Thứ tư, 21 Tháng 9 2016 01:21

Bắc Sơn mảnh đất nặng ân tình

Dường như trong mỗi người đều mang những ấn tượng khác nhau về mỗi miền đất thân thương của Tổ Quốc. Từ nhỏ, tôi đã biết Bắc Sơn qua các bài học lịch sử, các tác phẩm văn học nghệ thuật của nhiều tác giả nổi tiếng: Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Anh Thơ... Bắc Sơn in đậm trong ký ức tôi là mảnh đất cội nguồn dân tộc – nơi hàng ngàn, vạn năm trước đây người Việt cổ đã sinh sống và sáng tạo nên nền văn hóa Bắc Sơn nổi tiếng. Lắng sâu trong tâm trí tôi là một Bắc Sơn trung dũng kiên cường trong đấu tranh Cách mạng, là cuộc khởi nghĩa oai hùng năm 1940 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Khi trưởng thành, gắn bó với mảnh đất Lạng Sơn, hiểu sâu sắc về vùng đất Bắc Sơn, tôi vô cùng cảm phục cái tình của người Bắc Sơn. Tấm lòng của nhân dân Bắc Sơn với cách mạng, sự hy sinh cao cả của nhân dân  Bắc Sơn vì độc lập tự do của đất nước đã khiến nơi đây trở thành vùng đất nặng nghĩa ân tình Tổ quốc mãi mãi khắc ghi.

Trong lịch sử đấu tranh Cách mạng, Bắc Sơn là địa phương có phong trào phát triển sớm, một địa bàn trọng yếu của Cách mạng Việt Nam. Từ năm 1934,  Đảng đã chọn Bắc Sơn làm địa bàn để gây dựng và phát triển phong trào Cách mạng ở vùng biên giới Việt - Trung. Đ/c Hoàng Văn Thụ là người trực tiếp phụ trách phong trào Cách mạng ở Lạng Sơn trong đó có Bắc Sơn. Bắc Sơn cũng là nơi có chi bộ Đảng được thành lập sớm thứ hai trong tỉnh. Kể từ năm 1937, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử cán bộ lên trực tiếp chỉ đạo phong trào Cách mạng của huyện. Từ đó đến ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, đã có rất nhiều cán bộ Trung Ương, cán bộ cao cấp của Đảng đã về Bắc Sơn hoạt động. Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Xuân Thụ đã được cử về đây xây dựng  cơ sở quần chúng, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ. Bắc Sơn trở thành địa phương có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, có nhiều cơ sở Cách mạng kiên trung, tin cậy.

 Như tất cả miền quê của Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, nhân dân Bắc Sơn vô cùng nghèo khổ. Phần lớn nhân dân Bắc Sơn là dân tộc Tày – Nùng, đồng bào dân tộc có tấm lòng chân thật, thủy chung, hết lòng vì Cách mạng. Cán bộ của Đảng về hoạt động ở Bắc Sơn không chỉ được ủng hộ về tinh thần mà họ luôn được sống trong sự chở che, giúp đỡ về vật chất của nhân dân. Để đàn áp và triệt tiêu phong trào Cách mạng, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã bằng nhiều thủ đoạn đàn áp, bắt bớ, cách ly cán bộ Cách mạng với nhân dân, đánh phá các cơ sở Cách mạng. Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, nhân dân Bắc Sơn đã bí mật nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ tránh khỏi sự săn lùng của kẻ thù. Họ mang đến cho cán bộ từng vật dụng nhỏ như bát ăn cơm, cái chậu... để dùng hàng ngày đến việc tiếp tế lương thực nuôi cán bộ hàng tháng. ở các xã trogn huyện còn thành lập ra các đội tự về để bảo vệ tổ chức, bảo vệ cán bộ với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều người đã  bỏ tiền mua vũ khí: súng kíp, mã tấu... để tự trang bị cho mình tham gia đội tự vệ. Lịch sử Cách mạng huyện Bắc Sơn mãi ghi tấm gương của người phụ nữ Hoàng Thị Mai trong đội tự về Hưng Vũ, mặc dù bị kẻ thù bắt nhiều lần bắt lên đồn Mỏ Nhài, tra tấn dã man nhưng quyết không khai cơ sở, cán bộ cách mạng.

unnamed

Chiếc xắc tay Bác  Hồ tặng bà Lý Thị Quyên – ân nhân cách  mạng ở Nam Nhi (Vũ Lăng) năm 1964.

