Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ được cắt may thủ công, khâu tay, gồm: hai áo ( áo ngoài và áo mặc trong), quần. - Áo ngoài: Là loại áo dài đến gối may bằng vải chàm, gần giống áo của phụ nữ tày, cổ tròn dựng 2 phân. Cúc đồng cài chéo nách. Dài áo 100 cm; Rộng gấu 66 cm; Dài tay 60 cm; Rộng tay: 11 cm - Quần may kiểu quần ống rộng, Dài quần 91,5 cm; Rộng ống 30,5 cm - Áo trong: may bằng vải lon màu xanh lá mạ , may theo kiểu áo cánh bà già. Dài áo: 57,5 cm; Rộng gấu 57 cm; Dài tay 60,5 cm; Rộng tay 13 cm - Khăn: Khăn vuông màu chàm để đội đầu, có kích thước: 84 x 84 cm - Thông: Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ thường đeo trên vai dùng để đựng đồ, chiếc thông hình chữ nhật, đan bằng sợi trắng, kích thước dài 29 cm; Rộng 41 cm Hiện vật sưu tầm tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. |
Bộ đồ hành lễ của thầy Mo dân tộc Tày tỉnh Lạng Sơn thường dùng khi hành lễ trong lễ đám ma, cấp sắc, tạ ơn thánh mụ. Bộ đồ hành lễ bao gồm các hiện vật: sách nho, sắc lệnh, slinh cảo, con dấu, quẻ âm dương, nghiên mực - bút, ống bút, kiếm, cờ xiêng tâng. Hiện vật sưu tầm tại thôn Nà Làng, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003 - Sách cúng là tài liệu viết bằng chữ Hán, dùng cho các thầy Mo học tập, nghiên cứu phương pháp làm lễ. Sách được làm từ giấy gió, có hình chữ nhật, bìa sách màu xám đen, các trang sách phía trong có màu ngả vàng, bìa mặt trước trang sách đã bị mất, sách được khâu bằng chỉ dù, chữ nho viết trên cả 2 mặt giấy. Sách có 2 quyển, Kích thước 24,5cm x 14cm, dày 1.5cm và 28cm x 12,5cm, dày 0.5 cm . |
Bộ áo tào côn là trang phục truyền thống của thầy Mo, thầy Tào dân tộc Nùng ở huyện Bình Gia, Bắc Sơn thường mặc khi hành lễ đám tang, cấp sắc phong. Áo được may bằng vải chàm đen và vải phin màu đỏ, cố chữ V, thân dài, xẻ tà cao, thân trước được chia làm 2 mảnh cài giữa, tay ngắn. viền gấu, cổ tay và chỗ cài áo được may bằng vải màu đỏ. Hai tà áo phía trước và phía sau thêu tay hình rồng, cá, người và ngựa cùng một số chữ Nho. Kích thước áo dài 114cm, rộng 66cm. Mũ rộng 30cm, cao 15cm. Hiện vật sưu tầm tại xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia năm 2003 |
Áo thầy mo (Bộ áo tiền thân) là trang phục truyền thống của Thầy Mo dân tộc Tày – Nùng ở huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Trang phục thường sử dụng trong việc hành lễ tạ ơn thánh mẫu và việc an nhà. Hiện vật sưu tầm tại thôn Nà Làng, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn năm 2003
- Áo được làm bằng vải lon màu xanh xí lâm, cổ tròn, thân dài, vạt cài chéo từ cổ sang nách và 2 bên sườn, xẻ tà 2 bên. Viền cổ, tay và các chỗ cài áo bằng vải đỏ, áo được cài bởi những cái dây làm bằng vải đỏ. phía trước ngực áo đính một miếng vải thêu tay hình vuông 20 x 20cm thêu hình đôi chim, giữa có hình chữ nhật. Phía sau lưng áo đính một miếng vải thêu tay đính kim sa hình ngựa cách điệu, hai góc phía trên có 2 chữ hán Nhật và Nguyệt ở hai bên. Kích thước áo dài 100cm, rộng 75cm, dài tay 70cm. - Mũ hình bán cầu, có 2 nửa dưới màu đen, trên màu đỏ. Chóp mũ có 1 chiếc khuy bọc vải, vành mũ lượn sóng 2 mặt, vành mũ thêu tay hình rồng, phượng chầu biểu tượng mặt trời có viết các chữ Nho. Mũ có kích thước rộng 28cm, cao 17cm |
Cào cỏ là dụng cụ dùng để diệt trừ cỏ thủ công được sử dụng phổ biến trong các hợp tác xã của thời kỳ bao cấp. Dụng cụ làm cỏ được rèn bằng sắt, gồm 2 phần thân và cán. Phần thân gồm 2 lưỡi cào có hình xoắn được gắn vào 2 trục quay tròn. Phần cán được gắn với thân bằng 2 thanh gỗ dẹt và nối cố định giữa 2 thanh là các thanh gỗ ngắn, phía trên có tay cầm. Kích thước dài 1,5m rộng 18cm. Hiện vật sưu tầm tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, sử dụng từ những năm 1960 – 1985.
Nỏ báng thẳng là công cụ săn bắn của đồng bào dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn. Nỏ được làm bằng gỗ, báng thẳng dài 105cm, dày 5cm cánh nỏ là một thanh gỗ thẳng, được xuyên qua thân nỏ thành 2 phần bằng nhau, lẫy nỏ đặt ở gần phần báng súng. Khi bắn, người ta lắp mũi tên vào lẫy nỏ và dùng lực kéo và phóng mũi tên trúng mục tiêu. Hiện vật được sưu tầm tại thôn Khau Ràng, xã Đồng Ý - Bắc Sơn năm 1990.
