Thứ tư, 22 Tháng 6 2016 02:20

Ngọc tỷ ấn vương triều Nguyễn

   Sưu tập Bảo Tỷ ấn của vuơng triều nhà Nguyễn là loại hình thuộc đồ ngự dụng của vua và hoàng gia với chất liệu vàng, bạc, đá ngọc… chính là những tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử sưu tập ấy còn lại đến ngày nay đã phản ánh chính sách đúng đắn đối với các di sản văn hoá của Đàng và Nhà nước Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến. Những Bảo Tỷ ấn này chính là những dấu ấn lịch sử vô cùng quan trọng gắn bó với vương triều Nguyễn và với lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam.

 

   Ngọc tỷ là loại ấn được chạm khắc mài dũa bằng ngọc với nhiều loại khác nhau, nhưng thường là bích ngọc, bạch ngọc hay thanh ngọc. Các ngọc tỷ triều Nguyễn hiện còn cho thấy chủ yếu được làm trong khoảng từ đời Minh Mạng đến Tự Đức. Vì chất liệu quý hiếm nên số lượng ngọc tỷ ít hơn nhiều lần so với Kim Bảo tỷ. Qua khảo sát châu bản triều Nguyễn, dù phong phú đa dạng nhưng cũng không thấy có hình dấu ngọc tỷ nào. Việc nghiên cứu về các dấu ngọc tỷ trước đây chỉ dựa vào cuốn Cơ mật viện túc trình và bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.

   Ngọc tỷ được xem là cổ nhất chính là ngọc tỷ Phong cương vạn cổ và Vạn Thọ vô cương, có lẽ  được làm từ vương triều chúa Nguyễn trước đó.

1

2

   Phong cương vạn cổ được làm bằng loại bích ngọc, quai núm vuông, 4 mặt vát hình thang chạm khắc 2 hàng hồi văn chữ S, 4 phía thành hình chữ nhật. Trên mặt núm vuông chạm hình rồng. Mặt ấn chạm 4 chữ Triện: Phong cương vạn cổ. Ấn này không thấy ghi chép trong sách vở nào nhưng rất cổ kính và độc đáo.

3

4

    Vạn Thọ vô cương là ngọc tỷ có sắc xanh biếc, quai khắc hình kỳ lân nằm phủ phục, 4 thành đứng hình chữ nhật, mặt vuông khắc 4 chữ Triện: Vạn Thọ vô cương. Tương truyền, ngọc tỷ này do một người dân đào đất tìm được đem dâng lên vua Minh Mạng. Vua cùng triều thần vô cùng mừng rỡ, lập tức xuống chỉ cho dùng ngọc tỷ này đóng lên các ân chiếu, cáo văn khánh tiết trong dịp lễ Vạn Thọ, đồng thời cũng là nhân dịp lễ mừng thọ của nhà vua.

   Năm Ất Mùi, Minh Mạng 16 (1835), nhà vua cho chạm khắc ấn ngọc khác bằng thanh ngọc với quai hình hai rồng đấu lưng. Thân ấn hình khối hộp vuông. Chiều cao của ấn 8cm27, cạnh vuông 10cm5 và dầy 4cm22. Trên lưng ấn phía bên phải khắc 1 dòng chữ Hán: Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi tuyên (Khắc năm Ất Mùi, năm Minh Mạng 16, 1835). Mặt ấn khắc nổi 4 chữ triện: Hoàng đế chi tỷ (Ngọc Tỷ của Hoàng đế). Ngọc Tỷ này dùng đóng trên các chiếu văn ban trong dịp cải niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban ơn nhân ngày lễ lớn cho toàn dân và ra ơn ban sắc thư cho ấn quan trong kinh ngoài tỉnh.

5


6

   Hai năm sau (1837), nhân có người dâng bạch ngọc, nhà vua lại sai làm ngọc tỷ, núm chạm hình rồng cuốn, cao 7cm7, cạnh vuông 9cm8, dầy 1cm4. Mặt lưng ấn khắc một dòng chữ Hán: Minh Mạng thập bát niên tạo (Khắc vào năm Minh Mạng 18 (1837). Mặt ấn khắc nổi 4 chữ Triện: Hành tại chi tỷ (Ngọc tỷ của nơi hành tại vua). Ngọc tỷ này dùng đóng trên các bài huấn dụ hoặc sắc thư trong những ngày tuần thú các địa phương ở hành tại.

