Thứ ba, 17 Tháng 5 2016 08:13

Các bài nói, bài viết của Bác Hồ về Lạng Sơn

I - NÓI CHUYỆN VỚI ĐỒNG BÀO VÀ CÁN BỘ TỈNH LẠNG SƠN 1* 

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái thăm hỏi đồng bào các dân tộc, bộ đội công an, dân quân, cán bộ, các chiến sĩ thi đua, các gia đình quân nhân, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã anh dũng đánh giặc, cứu nước giữ làng. Từ ngày hòa bình trở lại, đồng bào và cán bộ tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và thành tích. Đó là những ưu điểm. Trung ương và chính phủ vui lòng khen ngợi toàn thể cán bộ và đồng bào.

 

Sau đây là mấy việc Bác muốn nhắc nhủ đồng bào và cán bộ phải hiểu thấu, phải nhớ kỹ, phải làm đúng:

1. Hiện nay, toàn Đảng và toàn dân ta phải ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh để đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Chủ nghĩa xã hội là mọi người dân được ấm no, nhà ở tử tế, được học hành. Muốn như vậy, thì mọi người phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, hiểu cho rõ và làm cho đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

Đối với nông thôn, nhiệm vụ là củng cố và phát triển tổ đổi công và hợp tác xã cho thật tốt, cho thật vững, kết hợp việc đó với việc quyết tâm làm cho vụ Đông - Xuân thắng lợi toàn diện, vượt mức và vững chắc.

2. Muốn làm vụ Đông - Xuân thắng lợi thì phải thực hiện mấy việc sau đây:

- Làm tiểu thủy nông cho tốt để chống hạn, chống úng;

- Phân bón cho nhiều;

- Cải tiến công cụ;

- Bảo vệ trâu bò.

Những việc này tỉnh nhà làm còn kém. Đồng bào và cán bộ phải đánh lui tư tưởng bảo thủ, và cố gắng làm cho tốt 4 việc đó.

3. Tăng gia sản xuất phải thường xuyên và bền bỉ. Quyết không nên vì năm trước được mùa mà năm nay lơ là. Vì thoả mãn và chủ quan, mà năm nay không ra sức trồng ngô và lúa nam ninh([1]). Đó là một khuyết điểm to. Đồng bào và cán bộ phải kịp thời sửa chữa thiếu sót đó.

4. Thực hành tiết kiểm phải đi đôi với tăng gia sản xuất. Chúng ta phải chống lãng phí sức của, sức người. Không nên vì được mùa mà ăn xài bừa bãi, lãng phí sức của. Không nên chơi bời lêu lổng, như đi chơi một phiên chợ mất 3 ngày, lãng phí sức người.

5. Chính phủ ta là Chính phủ dân chủ, chỉ một lòng một dạ phục vụ lợi ích của nhân dân.

Nhân dân nộp thuế là để xây dựng nước nhà. Nhân dân bán thóc cho Chính phủ là để cung cấp cho bộ đội, cán bộ và đồng bào ở thành thị.

Khi nông dân thiếu thốn thì Chính phủ cho vay thóc và tiền để sản xuất.

Vì vậy, nhân dân có nghĩa vụ làm tốt nộp thuế, bán thóc và trả nợ cho Chính phủ. Hiện nay ở tỉnh nhà, thuế còn thiếu 5%, bán thóc còn thiếu 12%. Chắc vài hôm nữa sẽ đạt mức. Nhưng việc trả nợ thì kém lắm. Tiền mới trả được 35%, thóc mới trả được 26%. Đồng bào phải cố gắng trả cho nhanh, cho đủ, thì Chính phủ mới có thể giúp những đồng bào khác, những địa phương khác.

6. Vì sao toàn thể đồng bào cần phải giúp Chính phủ làm cho tốt việc điều tra dân số? Vì Chính phủ phải biết rõ miền Bắc ta có bao nhiêu người, mỗi tỉnh có bao nhiêu đàn ông, đàn bà, cụ già, trẻ em, thì mới rõ cần bao nhiêu lương thực, vải vóc, thuốc men, giấy bút, v.v. để cung cấp cho nhân dân; cần xây dựng bao nhiêu nhà thương, trường học, v.v. để phục vụ nhân dân.

