Thứ hai, 15 Tháng 2 2021 16:24

Hội Lồng Thồng Bản Chu, xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

            Lễ hội lồng thồng Bản Chu xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia được tổ chức vào ngày 04 tháng Giêng Âm lịch là một trong những lễ hội với nghi lễ tín ngưỡng cầu Thành Hoàng và Thần Nông, cùng với các trò diễn dân gian đặc sắc và phong phú mang đặc trưng của vùng núi Việt Bắc và ảnh hưởng trò diễn trong giao lưu văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng trung du.

Truyện xưa kể rằng: Đã lâu lắm rồi, xưa kia vùng đất này hoang sơ, không có người ở. Một năm nọ, có đôi vợ chồng trẻ đến đây ở. Sau nhiều ngày khai hoang, họ trồng cấy nhiều loại cây trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm...Sau một thời gian miệt mài chăm chỉ làm ăn, cuộc sống của họ ngày càng khấm khá hơn. Thấy vậy, nhiều nhà cũng đã chuyển đến đây làm ăn sinh sống. Dần dần, nơi đây ngày càng xuất hiện nhiều nhà cửa, họ quây quần với nhau thành thôn bản, con cái đông vui, cuộc sống ấm no thuận hòa....Khi đôi vợ chồng kia mất đi, dân làng cảm ơn công đức khai khẩn làng bản của họ, tôn thờ họ làm Thành Hoàng và lập đình thờ tự. Hàng năm mở hội tế lễ Thành Hoàng và lập đàn cũng Thần Nông cầu mùa.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành từ nhiều ngày trước khi ngày chính hội diễn ra. Nhân dân trong xã mời một ông Pú Mo làm người đại diện thực hành nghi lễ. Ông Pú Mo sẽ tiến hành thắp hương khấn xin tổ chức lễ hội Bản Chu trước 03 ngày.

Phần lễ: Trong ngày lễ hội Pú Mo phải làm mâm lễ cúng tại gia. Sau đó Pú Mo mới ra đình làm lễ khai hội. Tại đình, Pú Mo cũng đặt một mâm lễ ở vị trí chính giữa ban thờ Thành Hoàng. Pú Mo ra đánh trống liên hồi giục các hộ dân bưng lễ ra cúng Thành Hoàng, Thần Nông. Sau khi các gia đình đã bày xong mâm ở đình, Pú Mo thắp hương, rót rượu, chè vào các chén bày trên ban thờ và bắt đầu làm lễ. Pú Mo thắp hương, khấn Thành Hoàng báo cáo một năm qua dân bản đã được mùa, mọi người dân đều bình an mạnh khỏe... Khấn xong Pú Mo đi ra trước cửa đình thực hiện nghi thức vãi nắm thóc xuống ruộng và vẩy ít nước lên trời (Nghi thức cúng Thành Hoàng và Thần Nông trong buổi hội diễn ra khoảng một giờ đồng hồ).

Khi thực hiện nghi lễ xong, Pú Mo và các già làng đi chấm cỗ. Mâm cỗ của gia đình nào bày đẹp sẽ được thưởng một chiếc lì xì màu đỏ, với ý nghĩa ban lộc và sự may mắn cho gia đình trong năm mới. Chấm lễ xong, Pú mo ra hiệu lệnh cho đội sư tử của xã xuất hành ra lễ đình và chờ sẵn để đón các đội sự tử xã bạn đến tham gia hội.

 Phần hội:Có sự tham gia của các đội sư tử của các xã bạn đến chung vui. Thông thường có từ 10-15 đội múa sư tử từ nhiều nơi tập trung về, họ cùng nhau trình diễn rộn rã.

Sau màn múa sư tử, đúng giờ Ngọ, Pú Mo đánh lên ba hồi chín tiếng trống để thông báo tiếp tục biểu diễn trò diễn Sĩ, Nông, Công, Thương (trò kén rể)...

Lễ hội thu hút rất nhiều khách tại địa phương cũng như các xã bạn, với nhiều thành phần dân tộc tham gia, cho nên trong lễ hội diễn ra nhiều hình thức hát phong phú. Các nội dung hát chủ yếu là hát giao duyên, hát chúc tụng, hát mừng xuân mới...Ngoài ca hát, trong hội còn diễn ra nhiều trò chơi thu hút đông đảo nam thanh nữ tú tham gia như: Tung còn, chơi cờ tướng, kéo co, thi chọi chim họa mi, thi bắn nỏ, đánh yến...

Chiều tối, dân làng cùng chung tay thịt lợn làm lễ tế Thành Hoàng. Pú Mo tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng Thành Hoàng tạ lễ. Sau lễ cúng, con lợn được chia đều cho các mâm lễ của các gia đình. Mọi người nhận lại mâm lễ đem về gia đình, họ mời anh em bạn bè đến thưởng thức, chúc mừng ngày hội đã diễn ra tốt đẹp.

                              

                             Nguyễn Thu Huyền

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 16:28

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 38

Tất cả 2857408

Videos

Liên kết website