Sưu tập đồ gia dụng bằng gốm của Việt Nam từ thời Trần, niên đại thế kỷ 13 đến thời Lê Trung Hưng thế kỷ 18 gồm có: liễn (men ngà, men trắng); đĩa gốm ( men ngà, gốm hoa lam, men nâu, men ngọc); chén men trắng; bát gốm (hoa lam, men trắng):
1. Liễn gốm men ngà là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14, Liễn có đường kính miệng 17,2 cm, đường kính đáy 16,8 cm, cao 15 cm. Liễn có nắp hình chỏm cầu, đỉnh nắp phẳng, có núm cầm nhỏ. Miệng tròn, hơi cúp. Vai có rãnh lõm hình lòng máng. Thân hình trụ tròn, hơi thuôn về phía đáy. Đáy bằng, để mộc. Bị tróc hết men, nung chưa kỹ.
2. Đĩa gốm men ngà là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có dạng hình tròn, men ngà phủ cả hai mặt nhưng bị tróc men, đĩa có đường kính miệng 16,5 cm, đường kính đáy 6 cm, cao 4,3 cm . Lòng đĩa phẳng, được giới hạn bởi một vòng tròn, có 5 dấu kê. Thành đĩa cong, trang trí ám họa hình bông hoa cúc dưới men. Đáy nhỏ, thấp, để mộc không tráng men . Mặt ngoài không có hoa văn trang trí, có vết men nâu (màu socola).
3. Liễn men trắng là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Liễn có đường kính miệng 25 cm, đường kính đáy 16,8 cm, cao 17 cm. Liễn men trắng rạn, thân hình trụ tròn. Miệng hơi loe, mép miệng vê tròn, có rãnh hình lòng máng. Đáy tráng một lớp men mỏng, không đều. Tại nơi khắc rãnh có 6 chấm tròn rải đều trên vòng tròn. Đĩa bị nứt vỡ, đã được gắn lại.
4. Đĩa gốm hoa lam là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có đường kính miệng 24,5 cm, đường kính đáy 17 cm, cao 5,5 cm. Đĩa hình tròn, thành cong, men màu trắng ngả xanh. Lòng đĩa vẽ lam đề tài hoa dây xung quanh thành đĩa. Giữa lòng đĩa vẽ trang trí một bông hoa mai trong vòng tròn. Thành ngoài trang trí hình cánh sen, có hai vết lỗi do chế tác. Đế thấp, lõm, tô màu nâu (màu sôcôla).
5. - Chén men trắng là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13- 14. Chén có đường kính miệng 5 cm, đường kính đáy 3 cm, cao 2,2 cm. Chén có miệng tròn, lòng phẳng (hơi sần sùi do kỹ thuật chế tác) Thành ngoài men tráng không đều (chỉ phủ men 1/2). Đế thấp, đáy để mộc.
- Chén men trắng có đường kính miệng 5,3 cm, đường kính đáy 3,8 cm, cao 3,2 cm. Chén gốm men trắng. Thành chén dày, phẳng, sứt ở miệng. Thành ngoài men tráng không đều ở gần đế. Đế thấp, đáy để mộc
6. Đĩa gốm men nâu là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có đường kính miệng 15,8 cm, đường kính đáy 6,2 cm, cao 3,4 cm. Đĩa hình tròn, men màu nâu sẫm tráng toàn bộ mặt trong và 1/2 mặt ngoài. Lòng đĩa phẳng, nông, có dấu bàn kê. Thành đĩa loe cong. Đáy nhỏ cao 1 cm, không tráng men. Cốt gốm màu vàng nhạt
7. - Bát gốm hoa lam là đồ gia dụng thời Lê Sơ thế kỷ 15. Bát có đường kính miệng 15,4 cm, đường kính đáy 6,7 cm, cao 8 cm. Bát gốm men trắng vẽ lam. Bát có dáng cao, thành cong, sâu lòng. Lòng bát được giới hạn bởi một đường chỉ tròn màu lam, bên trong vẽ hình một bông hoa. Mép miệng và lòng bát vẽ hồi văn chữ S kiểu mầm giá. Thành ngoài vẽ hoa dây và cánh sen cách điệu. Đế cao, đáy tô màu nâu sôcôla.
- Bát gốm hoa lam là đồ gia dụng thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 -18. Bát có đường kính miệng 15,2 cm; đường kính đáy 9 cm; cao 5,3 cm. Bát có miệng hình tròn, men rạn hoa lam, tróc men. Thành bát thấp, lòng nông và phẳng, ve lòng. Lòng bát và thành ngoài hình hoa cúc (có 5 bông hoa cách đều nhau). Mặt ngoài trang trí 8 bông hoa cúc. Đế bát khá to, cao khoảng 1 cm, để mộc, không tráng men
8. Đĩa men ngọc là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Đĩa có đường kính miệng 14 cm, đường kính đáy 5 cm, cao 2 cm. Đĩa gốm men rạn màu xanh ngọc, lòng nông và phẳng, ve lòng. Bên trong có hai đường chỉ lam vòng quanh miệng đĩa. Lòng đĩa trang trí hình cánh hoa cúc xung quanh. Thành ngoài tráng men không hết (chỉ khoảng 1/3). Đế thấp, đáy để mộc.
9. Bát gốm men trắng là đồ gia dụng thời Trần thế kỷ 13-14. Bát có đường kính miệng 9 cm, đường kính đáy 4,5 cm, cao 3,9 cm. Bát có men trắng rạn, có nhiều nốt chấm đen nhỏ li ti ở mặt trong và ngoài của thành bát. Thành cong, lòng nông, ve lòng. Đế thấp, lõm, để mộc.
Giờ tham quan
+ Sáng 7h30 – 11h30
+ Chiều 13h30 – 17h
Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)
Hôm nay 30
Tất cả 2857400