Nói tóm lại: việc điều tra dân số là nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Cho nên phải khai cho thật đúng, chớ khai thiếu, chớ khai thừa, chớ khai trùng một người nào.

7. Đồng bào tỉnh ta hăng hái tham gia "Tết trồng cây", như thế là tốt. Đồng bào cần nhớ rằng trồng cây nào phải vun xới, giữ gìn cho tốt cây ấy. Năm bảy năm sau, phong cảnh tỉnh nhà sẽ càng thêm tươi đẹp, đồng thời đó sẽ là một nguồn lợi to.

8. Mọi người chúng ta, bất kỳ gái trai già trẻ, đều phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Mỹ - Diệm và bọn tay sai của chúng không muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Chúng tìm mọi cách để bịa đặt nói xấu chúng ta, chia rẽ chúng ta, phá hoại chúng ta. Vì vậy, mọi người công dân phải tỉnh táo đề phòng, ngăn ngừa chống lại chúng nó.

Trong việc này, ngoài bộ đội và công an, thì dân quân là một lực lượng mạnh mẽ của địa phương. Cho nên cần phải tổ chức tốt và huấn luyện tốt dân quân.

9. Nhân dân ta rất hăng hái, nhiều kinh nghiệm và nhiều sáng kiến. Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được. Như cách mạng và kháng chiến là những việc rất to lớn, khó khăn và gian khổ, nhưng nhờ Đảng khéo lãnh đạo cho nên nhân dân ta đã thành công trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Để thực hiện tốt những việc nói trên, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải đoàn kết chặt chẽ, phải gương mẫu trong mọi việc, phải làm đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng.

Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên nói chung đều hăng hái, tận tuỵ. Nhưng cũng có một số cán bộ và đảng viên còn mắc những khuyết điểm do chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Ví dụ như:

Cán bộ và đảng viên dân tộc thiểu số thì hay tự ti, cho mình là kém, do đó mà thiếu tinh thần tự động, tiến lên.

Một số cán bộ đảng viên thì thiếu tinh thần dũng cảm, hay sợ khó sợ khổ, không muốn nhận những công tác nặng hoặc công tác ở những vùng rẻo cao. Cán bộ quê quán ở Lạng Sơn thì muốn về huyện mình, xã mình, cán bộ tỉnh khác đến, thì muốn về địa phương mình, do đó mà không yên tâm công tác.

Cách làm việc tản mạn, lạc hậu; ai làm việc gì chỉ biết việc ấy, không biết phối hợp công việc, giúp đỡ lẫn nhau.

Một số cán bộ thì kèn cựa về địa vị, về hưởng thụ, có cán bộ thì lo lắng vớ vẩn về "tiền đồ". Các đồng chí ấy phải hiểu rằng: Chủ nghĩa xã hội là tiền đồ chung của cả dân tộc và trong đó có tiền đồ riêng của mỗi cá nhân. Và bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào mà làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng.

Để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, để trở nên người đày tớ trung thành của nhân dân, người con ưu tú của Đảng, từ nay về sau, các đảng viên và các chi bộ cần phải thường xuyên ôn lại và giữ cho đúng những tiêu chuẩn của đảng viên.

10. Tỉnh ta ở gần Trung Quốc anh em. Cán bộ và nhân dân Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về tổ chức, về công tác, về sản xuất. Nhân dân và cán bộ ta nên học tập những kinh nghiệm quý báu ấy. Các đồng chí Trung Quốc luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Chúng ta nên vừa học hỏi, vừa thi đua với anh em Trung Quốc, sao cho Lạng Sơn trở nên một tỉnh gương mẫu.

Trung ương và Chính phủ sẽ khen thưởng những cá nhân và đơn vị nào có thành tích xuất sắc nhất. Chúc đồng bào và cán bộ cố gắng và thành công.

ViệtNamhoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm!

Đảng Lao động ViệtNammuôn năm!

