Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 09:49

Chùa Sùng Nham- Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

1 up

Chùa Sùng Nham.

Chùa Sùng Nham thuộc thôn Phổng, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là ngôi chùa đã có từ lâu đời, mang trong mình nhiều giá trị văn hóa và lịch sử vùng đất, con người Vân Nham. Chùa nằm trên mỏm đồi tương đối cao tại trung tâm xã Vân Nham, diện tích khoảng 150m2, xung quanh 4 phía đều giáp khu vực nhà dân, phía trước của chùa là đường liên xã DT242.

Ông Lê Bá Tuân trông coi đền và chùa Sùng Nham cho biết, trước đây chùa Sùng Nham có 07 đạo sắc phong, tuy nhiên do nhiều biến cố lịch sử nên hiện nay chùa lưu giữ được 02 đạo Sắc phong được bảo quản kĩ lưỡng nên còn rất nguyên vẹn. Hai bản sắc phong này đã được Viện Hán Nôm tiến hành dịch ra với nội dung như sau:

Bản sắc phong thứ 1: (Tạm dịch)

Ban sắc cho Nữ tướng công chúa Lê Hoa Nghiêm toàn Văn võ Anh nữ Danh hảo Phù vận Anh linh đúng là nơi khí linh thiêng tụ lại. Trên sánh với trời, dưới đối với đất, biến hóa khôn lường, uy phong có thừa, vẻ vang có dư, phù giúp cơ đồ rạng rỡ. Công lao của Thần thật là lớn lao và linh ứng. Trẫm chấp thuận sắc phong trước đã ban tặng.

Nay ở chính ngôi, lấy việc quốc gia làm trọng, nhớ đến công lao của thần, nhân ngày lễ lớn và có lễ nâng bậc xét tặng, Trẫm ban thêm mỹ tự cho Thần: Nghiêm toàn Văn võ Anh nữ Danh hào Phù vận, Anh linh, Khoan nhân, Đại khánh đại vượng.

Nên có sắc!

Ngày 15 tháng hai năm Đinh Dậu niên hiệu Quang Hưng.

Bản sắc phong thứ 2:(Tạm dịch)

Sắc cho vùng tổng Vân Nham châu Cổ Lũng phủ Lạng Giang cử theo trước mà phụng sự vị Thành hoàng là Nữ tướng Công chúa Lê Hoa Nghiêm toàn, Văn võ, Anh nữ, Danh hào, Phù vận, Anh linh, Khoan nhân qua các kỳ lễ tiết đã được ban sắc phong chuẩn cho phụng thờ.

Năm Tự Đức thứ 31, nhân dịp Trẫm sinh thần lần thứ 50, nên ban chiếu báo ơn sâu, có lễ long trọng thăng phẩm bậc cho Thần. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, để nhớ kỳ lễ lớn của đất nước và làm rạng rỡ điển thờ. Hãy kính theo!

Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 33.

Ban sac phong

Bản sắc phong tại chùa Sùng Nham

Căn cứ theo 02 bản sắc phong ta có thể khẳng định từ thời vua nhà Lê niên hiệu Quang Hưng (Từ năm 1578 đến 1599) đã có chùa Sùng Nham.

3up

Đền Sùng Nham, nơi thờ vọng Nữ tướng Lê Thị Hoa

 Theo hồi cố của một số người am hiểu tại địa phương thì chùa Sùng Nham được bà Lê Thị Hoa (bà Lê Hoa)- một nữ tướng xuất chúng, đã cho xây dựng lên. Nữ tướng Lê Thị Hoa sinh ngày 15 tháng 11 năm Kỷ Mùi (2 TCN), con gái ông Lê Thái và bà Dương Thị Tạo ở thôn Thượng Linh, xã Cảo Linh, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, đạo Nam Sơn (nay là thôn Thượng Linh (làng Giềng), xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Tương truyền, lúc mới sinh ra bà có khuôn mặt trắng như trứng gà bóc và nụ cười như hoa nên được đặt tên là Lê Thị Hoa. Năm 18 tuổi (16) bà kết hôn cùng ông Mai Tiến (19 tuổi) người cùng huyện là người văn võ, toàn tài.

Nhà Đông Hán cử Tô Định sang làm Thái thú ở Giao Chỉ. Tô Định là một viên thái thú vô cùng tàn bạo. Bấy giờ lòng căm phẫn của các tầng lớp nhân dân Giao Chỉ đối với ách thống trị tàn bạo của nhà Đông Hán ngày một dâng cao, chỉ chờ có cơ hội là giáng bão lửa xuống bè lũ xâm lược.

Ở vùng đất Yên Nội bà Lê Hoa cùng 4 người con trai lúc đó đã trưởng thành (Mai Đạt 22 tuổi, Mai Thoả 20 tuổi, Mai An 18 tuổi, Mai Trí 15 tuổi) tập hợp, kêu gọi nhân dân khai phá vùng đất mới và luyện tập chiến trận chuẩn bị khởi nghĩa với số quân khoảng 2000 người. Cùng thời gian này ở vùng Hát Môn – Mê Linh (nay là Vĩnh Phúc) Hai Bà Trưng đã nổi dậy khởi nghĩa chống lại Tô Định. Theo lời hiệu triệu của Trưng Nhị bà Lê Thị Hoa đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa lớn này.

Trong trận Bà Lê Hoa đánh đuổi giặc từ Gia Lâm chạy về Chi Lăng, đội quân của bà đã thắng lớn ở Cổ Lũng (huyện Hữu Lũng ngày nay), đến tổng Vân Nham bà Lê Hoa đã quyết định mở tiệc khao quân tại đây. Đồng thời bà tiến hành lập chùa Vân Nham giả tu ẩn thân để chờ thời cơ đánh giặc. Trong thời gian giả tu tại chùa, bà Lê Hoa đã dạy dân lập ấp khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống người dân địa phương. Chính vì công lao to lớn này mà sau khi bà Lê Hoa trở về Nga Sơn- Thanh Hóa và mất tại Thanh Hóa, người dân tại Vân Nham đã tiếc thương mà lập đền thờ vọng bà ở cạnh chùa Vân Nham ngày nay.

Sau rất nhiều lần tu sửa lớn nhỏ thì đến năm 2010, chùa Sùng Nham đã được chỉnh trang lại rất khang trang với một bên là gian nhà gỗ- chùa Sùng Nham (thờ Phật) và một gian nhà gạch là đền Sùng Nham (thờ vọng bà Lê Thị Hoa).

4up

Phía trong chùa Sùng Nham

Chùa Sùng Nham ngày nay đã khác xưa kia rất nhiều về diện mạo, tuy nhiên nơi đây vẫn giữ trong mình hồn cốt không bao giờ thay đổi, nơi đây chính là địa điểm diễn ra, chứng kiến quá trình đấu tranh của dân tộc Việt Nam nói chung và cuộc đấu tranh của nữ tướng Lê Thị Hoa chống quân xâm lược phương Bắc nói riêng. Chùa Sùng Nham không chỉ mang trong mình ý nghĩa lịch sử dân tộc to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà còn là địa điểm đánh dấu sự khẳng định nữ quyền, quyền bình đẳng, vai trò to lớn của người phụ nữ trong chế độ xưa và nay./

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Last modified on Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 10:00

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 49

Tất cả 2857419

Videos

Liên kết website