Tin tức

Tin tức (371)

          Thực hiện kế hoạch số 112/KH-BCĐ ngày 23/09/2020 của Ban chỉ đạo các ngày kỷ niệm, các sự kiện quan trọng tỉnh Lạng Sơn năm 2019-2020 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới (1950-2020). Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tổ chức Triển lãm chuyên đề: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950" tại các huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc và Đình Lập từ ngày 05-30/10/2020.

          Triển lãm trưng bày giới thiệu hơn 70 bức ảnh tư liệu phản ánh một cách khái quát về tầm vóc, ý nghĩa to lớn của chiến thắng Biên giới năm 1950, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời giới thiệu những thành tựu quan trọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sau 70 năm giải phóng. 

 BG1

                Đồng chí Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

và các đồng chí lãnh đạo huyện Tràng Định tham quan triển lãm tại xã Đào Viên, huyện Tràng Định

Nội dung triển lãm gồm 4 phần:

-         Phần 1:  Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Biên Giới Thu Đông năm 1950

-         Phần 2: Chiến dịch Biên Giới năm 1950 - Bước ngoặt lịch sử

-         Phần 3: Viết tiếp chiến công

-         Phần 4: Lạng Sơn phát triển và hội nhập

 

Nhân dân tham quan triển lãm tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định

          Triển lãm chuyên đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950" là một hoạt động thiết thực góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, truyền thống đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Lương Thúy Hồng

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện kế hoạch số 02/CĐBT về việc tổ chức các hoạt động vui tết trung thu năm 2020, Tối ngày 30/9/2020 tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn Công đoàn và Chi đoàn thanh niên Bảo Tàng phối hợp tổ chức chương trình vui tết trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng là con em cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị.
Hoạt động tổ chức vui tết trung thu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời chương trình tạo cơ hội để các cháu là con em CBVC-NLĐ trong đơn vị được giao lưu học hỏi, phát triển toàn diện trong môi trường an toàn và thân thiện.
TTBT1TTBT
Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tặng quà trung thu cho con em cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị
Hoạt động đã diễn ra thành công trong không khí vui tươi với sự có mặt đầy đủ cán bộ và con em trong đơn vị. Tham dự chương trình các em đã được tham gia rất nhiều hoạt động tập thể bổ ích như rước đèn ông sao và vui chơi tại khuôn viên tượng đài Hoàng Văn Thụ , các em cũng rất háo hức đóng góp các tiết văn nghệ như múa hát, đọc thơ, kể chuyện… Và tham gia trò chơi câu đố để nhận được rất nhiều phần quà của Ban tổ chức.
TTBT3
Con em cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị rước đèn tại khuôn viên tượng đài Hoàng Văn Thụ
Chương trình đã xây dựng được một sân chơi văn hóa, văn nghệ lành mạnh, thiết thực tạo điều kiện cho các cháu thiếu nhi có một tết trung thu an toàn, tiết kiệm và thật ý nghĩa tràn đầy niềm vui , hạnh phúc.
 
Lương Thúy Hồng - Bảo tàng Lạng Sơn

           Long Châu, huyện biên giới phía Tây nam của Trung Quốc là vùng đất rộng lớn tiếp giáp với các huyện Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng của Lạng Sơn. Thời kỳ từ năm 1926 đến năm 1944, nơi đây là địa bàn hoạt động, hậu cứ quan trọng của Cách mạng Việt Nam. Hồ Chủ Tịch và các đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn... đã từng hoạt động ở đây. Tại Long Châu hiện có khá nhiều di tích, di vật lịch sử liên quan đến Cách mạng Việt Nam. Những ngày ở đây, chúng tôi đã gặp khá nhiều tư liệu liên quan đến hoạt động của các chiến sĩ trong đội Cứu quốc quân I thời kỳ 1942-1943, sau khi Cứu quốc quân I đã rút quân khỏi căn cứ Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn).