II. GỬI ĐỒNG BÀO CÁC TỈNH THÁI - NGUYÊN, BẮC - KẠN, LẠNG - SƠN, CAO - BẰNG, HÀ - ĐÔNG 2*

Cùng đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông 

Gần đây các đồng bào các giới phụ lão, nam nữ, thanh niên, nhi đồng và đồng bào Kinh, Thổ, Mán, Mèo,.... có gửi thư hỏi thăm tôi và tỏ lòng thân ái. Vì tôi nhiều việc, không thể trả lời riêng cho mỗi một đoàn thể hay mỗi một đồng bào, vậy tôi xin cảm ơn chung tất cả. Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên các đồng bào. Tôi luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du. Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau.

Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt.

Vậy tôi xin đồng bào nhận lời cảm ơn và lời chào thân ái của tôi.

III. THƯ GỬI ĐỒNG BÀO CÁC TỈNH CAO - BẰNG, BẮC - KẠN, LẠNG - SƠN 3*

          Hỡi đồng bào yêu quý.

          Nhân ngày kỷ niệm Độc lập, tôi gửi lời thân ái hỏi thăm đồng bào.

Tôi luôn luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta, cùng mấy đồng chí trong tỉnh trèo đèo lội suối, ở núi, nằm hang. Khi thì cùng 5, 7 anh chị em bí mật tuyên truyền, huấn luyện tổ chức; khi thì cùng các anh em du kích đánh Nhật, chống Pháp, trừ Việt gian; anh em no đói có nhau, đồng lòng một chí. Do đó mà đào tạo những cán bộ quân sự và chính trị.

Tôi không bao giờ quên, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng, ai cũng hăng hái giúp đỡ. Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, đốt làng, phá nhà, bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến anh em Hoa kiều, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hoá vô cùng. Ngày nay, nước ta tuy đã độc lập, nhưng thực dân Tây còn muốn cướp nước ta, để bắt chúng ta đi phu, đóng thuế, nộp thóc, trồng đay, để không cho chúng ta phát rẫy, làm nương, không cho chúng ta tổ chức học hành, như trong thời kỳ nô lệ.

Vì vậy chúng ta phải kháng chiến cứu nước. Đồng bào tỉnh ta rất hăng hái giúp cách mệnh trong mấy năm trước. Tôi chắc rằng đồng bào cũng hăng hái ủng hộ kháng chiến trong lúc này.

Việt Bắc trước kia là căn cứ của cách mệnh đã nổi tiếng khắp cả nước, khắp thế giới. Thì ngày nay, Việt bắc phải thành căn cứ của kháng chiến để giữ lấy địa vị và cái danh giá vẻ vang của mình.

Cách mệnh đã do Việt bắc mà thành công. Thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi. Mong đồng bào đều gắng sức./.

                                                          Chào thân ái và quyết thắng

                                                            Ngày 2 tháng 9 năm 1947

IV. KHEN NGỢI CÁC ĐƠN VỊ BỘ ĐỘI VÀ DÂN QUÂN CHIẾN THẮNG TRÊN MẶT TRẬN LẠNG SƠN 4*

          Tôi thay mặt Chính phủ khen ngợi các đơn vị bộ đội và dân quân vừa mới thắng địch tại mặt trận Lạng Sơn, tiêu diệt đồn Kỳ-Cùng, Đèo-Khách, Ba-Sơn, phá cầu Bản Trại, tiêu hủy đoàn vận tải của địch trong trận Thất-Khê.

          Trong công việc đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, các chú bắt đầu như thế là tốt, các chú cố gắng cứ theo đà này mà tiến lên để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa.

                                                          Chào thân ái và quyết thắng

                                                                   Hồ Chí Minh

V. GỬI TOÀN THỂ CÁN BỘ VÀ CHIẾN SĨ ĐƯỜNG SỐ 4 CÙNG DÂN QUÂN DU KÍCH VÀ ĐỒNG BÀO TRONG MIỀN ĐƯỜNG SỐ 45*

Ngày 3-9 và ngày 17-9, quân ta vừa thắng 2 trận lớn. Những thắng trận ấy là tiếp tục những thắng lợi trước và làm đà cho những thắng lợi to hơn sau này. 

Được những thắng lợi ấy là do:

- Các cán bộ và kế hoạch chỉ huy khá.

- Các chiến sĩ anh dũng kiên quyết.

- Nhân dân hăng hái giúp đỡ.

