Mục tiêu của chương trình này là giúp các em học sinh hình dung được quá khứ thông qua chính các hoạt động của mình. Bảo tàng sử dụng nội dung về lịch sử, xã hội học, toán học, tự nhiên - kỹ thuật, nghệ thuật thi giác, âm nhạc và phim để phục vụ các trải nghiệm của học sinh.
Kết quả, hàng năm chương trình này đã phục vụ hơn 250 lớp học sinh tiểu học, 50 lớp trung học và 10 lớp năng khiếu đã tham gia trải nghiệm. Ngoài các hoạt động chính trong giờ mở cửa bảo tàng, chương trình giáo dục này còn được tổ chức dưới dạng lớp học cả ngày, học sau thời gian học ở trường, lớp phục hồi chức năng cho trẻ em, lớp ngoại ngữ,…
Bảo tàng Truyền thông Đan Mạch
Tại trường quay của Bảo tàng, chương trình giáo dục “Tin tức TV”6 được thực hiện như một phần của trưng bày chính. Học sinh được lựa chọn vị trí mình muốn, như: nhà báo, biên tập viên, người dẫn chương trình, quay phim,… Thực hiện các chương trình đưa tin, phỏng vấn, làm tin, dựng phim và đưa tin trên truyền hình internet. Thông qua chương trình trải nghiệm này, học sinh hiểu được tầm quan trọng và giá trị của tin tức, nhận dạng các loại tin tức - thông tin, sự xung đột lợi ích khi đưa tin, bản quyền cũng như các vấn đề đạo đức và thẩm mỹ liên quan đến một chương trình tin tức. Chương trình được ghi hình và công bố trên trang web của bảo tàng.
Kết quả, hàng năm chương trình này đã phục vụ hơn 50 lớp tiểu học, 20 lớp trung học và 5 lớp năng khiếu tham gia trải nghiệm. Ngoài ra, các nhóm học sinh và thanh niên khi đến tham quan bảo tàng, không đăng ký trước, cũng được tham gia chương trình.
Bảo tàng Lịch sử Cộng đồng, Canada
Bảo tàng Lịch sử Cộng đồng là một thiết chế văn hóa đa diện với nhiều nội dung trưng bày, nơi mà "lịch sử, nghệ thuật, và văn hóa trở nên sống động" thông qua phương tiện truyền tải là kho lưu trữ, trưng bày nghệ thuật và chính công trình kiến trúc bảo tàng. “Trưng bày Titanic - Chương trình cho nhà trường”7 là một chương trình giáo dục hiệu quả của Bảo tàng, chương trình đã thu hút hàng nghìn học sinh tiểu học và trung học cơ sở tham gia. Mục đích của “Trưng bày Titanic” là giới thiệu với học sinh về giá trị của bảo tàng: sưu tầm, trưng bày, bảo tồn và giáo dục; khám phá những hiện vật và tài liệu của trưng bày Titanic và thảo luận về lịch sử xã hội, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, và công nghệ; phát huy giá trị những kiến thức học được, đưa ra quyết định, làm việc nhóm và phát triển tư duy phân tích của học sinh khi xem trưng bày.
