Thứ năm, 12 Tháng 1 2017 08:21

Lần đầu tiên trưng bày 18 Bảo vật quốc gia tại BTLSQG

   Ngày 10/01/2017, BTLSQG đã khai mạc trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam” tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, nhằm giới thiệu, tôn vinh, quảng bá giá trị của các Bảo vật có lịch sử trải dài từ thời văn hóa Đông Sơn cách đây hơn 2000 năm cho đến khi thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa

  Tham dự buổi lễ có ông Lê Khánh Hải - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (VH,TT&DL); GS. TSKH Lưu Trần Tiêu - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thông tin, Chủ tịch Hội đồng DSVH Quốc gia, Chủ tịch hội DSVH Việt Nam; TS. Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin; TS. Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng cục DSVH; GS.TS. Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội DSVH; PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó chủ tịch kiêm TTK Hội DSVH Việt Nam; PGS. TS.  Phạm Mai Hùng – Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN; Thiếu tướng, TS. Nguyễn Xuân Năng – Giám đốc BTLSQG Quân sự Việt Nam; TS.  Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH,TT  Hà Nội;TS. Nguyễn Văn Cường – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BTLSQG, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VH,TT&DL, đại diện các bảo tàng, các ban quản lý di tích và các cộng tác viên, cán bộ hưu trí, Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, nhân viên BTLSQG, và các cơ quan thông tấn báo chí. Ngoài ra còn có đại diện chính quyền và nhân dân phường Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Cường cho biết: Cuộc trưng bày lần này được chuẩn bị trong thời gian tương đối dài với những nghiên cứu chuyên sâu, khai thác những câu chuyện hiện vật và trưng bày trên nền tảng các trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D. Ông hy vọng trưng bày sẽ mang đến cho công chúng những trải nhiệm sâu sắc và ý nghĩa về 18 Bảo vật quốc gia (BVQG) đặc sắc.

1

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày “Bảo vật quốc gia Việt Nam”.

Đây là lần đầu tiên, trưng bày hội tụ đầy đủ 18 bảo vật quốc gia. Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, văn hóa, BTLSQG còn truyền tải những câu chuyện lý thú xoay quanh các hiện vật như sự phát lộ, khai quật, quá trình vận chuyển, chuyển giao qua các thời kỳ, đơn vị tiếp quản... Mỗi hiện vật là một minh chứng cho các mốc son chói lọi trong lịch sử, văn hóa của đất nước.Đơn cử như cuốn Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được khai thác ở nhiều khía cạnh. PGS. TS. Phạm Xanh cho hay: cuốn sách ra đời ở Quảng Châu năm 1927, được giao liên bí mật Nguyễn Lương Bằng mang về nước và đưa về quê ông ở Hải Dương. Tuy nhiên lại bị một ông lý trưởng bắt được và làm một tờ trình viết bằng chữ Nôm gửi lên Chi huyện Thanh Hà. Điều thú vị là sau này nó được đưa về tòa án tối cao của thực dân Pháp ở Hà Nội và dự ở đấy cho đến khi chúng ta tiếp quản thủ đô Hà Nội, một lão thành cách mạng làm việc ở tòa án, trong quá trình sắp xếp lại tư liệu, đã phát hiện ra cuốn Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc.

2

Cuốn Đường Cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được trưng bày tại BTLSQG.

Đây là cuốn sách độc nhất vô nhị. Cuốn sách đi vào đời sống ngay khi nó xuất hiện. Đối với những thế hệ cách mạng đầu tiên, nó là cuốn sách gối đầu giường. Đối với các nhà sử học thế giới, đặc biệt là các nhà Việt Nam học ở Nga coi nó như cuốn sách “Làm gì” của Lênin, đánh dấu sự phát triển của Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đánh giá về thủ pháp trưng bày, TS. Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhận xét: cách trưng bày lần này tương đối đột phá. Hiện vật được tôn vinh bằng những kĩ thuật ánh sáng, bằng nghệ thuật sắp đặt. Ngoài trưng bày hiện vật thật, hệ thống bản vẽ giúp người xem có thể cảm nhận được những hiện vật với những hoạt tiết rõ nét cụ thể. Ngoài ra, trưng bày có thêm những đoạn phim phỏng vấn các chuyên gia để làm rõ hơn giá trị của những hiện vật được trưng bày.

Đến với trưng bày “Bảo vật quốc gia Việt Nam”, tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá, chúng ta mới hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo, tư duy thẩm mỹ, sự sáng tạo, bàn tay tài hoa của ông cha, từ đó tăng thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc vào truyền thống của nước nhà.

Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đón nhận mô hình hiện vật pháo truyền thống do nhân dân phường Đồng Kỵ - Từ Sơn – Bắc Ninh chế tác hiến tặng. Pháo được làm bằng gỗ quý, trang trí tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng. Đây là mô hình di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội làng Đồng Kỵ trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Trưng bày dự kiến mở cửa đến tháng 5/2017

* Một số hình ảnh tại lễ khai mạc:

3

Ông Lê Khánh Hải - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đang xem trưng bày “Bảo vật quốc gia Việt Nam” tại BTLSQG.

4

Khách tham quan trưng bày “Bảo vật quốc gia Việt Nam”.

5

Trống đồng Hoàng Hạ.

6

Bản dập hoa văn Trống đồng Hoàng Hạ.

7

Thạp Đồng Đào Thịnh.

8

Bản dập hoa văn Thạp đồng Đào Thịnh.

9

Cây đèn đồng hình người quỳ.

10

Cảnh rước mô hình pháo truyền thống Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Nguồn: Baotanglichsu.vn

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 49

Tất cả 2857419

Videos

Liên kết website