Thứ năm, 16 Tháng 6 2022 15:49

DI TÍCH DANH THẮNG TAM THANH

 

Di tích Tam Thanh là một địa điểm du lịch nổi tiếng nằm trong quần thể danh thắng Động Nhị Thanh - Động Tam Thanh - Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc của xứ Lạng. Chùa Tam Thanh còn có tên gọi khác là chùa Thanh Thiền.

          Trong cuốn Đại Nam nhất thống chí  (thời Nguyễn) có viết: “Chùa được xây dựng từ thời Lê, chùa nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, có cửa mây nhũ đá trong sạch, không bụi trần. Người địa phương cùng người Minh Hương tô tượng Phật phụng thờ lại có tên nữa là Chùa Thanh Thiền”. Theo các nhà nghiên cứu, di tích chùa Tam Thanh xưa là nơi thờ của Đạo giáo, do vậy Tam Thanh tức là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Đây là ba cung thánh cao nhất được coi là ba tiên cảnh mà ở đó mỗi cung do một vị thần cai quản, đó là Nguyên Thủy Thiên Tôn (Ngọc Thanh Đại Đế), Linh Bảo Thiên Tôn (Thượng Thanh Đại Đế), và Đạo Đức Thiên Tôn (Thái Thượng Lão Quân) sau này do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đạo Giáo mờ nhạt trong tâm thức dân chúng địa phương; người ta đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào thờ ở trong di tích là chính. Ngày nay, các dấu tích của Đạo giáo chỉ còn lại cái tên Tam Thanh.

 IMG 3039

Ảnh: Di tích Chùa Tam Thanh

Tam quan của chùa được tôn tạo, xây dựng lại vào năm 2002. Tam quan có quy mô khá lớn và khang trang; bộ khung công trình kiến trúc được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, ngay bên trong cổng Tam quan là 1 cầu đá bắc qua con suối Ngọc Tuyền để vào chùa và động Tam Thanh. Từ cổng chùa, đi theo lối Nhất Chính Đạo khoảng 60m là lên đến cửa động và nơi thờ tự. Chùa Tam Thanh là ngôi chùa đặc biệt không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác, tuy nhiên Phật điện và tượng thờ của chùa được sắp xếp khá quy củ: qua cách sắp xếp bài trí tượng, có thể thấy tượng trong chùa được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”, tượng thờ là tượng gỗ và tượng đá.

          Ngay bên trong cửa động là lối bậc đá dẫn lên cung cấm, tại đây có bức phù điêu Phật A Di Đà, là pho tượng bậc nhất vô nhị của quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh. Tượng cao 2,2m, rộng 65cm, mặc áo cà sa buông chùm gót chân. Tay trái đưa chéo qua bụng, các ngón tay duỗi thẳng trong thế “kết ấn cam lồ”, tay phải duỗi thẳng chỉ xuống đất (ý lấy đất chứng dám), trên đầu tóc xoăn hình ốc nhỏ xen nhau (gọi là bụt ốc). Tóc xoắn của tượng cũng là biểu tượng chữ “Vạn”, của lửa, của sấm chớp và tiếng gọi của phồn thực, mắt khép hờ xuống đỉnh mũi trong sự soi rọi nội tâm, trầm mặc, sâu lắng, môi hơi mím lại trông như đang mỉm cười, cổ tượng cao và đầy đặn. Qua nghiên cứu từ bố cục đến đường nét chạm khắc, ta thấy rõ đó là phong cách tượng thế kỷ XVII. Phía bên dưới là hệ thống các ban thờ Phật, thờ Thánh.  Trong chùa hiện nay còn lưu giữ được một hệ thống tượng thờ khá phong phú, ở mỗi cung đều đặt tượng thờ đầy đủ. Thống kê trong chùa hiện có 33 pho bằng gỗ và đá sơn son thếp vàng trong đó có pho giá trị nhất về mặt niên đại và mỹ thuật là bức phù điêu Phật A Di Đà được tạc vào vách đá phía trên cung Tam bảo. 

