Lạng Sơn thời tiền sơ sử

  • Trống đồng Na Dương

               Trống đồng Na Dương thuộc nền văn hóa Đông Sơn, phát hiện năm 1970 tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (niên đại 2500-2000 năm cách ngày nay) thuộc nhóm trống loại I (theo cách phân loại của Heger).Trống Na Dương mang những nét rất đặc trưng của dòng trống Đông Sơn. Dáng trống hài hòa, cân đối với ba phần rõ rệt: tang phình, thân thon, đế choãi.

    - Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao 13 cánh tượng trưng cho mặt trời. Xen giữa các cánh sao là văn lông công hình tim với biểu tượng sinh nam thực khí gắn với ý nghĩa phồn thực. Tiếp đó, các vành hoa văn (có 11 vành hoa văn) được bố trí theo kiểu đồng tâm từ trong ra ngoài, trang trí các hoa văn: văn răng lược, vòng tròn kép có chấm giữa, các đường gấp khúc cắt nhau tạo thành hình trám, hình người trang sức lông chim nhưng mang tính cách điệu cao - biến thành hình văn cờ. Ngoài ra trên mặt trống còn có 4 khối tượng cóc bố trí từng cặp đối xứng qua tâm trống, cách đều nhau.

    - Phần tang và phần thân trống: trang trí hoa văn đơn giản giống trên mặt trống (văn răng lược và vòng tròn kép có chấm giữa), song tuỳ từng phần mà có bố cục hợp lý. Thân và chân trống được phân cách bởi một đường chỉ lớn nhô hẳn lên chứng tỏ sự phân biệt rõ rệt giữa các phần của trống. Chân trống có hình nón cụt với độ choãi vừa phải, được trang trí các băng hoa văn ngang.  

    Phần thân trống có hai đôi quai kép bố trí đối nhau. Quai trống có dạng hình chữ C, trang trí văn thừng tết. Trống được đúc bằng khuôn ba mang (2 mang thân và 1 mang mặt), đây là kỹ thuật đúc rất phổ biến của văn hóa Đông Sơn.  

    Như các trống Đông Sơn khác, trống Na Dương là sản phẩm ra đời xuất phát từ nhu cầu văn hoá tinh thần của cư dân Lạc Việt. Trống có rất nhiều công dụng: dùng để thờ cúng, là nhạc khí dùng trong lễ hội truyền thống, nghi thức tế lễ...

  • Di vật văn hoá Mai Pha

    Văn hóa Mai Pha là văn hóa khảo cổ thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí,  mới được xác lập từ sau khi khai quật di chỉ Mai Pha năm 1996. Văn hóa Mai Pha được gọi theo tên của di chỉ hang Mai Pha, nằm trong một núi đá nhỏ đơn độc giữa thung lũng ở phía Nam xã Mai Pha, Thành phố Lạng Sơn. Di chỉ Mai Pha được Viện Khảo cổ và Bảo thàng Lạng Sơn chính thức khai quật vào tháng 6 /1996 đã thu được hàng vạn di vật gồm đồ đá, gốm, xương, nhuyễn thể. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát hơn 30 di tích thuộc giai đoạn Hậu kỳ đá mới, trong số đó các nhà khảo cổ đã xếp 12 di tích thuộc Văn hóa Mai Pha. Địa bàn phân bố cơ bản trùng với địa bàn phân bố của Văn hóa Bắc Sơn trên vùng đất Lạng Sơn.