          Ngược dòng lịch sử, khi thành lập, đội Cứu quốc quân I có 32 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là các đồng chí quê ở Bắc Sơn. Bên cạnh đó còn có một số cán bộ ở miền xuôi lên tăng cường và cán bộ do Trung ương Đảng cử về lãnh đạo phong trào. Khi thực dân Pháp càn quét, khủng bố hòng triệt tiêu phong trào Cách mạng Bắc Sơn và lùng bắt đoàn cán bộ TW Đảng đi dự hội nghị TW 8 ở Pác Bó (Cao Bằng) trở về, theo quyết định của Ban Chỉ huy, đội đã để lại một số đồng chí ở lại rồi rút khỏi căn cứ Khuổi Nọi để bảo toàn lực lượng: Một phân đội theo hướng ra biên giới Việt – Trung qua Lạng Sơn, một phân đội khác theo đường từ Bắc Sơn qua Bình Gia, Bắc Kạn lên Cao Bằng. Sau khi rút khỏi Bắc Sơn, một số đồng chí đã sang Long Châu tiếp tục hoạt động. Ngoài ra còn có một bộ phận do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy ở khu vực châu Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên(1). Khi Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập tại Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, châu Võ Nhai), một số chiến sĩ Cứu quốc quân I đã tham gia vào Cứu quốc quân II tiếp tục hoạt động khi phong trào ở Bắc Sơn tạm thời lắng xuống. Từ tháng 3 năm 1942, Trung đội Cứu quốc quân II cũng sang Long Châu chỉnh đốn đội ngũ và tránh sự khủng bố của địch vào căn cứ Võ Nhai. Long Châu trở thành nơi in dấu hoạt động của một số chiến sĩ Cứu quốc quân Bắc Sơn như Chu Văn Tấn (chỉ huy phó đội Cứu quốc quân I), Hà Khai Lạc (đảng viên đầu tiên của chi bộ Bắc Sơn, chiến sĩ Cứu quốc quân I), Nông Thái Long, Nguyễn Cao Đàm (chiến sĩ Cứu quốc quân I)... và các chiến sĩ trong đội Cứu quốc quân II. Viết về sự kiện này, sách “Lịch sử Cứu quốc quân”(1) cho biết: “Bộ phận rút sang biên giới Việt Trung được sự giúp đỡ của nhân dân và những Đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc ở vùng Bó Cục, Bản Khiếc, Hạ Đống...đã nhanh chóng chấn chỉnh tổ chức, ổn định sinh hoạt.”.

CQN1

Bản Cát (xã Xuân Tú, Hạ Đống, Long Châu) - địa bàn hoạt động của các chiến sĩ Cứu quốc quân Việt Nam.

