Ảnh: Di tích Đền Cửa Đông
Đền Cửa Đông là một trong những di tích điển hình thờ thần sông nước, như: “Thủy Thần”; “Thần Giao Long” hay là sự hiện thân của “Ông Cộc - Ông
Dài”… của đạo Mẫu, thể hiện được ý chí của người Việt trong việc đắp đê ngăn lũ chống lại giặc thủy, trồng lúa nước đem lại mùa màng bội thu. Về thời gian xây dựng đền, cho đến nay chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác, nhưng theo nghiên cứu và sự ghi chép của các bản văn tự Hán Nôm còn lại thì đền Cửa Đông được xây dựng muộn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX theo kiến trúc truyền thống chữ Đinh (J) với tổng diện tích mặt bằng gần 1.000m2 trên một địa thế đẹp. Hai bên đền có hai cây đa cổ thụ. Cửa chính của đền hướng Đông nhìn ra sông Kỳ Cùng.
Cấu trúc đền gồm 3 phần liền nhau: Nghi môn, Chính điện, Tả vu, Hữu vu, phía sau đền hướng chính Tây giáp với đại lộ Hùng Vương, trên bức tường sau gian Hậu Cung có trang trí các hình tượng Tứ Quí (Tùng - Cúc - Trúc - Mai) và Tứ Linh (Long - Ly - Qui - Phượng) ở giữa có đắp bức đại tự lớn kiểu cuốn thư, trong có bốn chữ Hán - Nôm "Tam phủ Linh từ" tức Đền thiêng Tam Phủ .
Cấu trúc của đền gồm các gian thờ (nhà đền) được nối liền với nhau thành một hàng ngang và đều được xây dựng bằng gạch chỉ, đổ bê tông dán ngói vẩy, trên các đỉnh mái đều có trang trí "Rồng Mây", giữa đỉnh mái được trang trí "Lưỡng long chầu nhật" còn các viền mái đắp biểu tượng " Rồng hóa mây".
Gian giữa là Chính điện (gồm gian Đại bái và Hậu cung) gian bên phải là Cung Mẫu Thượng Ngàn (Chúa Chầu Đệ Nhị); gian bên trái là Cung Mẫu (Tam Tòa Thánh Mẫu) và cung Sơn Trang; phía ngoài sân là ban thờ Bán Thiên và lầu Cô Bé tuần.
Hậu cung của Đền Cửa Đông được xây dựng theo lối kiến trúc “Chồng diêm” hai tầng tám mái với các mái đao cong hướng thiên, hai bên tường mặt phía Bắc và phía Nam cùng các cửa sổ đều trang trí chữ “Phúc” cách điệu hình tròn và vuông, trên đỉnh mái đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”. Tất cả các bức Hoàng phi, Câu đối và bức Đại tự của đền dù là bằng gỗ hoặc đắp xi măng đều được viết bằng chữ Hán - Nôm.
Đền Cửa Đông hiện nay ngoài việc thờ thần sông “Bạch Đế” còn là nơi thờ Mẫu và Đức Thánh Trần với số lượng thờ khá phong phú, phần thờ Mẫu được bố trí hai bên gần cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thiên - Mẫu Thoải – Mẫu Thượng Ngàn cùng Thập nhị tiên cô ) ở bên trái: Còn bên phải là cung cô Bé tượng các ông Hoàng được bài trí cạnh cung thờ thần Sông chung thờ chính được đặt ở chính diện đó là cung thờ thần sông (Bạch Đế).
Đền Cửa Đông là di tích Kiến trúc Nghệ thuật mang đậm nét Văn hóa tâm linh và Tín ngưỡng dân gian của bà con nhân dân địa phương trong vùng. Đền mở cửa đón khách quanh năm. Vào các ngày sóc, ngày vọng trong tháng bà con nhân dân địa phương và trong vùng, khách thập phương đến thắp hương đặt lễ, cầu tự, cầu tài, cầu mong các vị Phật, Thánh, Thần ban phúc lộc và sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Đền Cửa Đông không tổ chức lễ hội như một số đền khác trên địa bàn, hàng năm đền chỉ tổ chức làm các lễ tết chính để cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho nhân dân có sức khỏe dồi dào, có lộc tài, chung tay chung sức xây dựng đất nước, xây dựng gia đình tươi đẹp và hạnh phúc:
+ Lễ đón giao thừa (Ngày 01/01 âm lịch)
+ Lễ Thượng nguyên (Ngày 24/01 âm lịch)
+ Lễ Nhập hạ (Ngày 24/4 âm lịch)
+ Lễ tiệc Quan lớn và lễ tán hạ ra hè (Ngày 24/6 âm lịch)
+ Lễ Tất niên (Ngày 24/12 âm lịch)
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1968 - 1972) di tích đền Cửa Đông là một trong những điểm chốt của Ga Lạng Sơn thời bấy giờ, nơi tiếp nhận những chuyến hàng vũ khí, đạn dược từ các nước xã hội chủ nghĩa đưa về Việt Nam qua biên giới Trung Quốc, để gửi vào chiến trường đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hiện nhà đền còn giữ lại được 2 sắc phong, tuy nhiên bản chính đã mất nhưng nội dung của sắc phong đã được sao chép lại và vẫn được lưu giữ tại đền cùng các văn tự Hán Nôm khác.
Di tích Đền Cửa Đông là di tích Kiến trúc Nghệ thuật, có dấu tích lịch sử lâu đời và đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tuy bị tàn phá trong chiến tranh và được trùng tu tôn tạo lại hai lần nhưng đến nay vẫn giữ được những di vật, cổ vật cũ của đền. Đây là một ngôi đền trong Tứ trấn của Thành cổ Lạng Sơn, nơi thể hiện sức mạnh của thần quyền hỗ trợ cho sự hùng mạnh, phát triển của Thành cổ Lạng Sơn đồng thời ngăn chặn ma tà quỷ quái làm hại tới nhân dân địa phương. Với các giá trị đặc biệt như vậy, di tích đền Cửa Đông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2013.
Tổng hợp: Nguyễn Xuân Trường