Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 17:20

CON HỔ TRONG CÁC DI TÍCH TÔN GIÁO,TÍN NGƯỠNG XỨ LẠNG

Trong quan niệm dân gian của người Việt, hổ được coi là chúa tể rừng xanh, là linh vật biểu tượng cho sức mạnh, quyền uy, có khả năng trấn át, xua đuổi tà ma. Với văn hóa dân gian xứ Lạng, hình tượng hổ xuất hiện ở rất nhiều nơi: trong truyền thuyết, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, thành ngữ, tục ngữ; trong tranh thờ; trên các bức trướng vải, trang phục của quan lại, Mo tào... Đặc biệt, sự xuất hiện của con hổ trong các di tích tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu...) chứa đựng những ý niệm thiêng liêng về linh vật này.

Hổ vốn là loài thú dữ nên tâm lý kiêng nể, sợ hổ luôn thường trực trong ý thức của đồng bào dân tộc miền núi. Đối với người Tày, Nùng Lạng Sơn cũng vậy. Họ thường gọi hổ là ông Ba Mươi, Chúa sơn lâm (chúa tể núi rừng). Xuất phát từ nỗi sợ “Ngài” nổi giận, trở về gây hại cho đời sống con người mà ở một số nơi trong tỉnh có tục thờ thần hổ. Tại Bản Nằm (xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định) có miếu Chúa sơn lâm. Ngôi miếu này do dân bản lập nên từ rất lâu đời để thờ thần hổ với ý nghĩa tôn thờ, cầu mong vị phúc thần che chở, trấn át tà ma đem lại cuộc sống bình an cho dân bản. Tuy nhiên, những năm chống Mỹ ngôi miếu này đã bị đổ nát. Do hoàn cảnh chiến tranh và một phần là do tín ngưỡng thờ hổ dần mai một nên ngôi miếu không được dựng lại, nay đã trở thành phế tích. Tại xã Tân Thành (Hữu Lũng) có đền Đèo Kẻng thờ Ngũ Hổ trong mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng Mẫu. 

Khi bắt tay vào xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt rất coi trọng phong thủy, ở Lạng Sơn cũng vậy. Hầu hết các di tích này đều được lựa chọn thế đất kỹ càng, dựng ở nơi đắc địa, hội tụ linh khí để đình, đền, chùa, miếu được linh thiêng và trường tồn. Trong thuật phong thủy, Hổ xuất hiện với tư cách là một trong “tứ tượng” trấn giữ bốn phương của công trình kiến trúc: “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ), tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ” (bên trái là rồng xanh, bên phải hổ trắng, phía trước chim sẻ, phía sau rắn quấn con rùa màu đen)(1). “Hổ trắng” ở đây thường hiển thị dưới dạng gò, đồi, núi - đối trọng, song hành với rồng xanh (thường là các khe suối, sông ngòi) để tạo nên thế “rồng chầu, hổ phục” uy nghi, lẫm liệt.

Tại một số di tích trong tỉnh, ở ngay cổng, cửa ra vào thường có hình con hổ đứng chầu với ý nghĩa là vị thần Hộ pháp, canh giữ cửa, ngăn cản tà ma bước vào thế giới linh thiêng. Hình hổ có thể được đắp nổi, chạm khắc hoặc vẽ ở trên tường bao, vách đá. Ngay cửa động Nhị Thanh có hình Bạch Hổ chạm trên vách hang phía bên phải - đối diện với hình Giao Long ở phía bên trái (2). Tại đền Quan Giám Sát (xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng) có thời đặt đôi lốt hổ ở khuôn viên ngay phía ngoài cửa...