          Nhà số 74, 76 phố Nam (3) - di tích cơ quan bí mật của Đảng cộng sản Việt Nam là nơi trưng bày những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về hoạt động của Hồ Chủ tịch và các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam ở Long Châu và Trung Quốc. Đáng chú ý là trong tổng thể nội dung trưng bày có những tư liệu, hình ảnh về hoạt động của “các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam” ở Long Châu thời kỳ 1942-1943. Chúng tôi nhận thấy, trong nhiều bức ảnh, sơ đồ, cụm từ “các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam” phía bạn thường dùng trong etyket giới thiệu chính là để chỉ hoạt động của của các chiến sĩ Cứu quốc quân Việt Nam. Nội dung thuyết minh trưng bày cho biết: “Sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn bị đàn áp, đồng chí Chu Văn Tấn đã dẫn 49 chiến sỹ Cứu quốc quân tới khu vực xã Xuân Tú, huyện Long Châu để nghỉ ngơi và chỉnh đốn lực lượng...”. Xã Xuân Tú là vùng miền núi giáp ranh với Tràng Định của Lạng Sơn, nơi có những cơ sở quần chúng tin cậy, hết lòng với Cách mạng Việt Nam do đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dày công gây dựng và duy trì từ năm 1930. Quá trình chỉ đạo hoạt động Cách mạng, Hồ Chủ tịch đã thường xuyên qua lại, lưu trú ở đây. Các sơ đồ, ảnh tư liệu trong hệ thống trưng bày cho thấy Bản Cát, Nà Thành, Bản Khiếc, bản Hà Độ, Hữu Trang...là địa bàn hoạt động chính của các chiến sĩ Cứu quốc quân thời kỳ này. Cùng với đó còn có địa điểm huấn luyện quân của Cứu quốc quân ở Lũng Ỷ (xã Xuân Sơn, trấn Hạ Đống), những cơ sở đã nuôi dưỡng, che chở các chiến sĩ du kích Bắc Sơn như nhà ông Hoàng Bính Chi, nhà ông Nông Bản Doanh ở Bản Cát. Dưới bức ảnh nhà ông bà Hoàng Bính Chi – Hoàng Nguyệt Sơ có ghi: “Những người Cách mạng thường xuyên ăn nghỉ trong gia đình, có lần đồng chí Hà Khai Lạc đang nghỉ trong nhà thì bị bọn hương cảnh Quốc dân Đảng Trung Quốc vào thôn lùng sục, bà Hoàng Nguyệt Sơ – vợ của Hoàng Bính Chi đã nhanh trí đưa đồng chí Hà Khai Lạc vào ẩn trong chuồng trâu rồi phủ rơm rạ và lá chuối ngụy trang, khiến cho đồng chí thoát hiểm”. Chúng tôi đã đến ngôi nhà này ở Bản Cát, được cán bộ Bảo tàng Long Châu kể cho nghe những mẩu chuyện về cuộc sống, hoạt động của đồng chí Hà Khai Lạc và các chiến sĩ Cứu quốc quân thời kỳ ở đó. Những ngày ở nhà ông Hoàng Bính Chi, đồng chí Hà Khai Lạc đã được nuôi dưỡng, che chở như một thành viên thân thiết trong gia đình, vượt qua sự kiểm duyệt gắt gao của Quốc dân Đảng để hoạt động rộng rãi trên địa bàn huyện Long Châu. Hiện có một số hiện vật quý liên quan đến đồng chí Hà Khai Lạc đang được lưu giữ trưng bày tại di tích 74-76 phố Nam như: hộp đựng cơm, ấm sắc thuốc đồng chí đã dùng trong quá trình hoạt động Cách mạng. Tư liệu liên quan đến các chiến sĩ Cứu quốc quân còn được thấy trong các văn bản, tài liệu có chữ viết khác. Trong đơn đề nghị chứng nhận gia đình có công với Cách mạng Việt Nam ghi ngày 1/5/2001, bà Lê Tử Phương (con gái ông Lê Vĩnh Cơ – người đã nuôi dưỡng đồng chí Hoàng Văn Thụ) viết: ”Sau khởi nghĩa Bắc Sơn một thời gian, Cứu quốc quân do ông Chu Văn Tấn chỉ huy đã dẫn Cứu quốc quân sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động. Gia đình, bố mẹ tôi lại vinh dự được nuôi dưỡng các đồng chí Cứu quốc quân Việt Nam và kết nghĩa anh em. Trong đó có ông Chu Văn Tấn, Hà Khai Lạc, Bế Chấn Hưng. Bố tôi làm người liên lạc, đưa thư đi và về cho ông Chu Văn Tấn”... Tại Bảo tàng Long Châu cũng có những tư liệu chân xác về hoạt động của các chiến sĩ Cứu quốc quân. Trong một tham luận hội thảo khoa học của tác giả Hoàng Hoa Sinh có đoạn viết: “Vào năm 1940, Chu Văn Tấn đã tham gia vào cuộc nổi dậy vũ trang của quân đội Cứu quốc quân tại Bắc Sơn, Thái Nguyên, Việt Nam chống lại quân đội Pháp và quân đội Nhật xâm lược nhưng bị đàn áp và bao vây. Chu Văn Tấn đã dẫn 49 chiến sĩ vũ trang lui về khu vực Hạ Đống, Long Châu. Dưới sự sắp xếp, tổ chức của Nông Kỳ Chấn, Phan Toàn Trân, những chiến sĩ này đã nhanh chóng ẩn vào các thôn bản như: Bản Cát, Bản Nặc, Nà Thành, Quốc Hoài, Ải Canh... và ở trong các nhà dân Trung Quốc, được chăm sóc chu đáo trong vài năm không bị tổn thất gì. Sau đó, đội được đưa về Việt Nam tiếp tục chống Pháp”. Nói về những tháng ngày ở Long Châu của các chiến sĩ Cứu quốc quân, một tài liệu khác cho biết, sau khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1941, một số lượng lớn người rút lui về Long Châu để nghỉ ngơi đều được các hộ “quan hệ thân thiết”(4) bố trí đón tiếp: “Lúc đó, chỉ có hai hộ gia đình nhà Nông Kỳ Chấn và Phan Toàn Chân là mỗi nhà ở được mười người. Tất cả các hộ gia đình cung cấp thức ăn và chỗ ở miễn phí, nhà Hoàng Bính Chi và Nông Bản Doanh ở Bản Cát còn giết trâu, giết bò để thể hiện lòng mến khách...” (5)

CQN2

Hộp đựng cơm và ấm sắc thuốc đồng chí Hà Khai Lạc đã dùng thời kỳ hoạt động tại Long Châu (Trung Quốc)