    Hiện vật văn hóa Mai Pha rất phong phú, đa dạng bao gồm nhiều loại hình, kiểu dáng, chất liệu khác nhau. Thuộc nhóm công cụ lao động sản xuất có: rìu bôn tứ giác, rìu có vai, cưa, bàn đập, bàn mài, chày nghiền, bàn nghiền bằng đá; rìu, bôn có vai bằng vỏ trai; chì lưới, dọi xe chỉ, bi bằng gốm; dùi xương, đục vũm bằng xương...Đồ trang sức có: vòng đeo tay, khuyên tai, hạt chuỗi bằng đá, vỏ nhuyễn thể. Bên cạnh đó là các mảnh di cốt người, di cốt động vật, tàn tích những bữa ăn của người tiền sử. Những di vật đá của văn hóa Mai Pha được chế tác rất quy chuẩn, thể hiện kỹ thuật, trình độ chế tác đá đã phát triển ở mức cao, kỹ thuật ghè đẽo, mài nhẵn, đánh bóng rất đẹp. Đặc biệt đồ gốm trong văn hóa Mai Pha nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, hoa văn, kiểu dáng.... Gốm có độ nung khá cao, xương gốm rất mịn, được chế tác bằng kỹ thuật bàn xoay, riêng phần tai, quai đồ gốm và nhất là phần chân đế cao (dạng bát bồng) được nặn tay. Loại hình gốm chủ yếu là đồ gia dụng dùng trong sinh hoạt hàng ngày, gồm có các loại: Bát và bát bồng, nồi, bình, âu. Hoa văn trang trí đẹp và độc đáo như: văn thừng, hoa văn khắc vạch, hình hoa thị kết hợp trổ lỗ, các đồ án hoa văn khắc vạch hình học, hình sóng nước và cả hoa văn khắc vạch hình thú...được coi là nét đặc trưng tiêu biểu nhất của Văn hóa hậu kỳ đá mới - Văn hóa Mai Pha. 

    Trên cơ sở nghiên cứu đặc trưng di vật kết hợp phân tích mẫu vật bằng phương pháp C14, các nhà khoa học đã xác định được niên đại tương đối và tuyệt đối của văn hóa Mai Pha ở giai đoạn Hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau, có niên đại tuyệt đối ở vào khoảng 4.000 đến 3.000 năm cách ngày nay. Đây là thời kỳ phát triển cực thịnh của kỹ nghệ chế tác đồ đá và đồ gốm. 

    Văn hóa Mai Pha được tiếp nối từ văn hóa Bắc Sơn và có mối liên hệ chặt chẽ với các văn hóa đồng đại như văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Hạ Long, một trong những nguồn hợp tạo dựng văn hóa Việt cổ sau này. Với những giá trị tiêu biểu đó Di chỉ Mai Pha đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 05/QĐ-BVHTT ngày 12/02/1999 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

  • Di vật văn hoá Bắc Sơn

    Văn hóa Bắc Sơn là một trong những nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng của nước ta ở thời đại đá. Đó là một nền văn hóa tiền sử có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với nhiều nền văn hóa khảo cổ khác để góp phần tạo nên dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc. Bắc Sơn là tên gọi của huyện Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, nhưng từ năm 1924 Bắc Sơn đã trở thành tên của một nền văn hóa đá mới tiêu biểu nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã xác định Văn hóa Bắc Sơn có niên đại khoảng 11.000 – 7.000 năm cách ngày nay, thuộc giai đoạn Sơ kỳ đá mới. Đến nay đã có trên 50 di tích văn hóa Bắc Sơn được phát hiện, nghiên cứu ở nước ta. Số lượng hiện vật thu được lên đến hàng ngàn di vật. Di vật văn hóa hóa Bắc Sơn rất phong phú, đa dạng gồm: Rìu mài lưỡi, “dấu Bắc Sơn”, công cụ ghè đẽo (hình chữ nhật, hạnh nhân, công cụ hình quạt, hình bán nguyệt, hình mu rùa...) được coi là di vật đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn. Trong đó, rìu mài lưỡi là loại di vật đặc trưng điển hình nhất, là loại rìu mài xuất hiện sớm nhất ở châu Á. Đó là những chiếc rìu được ghè đẽo qua loa trên hai cạnh và lưỡi rồi mài hạn chế ở phần lưỡi tạo độ sắc. Nhờ có sự cải tiến quan trọng đó mà những chiếc rìu mài lưỡi đã tạo nên năng suất lao động cao hơn, giảm sức lao động so với việc sử dụng rìu ghè đẽo tồn tại trước đó. Vì vậy, rìu mài lưỡi được coi là một cuộc “cách mạng đá mới”, đánh dấu một bước nhảy vọt trong quá trình chinh phục thiên nhiên của loài người. Dấu Bắc Sơn là loại di vật rất độc đáo của văn hóa Bắc Sơn. Chúng được chế tác từ diệp thạch (Schiste) có dạng thỏi dài, hẹp ngang và mỏng. Trên một hoặc hai rìa mỏng có hai vết rãnh song song chạy dọc đều đặn. Rãnh lõm đôi có hình lòng máng úp sấp. Dấu Bắc Sơn có mặt ở hầu hết các di tích văn hóa Bắc Sơn. Về ý nghĩa, công dụng của dấu Bắc Sơn, hiện nay vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ. Trong các di tích văn hóa Bắc Sơn các nhà khảo cổ còn tìm được rất nhiều loại hình di vật khác như: Hòn ghè, bàn mài, công cụ mảnh tước, công cụ xương, đồ trang sức, mảnh gốm, di cốt động vật, vỏ các loài nhuyễn thể… Đặc biệt là các mộ táng ở cạnh bếp, trong góc hang ngay tại nơi cư trú. Đó là những cứ liệu quan trọng để phục dựng bức tranh về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân văn hóa Bắc Sơn.