Cũng với ý nghĩa trên đây, con hổ trong các di tích tôn giáo, tín ngưỡng còn thể hiện ở các chi tiết cấu thành kiến trúc, phổ biến nhất là hình tượng Hổ phù. Theo quan niệm dân gian nói chung, Hổ phù là linh vật hư cấu, có mắt quỷ, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, miệng hổ, vẩy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng. Hình ảnh dữ tợn của Hổ phù gợi cảm giác linh thiêng, niềm tin tưởng lớn lao vào sức mạnh của vị thần làm nhiệm vụ trấn giữ di tích. Trong các di tích đình, đền, chùa ở Lạng Sơn – nhất là các di tích xây dựng vào thời Nguyễn, hình ảnh Hổ phù khá phổ biến. Tại đền Quỷ Môn (đền Quan trấn ải) thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Hổ phù được đắp nổi ở đầu hồi và phía sau Hậu cung. Hình tượng Hổ phù được tạo tác dưới dạng đầu quỷ có miệng ngậm chữ “Thọ”, hai chân vòng ra phía trước nhìn rất dữ tợn. Tại một số di tích như đền Cửa Tây, Cửa Bắc... cũng vậy, ở các đầu hồi bít đốc đều đắp hình hổ phù. Trong các ngôi đình làng, miếu ở Bắc Sơn như đình Nông Lục, đình Trung (xã Hưng Vũ); đình làng Mỏ, miếu Xa Vùn (xã Trấn Yên), đình Pác Yếng (xã Đồng Ý)...hình Hổ phù lại được chạm khắc tinh xảo trên vì kèo, câu đầu bằng gỗ bên cạnh nhiều vật linh khác tạo nên không gian vô cùng linh thiêng, huyền bí.

Không chỉ hiện diện ở các chi tiết kiến trúc, hình hổ còn xuất hiện trong các đồ án trang trí trên bia đá ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Tại đình Thủy Môn (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc), hổ được chạm khắc rất đẹp ở cạnh bên phải của tấm bia Thủy Môn Đình(3) có niên đại năm 1680 – bảo vật Quốc gia của tỉnh. Ở đây, hổ được tạo hình toàn thân trong tư thế động, chầu về hướng chân bia rất uy nghi, dũng mãnh. Cùng với hình rồng ở cạnh bên trái tạo nên một cặp đăng đối trong mô típ trang trí cổ“Rồng chầu, hổ phục”,Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Hình con hổ ở đây tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh, gắn liền với dòng họ Nguyễn Đình – một trong thất tộc thổ ty của Lạng Sơn ở Văn Lãng. Đây cũng là hình ảnh rất hiếm gặp trên văn bia vì đa phần bia đá của Lạng Sơn là loại bia ma nhai, bia thể khối tạo tác khá đơn giản.

Có thể thấy, ở Lạng Sơn, hổ trong các di tích tôn giáo tín ngưỡng thể hiện rõ nét và phổ biến nhất trong các di tích thờ Mẫu qua tục thờ Ngũ Dinh (năm cung ông Hổ) - thần Hộ pháp của đạo Mẫu. Hiện ở các huyện, thành phố trong tỉnh có rất nhiều di tích thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ, trong đó, một số nơi đã trở thành các di tích thờ Mẫu nổi tiếng ở nước ta như đền Bắc Lệ (Hữu Lũng), đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc)... Bên cạnh đó, sự phối thờ Thánh Mẫu trong các di tích Phật giáo, di tích  thờ Thánh, thần ở Lạng Sơn là hiện tượng rất phổ biến. Chùa Tam Thanh, chùa Tam Giáo, chùa Tiên, đền Kỳ Cùng, đền Đức Thánh Trần (Thành phố Lạng Sơn), chùa Tà Lài (Văn Lãng), đền Quan Lãnh (Tràng Định)...đều có các cung thờ Mẫu. Tuy thờ Ngũ Dinh là hiện tượng rất phổ biến nhưng không phải di tích Mẫu nào cũng có ban thờ này. Có thể kể một số di tích tiêu biểu có ban thờ Ngũ Dinh như: đền Bắc Lệ, đền Đèo Kẻng (Tân Thành, Hữu Lũng), chùa Tam Thanh, chùa Tam Giáo, Động Mới, đền Kỳ Cùng, đền Mẫu Soài Sơn, chùa Tiên (thành phố Lạng Sơn), đền Cấm, đền Cô Chín (Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng), đền Quan Lãnh (Thất Khê, Tràng Định)...