Trong cuộc  khởi nghĩa Bắc Sơn và thời kỳ xây dựng căn cứ du kích, chiến khu Cách mạng sau này đã chứng tỏ tấm lòng sáng trong như ngọc của nhân dân Bắc Sơn với Cách mạng. Ngày 27/9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, nhân dân Bắc Sơn đã nhiệt tình tham khởi nghĩa. Hai ngày sau, phát xít Nhật câu kết với thực dân Pháp quay trở lại đàn áp khởi nghĩa, chúng điên cuồng trả thù nhân dân Bắc Sơn một cách hèn hạ, những cuộc khủng bố trắng đã diễn ra ở khắp nơi trong huyện. Các gia đình là cơ sở Cách mạng: nhà các đồng chí Hoàng Đình Ruệ, Hà Khai Lạc bị đốt phá... Xã Vũ Lăng – một trong những địa bàn trung tâm của cuộc khởi nghĩa chìm trong mất mát, đau thương:

Vũ Lăng đốt phá cả vùng

Trẻ già trai gái xích cùng một dây

                                                  (Kể chuyện Vũ Lăng – Anh Thơ)

Các làng Nà Gieo, Làng Tiểu, Bản Xe, Bó Tát... của Vũ Lăng bị đốt phá, người tham gia khởi nghĩa bị bắt bớ, bắn giêt, trả thù hèn hạ. Các chiến sĩ du kích tạm lánh vào rừng sâu. Nhưng đau thương không làm phai nhạt tấm lòng của nhân dân Bắc Sơn với Cách mạng.

Tháng 10/1940, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thành Diên – phái viên của Xứ ủy Bắc Kỳ đã lên Bắc Sơn trực tiếp chỉ đạo phong trào Cách mạng. Đội du kích Bắc Sơn được thành lập cùng với việc xây dựng căn cứ du kích ở Vũ Lăng, Ngư Viễn,  chiến khu Bắc Sơn. Từ những năm 1941 trở đi, Xứ ủy Bắc Kỳ đã nhiều lần cử cán bộ tăng cường cho Bắc Sơn, trong đó có các đồng chí Lương Văn Tri, Hoàng Văn Thái, Bùi Thống... Trong hoàn cảnh khó khăn, bị địch đàn áp khủng bố, dồn làng, tập trung dân, truy lùng, săn lùng tiêu diệt du kích ... bà con các dân tộc Bắc Sơn vẫn bí mật bảo vệ, nuôi giấu, làm liên lạc cho cán bộ, đem lương thực và tin tức đến cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt là năm 1941, trên đường đi dự hội nghị TW lần thứ 8 của Đảng tại Pác Bó (Cao Bằng) và khi trở trở về, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên đã dừng chân ở Bắc Sơn để chỉ đạo phong trào Cách mạng và phổ biến nghị quyết hội nghị. Trong những ngày ở Bắc Sơn, các đồng chí đã được chiến sĩ Cứu quốc quân và các cơ sở Cách mạng trung kiên bảo vệ, chăm nuôi hết sức chu đáo. Đoàn đã  nghỉ tại nhà ông Dương Văn Vân ở Lân Pán (xã Tân Lập), nhà đồng chí Doãn Thi ở Khuổi Cưởm (Hữu Vĩnh), nhà bà Lý Thị Quyên ở thôn Nam Nhi (xã Vũ Lăng) và liên tục được đưa tới tới nhiều địa điểm để đảm bảo an toàn. Mặc dù cuộc sống nghèo khổ, các gia đình các cơ sở cách mạng đã không tiếc sức người, sức của tự nguyện nuôi dưỡng, bảo vệ, làm liên lạc cho các đồng chí. Lúc này, Sở Mật thám Bắc Kỳ còn đưa cả một chi nhánh lên để đón đường bắt các đồng chí Thường vụ Trung ương, đồng thời tăng cường khủng bố đàn áp uy hiếp tinh thần của nhân dân Bắc Sơn. Cảnh đốt phá nhà cửa, ruộng vườn, giết người cướp của diễn ra hàng ngày, đau thương bao trùm lên khắp miền quê Cách mạng. Không bắt được các đồng chí Thường vụ TW Đảng, chúng quay sang khủng bố nhân dân để trả thù. Toàn thể nhân dân Mỏ Pia giam cầm tại nhà tù Đàng Lang (Quỳnh Sơn). Các cơ sở cách mạng như  gia đình ông Hoàn Doãn Thi, Hoàng Doãn Choai, Hoàng Doãn Tùng, Hoàng Doãn Tọng... bị bắt, giam cầm trong các nhà tù, không một ai đó trở về. Ông Dương Văn Vân – cơ sở đi về của đồng chí Trường Chinh bị bắt lên đồn Mỏ Nhài tra tấn hết sức dã man. Chúng còn đưa ông giam cầm Lạng Sơn và các nhà tù ở Sơn La, Hà Nội. Tại bản Khuôn Khát (xã Vũ Lễ), cả 16 gia đình ngừời Dao bị triệt hạ, chỉ duy nhất một người sống sót.

