Thứ hai, 11 Tháng 7 2022 10:22

CHÙA TIÊN, GIẾNG TIÊN

 

          Cách cầu Kỳ Cùng khoảng hơn 1km, trên trục đường Hùng Vương đi Mai Pha, có một quả núi đá hình con voi nhô lên, đó là núi đại tượng, nơi đây có động chùa Tiên, là một trong tám cảnh đẹp mà Danh nhân Ngô Thì Sĩ (Thế kỷ XVIII) đã ghi nhận.

IMG 6007

Ảnh: Lối lên động Chùa Tiên

Chùa thường gọi là chùa Song Tiên, tọa lạc ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chùa nằm ngang chừng núi Đại Tượng, quả núi đá có hình con voi nằm về phía Nam thành phố. Sách Xứ Lạng - văn hóa và du lịch (NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000) cho biết chùa trước đây ở cạnh giếng Tiên do dân làng Phai Luông lập vào thời Lê Hồng Đức (1460-1497), sau đó chùa bị hư hại, mới chuyển vào động núi Đại Tượng.

Chùa nằm trong động, chính giữa thờ chư Phật, Bồ Tát, cung bên phải thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cung bên trái thờ Thánh Mẫu. Động chùa Tiên còn nổi tiếng bởi hệ thống văn bia ma nhai do các danh nhân lưu lại qua các thời kỳ, trong đó có  bút tích của danh nhân Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài: Trấn doanh bát cảnh (tám cảnh đẹp của Xứ Lạng). Trong động có nhiều nhũ đá đẹp và đặc biệt có 1 nhũ đá lớn hình ông Tiên, do vậy mới có tên gọi là chùa Tiên.

Giếng Tiên cách cửa sau động chùa Tiên khoảng 200m về hướng Nam, chùa gắn với truyền thuyết Tiên Ông giúp dân làng nguồn nước để sinh hoạt. Sự tích của chùa qua các chuyện kể dân gian đều tập trung vào Ông Tiên ngự trên núi, đã dẫm chân xuống đá biến thành giếng Tiên có đầy nước trong vắt cho dân làng dùng trong những năm hạn hán. Có truyền thuyết khác kể về hai ông Tiên ngồi đánh cờ đến sáng không về trời, đã hóa đá...

IMG 5917

Ảnh: Biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội Chùa Tiên

Lễ hội Chùa Tiên hằng năm được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc của Xứ Lạng, thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân trong vùng đến tham dự. Có thể nói Di tích Chùa Tiên là một di tích chứa đựng trên mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật và danh thắng. Di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1992. 

                                                                Tổng hợp: Vy Thị Bích Hạnh

More in this category: « CHÙA THÀNH ĐỀN VUA LÊ »

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 16

Tất cả 2857386

Videos

Liên kết website