- Lý do: Quân dân nhất trí.

Tôi vui lòng thay mặt Chính phủ gửi lời thân ái khen ngợi quân và dân và tôi dặn thêm: 

- Chớ vì thắng mà kiêu ngạo, chủ quan khinh địch. 

- Bộ đội phải kính trọng dân, giúp đỡ dân. 

- Dân phải thương yêu bộ đội, ủng hộ bộ đội. 

- Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí. 

Tôi mong rằng binh đoàn Cao-Bắc-Lạng sẽ cố sức thi đua với các bộ đội khác, diệt nhiều địch hơn, lập nhiều công hơn nữa, để chuẩn bị đầy đủ tổng phản công và để tranh lấy giải thưởng danh dự mà tôi để dành cho bộ đội nào có chiến công nhất trong năm nay. 

Chào thân ái và quyết thắng
         HỒ CHÍ MINH

VI. LỜI KÊU GỌI VỀ CHIẾN DỊCH CAO - BẮC - LẠNG 6*

Hỡi các chiến sĩ yêu quý,

Vệ quốc đoàn, 

Bộ đội địa phương, 

Dân quân du kích. 

Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng, chúng ta quyết đánh thắng trận này. 

Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận ấy phải kiên quyết, dũng cảm trǎm phần trǎm; các chiến sĩ các khu, các mặt trận khác phải ra sức thi đua giết giặc lập công để hết sức tiêu diệt địch, khiển chế địch, không cho chúng tiếp viện mặt trận Cao - Bắc - Lạng. 

Thắng lợi ở Cao-Bắc-Lạng là thắng lợi chung của các chiến sĩ toàn quốc. 
          Vậy sau khi chiến dịch Cao-Bắc-Lạng đã thắng lợi, các địa phương phải lập tức báo cáo kết quả trong dịp thi đua giết giặc lập công này. 

Ai có công to, Chính phủ sẽ thưởng. 

Hỡi các chiến sĩ yêu quý.

Đơn vị này phải thi đua với đơn vị khác, địa phương này thi đua với địa phương khác. 

Cuộc thi đua "giết giặc lập công" và chiến dịch Cao-Bắc-Lạng nhất định sẽ thắng lợi. 

Toàn thể các chiến sĩ tiến lên! 

Thắng lợi đang chờ các chú. 

Tôi đang chờ để khen thưởng các chú. 

Chào thân ái và quyết thắng
            Ngày 2 tháng 9 nǎm 1950

 

VII. LỜI KÊU GỌI ĐỒNG BÀO CAO - BẮC - LẠNG 7*

Hỡi đồng bào yêu quý!

Quân ta đã mở chiến dịch trên mặt trận Cao-Bắc-Lạng. 

Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao-Bắc-Lạng và cho cả toàn quốc. 
          Đồng bào ba tỉnh đã cố gắng rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến dịch như: góp quân lương, sửa đường sá, vận tải, chuyên chở, giúp đỡ bộ đội, v.v.. 

Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào. 

Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào ba tỉnh, các uỷ ban kháng chiến và hành chính, các đoàn thể nhân dân cố gắng thêm nữa, tiếp tục giúp đỡ cho bộ đội ta trước mặt trận để quân ta giết nhiều địch, đánh thắng to. 

Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi. 

Chào thân ái và quyết thắng
        Ngày 9 tháng 9 nǎm 1950
    
Hồ Chí Minh

 

VIII. ĐIỆN GỬI CÁC CHIẾN SĨ MẶT TRẬN CAO - BẮC - LẠNG 8*

Trong chiến dịch này, toàn thể bộ đội và nhân dân ta đã rất cố gắng, đã gây được thành tích khá, như giải phóng Đông Khê, bắt địch phải rút khỏi Cao Bằng. 

Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng.

Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có giải thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sĩ nào lập chiến công nhiều nhất. 
         Nào, chiến sĩ nào và đơn vị nào hứa với Bác quyết giật cho được giải thưởng anh hùng Cao-Bắc-Lạng và đơn vị kiểu mẫu? 

Bác chờ các chú trả lời. 

