Thứ hai, 11 Tháng 7 2022 10:05

CHÙA THÀNH

Chùa Thành trước kia nằm ở cạnh Đoàn thành Lạng Sơn thuộc xã Mai Pha – Châu Ôn, do nhân dân trong vùng lập nên vào khoảng thế kỷ XV (thời Lê Sơ) lúc đó tên gọi là chùa Hương Lâm. Vào năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) chùa được chuyển về địa điểm tại bây giờ và lấy tên là Diên Khánh Tự, năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đổi tên là chùa Tuần Khánh, sau lấy lại tên là chùa Diên Khánh (Diên Khánh Tự)  có nghĩa là tích điều thiện để có nhiều phúc truyền cho đời sau. Chùa nằm tại địa chỉ số 3, đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn, thuộc loại hình Kiến trúc Nghệ thuật.

11111111

Ảnh: Chùa Thành (Diên Khánh Tự)

Trải qua quá trình thời gian và lịch sử, Chùa Thành bị xuống cấp và được tôn tạo lại nhiều lần, tuy nhiên di vật cổ vật gắn liền với di tích (chuông đúc năm  1697 và bia đá tạc năm 1796) vẫn được nhân dân chung tay lưu giữ bảo quản nguyên vẹn. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa vẫn giữ được kiến trúc và tượng cổ gắn liền với di tích. Đến năm 2004 chùa tiếp tục được tu bổ, tôn tạo lại như hiện nay. Hiện nay hệ thống tượng thờ trong di tích đều là tượng đồng, ngoài ra di tích hiện còn có một pho tượng Phật ngọc đá xanh.

Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu chữ Công. Ngoài cùng là cổng Tam quan, quay về hướng tây, được xây dựng theo kiểu chồng diêm: 2 tầng 8 mái, bên trên có đắp “ Lưỡng Long chầu nhật”.  Cạnh Tam quan có Nghi môn, là lối ra vào của chùa. Bên trong Tam quan là tòa Đại bái, Phương đình (ống muống), chính điện, hậu cung... Về phía bên phải, cách khoảng sân nhỏ là Nhà Tổ và Cung Mẫu.

Về trang trí kiến trúc, chùa Thành không cầu kỳ tỉ mỉ như các ngôi chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cũng là hệ thống cột kèo bằng gỗ song các chi tiết gỗ ở đây có xu hướng chắc chắn, đơn giản. Bộ khung kiến trúc bằng gỗ tứ thiết tạo bởi các hàng cột. Vì kèo kết cấu theo kiểu chồng rường. Các cột cái to được kê trên chân tảng bằng đá xanh chạm hình cánh sen. Rất ít chi tiết chạm khắc, trừ một số bộ phận như đầu rường, xà nách, cột...Bộ mái của kiến trúc hơi dốc, không theo kiểu đầu đao mái lượn như nhiều ngôi chùa truyền thống khác. Một số người cho rằng kiến trúc của chùa Thành đôi chỗ còn mang ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa, như cách liên kết thượng lương theo kiểu xỏ mộng trên vì kèo. Mặc dù vậy, chùa Thành vẫn là một di tích mang những nét rất đặc trưng của kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam.

Hệ thống tượng pháp của chùa chính: Gian Tiền đường là một pho tượng Thánh Tăng. Gian Trung đường có 1 pho tượng A Di Đà bằng đá ngọc thạch cùng một số pho tượng Phật nhỏ. Gian thượng điện gồm có 21 pho tượng đồng từ pho A Di Đà cho đến hai pho Hộ pháp. Tượng nhà tổ là bộ tượng sư trụ trì Thích Xuân Lôi trước đây và tượng Thánh Mẫu...Sau chùa là vườn bảo tháp đặt xá lị Thích Xuân Lôi và khu nhà bếp, nhà ở của sư.

Di tích chùa Thành gắn liền với Nhà công quán và Cột đồng trụ từ những thế kỷ trước. Nhà công quán ở cạnh chùa Thành là nơi nghỉ chân cửa sứ thần hai nước Việt – Trung và là nơi nghỉ chân của quan quân nhiều thời đại đi sứ qua sông Kỳ Cùng.

Lễ tiết chính của Chùa Thành có 4 ngày lễ lớn trong năm:

- Ngày 15 tháng Giêng là lễ Thượng nguyên, dâng sao giải hạn, cầu bình an.

- Ngày 15 tháng 4 Âm lịch là lễ vào hè và Phật Đản

- Ngày 15 tháng 7 Âm lịch là lễ xá tội vong nhân cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ

- Ngày 15 tháng chạp là lễ tất niên có ý nghĩa là kết thúc một năm cũ để đón một năm mới gặp những điều tốt lành. Đồ cúng lễ dâng hương gồm xôi, oản, hoa, hương dâng lên Phật, Thánh với lòng thành kính.

Di tích Chùa Thành đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1993. Hiện nay di tích là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, cầu lộc, cầu tài của đông đảo nhân dân và du khách thập phương./.

                                                Tổng hợp: Nguyễn Xuân Trường

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 30

Tất cả 2857400

Videos

Liên kết website