Chương trình giáo dục này thành công không chỉ vì nội dung hấp dẫn, mục tiêu và đối tượng rõ ràng, mà còn nhờ vào nỗ lực của nhóm giáo dục tham gia hướng dẫn các em học sinh tham gia trải nghiệm. Để thực sự là người kết nối giữa học sinh với nội dung lịch sử, thông qua câu chuyện Titanic, các cán bộ bảo tàng đã phải bỏ công tìm hiểu kỹ lưỡng các khái niệm, kinh nghiệm trước đây về giảng dạy, cùng với việc hướng dẫn viên đã có một nền tảng kiến thức rộng, phong phú và những kinh nghiệm cá nhân. Để "lắng nghe, hỗ trợ, khích lệ và thảo luận" ý nghĩa lịch sử một cách thành công, các cán bộ bảo tàng phải biết ý nghĩa nội dung được xây dựng như thế nào từ các bên tham gia: các nhà sử học chuyên nghiệp, cán bộ bảo tàng và khách tham quan bảo tàng…
Tạm kết
Giáo sư Sử học Hà Văn Tấn viết“Chúng ta biết, một dân tộc mất đi di tích lịch sử - văn hóa là một dân tộc đánh mất trí nhớ. Mà mất trí nhớ thì cũng gần như là mất trí”8. Do vậy, các bảo tàng, với những chương trình giáo dục hiệu quả, cần phải đóng vai trò diễn giải, chuyển giao kiến thức về lịch sử cho công chúng tham quan. Mặc dù khó để một chương trình giáo dục trong bảo tàng có thể chuyển tải hết những kiến thức lịch sử chuyên sâu đến công chúng tham quan, để họ nhớ và lưu giữ những kiến thức này lâu dài. Tuy nhiên, để bảo tàng có các chương trình giáo dục hấp dẫn, tiếp cận được với xu hướng giáo dục hiện đại, bảo tàng cần thể hiện rõ những gì họ đang làm về việc giáo dục lịch sử trong bảo tàng. Tuân thủ các nguyên tắc và quan điểm chung về việc cung cấp cơ hội học tập suốt đời trong bào tàng, để từ đó từng bước tạo ra “nhận thức” về cách hiểu lịch sử hiệu quả hơn.
Khu khám phá và trải nghiệm tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.
Những chương trình giáo dục hiệu quả luôn mang lại danh tiếng cho bảo tàng. Để làm được như vậy, ngoài những định hướng, chiến lược quản lý tốt, mỗi cán bộ chuyên môn trong bảo tàng cần xác định nhiệm vụ cung cấp cơ hội học tập tại bảo tàng cho công chúng tham quan trong tất cả các quá trình thực thi nhiệm vụ được giao. Các curator (người tổ chức trưng bày) và người thiết kế chương trình tại bảo tàng cần phải làm rõ quan điểm triết học lịch sử và mục tiêu của bảo tàng để đào tạo cán bộ giáo dục cho phù hợp; Cán bộ thiết kế trưng bày, với vai trò tổ chức không gian cụ thể cho các câu chuyện lịch sử, cần hiểu rõ nhiệm vụ mà các nhà sử học giao cho, đặt mình vào vai khách tham quan muốn tìm hiểu nội dung trưng bày, mong muốn nhận được nhiều sự chia sẻ và các quan điểm khác nhau về vấn đề lịch sử được trưng bày; Cuối cùng, các cán bộ trực tiếp thực hiện các chương trình giáo dục phục vụ công chúng, cần phải xác định rõ vai trò của mình như là sứ giả giữa nội dung trưng bày và khách tham quan. Ý thức được sự đa dạng của việc học tập, việc hiểu lịch sử cũng như sự đa dạng của khách tham quan, để từ đó với kinh nghiệm cá nhân và hiểu biết chuyên sâu về lịch sử sẽ có những hướng dẫn, trao đổi, hỗ trợ khách tham quan có những trải nghiệm lịch sử hiệu quả./.
Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản văn hóa)
Tài liệu tham khảo:
6. “Good Practice Examples of Danish museum education aimed at primary, lower secondary and upper secondary schools” (Một số ví dụ chương trình giáo dục trong bảo tàng dành cho tiểu học, trung học cơ sở), Ủy ban Di sản văn hóa Đan Mạch.
7. “Giảng dạy Lịch sử tại Bảo tàng” tại Bảo tàng Lịch sử Cộng đồng Canada, M. Christine Castle, đã in trong tạp chí Lịch sử Ontario/ Tập XCIV, Số 1/ 2002.
8.“Bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Hà Văn Tấn, Tạp chí Di sản văn hóa số 2, quí I năm 2003.m