Tin tức

Tin tức (371)

Thực hiện kế hoạch của Đoàn khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931- 26/3/2021) và kế hoạch tháng thanh niên 2021. Sáng 19/3/2021 tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lạng Sơn Đoàn Sở VHTT&DL đã  tổ chức gặp mặt truyền thống cán bộ Đoàn qua các thời kỳ.

 Nhằm góp phần  thiết thực hướng tới  chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021) và xây dựng môi trường làm việc trong đơn vị  xanh -  sạch - đẹp. Ngày 17/3/2021, Đoàn viên thanh niên chi đoàn Bảo tàng – Thư viện  đã tổ chức ra quân “Ngày chủ nhật xanh ” dọn dẹp vệ sinh môi trường tại 2 đơn vị Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh.

           Lạng Sơn vùng đất biên cương của tổ quốc là nơi sinh sống chủ yếu của hai dân tộc Tày, Nùng chiếm hơn 78% dân số của tỉnh. Với mục đích giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn và góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

          Từ ngày 05/3/2021 đến ngày 10/3/2021 (tức ngày 22-27 tháng Giêng năm Tân Sửu) Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Triển lãm giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Tày - Nùng, tỉnh Lạng Sơn.

Buổi triển lãm diễn ra trong thời điểm tháng Giêng năm mới với nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh nên đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan (ước tính số khách đến tham quan khoảng trên 3000 lượt/đợt triển lãm)

Theo bác Hoàng Văn Lợi - Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Hôm nay tôi rất vui khi đến tham quan bảo tàng được tìm hiểu về lịch sử địa phương. Đặc biệt cập nhật thêm nhiều thông tin về di sản văn hóa dân tộc Tày, Nùng; những nét truyền thống của cha ông qua các pano và hiện vật được tái hiện một cách sinh động như trang phục truyền thống, các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, các nét văn hóa trong đám cưới của người Nùng nhất là các hoạt động Nghi lễ then của người Tày, Nùng được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tôi hy vọng năm sau quay trở lại đây, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn lại trưng bày nhiều loại hình di sản nữa để nhân dân được tìm hiểu, lưu truyền những bản sắc văn hóa dân tộc mình…”

Theo chị Lệ ở thôn Nà Cải, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng và chị Dương Bích Loan xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Nội dung triển lãm giúp tôi cảm thấy tự hào về dân tộc mình và cảm thấy yêu thích bộ trang phục mình đang mặc hơn”

Theo đánh giá và cảm nhận của khách tham quan, nội dung triển lãm và mô hình, hiện vật trưng bày đã tái hiện được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng ở địa phương và tạo không gian văn hóa sinh động nhằm khắc họa nổi bật và đề cao nét đẹp truyền thống của nhân dân các dân tộc nơi đây.

Một số hình ảnh nhân dân tham quan triển lãm và di sản văn hóa dân tộc:ds1


ds2


ds3


ds4


ds9


ds5


ds7


ds6


ds8


Đinh Thu Toàn




 

            Trong những tấm bản đồ thời Pháp thuộc (trước Cách mạng tháng 8 năm 1945), chúng ta thường thấy địa danh phố Kỳ Lừa được viết với ý nghĩa là trung tâm của tỉnh lỵ Lạng Sơn. Đó là một trong số những đô thị cổ lớn được hình thành vào loại sớm ở miền biên viễn nước ta. Là nơi giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa miền xuôi với miền ngược, giữa các địa phương trong tỉnh; phố Kỳ Lừa trở thành không gian hội tụ, bảo lưu những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần độc đáo, đặc sắc của xứ Lạng những năm tháng đã qua.

