Thứ ba, 16 Tháng 2 2021 09:59

Lễ hội Pác Moòng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn

            Lễ hội đình Pác Moòng tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng Âm lịch hàng năm với mục đích cầu các thần linh phù hộ cho một năm mới gió thuận, mưa hòa, cuộc sống bình an, hạnh phúc. Hội Pác Moòng được coi là một lễ hội lớn thu hút nhiều người đến dự và là khởi đầu cho mùa Lễ hội Xuân ở vùng đất xứ Lạng.  Lễ hội Pác Moòng cùng với Lễ hội Phài Lừa rất nổi tiếng ở vùng văn hóa xứ Lạng, vì thế mà ca dao nơi đây có câu:

Phài Lừa thuyền chạy đua sông

Pác Moòng mở hội nhớ công Tiên Hoàng

Hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại xã Quảng Lạcthành phố Lạng Sơn, lễ hội Pác Moòng được mở với quy mô lớn, có sự tham gia của người dân thành phố Lạng Sơn và các huyện Chi LăngCao Lộc, Văn Quan. Ngay từ chiều mùng 4 Tết nhiều người, nhất là các trai làng, gái bản từ Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng), Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) cùng người dân ở các bản làng Cao Kiệt, Xiên Cù, Bản Quách, Khuôn Nhà, Pác Cáp, Khuôn Nghiền sắm lễ vật là lợn quay, xôi gà.

lhpmw

Hát then, đàn tính trong lễ hội Pác Moòng (Ảnh TL)

          Đình Pác Moòng nằm trên một gò đồi thuộc thôn Pác Moòng, xã Quảng Lạc, Thành phố Lạng Sơn. Tương truyền ngôi đình này thờ vọng vua Đinh Tiên Hoàng và các tướng lĩnh đã từng lên đánh giặc phương Bắc và dẹp loạn biên giới thời xưa. Nhiều đời sau, dân trong vùng cảm ơn công lao của triều vua Đinh đã cùng nhau góp tiền của công sức, lập đình thờ vọng.

          Chuyện kể rằng: Vùng đất này có núi non bao bọc, chỉ có một con đường độc đạo đi qua. Với vị trí quan trọng như vậy các tướng đời vua Đinh Tiên Hoàng đã chọn nơi này làm đại bản doanh án ngữ con đường lên phía Bắc, phía Tây Bắc có ngọn núi Khau Puồng là đại bản doanh (còn gọi là đô thiên đài) của vua Đinh Tiên Hoàng, vợ là nàng Hoa, nàng Hồng và các tướng lĩnh. Phía Tây Nam có ngọn núi Khuôn Nhà do vị tướng Lưu Đình Học, có vợ là nàng Công cùng các binh lính. Phía Đông có núi Khau Khoang do tướng Nguyễn Đình Lục có vợ là nàng Hanh, nàng Cánh cùng các binh lính. Trên đỉnh các ngọn núi xây thành đắp lũy vững chắc, đến nay trên đỉnh núi Khau Puồng còn có dấu tích tường thành xây bằng đá.

          Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, nhân dân trong vùng nhớ công lao của nhà vua và các tướng sĩ bèn lập miếu để thờ vua Đinh trên đỉnh núi Khau Puồng. Một ngày trời quang mây tạnh bỗng có một gắp gianh trên đỉnh núi Khau Puồng bay xuống gò đồi Pác Moòng, dân trong vùng cho là điềm lành bèn lập đình thờ tại đây. Lại có một gắp gianh trên đỉnh Khau Puồng bay về Nà Thạc (thuộc xã Yên Trạch), nhân dân Nà Thạc cũng lập miếu thờ, nhưng chỉ ít lâu sau gắp gianh lại bay về đình Pác Moòng từ đó nhân dân Nà Thạc cũng theo về cúng lễ ở đình Pác Moòng.

Đình thờ Pác Moòng từ nhiều đời nay do dòng họ Chu trông coi quản lý. Ngôi đình nằm trên một gò đồi quay mặt về hướng nam, xưa kia vốn là một ngôi đình nhỏ lợp bằng gianh, sau khi họ Chu được toàn quyền trông coi đã cùng dân trong vùng góp sức, góp của, đình được xây bằng gạch cay, lợp ngói âm dương, ngôi đình được xây 3 gian, hai bên đầu hồi có 2 con sư tử chầu. Trên đỉnh mái có xây 1 tháp nhỏ hình mặt trời. Bên trong đình, gian giữa có bệ thờ hai cấp, phía trên đặt một bát hương to, trên tường tạc một chữ “Thần”, hai bên có câu đối bằng chữ Nôm. Hai bên hồi nhà có đôi câu đối. Truyền rằng ngôi đình này rất thiêng, ngày xưa mọi người đi qua đình phải bỏ mũ, nón trên đầu, nếu đi ngựa phải xuống ngựa dắt qua nếu không, khi về đến nhà sẽ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.