7

8

    Vào năm Minh Mạng 20 (1839) khi đổi quốc hiệu là Đại Nam lại được bích ngọc quý, vua Minh Mạng liền truyền dụ cho khắc ấn ngọc, quai là tượng 2 rồng đấu lưng, cao 10cm5, cạnh 12cm4 và dầy 5cm3. Mặt lưng ấn, bên trái có khắc 1 dòng chữ Hán: Minh Mạng nhị thập niên Kỷ Hợi tạo (Khắc vào năm Kỷ Hợi, năm Minh Mạng 20 (1839). Mặt ấn khắc nổi 6 chữ Triện: Đại Nam thiên tử chi tỷ (Ngọc tỷ của Thiên tử nước Đại Nam). Ngọc tỷ này dùng đóng trên các văn kiện ban sắc thư cho người nước ngoài và cả khi vua đi tuần thú xem xét các địa phương.

9

10

     Năm 1841, Nguyễn Hiến Tổ (Miên Tông) lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Ngài cũng tuân thủ triệt để quy chế Bảo Tỷ của vua cha. Ngay năm này vào mùa đông tháng 11, nhà vua sai đúc Kim Bảo bằng vàng 10 tuổi, quai hình rồng cuốn, mặt ấn đúc nổi 4 chữ Triện: Thiệu Trị thần hàn (Văn từ ở cung vua Thiệu Trị). Kim Bảo này dùng đóng trên các chỉ dụ của vua viết bằng son. Kim Bảo này hiện nay không còn.

   Vào năm Thiệu Trị 4 (1844), nhân có 2 viên ngọc biếu nhà vua sai chạm khắc 2 ngọc tỷ mới. Chiếc thứ nhất, làm bằng bích ngọc, quai là tượng 2 rồng đấu lưng vào nhau. Mặt lưng ấn, phía bên trái có khắc 1 dòng chữ Hán: Thiệu Trị tứ niên nhị nguyệt cát nhật tạo (Khắc vào ngày lành tháng 2 năm Thiệu Trị 4, 1844). Mặt ấn khắc nổi 4 chữ Triện: Thần hàn chi tỷ (Văn từ ở cung vua Thiệu Trị). Những văn thư, chỉ dụ của vua viết bằng chữ son đều dùng đóng ngọc tỷ này.

    Chiếc thứ hai, cũng làm bằng bích ngọc nhưng kích thước lớn hơn, cao 9cm1, cạnh 10cm25 và dầy 4cm21. Mặt lưng ấn, phía bên trái khắc một dòng chữ Hán: Thiệu Trị tứ niên tam nguyệt cát nhật tạo(Khắc ngày lành tháng 3 năm Thiệu Trị 4, 1844). Mặt ấn khắc nổi 6 chữ Triện: Đại Nam Hoàng đế chi tỷ (ảnh 7) (Ngọc tỷ của Hoàng đế nước Đại Nam). Ngọc tỷ này dùng đóng trên các văn kiện ban sắc thư cho người nước ngoài và khi nhà vua đi tuần thú xem xét các địa phương.

13

14

   Theo sử cũ ghi chép lại, vào năm Thiệu Trị 6 (1846), có người dâng lên vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản vật của núi ngọc huyện Hoà Điền vùng đất Quảng Nam. Nhà vua vô cùng mừng rỡ liền sai quan Hữu tư giũa mài thành ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Quai ấn cũng là hình rồng cuộn, ấn hai cấp hình vuông, cao 14cm5, cạnh 13cm x 12cm7 và dầy 4cm25.

   Trên lưng ấn, phía bên trái khắc 1 dòng chữ Hán: Đắc thượng cát Lễ Thành phụng chỉ cung tuyên(Được ngày lành, Lễ Thành tuân chỉ cung kính khắc). Phía bên phải khắc: Thiệu Trị thất niên tam nguyệt thập ngũ nhật (Ngày 15 (rằm) tháng 3 năm Thiệu Trị 7, 1847). Đặc biệt ở phía trên, trước đầu rồng còn khắc: Nam Giao đại lễ để cáo (Để tế cáo đại lễ đàn Nam Giao). Mặt ấn khắc nổi 9 chữ Triện, phân đều 3 hàng dọc và ngang: Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (Ảnh 8) (Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ trời). Đây là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong số các ngọc tỷ triều Nguyễn. Bản thân nhà vua làm lễ Đại tự cho khắc chữ trên mặt ấn. Ngọc tỷ này dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các nước chư hầu, những việc ban  bố cho thiên hạ, được bảo vệ và quý trọng như Kim Bảo truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo.