Theo hồi ký “Kỷ niệm Cứu Quốc quân”(6) của Thượng tướng Chu Văn Tấn và một số tài liệu khác, những ngày ở Long Châu, ông đã cùng đồng đội nhanh chóng ổn định sinh hoạt. Đồng thời tiến hành chỉnh đốn đội ngũ, tổ chức huấn luyện quân sự, mua sắm vũ khí, từng bước móc nối, phát triển các cơ sở Cách mạng ở Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, đẩy mạnh tuyên truyền Cách mạng và tích cực chuẩn bị các điều kiện để trở về nước tiếp tục hoạt động. Các chiến sĩ Cứu quốc quân đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân địa phương, được họ coi như người thân trong nhà và hết lòng giúp đỡ - nhất là các gia đình đã từng nuôi dưỡng Bác Hồ và đồng chí Hoàng Văn Thụ như Nông Kỳ Chấn, Phan Toàn Trân, Hoàng Bính Chi, Nông Bản Doanh, Lê Vĩnh Cơ... Từ cuối năm 1942 đến tháng 3/1943, các đơn vị Cứu quốc quân lần lượt trở về nước tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quan trọng vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hơn một năm hoạt động ở Long Châu, Cứu quốc quân đã đạt được mục tiêu đã đề ra “Củng cố lực lượng, sắm vũ khí, và xây dựng Tràng Định, Thoát Lãng trở thành bàn đạp mở đường trở về mở rộng căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai”(7). Khi nước nhà độc lập, tri ân sự giúp đỡ chí tình đó, các đồng chí Cứu quốc quân vẫn giữ mối quan hệ khăng khít với các ân nhân của mình. Trong một bức thư gửi “chú Dèn Ky”(8) ngày 15/5/1964, đồng chí Chu Văn Tấn đã có những lời lẽ hết sức chân tình, cảm động: ”Bây giờ Cách mạng Việt Nam thành công, chúng cháu rất nhớ những ngày lực lượng Cách mạng và cán bộ Việt Nam sang Khẻo Mèo nhờ cậy các chú và anh em thân tình bên ấy.”. Các cuộc đến thăm Việt Nam của gia đình ân nhân Cách mạng Việt Nam theo lời mời của Hồ Chủ tịch vào các năm 1959, 1960, 1963 luôn có những người từng hoạt động ở Long Châu thân chinh đón tiếp, trong đó có đồng chí Chu Văn Tấn, Hà Khai Lạc... Đến thăm các gia đình ân nhân Cách mạng đã từng nuôi dưỡng các chiến sĩ Cứu Quốc quân, chúng tôi thấy họ lưu giữ khá nhiều ảnh về những chuyến đi thăm Việt Nam đó. Nhiều nhà treo ảnh đồng chí Chu Văn Tấn và các nhà lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đã từng hoạt động ở khu vực này tại những vị trí rất trang trọng.

CQN3

Cán bộ Bảo tàng Lạng Sơn và Bảo tàng Long Châu trao đổi về các tư liệu liên quan

đến đồng chí Hoàng Văn Thụvà các chiến sĩ Cứu quốc quân


Thời gian hoạt động của các chiến sĩ Cứu quốc quân ở Long Châu tuy ngắn ngủi nhưng lại là những sự kiện rất quan trọng trong biên niên sử của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lịch sử Cứu quốc quân nói riêng. Những tư liệu chân xác đó giúp chúng ta hiểu rõ và trọn vẹn hơn diễn trình của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Những ngày tháng đầy gian nan, thử thách đó càng làm sáng lên những phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ trong đội Cứu quốc quân I. Họ không chỉ là những chiến sĩ du kích mưu trí, quả cảm trong chiến đấu ở rừng núi Bắc Sơn, mà còn rất khéo léo, tràn đầy tình nhân ái khi hòa mình vào cuộc sống nhiều gian khó của người dân nước bạn. Phong trào Cách mạng của Bắc Sơn được khôi phục và phát triển nhanh chóng có một phần đóng góp đáng kể của những đội viên Cứu quốc quân I – những người luôn mang trong mình niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của Cách mạng, sẵn sàng vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy để đưa con tàu Cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi./.

 

 * Chú thích:

(1) Nay thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

(2) Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Khu tự trị Việt Bắc. Lịch sử Cứu quốc quân. NXB Việt Bắc, 1975.