Ở đây, Ngũ Dinh – Ngũ Hổ được coi là một trong những đối tượng thờ chủ yếu tại điện thờ với tư cách là Sơn thần. Theo quan niệm dân gian, hổ là vị chúa tể rừng xanh, có uy linh sức mạnh phi thường nên được được các thánh Mẫu giao trấn giữ 5 phương, tượng trưng cho Ngũ hành: Hắc Hổ (hổ đen) trấn giữ phương Bắc, Xích Hổ (hổ đỏ) trấn giữ phương Nam, Hoàng Hổ (hổ vàng) trấn giữ ở vị trí trung tâm, Thanh Hổ (hổ xanh) trấn giữ phương Đông, Bạch Hổ (hổ trắng) trấn giữ phương Tây. Hổ tuy dữ tợn nhưng đều quy phục, giúp Thánh Mẫu cai quản ngũ phương để hành đạo. Do đó, ban thờ Ngũ Dinh ở các di tích Mẫu luôn đặt dưới điện thờ Công đồng, thường được gọi là Hạ ban. Do nằm ở vị trí thấp, nên ban thờ Ngũ Dinh thường nhỏ, bài trí khá đơn giản với biểu tượng Ngũ hổ, bát hương, chân đèn, mâm bồng ngũ quả... Ở đây linh vật thường được thể hiện dưới dạng tượng tròn hoặc tranh vẽ, đắp trên mảng tường chính diện của Hạ Ban. Thường thì đủ cả năm con với sắc màu biểu tượng, nhưng có nơi chỉ có một, hai con mang tính chất tượng trưng. Việc cúng tế tuân thủ theo các lễ tiết của đạo Mẫu, ngoài các ngày sóc, vọng là các ngày lễ trọng: Lễ Thượng Nguyên (tháng Giêng), Nhập hạ (tháng Tư), Tán hạ (tháng Tám), tiệc Mẫu (20/9), Tất niên (tháng Chạp).... Mỗi khi cúng, lễ vật không thể thiếu được trứng và thịt sống, vốn là món ăn ưa thích của Hổ. Lễ vật dâng cúng thần hổ thường là một tảng thịt khía là 5 múi, đĩa trứng gồm 5 quả, thêm gạo, muối, rượu, hoa quả, vàng hương… Mỗi khi hầu đồng, Ngũ Hổ thường được thần Hổ giáng, lúc này, các ông bà đồng thường nhập đồng với các động tác phun lửa, hổ ngồi hoặc vồ mồi...Qua đó, thể hiện uy linh, khí chất của thần Hổ. Người dân đi lễ cầu, cúng Ngũ Hổ với mong muốn tránh được hiểm họa, phòng ngừa kẻ gian trộm cắp và dễ làm ăn.

Hình tượng Hổ trong các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở Lạng Sơn thể hiện rõ tập tính của linh vật, chứa đựng quan niệm, đời sống tinh thần vô cùng phong phú của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Hình ảnh vị chúa tể rừng xanh xuyên suốt thế giới tâm linh huyền bí của con người đã trở thành một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của xứ Lạng./.

 

Con ho Nhi Thanh 3. chọn

 Hình con hổ tại cửa động Nhị Thanh, tạo tác năm 1779.

Con ho tren bia Thuy Mon Dinh

 Hình con hổ trên bia Thủy Môn Đình – bảo vật Quốc gia của tỉnh tạo tác năm 1680.

Ban Ngu Dinh Tam Thanh

3. Hình hổ trong ban thờ Ngũ Dinh chùa Tam Thanh (Thành phố Lạng Sơn)

Ho phu den Quy Mon

                  Hình hổ phù tại đền Quỷ Môn (thôn Quán Thanh, xă Chi Lăng, huyện Chi Lăng), xây dựng năm 1935                                                                                                

Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 17:25

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 56

Tất cả 2857426

Videos

Liên kết website