  • Di cốt người và xương động vật
  • Hoá thạch răng động vật - di chỉ khảo cổ hang Cốc Mười

      Di chỉ cổ sinh hang Cốc Mười (hang Bãi Đá), thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh, huyện Tràng Định: là di chỉ cổ sinh có niên đại Hậu kỳ Cánh Tân (khoảng 114.000 năm cách ngày nay). Di chỉ được khảo sát vào năm 2011,2012, đến tháng 8/  2013, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn và các chuyên gia nghiên cứu cổ sinh, địa chất đến từ Pháp và Úc đã tổ chức khai quật chính thức di chỉ cổ sinh hang Cốc Mười. Kết quả khảo sát và khai quật đã tìm thấy lượng trầm tích chứa hóa thạch lớn, qua phân loại cho thấy quần động vật đa dạng, có nhiều thành phần loài, như: họ trâu bò Bovidae; họ hươu Cervidae; họ lợn Suidae; họ lợn vòi Tapiridae; họ tê giác Rhinocerotidae; họ voi Elephantidae; họ chồn Mustelidae; họ mèo Felidae; họ gấu Ursidae; họ nhím  Hystricidae; họ khỉ đuôi dài; với đủ các loài đặc trưng cho quần động vật thế Pleistocene như  răng đười ươi, răng gấu tre, răng voi răng kiếm… Đây là di chỉ cổ sinh rất có giá trị nghiên cứu với khối lượng lớn hóa thạch đã được khai quật. Tầng trầm tích chứa hóa thạch còn lại trong hang được bảo tồn khá nguyên vẹn, các lớp trầm tích ít có sự xáo trộn, do vậy đặc điểm cấu trúc trầm tích ở đây rất có giá trị trong nghiên cứu so sánh với các di chỉ cổ sinh khác ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và sẽ là một mắt xích quan trọng trong nghiên cứu cổ sinh cổ môi trường trong khu vực Đông Nam Á – Nam Trung Hoa trong giai đoạn Pleistocene muộn.

  • Xương và răng động vật
  • Hoá thạch răng người, răng động vật - di chỉ khảo cổ hang Pác Đây