(3) Thuộc huyện lỵ Long Châu, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

(4) Từ dùng để chỉ các cơ sở Cách mạng.

(5) Tư liệu Bảo tàng Long Châu (Trung Quốc)

            (6) Chu Văn Tấn. Kỷ niệm Cứu quốc quân. Hồi ký. NXB Quân đội nhân dân.1971.

(7) Lịch sử Cứu quốc quân, sđd

            (8) Tên gọi khác của ông Nông Kỳ Chấn.

 

CHU QUẾ NGÂN - Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện kế hoạch số 20 KH-BCĐ ngày 21/02/2020 của Ban chỉ đạo các ngày kỷ niệm, sự kiện quan trọng tỉnh Lạng Sơn trong năm 2019-2020 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940-27/9/2020), Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn thực hiện triển lãm chuyên đề "Sáng mãi hào khí khởi nghĩa Bắc Sơn" tại sân Trung tâm hành chính huyện Bắc Sơn.

249.2

Đại tướng Lương Cường, Bí thư T.Ư đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham quan triển lãm


Triển lãm trưng bày giới thiệu trên 100 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về khởi nghĩa Bắc Sơn với nội dung gồm 3 phần:

Phần 1: Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và quá trình khai thác thuộc địa.

Phần 2: Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - tinh thần quật khởi dân tộc.

Phần 3: Bắc Sơn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1975 đến nay.

249.3

 Nhân dân Bắc Sơn tham quan triển lãm

Thông qua triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn và nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn về tầm vóc, ý nghĩa và những đóng góp to lớn của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đối với cách mạng Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã và đang được Đảng ta vận dụng thành công trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tạo không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của Lạng Sơn nói chung, huyện Bắc Sơn nói riêng; tiến tới chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Triễn lãm sẽ diễn ra từ ngày 24/9/2020 đến ngày 27/9/2020./.

 

Bùi Thị Thủy

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn, sáng ngày 13/9/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Bắc Sơn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”. Nhân dịp hội thảo, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện triển lãm chuyên đề “ Sáng mãi hào khí khởi nghĩa Bắc Sơn” tại Trung tâm Hội nghị huyện Bắc Sơn.

 bs3

Toàn cảnh không gian triển lãm

 Triển lãm trưng bày giới thiệu gần 100 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về khởi nghĩa Bắc Sơn với nội dung gồm 3 phần:

Phần 1: Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và quá trình khai thác thuộc địa.

Phần 2: Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - tinh thần quật khởi dân tộc

Phần 3: Bắc Sơn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1975 đến nay.

bs2

Khách tham quan triển lãm

          Thông qua triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn và nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn về tầm vóc, ý nghĩa và những đóng góp to lớn của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đối với cách mạng Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã và đang được Đảng ta vận dụng thành công trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tạo không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của Lạng Sơn nói chung, huyện Bắc Sơn nói riêng; cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra trong năm 2020 chào mừng Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

 

Hoàng Minh Nguyệt

Bảo tàng Lạng Sơn

 

Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về tài sản của đơn vị; đồng thời tăng cường công tác chủ động PCCC-CNCH và nâng cao nghiệp vụ cho đội viên trong đơn vị; nhằm sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống cháy, nổ xảy ra. Ngày 07-08/9/2020 tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Phòng cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị: Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tổ chức tập huấn công tác PCCC-CNCH cho đội ngũ cán bộ, CNVC, người lao động.

pccc1

 

Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn cách phòng cháy chữa cháy tại đơn vị

 

          Trong thời gian tập huấn, học viên đã được cán bộ huấn luyện phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, kiến thức cơ bản trong công tác PCCC, kỹ năng ứng phó, xử lý sự cố cháy, nổ khi mới phát sinh, đồng thời cũng được thực hành về cách xử lý khi cháy xảy ra. Sau khi thực hành, các học viên viết bài thu hoạch về nghiệp vụ PCCC và CNCH.

 

pccc2

Học viên thực hành sử dụng thiết bị chữa cháy tại chỗ

 

Việc tổ chức tập huấn PCCC và CNCH giúp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm đối với hoạt động PCCC, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các kiến thức về nghiệp vụ PCCC và CNCH, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy nổ xảy ra, qua đó góp phần thực hiện tốt công tác PCCC tại đơn vị.


Hoàng Minh Nguyệt - Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 6

Tất cả 2857447

Videos

Liên kết website