như: Các mẫu địa chất, khoáng sản tiêu biểu; Đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động, nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, tập quán, tín ngưỡng... của các dân tộc; Sưu tập hiện vật khảo cổ tiêu biểu thời kỳ cổ sinh, các nền văn hóa tiền sử nổi tiếng như Bắc Sơn, Mai Pha; Sưu tập hiện vật lịch sử cách mạng về phong trào đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Lạng Sơn... Với nội dung phong phú, hấp dẫn được trình bày logic, khoa học, dễ hiểu, hệ thống âm thanh, ánh sáng hợp lý, Bảo tàng đã tạo được không gian khá ấn tượng và sức hấp dẫn đối với khách đến tham quan. Bên cạnh đó, các sưu tập hiện vật thường xuyên được thay đổi, chỉnh lý, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn tránh sự đơn điệu, nhàm chán đối với khách - đặc biệt là đối với khách tham quan đến với Bảo tàng nhiều lần.

Ngoài phần trưng bày trong tầng 2,3 của bảo tàng, hiện nay phần trưng bày ngoài trời đang từng bước được bảo tàng bổ sung những hiện vật thể khối lớn như hóa thạch thực vật thời kỳ cổ sinh, xác máy bay, máy ép mía, khẩu pháo của Pháp, súng thần công, mô hình nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.... Những hiện vật trên đang được phát huy tốt giá trị, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu, học tập của khách tham quan. Để đáp ứng tốt hơn nữa công tác trưng bày ngoài trời, trong thời gian tới bảo tàng tiếp tục trưng bày bổ sung thêm một số hiện vật thể khối lớn trong khuôn viên bảo tàng để hoàn thiện hệ thống trưng bày ngoài trời nhằm đổi mới và tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách.

2. Tăng cường tổ chức hoạt động trưng bày chuyên đề, lưu động.

Là tỉnh miền núi biên giới, phần lớn là dân tộc thiểu số, việc đến tham quan Bảo tàng với đa số công chúng trong tỉnh hiện nay còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Họ chỉ đến thăm bảo tàng nhân dịp đi chơi hội. Các em học sinh ở các huyện, vùng sâu, vùng xa được nhà trường tổ chức cho đi thăm bảo tàng nhân các hoạt động ngoại khóa. Với phương châm, nhiệm vụ “đưa di sản đến với cộng đồng”, bảo tàng tỉnh đã chủ động, tích cực đưa di sản đến với công chúng thông qua các chương trình triển lãm lưu động . Tính trung bình mỗi năm, Bảo tàng Lạng Sơn đã tổ chức trưng bày từ 4- 5 cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng, tổ chức 2 - 3 cuộc trưng bày chuyên đề lưu động tại các xã , huyện nhân dịp lễ hội Xuân và các ngày Lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Hiệu quả hoạt động trưng bày lưu động ở cơ sở đã góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đưa tri thức về di sản văn hóa tới cộng đồng. Từ đó, quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn và nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trên quê hương mình.

IMG 7190

Triển lãm lưu động tại chùa Tân Thanh xã Tân Thanh,

huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn

 

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành “Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên”. Năm 2016, Bảo tàng Lạng Sơn đã chủ động tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục Đào xây dựng kế hoạch "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời tại Bảo tàng từ nay đến 2020". Thông qua các nội dung phối hợp, Sở giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng chương trình, chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tổ chức cho các trường học thực hiện giờ học ngoại khóa tại bảo tàng. Đây là hoạt động thiết thực thu hút được đông đảo mọi bậc học tham gia.

Để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu học tập của học sinh, bảo tàng đã chủ động xây dựng nội dung cho các buổi ngoại khóa sao cho phù hợp với lứa tuổi và bậc học. Với đối tượng khách này, bên cạnh việc chỉnh lý, đổi mới công tác trưng bày, bố trí cán bộ hướng dẫn nhiệt tình chu đáo, bảo tàng còn mời các nghệ nhân đến bảo tàng giới thiệu, trình diễn các nghề thủ công truyền thống và trò chơi dân gian của các dân tộc để tạo điều kiện cho các em trải nghiệm thực tế, tăng niềm hứng thú đối với việc tiếp cận, lĩnh hội tri thức về di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Bảo tàng Lạng Sơn còn chủ động phối hợp với các Bảo tàng các tỉnh và Bảo tàng trung ương để tổ chức trưng bày các chuyên đề chuyên sâu và các sự kiện mang tính thời sự tăng sức hấp dẫn, thu hút khách tham quan đến bảo tàng thường xuyên hơn.

IMG 9138

Trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Nùng

tại bảo tàng trong Ngày văn hóa các dân tộc 19/4)

Do vậy, đến nay, Bảo tàng Lạng Sơn đã trở thành một địa điểm tham quan học tập lý tưởng của học sinh sinh viên, là nơi các em học sinh tham gia tìm hiểu các giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương. Qua đó nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc đối với các em; gợi mở hướng tiếp cận, tìm hiểu, học tập và khám phá của các em. Ngoài ra, bảo tàng đã thiết kế và xây dựng nội dung chuyên đề về một số chủ đề khác nhau, tổ chức "Câu lạc bộ Em yêu lịch sử" đưa đến tận trường học để phục vụ các em học sinh, sinh viên. Vì vậy hoạt động của Bảo tàng Lạng Sơn đã thu hút đông đảo các em tham gia, hưởng ứng.

IMG 2431

Câu lạc bộ em yêu lịch sử tổ chức tại bảo tàng

Trong những năm gần đây, lượng khách đến tham quan Bảo tàng tăng dần đều qua các năm. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 20.000 lượt khách tham quan trưng bày cố định tại Bảo tàng và lưu động ở cơ sở. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong xu thế khó khăn và vắng khách của hệ thống Bảo tàng trong cả nước. Để đạt được những thành quả đó, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, của Sở VH,TT&DL, phải kể đến sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng Lạng Sơn, sự năng động sáng tạo trong các hoạt động với ý thức trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc cùng thái độ phục vụ lịch sự và thân thiện khi tiếp đón khách đến tham quan. Từng bộ phận, từng vị trí công tác như bảo vệ, vệ sinh, cảnh quan môi trường và thuyết minh viên đều làm tốt công việc của mình, luôn hỗ trợ cho nhau để tạo ấn tượng tốt và hài lòng du khách.

Với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, hy vọng và tin tưởng rằng Bảo tàng Lạng Sơn đã, đang và sẽ trở thành địa điểm tham quan lý tưởng, bổ ích cho du khách trong và ngoài nước./.

                                                                                     Th.s Nông Đức Kiên

Last modified on Thứ ba, 23 Tháng 4 2019 03:06

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 8

Tất cả 2857449

Videos

Liên kết website