Từ Đoàn Thành – trung tâm hành chính của xứ Lạng qua bến sông Kỳ Cùng là đã bước từ “bên tỉnh” sang đến “bên Kỳ Lừa”. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, phố Kỳ Lừa được manh nha hình thành từ rất sớm. Thế kỷ XI – XII, nơi đây đã diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi giữa thương nhân hai nước Việt - Trung. Đến cuối thế kỷ XVII, cùng với sự di cư của cộng đồng người Hoa từ Trung Quốc đến các tỉnh Nam, Trung bộ của nước ta, họ cũng đã đến làm ăn, định cư ở phố Kỳ Lừa do Tả đô đốc, Hán quận Công Thân Công Tài lập nên. Năm 1717, Chúa Trịnh chính thức cho người Hoa cư trú tại Kỳ Lừa và 4 khu phố khác ở Việt Nam vì họ đã ó quá trình cư trú ở đó đã lâu. Những tư liệu viết của Lạng Sơn như tấm bia “Tôn sư phụ bi” (Văn bia kính bầu sư phụ - tạo tác năm 1680), chuông chùa Thành (đúc năm 1697), bia cầu đá Kỳ Lừa (lập năm 1724), sách địa chí, bản đồ cổ… cho thấy, người Hoa ở phố Kỳ Lừa rất đông, họ ở thành từng khu riêng biệt trong chợ. Đến cuối thế kỷ XIX, Kỳ Lừa có phố của người Quảng Đông, Quảng Tây… Sự cộng cư, giao thoa văn hóa giữa người Hoa và cư dân bản địa qua nhiều thế kỷ đã dần định hình, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo của cư dân nơi miền phố chợ.

Sách Lạng Sơn Đoàn Thành đồ của Nguyễn Nghiễm (biên soạn năm 1758) phác họa diện mạo của phố Kỳ Lừa khi đó thật rõ nét “Phố xá nối tiếp nhau, thổ dân và người Trung Quốc ở lẫn với nhau. Phố có chợ tháng họp 6 phiên, buôn bán mọi thứ hàng hóa…”. Những bức ảnh sắc nét của người Pháp chụp cuối thế kỷ XIX cho thấy phố chợ Kỳ Lừa khi đó thật đông vui, sầm uất. Những ngôi nhà ống lợp ngói máng, có mái hiên san sát liền kề ở mặt phố mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa vừa là nơi ở, vừa là cửa hiệu buôn bán. Trong chợ, “người Thổ và người Tàu” chen chân mua bán nhộn nhịp. Hàng hóa rất phong phú với nông sản, nông cụ, đồ trang sức, nón lá, vàng hương, đồ đựng bằng gốm, thuốc lá, thuốc lào, hàng tạp hóa... Dấu ấn văn hóa vật chất của phố Kỳ Lừa khi đó còn là các công trình văn hóa tín ngưỡng, dân sinh, trong đó nhiều kiến trúc mang đậm sắc màu văn hóa Trung Hoa. Ngay giữa trung tâm phố chợ có đền Tả Phủ xây dựng năm 1683 thờ Tả đô đốc, Hán quận công Thân Công Tài – người đã khai mở, lập nên phố chợ Kỳ Lừa tạo điều kiện cho nhân dân hai nước làm ăn, buôn bán. Cũng nơi đây có đền Bắc Đế, đền Quan Công – những vị Thánh được thờ rất phổ biến trong tín ngưỡng của người Hoa. Về sau đền Quan Công được xây cất, mở mang trở thành hội quán Kỳ Lừa, nơi thờ cúng và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Hoa ở đây. Gần đó từng có một chiếc cầu đá cổ bắc qua suối, hiện chỉ còn một tấm bia hình tứ diện lập năm 1724 ghi việc làm cầu. Xa hơn một chút là đền Kỳ Cùng thờ thần sông - một trong số 17 ngôi đền thiêng của trấn hạt, được xây dựng quy củ vào thời Lê trung hưng (thế kỷ XVIII). Các sứ thần đi qua đều phải vào yết cáo. Ngày nay, di sản văn hóa vật chất của phố Kỳ Lừa được bồi đắp ngày càng dày thêm bởi sự góp mặt của các di tích Lịch sử cách mạng và di tích tín ngưỡng mới như nhà số 8 phố Chính Cai (ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ), đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo…