15

16

  Dưới đời Thiệu Trị, nhân lễ Ngũ đại đồng đường năm 1846-1847, nhà vua cho làm Bảo ấn: Hoan phụng ngũ đại đồng đường nhất thống Thiệu Trị chi bảo (ảnh 4). Ấn chạm bằng ngà, quai hình rồng đứng trong mây, tiện nhiều cấp hình tròn. Mặt ấn hình tròn, đường kính 10cm8. Diềm ngoài rộng 5cm khắc hình lưỡng long chầu nguyệt. Bên trong khắc nổi 12 chữ Triện theo 4 dòng: Hoan phụng ngũ đại đồng đường nhất thống Thiệu Trị chi bảo. Đây là Bảo ấn ghi lại niềm vui của nhà vua và Hoàng ghia, một trường hợp khá đặc biệt trong triều nhà Nguyễn.

17

18

    Dưới đời vua Tự Đức (1848-1883), hiện còn lưu giữ trong sưu tập quốc bảo này 2 ngọc tỷ làm bằng thanh ngọc. Tự Đức thần khuê là dấu ngọc có quai hình rồng cuộn trong mây, đầu ngẩng cao. Ấn cao 4cm22, mặt ấn hình bầu dục, dài 4cm35, rộng 2cm3, dầy 1cm78. Mặt ấn khắc khắc 4 chữ triện. 

19

20

   Tự Đức thần hàn là dấu ngọc có quai hình rồng cuộn. Ấn cao 5cm, cạnh vuông 2cm8. Mặt ấn khắc nổi 4 chữ Triện: Tự Đức thần hàn.

21

22

    Hai ngọc tỷ của vua Tự Đức trên đây thường dùng đóng trên văn thơ, chỉ dụ của nhà vua viết bằng son.

    Bẩy đời vua kế tiếp sau Tự Đức hiện nay không thấy còn có ngọc tỷ nào. Đời vua Khải Định (1916-1915) lại làm 2 ngọc tỷ bằng thanh ngọc.

Ngọc tỷ thứ nhất có quai rồng cuộn cách điệu như đầu thú. Bốn cạnh bên hình chữ nhật. Mặt ấn vuông, khắc nổi 6 chữ Triện trong viền khung nhỏ: Khải Định Hoàng đế ngọc tỷ (Ngọc tỷ của Hoàng đế Khải Định). Ấn cao 3cm1, cạnh 4cm13 và dầy 1cm75.

23

24


   Ngọc tỷ thứ hai có quai rồng cuộn và hình dáng tương tự ngọc tỷ trên nhưng kích thước lớn hơn. Ấn cao 6cm73, cạnh 6cm6 và dầy 2cm7. Mặt ấn khắc nổi 6 chữ Triện trong khung viền: Khải Định Hoàng đế chi tỷ (Tỷ của Hoàng đế Khải Định).

25

26

    Dưới đời vua Khải Định, hiện còn lưu giữ một Bảo ấn Khải Định thần khuê, chạm khắc bằng ngà. Ấn 2 cấp hình bầu dục, khoảng giữa 2 cấp là một băng hồi văn chữ T, bên trong khắc nổi 4 chữ theo kiểu Chân thư: Khải Định thần khuê. Có lẽ Bảo ấn này cũng được dùng như một thủ ấn của nhà vua.

27

28

    Ngọc tỷ ấn tuy số lượng không nhiều nhưng nội dung đều thể hiện tầm quan trọng của những loại ngọc tỷ gắn với vương quyền như Hoàng đế chí tỷ, Hành tại chi tỷ. Có những ngọc tỷ đặc biệt quan trọng như Đại Nam Thiên tử chi tỷ, Đại Nam Hoàng đế chi tỷ, Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Những ngọc tỷ này không chỉ phản ánh quyền lực tối thượng mà còn được sử dụng trong những văn bản quốc gia theo quy định hết sức đặc biệt.

Nguồn: Baotanglichsu.vn

Last modified on Thứ tư, 22 Tháng 6 2016 02:34

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 47

Tất cả 2857417

Videos

Liên kết website