Chào thân ái và quyết thắng
 Ngày 6 tháng 10 năm 1950 

IX. THƯ GỬI ĐỒNG BÀO CAO - BẮC - LẠNG NHÂN DỊP CHIẾN THẮNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG BIÊN GIỚI 9*

          Cùng đồng bào thân mến:

          Chúng ta đã thắng to trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng. Có cuộc thắng lợi đó là vì đồng bào ba tỉnh ta rất hăng hái tham gia kháng chiến. Vì bộ đội ta rất dũng cảm. Vì Chính phủ ta rất kiên quyết. Vì quân, dân, chính của ta đoàn kết chặt chẽ.

          Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ cảm ơn và khen ngợi đồng bào. Tôi đặc biệt nêu cao công lao của phụ nữ Cao-Bắc-Lạng. Hàng vạn chị em Kinh, Thổ, Trại, Mán, v.v. đã không quản xa xôi, trèo đèo, lội suối, ăn đói nằm sương, đã thi đua làm việc sửa đường vận tải giúp đỡ bộ đội để góp một phần vào thắng lợi.

Chúng ta đã thắng lợi trong chiến dịch này nhưng chúng ta phải biết rằng: để tiêu diệt hết giặc Pháp, để chống lại bọn can thiệp Mỹ, để giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, chúng ta còn phải vượt qua bao nhiêu sự khó khăn, cực khổ nữa. Chúng ta chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch. Nhưng với sức đại đoàn kết, tinh thần hăng hái và bền bỉ của đồng bào, với sự dũng cảm của bộ đội, với lòng kiên quyết của Chính phủ, chúng ta nhất định vượt qua tất cả mọi khó khăn để tranh lấy hoàn toàn thắng lợi.

          Đồng bào Cao-Bắc-Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến. Tôi chắc rằng đồng bào ba tỉnh ta sẽ luôn luôn cố gắng thêm để giữ lấy địa vị vẻ vang mà tôi chắc rằng đồng bào các nơi khác sẽ ra sức thi đua với đồng bào Cao-Bắc-Lạng trong công việc thi hành Sắc lệnh tổng động viên.

          Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi thống nhất độc lập nhất định thành công.

                                                           Chào thân ái và quyết thắng
                                                           Ngày 6 tháng 10 nǎm 1950
                                                             
Hồ Chí Minh
 

          X.  LỜI KÊU GỌI VÀ KHUYÊN NHỦ CHIẾN SĨ 10*

Trận Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng ta đã thắng to. Tôi thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh vì nước, an ủi các anh em thương binh, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ.

          Tôi ra lệnh cho Bộ Tổng tư lệnh mau chóng khen thưởng những đơn vị và những chiến sĩ đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Trong số khen thưởng đó gồm có các chiến sĩ có công to, các cán bộ đắc lực, các anh em ngành chuyên môn trong quân đội, các anh em nấu bếp trong bộ đội và các cháu giúp việc giao thông liên lạc đắc lực, nhất là các đồng bào đã đặc biệt giúp đỡ bộ đội.

          Ta đã thắng to trong trận này là vì: bộ đội ta rất dũng cảm, chỉ huy rất đúng đắn, nhân dân rất hǎng hái, Chính phủ rất kiên quyết. Nhưng chúng ta chớ vì thắng lợi mà kiêu cǎng, chủ quan khinh địch; chúng ta phải nhớ rằng: trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là một bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và phải thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.

          Chúng ta cũng phải nhớ rằng trong trận này, ta đã thắng hai lần: thắng lợi thứ nhất là chúng ta đã tiêu diệt địch và đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta.

          Lợi dụng triệt để cuộc thắng lợi đó, Bộ Tổng tư lệnh sẽ tổ chức những cuộc hội nghị kiểm thảo và những ban huấn luyện để tổng kết kinh nghiệm, phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao lực lượng về mọi mặt.

          Trong những cuộc hội nghị kiểm thảo và trong các ban huấn luyện này, phải triệt để lợi dụng vũ khí tốt nhất, mạnh nhất là phê bình và tự phê bình một cách dân chủ, kiểm thảo từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình. Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch.

