Thứ ba, 04 Tháng 1 2022 17:13

NHỮNG TRANG SÁCH MỚI VỀ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG LẠNG SƠN

Nhằm công bố các kết quả nghiên cứu, truyên truyền, phổ biến những giá trị văn hóa truyền thống, trong những năm qua, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội trong tỉnh đã tích cực in ấn, xuất bản loại sách khảo cứu về văn hóa dân tộc. Năm 2021 vừa qua là năm ra đời của nhiều ấn phẩm chất lượng về văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh. Không chỉ đơn vị, tập thể mà các cá nhân cũng đã bắt đầu tham gia vào hoạt động xuất bản đó.

Có thể thấy, đa phần nội dung các cuốn sách trên đây đều hướng về các loại hình di sản có tính chất đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Trong 6 ấn phẩm về văn hóa truyền thống Lạng Sơn đã ra mắt bạn đọc trong năm 2021, chiếm số lượng nhiều nhất là sách về then - loại di sản có tính phổ cập rộng trên địa bàn tỉnh. Tiếp nối hoạt động tuyên truyền, phổ biến giá trị của then những năm đã qua, quý I năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã hoàn thành in ấn, phát hành cuốn sách “Tàng Pựt mừa đẳm” (Đường then về tổ) do Nguyễn Văn Bách – giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, đồng thời cũng là một nghệ nhân hát then làm chủ biên với sự tham gia của cán bộ Sở VHTT&DL tỉnh. Đây là cuốn sách khảo cứu, biên dịch về nghi lễ then cấp sắc do nghệ nhân then Nông Thị Cúc, sinh năm 1933, trú tại khu 3, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định ghi chép lại, đã được lưu truyền qua nhiều đời. Theo nhóm tác giả, bà là truyền nhân cuối cùng của dòng then Khách xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. 302 trang sách giới thiệu 20 chương đoạn của then cấp sắc cùng những  đặc điểm, giá trị, phương án bảo tồn di sản then... đã khiến Tàng Pựt mừa đẳm trở thành một cuốn tư liệu quý về then cổ của Lạng Sơn..

 

sách 2021

 

Ấn phẩm về văn hóa truyền thống Lạng Sơn ra mắt bạn đọc trong năm 2021

Cùng chung đề tài về di sản then, tháng 11/2021, Hội Bảo tồn di sản Văn hóa tỉnh xuất bản cuốn “Người giữ hồn then Xứ Lạng” của tác giả Nông Thị Phượng viết về nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt, sinh năm 1922, trú tại Pác Sào (xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia) – Người đã có hơn 80 năm gắn bó với dòng then Văn của người Tày ở Lạng Sơn. Là con đẻ của nghệ nhân, từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bình Gia, trong khoảng 17 năm qua, tác giả đã kỳ công ghi chép các bài hát then của mẹ mình để tập hợp, biên soạn thành cuốn sách dày trên một ngàn trang. Tác phẩm   là công trình hợp tác giữa gia đình nghệ nhân và Hội Di sản văn hóa tỉnh theo mô hình xã hội hóa. Qua đó, giúp người đọc hiểu sâu về tiểu sử của nghệ nhân, đặc điểm, quy trình của một số nghi lễ then tiêu biểu như: then cấp sắc, then giải hạn, mừng sinh nhật, then chuộc hồn cùng toàn bộ lời hát bằng cả tiếng Tày và tiếng Việt.

Cũng là di sản then, nhưng một nhóm tác giả trẻ lại hướng nghiên cứu về các khái niệm liên quan đến then.“Từ điển then Tày Nùng” do Hoàng Việt Bình (cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) và Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học, quê ở Thạch Đạn, Cao Lộc) biên soạn được biên tập, in ấn, xuất bản bằng kinh phí cá nhân. Dày 280 trang, với hơn 1000 mục từ về các khái niệm liên quan đến then, cuốn sách được coi như một công cụ tra cứu hữu ích đối với những ai có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiều tường tận về loại hình di sản này.

Không chỉ có then, một số thể loại dân ca khác cũng được giới thiệu thông qua các trang sách văn hóa truyền thống Lạng Sơn, điển hình như hát ví. Hát ví là thể loại dân ca đặc sắc ở vùng Bắc Sơn, có nguồn gốc ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Theo bước chân những người di cư về vùng đất mới Bắc Sơn, trải qua quá trình lịch sử lâu đời, hát ví đã dần “Tày hóa” để trở thành một loại hình dân ca trữ tình có sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống Tày và Kinh. “Hát ví của người Tày Bắc Sơn” của nhóm tác giả Hoàng Tuấn Cư, Đỗ Trí Tú  do Sở VHTT&DL Lạng Sơn phát hành quý I năm nay giới thiệu nét độc đáo, đặc sắc của loại hình dân ca này. Thông qua nội dung, nhóm tác giả tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với hát ví ở các phương diện: đặc điểm, giá trị, làn điệu, lời ca... Trọng tâm là lời của các làn điệu ví phổ biến trong đời sống của người Tày vùng  Bắc Sơn: ví rượu, ví giao duyên, ví cầu mùa, vì mời trầu, ví truyện...

Nhiều năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật Lạng Sơn là nơi thường xuyên in ấn, xuất bản các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian của hội viên. Năm 2021, một số tác phẩm nghiên cứu về văn hóa truyền thống của hội viên Chi hội Nghiên cứu - Lý luận phê bình đã tiếp tục ra mắt bạn đọc. “Nhà trình tường, kiến trúc độc đáo của người Nùng bản Khuyên Hin - Lạng Sơn” của tác giả Nguyễn Đặng Ân (Huyện Lộc Bình) là công trình nghiên cứu chuyên biệt về một trong những loại hình kiến trúc dân gian truyền thống của tỉnh. Không chỉ giới thiệu những nét đặc trưng nổi bật, tác giả còn nhìn nhận của loại nhà trình tường của người Nùng Lạng Sơn tại vùng biên giới trong mối quan hệ gắn bó mật thiết với không gian văn hóa, các vấn đề về lịch sử, dân tộc... Khác với các cuốn sách giới thiệu về di sản văn hóa, cuốn “Tương trợ cộng đồng trong nghi lễ vòng đời của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn”của tác giả Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) lại tìm về một nét đẹp nhân văn trong đời sống thường nhật của đồng bào Nùng. Đó là sự giúp đỡ, tương trợ của người thân, xóm giềng trong các nghi lễ vòng đời như lập bàn thờ Mụ, sinh nhật, giải hạn, cưới xin, tang ma... Qua đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán sinh sống, những nét đẹp trong phẩm chất, đạo đức của người xứ Lạng.

Các cuốn sách trên đây được biên soạn bởi đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của địa phương. Giàu tính tư liệu, biên soạn bài bản, công phu, các cuốn sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, phục vụ đắc lực công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản  mà còn góp phần lan tỏa, làm cho di sản văn hóa truyền thống của Lạng Sơn ngày càng tỏa sáng.

                                                                                     Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ ba, 04 Tháng 1 2022 17:18

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 54

Tất cả 2857424

Videos

Liên kết website