    Di chỉ cổ sinh hang Pác Đây, thôn Bản Vạc, xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng : là di chỉ cổ sinh có niên đại Hậu kỳ Cánh Tân (khoảng 114.000 năm cách ngày nay).  Tháng 6/2016 di chỉ cổ sinh hang Pác Đây được Viện Khảo cổ học, Ban Quản lý di tích và  Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn khai quật. Qua nghiên cứu các mảng trầm tích và hiện vật  thu thập được, kết quả phân loại bước đầu cho thấy quần cư động vật gồm các họ, loài thú cơ bản của vùng nhiệt đới – Á nhiệt đới, có đủ các loài tiêu biểu cho các di chỉ cổ sinh như họ Hươu Cevidae, họ Lợn Suidae, họ Trâu bò Bovida, chuột, nhím, tê giác, lợn lòi, Hổ, Báo, Lợn rừng, Gấu, Voi răng kiếm, đười ươi, vượn… Ngoài những mẫu răng động vật, tại hang Pác Đây còn tìm thấy 02 răng người vượn. Tuy chưa thể khẳng định về địa tầng và niên đại của mẫu răng người này nhưng đây cũng là một di chỉ cổ sinh hiếm hoi tìm thấy răng người ở Việt Nam. Hang Pác Đây là di chỉ mới được phát hiện, khai quật lần đầu và đều còn khả năng tiếp tục tiến hành khai quật, lấy mẫu phục vụ các nghiên cứu trong tương lai. Di chỉ này đã đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực cổ nhân, cổ sinh và môi trường không chỉ ở Lạng Sơn mà còn sẽ rất hữu ích cho nghiên cứu so sánh với các di chỉ khác trong khu vực Đông Nam Á.

  • Xẻng đá

    Xẻng đá là loại hình di vật đặc sắc của Văn hóa hậu kỳ đá mới vùng cực nam Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, đảo Hải Nam. Các nhà khảo cổ học cho rằng, đó là công cụ sản xuất, đồng thời là vật dùng trong nghi lễ cầu mùa và tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp cổ. Những chiếc xẻng đá được phát hiện tại huyện Bình Gia, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn (niên đại hậu kỳ đá mới 5000 – 4000 năm cách ngày nay). Tất cả đều được chế tác bằng đá phiến kết cấu hạt mềm, bên ngoài có màu trắng xám, mài nhẵn toàn thân.

    Bốn chiếc xẻng đá có kích thước lớn: dài từ  30cm  đến 40cm; Rộng vai từ 16cm đến 24cm; dày từ 1,8cm đến 2,2 cm. Bốn chiếc xẻng đều có kiểu dáng tương đối giống nhau: có chuôi nhỏ và ngắn hình vuông, thân lượn cong hơi lõm và phình ra ở giữa. Từ đó thu lại tạo thành lưỡi cong tròn kiểu chữ U. Lưỡi xẻng khá dày, mài vát ở đầu, không sắc. Tuy nhiên 4 chiếc xẻng có sự khác nhau ở phần vai. Có 2 chiếc xẻng (ký hiệu BTLS 1464/2 và BTLS 1464/4) tại chuôi và vai có một đoạn ngắn vuông góc, tiếp đó là vai xuôi lượn hơi cong và thu lại thành một góc vuông, hai chiếc  xẻng đá này thuộc nhóm xẻng loại III. Hai chiếc còn lại (ký hiệu BTLS 1464/3 và BTLS 1801) có vai ngang vuông góc với chuôi, hai chiếc  xẻng đá này thuộc nhóm xẻng loại II.

  • Trống đồng
  • Bàn mài, bàn nghiền, hòn ghè ,chày nghiền
  • Mảnh tước
  • Rìu có vai
  • Rìu bôn tứ giác
  • Dùi xương, đục vũm
  • Mảnh cưa đá, dao đá
  • Đục vuông
  • Bàn dập khắc rãnh
  • Chì lưới
  • Dọi xe chỉ
  • Bi đá
  • Rìu bôn bằng vỏ trai
  • Bàn mài
  • Gốm văn thừng
  • Quai và tai gốm
  • Các loại hoa văn trên đồ gốm
  • Chân đế và đáy đồ gốm
  • Đồ trang sức: mảnh vòng tay, khuyên tai, ốc biển, chuỗi hạt bằng đá
  • Thổ hoàng
  • Công cụ hình mu rùa, hình đĩa
  • Hòn ghè
  • Dấu Bắc Sơn
  • Bàn mài
  • Rìu mài lưỡi
 

Trang tin điện tử Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn - Lạng Sơn thời tiền sơ sử - QR Code Friendly

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 17

Tất cả 2857387

Videos

Liên kết website