          Tôi nhắc rằng: các cán bộ và chiến sĩ đã hǎng hái thi đua giết giặc lập công thì sẽ hǎng hái thi đua trong cuộc phê bình và tự phê bình, và do đó, ta sẽ thắng to hơn nữa mà tôi sẽ có dịp khen thưởng các chiến sĩ nhiều hơn nữa.

                                                                             HỒ CHÍ MINH   

          XI. TRẢ LỜI CÁC NHÀ BÁO 11*

          Về chiến dịch Cao-Bắc-Lạng:

          Kết quả cuộc thắng lợi đó ta đã:

          - Tiêu diệt và bắt sống được nhiều quân và lính tinh nhuệ của giặc, làm cho giặc rất hoang mang.

          - Thu được nhiều vũ khí Mỹ giúp cho giặc

          - Khôi phục được 5 tỉnh và nhiều nơi quan trọng.

          Thắng lợi ấy vì mấy nguyên nhân:

          - Nhân dân ta rất hăng hái giúp đỡ bộ đội, nhất là đồng bào Cao-Bằng và mấy huyện Lạng Sơn. Hàng vạn phụ nữ đã thi đua trong việc vận tải.

          - Bộ đội ta rất dũng cảm và tiến bộ về mặt kỹ thuật, chỉ huy ta rất kiên quyết.

          - Các nơi hưởng ứng đều và tích cực

          - Chuẩn bị khá chu đáo.

          Thắng lợi có 2 ý nghĩa quan trọng:

          - Lần này ta giành được quyền chủ động.

          - Ta học được nhiều kinh nghiệm, nó sẽ giúp cho bộ đội ta tiến bộ nhiều hơn, mau hơn nữa.

          Sau thắng lợi này, một điều mà quân và dân ta phải giữ là tuyệt đối không được vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Trái lại, chúng ta phải cố gắng hơn nữa, cẩn thận hơn nữa, kiên quyết hơn nữa.

          XII. NGÀY 10/05/1951 12*

          Gửi các cháu học sinh trường Việt Bắc.

          (Trường đóng tại huyện Bắc Sơn, ngày nay là trường THPT Việt Bắc Thành phố Lạng Sơn)

          Biết các cháu nhịn ăn, quét chợ, hái củi, bán bánh tiết kiệm giành dụm được 216.445 đồng mua công trái, Bác rất cảm động. Bác gửi lời thân ái khen ngợi  lòng các cháu nồng nàn yêu nước.

          Việc các cháu đã xung phong làm, thì chắc học sinh các trường khác cũng sẽ làm được. Số tiền tuy nhỏ nhưng các cháu học sinh ra sức lao động để lấy tiền mua công trái thì có ý nghĩa to.

          Bác muốn biết: Các cháu

          - Sinh hoạt thế nào,

          - Học tập thế nào,

          - Sức khoẻ thế nào,

          - Thi đua thế nào,

          - Tăng gia sản xuất thế nào?

          Bác gửi lời thăm các thầy giáo và cha mẹ các cháu và gửi các cháu nhiều cái hôn.

          XIII. TẾT TRỒNG CÂY 13*

          Ngày nay, đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, tết trồng câylà ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta. Tính chung trong mấy năm nay, theo báo cáo của Tổng cục lâm nghiệp, nhân dân ta đã trồng được hàng vạn héc-ta cây các loại trên các đồi, bãi, vườn, hai bên đường, trên bờ mương máng v.v...

          Trong mấy năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhân dân ta càng nhận rõ lợi ích của việc trồng cây, cho nên phong trào trồng cây càng phát triển. Việc trồng cây ngày càng hướng vào những yêu cầu thiết thực như lấy gỗ, cây ăn quả, cây chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay, v.v.. Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn.

          Những nơi có thành tích trồng cây trước đây như Lạc-Trung, Ngọc-Long, Liên-Phương, v.v. vẫn tiếp tục phát triển. Gần đây, có thêm một số nơi phong trào trồng cây khá, như các tỉnh Nam-Hà, Quảng-Ninh, Hà-Tĩnh. Nhất là Lạng Sơn phong trào đang vươn lên mạnh. Nguyên nhân chính là do các tỉnh uỷ, các cấp đảng và chính quyền thiết thực lãnh đạo nhân dân ra sức trồng cây và bảo vệ cây.