Không chỉ hội tụ những giá trị vật chất tiêu biểu, đây cũng là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa tinh thần rất đặc sắc. Đó là tục lệ, tín ngưỡng thờ cúng đối với người có công với dân, với nước: Thân Công Tài, Đức Thánh Trần Hưng Đạo... Gắn với tín ngưỡng trên là các lễ hội được coi là có quy mô lớn vào bậc nhất của xứ Lạng, kéo dài từ 22 đến 27 tháng Giêng hàng năm: hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, hội Đầu pháo Kỳ Lừa, hội chợ Kỳ Lừa… Không gian phố chợ trở thành nơi kết tụ, hiển thị bản sắc văn hóa dân tộc một cách vô cùng rõ nét thông qua sắc màu trang phục truyền thống, nghi lễ rước xách, các trò chơi, trò diễn dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày, Nùng… Trong những bức ảnh tư liệu từ cuối thế kỷ XIX, chúng ta được thấy không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội truyền thống qua những đám rước của người Hoa ở trong chợ. Không chỉ vậy, phố chợ còn là nơi lắng đọng những lớp trầm tích văn hóa nhiều thời kỳ của cộng đồng dân cư sinh sống ở đây. Có thể coi chợ Kỳ Lừa là “chiếc nôi” của nhiều nghề gia truyền nổi tiếng, những món ăn đặc sản thuộc hàng tinh hoa ẩm thực của xứ Lạng: Lợn quay, vịt quay, phở chua, khau nhục, bánh cao xằng, bánh cuốn trứng, bánh áp chao… Chợ không chỉ là nơi mua bán, mà còn là nơi gặp gỡ, giao duyên của nam nữ thanh niên Tày Nùng trong những ngày chợ phiên. Hội chợ Kỳ Lừa – hội hát giao duyên của người Nùng (trùng với ngày hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ) đã trở thành một điểm nhấn độc đáo trong bức tranh Văn hóa truyền thống đa sắc của xứ Lạng.

Trong lịch sử, phố chợ nơi miền biên cương xứ Lạng từng là đề tài, trào lưu sáng tác của các thi nhân – sứ giả thời kỳ Trung đại mỗi khi có dịp qua đây. Kỳ Lừa bước vào thơ văn của nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng: Nguyễn Tông Khuê (Nguyễn Tông Quai, 1693-1767), Ninh Tốn (1744-1795), Phan Huy Chú (1782-1840 )… với vẻ tấp nập, phồn hoa, thịnh vượng:

Kỳ Lừa rợp bóng cây êm

Cửa the nhà gấm vây thêm tứ bề

Khách thương buôn bán đi về

Cửa thông hai nước chợ lề sáu phiên

                                                       (Sứ trình tân truyện - Nguyễn Tông Khuê)

Những áng thơ, văn đó cũng chính là những di sản văn hóa tinh thần quý giá cha ông ta để lại cho đời sau. Trong một không gian không lớn lắm, Kỳ Lừa là nơi bảo lưu những di sản văn hóa được coi là giá trị, tiêu biểu nhất của xứ Lạng với 3 di tích được xếp hạng Quốc gia, 1 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gắn với nhiều di vật, cổ vật quý... Có thể nói, Kỳ Lừa đã cho chúng ta những nhận thức vô cùng sâu sắc về quá trình phát triển đô thị, giao thương, giao thoa văn hóa ở miền biên cương địa đầu Tổ quốc./.

                                                                                   Chu Quế Ngân

* Ảnh st: Phố chợ Kỳ Lừa đầu thế kỷ XX


Cho Ky Lua dau TK 20.5


Cho Ky Lua


Ngày 05/3/2020, đại diện Ban Lãnh đạo, Công đoàn Bảo tàng tỉnh tham gia cùng Ban Quản lý Di tích – Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng trồng cây đào tại Lũy Ải, huyện Chi Lăng. Đây là một việc làm thiết thực nhằm phát huy giá trị lịch sử của hệ thống di tích trên địa bàn huyện Chi Lăng và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp đón khách tham quan du lịch.
 
trongcay1
 
 
trongcay2
Bài và ảnh: Vy Thị Bích Hạnh

 

          Thực hiện kế hoạch công tác về triển khai các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021; Nhân Festival Hoa Đào – Lễ hội Xuân năm 2021, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tổ chức triển lãm giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Tày – Nùng, nhằm quảng bá các giá trị, tiềm năng di sản văn hóa, các sản phẩm vật chất, tinh thần và con người xứ Lạng đến với các tầng lớp nhân dân và thu hút khách tham quan đến với Lạng Sơn.

Từ ngày 05/3/2021 đến ngày 10/3/2021 (tức ngày 22-27 tháng Giêng năm Tân Sửu), Triển lãm giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Tày – Nùng tỉnh Lạng Sơn sẽ diễn ra tại sân Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.

Nội dung triển lãm gồm 2 phần:

- Phần I: Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc Tày

- Phần II: Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc Nùng

Thông qua hoạt động triển lãm nhằm giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Một số hình ảnh triển lãm:

 Taynung1


Taynung2


Taynung3


Taynung8

                                                                 

Taynung4


Taynung5


 Taynung6


Taynung6


Taynung9


Taynung10


Taynung11

 

Đinh Thu Toàn

 

 

 

 

 

 

 

 

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 4

Tất cả 2857445

Videos

Liên kết website