Untitled-1

Chiếc thông nhân dân Bắc Sơn đó dựng đựng cơm tiếp tế cho du kích Bắc Sơn được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. 

Đau thường chất chồng, nhưng nhân dân Bắc Sơn quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù. Với tinh thần sẵn sàng hy sinh quên mình vì Cách mạng, họ đã bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ TW Đảng. Bằng nhiều cách khác nhau, mưu trí tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho các chiến sĩ du kích Bắc Sơn (sau đổi là Cứu quốc quân) vượt qua những tháng ngày gian nan, thử thách. Sự hy sinh thầm lặng, cao cả, tấm lòng ân nghĩa, thủy chung với Cách mạng của nhân Bắc Sơn đã trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Bắc Sơn, để lại những ấn tượng đẹp đẽ không phai mờ trong lòng cán bộ, chiến sỹ Cách mạng đã từng hoạt động ở đây. Sau này, hầu hết các cơ sở Cách mạng của Bắc Sơn đã được công nhận là gia đình có công với nước. Đảng bộ nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn và các xã Vũ Lăng, Lân Pán... được công nhận đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang. Các cán bộ từng hoạt động Cách mạng ở Bắc Sơn như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh luôn coi Bắc Sơn như mảnh đất quê hương mình và đã nhiều lần trở lại thăm Bắc Sơn. Năm   Bác Hồ đã tặng cho bà Lý Thị Quyên – cơ sở Cách mạng ở Vũ Lăng  một chiếc xắc tay, tặng vật này hiện vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn như một sự biết ơn của Đảng với nhân dân Bắc Sơn, đồng thời cũng là bằng chứng về tấm lòng của Bắc đối với nhân dân Bắc Sơn. Ngày nay, những đồ vật nhân dân Bắc Sơn đã dùng để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ Cách mạng đã trở thành tài sản văn hóa quý báu của tỉnh và của đất nước. Ngày từ năm 1965, Bảo tàng cách mạng  Việt Nam đã về Bắc Sơn sưu tầm hiện vật về khởi nghia Bắc Sơn. Khi đó, các gia đình là cơ sở Cách mạng cũ của Bắc Sơn vẫn còn nhiều nhân chứng, họ đã trao tặng cho Bảo tàng nhiều hiện vật quý như dao quắm ông Dương Văn Vân đã dùng bảo vệ các đồng chí Trương Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ khi đi dự Hội nghị TW Đảng lần thứ 8 trở về lưu lại ở Bắc Sơn, nồi đồng bà Hoàng Thị Từ đã nấu cơm cho các đồng chí... Ngay trên mảnh đất Bắc Sơn lịch sử, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn đã được xây dựng làm nơi chứa đựng di sản văn hóa quý báu đó.  Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng tỉnh, bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn cũng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá này. Đó là những vật dụng thân thuộc như bát ăn cơm, liễn đựng thức ăn, lọ đựng muối, mỡ,  chai đựng dầu của  nhân dân đã dùng tiếp tế cho cán bộ Cách mạng và du kích Bắc Sơn (sau là Cứu Quốc quân), vũ khí thô sơ: dao, đã dùng để bảo vệ cán bộ cách mạng, vật chứng về sự khủng bố của thực dân Pháp như cột nhà cháy ở làng Khuôn Khát... Những di vật tuy đơn sơ nhưng đầy tính biểu cảm, chứa đựng những thông điệp quý giá về tấm lòng, sự hy sinh cao cả của nhân dân bắc Sơn cho Cách mạng. Bắc Sơn, mảnh đất nặng ân tình đã và sẽ mãi mãi khắc ghi trogn trái tim Tổ quốc.


                                                                                                Chu Quế Ngân

 

Last modified on Thứ tư, 21 Tháng 9 2016 01:40

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 70

Tất cả 2857440

Videos

Liên kết website