          Hệ thống văn bia trong chùa khá phong phú và có giá trị, trong đó có 4 tấm bia có giá trị về mặt niên đại và nghệ thuật. Tấm bia có niên đại cổ nhất ở di tích là tấm bia số 4 được Binh Sứ Bắc Quân Đô Phủ, Đô Đốc Thiên Sự Vũ Quận Công Vi Đức Thắng tạc khắc vào thời Lê - Vĩnh Trị thứ 2 (1677) bia có tên là “Trùng tu Thanh Thiền Động” nội dung bia ghi lại việc hưng công trùng tu di tích này của ông. Tấm bia số 2 là của tác giả Ngô Thì Sĩ tạc vào năm Kỷ Hợi (1779) là một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích. Bia số 3 gồm hai bài thơ ký của hai tác giả là quan triều Nguyễn (Đoàn Đình Duyệt và Tôn Thất Tố) cho tạc khắc khi theo giá vua Khải Định năm 1918, nhân dịp theo hầu vua ra tuần thú miền Bắc, nội dung ca ngợi vẻ đẹp danh thắng này. Đặc biệt tại di tích chùa Tam Thanh còn có tấm bia chữ Nôm (bia số 3) do tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924, bia có giá trị nội dung văn hóa nghệ thuật.   

          Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, động Tam Thanh là nơi cất giữ kho tàng hậu cần của quân đội ta. Nơi đây đã chứng kiến những trận đánh oai hùng giữa quân đội ta với kẻ thù. Tại đây vào ngày 17 tháng 5 năm 1953 các chiến sĩ tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu bẻ gãy đợt tập kích của quân Pháp nhằm phá hủy căn cứ, nguồn tiếp tế hậu cần của ta. Bị thất bại, quân Pháp buộc phải rút chạy, nhưng cũng tại nơi đây 9 đồng chí của ta đã anh dũng hi sinh. Ngày 22/12/2003, Sở Văn hóa - Thông tin Lạng Sơn phối hợp với Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng Việt Nam đã xây dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại cửa chùa, đến năm 2008 Bộ Quốc phòng lại tiến hành xây dựng thêm nhà bia, để ghi lại truyền thống anh hùng của bộ đội ta và tuyên truyền giáo dục cho thế hệ mai sau.

          Bên cạnh giá trị lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa nghệ thuật, di tích Tam Thanh còn là một điểm tham quan du lịch thu hút du khách thập phương về đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của Động và của Chùa. Trong động có Hồ cảnh (hồ Âm Ty trước đây) nước trong xanh quanh năm không bao giờ vơi cạn; trên các trần hang có nhiều nhũ đá thiên tạo từ ngàn xưa với những hình tượng sinh động kỳ bí: cây Ngô Đồng (trước đó đã bị đổ… được phục dựng vào năm 2006); hình ảnh Tiên Ông, Sư Tử, Voi… ở gần cửa sau có cửa hang Thông thiên, cổng Trời mở giữa lưng chừng núi… từ đây có thể nhìn bao quát phong cảnh xã Hoàng Đồng, Tô Thị và một góc thành phố Lạng Sơn. Nét độc đáo không thể không nhắc đến di tích này đó là tượng đá Nàng Tô Thị (Đá trông chồng). Tượng đá Nàng Tô Thị gắn liền với di tích chùa Tam Thanh đã đi vào truyền thuyết ca dao của dân tộc ta, tượng Nàng Tô Thị chờ chồng như một biểu tượng cho lòng chung thủy son sắt của người phụ nữ Việt Nam.

          Cũng tại nơi đây du khách có thể tiếp cận với những nét độc đáo về văn hóa Xứ Lạng qua những bộ trang phục, văn hóa phi vật thể, những sản vật của vùng đất quê hương Xứ Lạng được bày bán tại gian hang lưu niệm trong ngôi nhà sàn, là loại nhà đặc trưng của người Tày Xứ Lạng…

 IMG 3725

Ảnh: Lễ hội Chùa Tam Thanh

          Di tích Tam Thanh hằng năm tổ chức ngày hội chính vào ngày 15 tháng Giêng có phần Rước kiệu và nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa khác như: Múa lân, đánh cờ, ném còn, đẩy gậy, hát then, hát lượn… thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân trong vùng tham dự. Có thể nói Di tích Tam Thanh là một di tích chứa đựng trên mình nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa nghệ thuật, danh thắng. Di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1962. 

 

                                                                            Tổng hợp: Vy Thị Bích Hạnh

 

More in this category: ĐỀN CỬA BẮC »

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 20

Tất cả 2839501

Videos

Liên kết website