Lễ hội đình Pác Moòng tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây cũng là ngày hội Lồng tồng của dân trong vùng với mục đích cầu các thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Xưa kia để chuẩn bị cho ngày lễ hội, dòng họ Chu đã phân công cho một gia đình nuôi một con lợn để cúng lễ trước đó hàng năm trời. Sáng sớm ngày lễ hội, chủ trì họ Chu gọi con cháu, dân làng thịt lợn và quay cả con để làm lễ cúng. Riêng nhà chủ trì làm mâm cỗ gồm con gà thiến luộc thật to, bánh khảo, bánh chưng, bánh khoai và hoa giấy sặc sỡ ra đình cúng, gieo âm dương bằng hai nửa đoạn gỗ, cầu xin vua Đinh Tiên Hoàng, các tướng Lưu Đình Học, tướng Nguyễn Đình Lục cùng các binh sĩ và các thần cho phép mở hội. Sau đó gióng 9 hồi trống gọi dân làng ra làm lễ, lúc này mỗi gia đình đã chuẩn bị một mâm lễ mang ra cúng đình. Mâm cỗ gồm gà thiến các loại bánh trái sắp xếp, trang trí rất đẹp mắt. Mâm cỗ xếp theo thứ tự dòng họ bắt đầu từ họ Chu rồi họ Đoàn, họ Lâm, họ Hoàng, họ Nguyễn…Các đội sư tử ra múa chào trước đình và vào đình làm lễ khai hội. Các gia đình cùng ngồi quây quần trước ban thờ chính nghe chủ lễ đọc lời khấn rồi cùng nhau dâng rượu, trà, hương lên ban thờ. Mọi người đều khấn cầu Thần phù hộ cho gia đình một năm mới khỏe mạnh, bình an, được mùa lúa, ngô, nuôi lợn, gà hay ăn chóng lớn, thành đàn, thành lũ.

lt2w

Múa sư tử trong Lễ hội Pác Moòng (Ảnh TL)

Sau khi hoàn tất việc cúng tế, mọi người cùng nhau vui hội. Hội Pác Moòng tuy không nhiều trò chơi, trò diễn song vẫn có những trò chơi đặc trưng của hội. Xưa kia đội sư tử của làng đi mời sư tử của làng đi mời sư tử các làng bên xã bạn đến dự hội rất đông, có năm sư tử về dự hội đông đến hàng chục con cùng thi múa làm sôi động cả vùng Pác Moòng. Các đội sư tử múa từ chân núi Khau Puồng đến chân núi Khuôn Nhà, sang núi Khau Khoang, đi theo là hàng đoàn người đông vui nhộn nhịp, sau khi đi vòng các núi về các đội sư tử cùng nhau thi trò chồng người giật giải. Trò chồng người giật giải gồm các thành viên trong đội múa sư tử cùng tham gia, cứ 5 người khoác vai nhau thành vòng tròn thật chắc chắn co 3 người tiếp theo trèo lên vai, họ khoác chặt vai nhau thành một vòng tròn và một người đội đầu sư tử trèo lên trên cao, vươn lên vừa múa theo nhịp trống, chiêng vừa vươn sát ngọn cây tre có treo giải, giật lấy giải. Giải thưởng thường là một giải lụa đào, hoặc một gói giấy đỏ đựng tiền.

Các chàng trai trong đội múa sư tử tiếp tục tập hợp lại cùng nhau trổ tài thi múa võ. Múa võ ở đây gồm các bài múa võ tay không, múa kiếm, múa đao, múa gậy, những người múa sư tử, múa võ phải là những người thật khỏe mạnh mới có thể thực hiện được hết tất cả các trò diễn, các bài múa sư tử trong lễ hội.

Nhân dân các làng Bản Cao, Nà Trái, Khau Cất, Pác Moòng cùng thi nhau kéo co. Trong trò kéo co phải huy động đông người cùng chơi. Kéo co thường mỗi bên là 20 người trở lên, dây kéo co làm bằng cây tre hóp nối với nhau. Trò kéo co được xếp theo hướng Đông – Tây, một bên hướng Đông, một bên hướng Tây. Nếu bên Đông thắng thì mọi người cho rằng phía Đông sẽ gặp nhiều may mắn, hoặc ngược lại.

Đến chiều chủ trì họ Chu làm lễ cúng kết thúc hội, con lợn tế được chia đều cho mọi nhà. Mọi người bưng cỗ về mời anh em làng xa, làng gần cùng ăn bữa cơm lễ hội với gia đình.

Trong ngày hội nhân dân các vùng Chi Lăng, Văn Quan, Yên Trạch… kéo nhau về dự hội rất đông, những chàng trai cô gái Nùng làng bên, xã bạn làm quen nhau bằng những lời hát sli. Họ hát với nhau trong lễ hội, dưới lùm cây, ven sườn đồi thành từng tốp, họ hát đến thâu đêm suốt sáng đến khi tan hội mới thôi và họ lại hẹn gặp nhau vào ngày hội khác.

Lễ hội Pác Moòng những năm gần đây được UBND xã Quảng Lạc quan tâm tổ chức, ngoài các nghi lễ truyền thống, nhân dân và du khách còn được hoà mình trong không gian của Liên hoan hát sli, hát lượn; tham gia các trò chơi dân gian truyền thống; được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng và được lưu lại những khoảnh khắc của mùa Xuân với những cây hoa đào, hoa mận đang khoe sắc rực rỡ./.

                                           Vy Thị Bích Hạnh 

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:27

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 30

Tất cả 2857400

Videos

Liên kết website