          Một ví dụ: xã Đô Lương (Lạng Sơn) có nhiều đất rừng, nhưng trước đây không biết chăm lo trồng cây. Từ năm 1964, trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, Đô Lương hợp bảy hợp tác xã nhỏ thành ba hợp tác xã lớn. Việc trồng rừng được quản lý tốt, bảo vệ tốt, kết quả bước đầu là với 270 hécta rừng được chăm sóc, hằng năm đã bán cho Nhà nước 1.100 mét khối gỗ và 1.000 mét khối củi. 
          Nhờ trồng cây tốt cho nên thuỷ lợi cũng tiến bộ. Hơn 100 hécta ruộng trước kia bỏ hoá, nay đã trở thành ruộng 5 tấn. Đóng góp lương thực nghĩa vụ ngày càng tăng, năm 1967 được 130 tấn thóc, năm 1968 được 141 tấn thóc. 

          Thu nhập của hợp tác xã cũng ngày càng tăng, năm 1965 thu được 16.250 đồng, năm 1967 thu được 50.240 đồng. Nhờ vậy, đời sống của xã viên ngày càng cải thiện. Ví dụ đó chứng tỏ trồng cây gây rừng rất ích nước lợi nhà.

          Những cá nhân có thành tích xuất sắc như: Anh hùng trồng cây Nguyễn Văn Tần, cán bộ miền Nam tập kết ở Vĩnh Phú; cụ Nguyễn Văn Quắc, 74 tuổi, ba năm liền chiến sĩ thi đua về trồng cây ở Ninh Bình; ông Hoàng Đông Hán ở Quảng Ninh; cụ Sùng Chín Tín ở Hà Giang; cụ Nông Quảng Liêm ở Lạng Sơn, tự tay mình trồng được 3.500 cây trên đồi trọc, cây nào cũng tốt, cụ còn vận động cả hợp tác xã trồng được hàng vạn cây xanh tươi, v.v...

          Bên cạnh những gương tốt đó, còn có những địa phương trồng cây gây rừng chưa tốt, hoặc kém bảo vệ, chăm sóc, cho nên trồng nhiều mà cây sống ít, diện tích đồi trọc còn nhiều. Nguyên nhân là do ngành lâm nghiệp chưa quan tâm đúng mức, nhưng chủ yếu là do cấp uỷ và uỷ ban hành chính địa phương chưa lãnh đạo tốt phong trào trồng cây. Các địa phương đó cần học tập và thi đua với những nơi có phong trào trồng cây khá. Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa. 

Kinh nghiệm cho thấy rằng: mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực. 

          Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức "một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược". 

                                                                                                Sưu tầm

                                                        Nguyễn Gia Quyền



1* Nói ngày 23 tháng 2 năm 1960. In trong sách Những  lời kêu gọi của Hồ Chủ Tích, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1962, tập VI, tr 45-48.

([1]): Lúa nam ninh, một giống lúa ngắn ngày, trước đây nông dân miền Bắc thường gieo cấy trong vụ Hè - Thu

2* Theo bài in trong sách Hồ-Chí-Minh toàn tập, tập 4.

3* In trong sách những lời kêu gọi của Hồ-Chủ-Tịch, nhà xuất bản Sự thật Hà Nội. 1958,tậpI. tr 213-214. 

4*  In trên báo cứu quốc 1240 ngày 11 tháng 5 năm 1949

5* In trên báo cứu quốc số 1240 ngày 11 tháng 5 năm 1949

6* Hồ Chí Minh

7* Theo bản in trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5.

8* In trong sách Hồ Chủ Tịch với lực lượng vũ trang Nhân dân. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân Hà Nội 1962, tr 88.

9* Theo bài in trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5.

10* In trên báo Sự thật số 147 ngày 30 tháng 10 năm 1950.

11* In trên báo Sự thật số 151 ngày 27 tháng 11 năm 1950.

12*Tài liệu lưu tại phòng tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh số hiệu H4.C1/43

13* Theo đúng bài in trên báo Nhân dân số 5411, ngày 5 tháng 2 năm 1960.

Last modified on Thứ ba, 17 Tháng 5 2016 08:21

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 46

Tất cả 2857416

Videos

Liên kết website