Những ngày giữa tháng 3/2021, chúng tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh là một trong hai nơi đang lưu giữ những chiếc dấu Bắc Sơn. Được tận mắt xem chiếc dấu Bắc Sơn, chúng tôi mới cảm nhận được kỹ thuật tạo tác, ghè đẽo thời kỳ này của người cổ đại đã đạt tới trình độ cao.
Cán bộ Phòng Kiểm kê, bảo quản, Bảo tàng tỉnh nghiên cứu giá trị của những chiếc dấu Bắc Sơn
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn, quảng bá di vật độc đáo này. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã tiến hành lập hồ sơ khoa học, nhập kho tư liệu đối với từng chiếc; số hóa bằng tư liệu hình ảnh đưa lên trang tin điện tử của bào tàng mục “Thư viện hiện vật – hiện vật đồ gốm – sứ”. Đặc biệt, hàng năm, chúng tôi vẫn phối hợp với các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành nghiên cứu, làm rõ công năng của những chiếc dấu Bắc Sơn này. Song song với đó, chúng tôi cũng chọn một số dấu Bắc Sơn tiêu biểu trưng bày trong phần văn hóa Bắc Sơn tại nhà trưng bày của Bảo tàng nhằm giới thiệu đến du khách tham quan.
Anh Nguyễn Văn Hiền, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi có con đang học lớp 7, để con có nhiều kiến thức về lịch sử địa phương, tôi thường dẫn con tới Bảo tàng tỉnh tham quan, học tập. Trong số nhiều di vật đang được trưng bày tại đây, tôi rất ấn tượng với những chiếc dấu Bắc Sơn. Di vật này đã giúp tôi và con tôi hình dung được phần nào cuộc sống của những người Lạng Sơn thời cổ đại.
Cùng với Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị của nền văn hóa khảo cổ học Bắc Sơn, trong đó có 3 chiếc dấu Bắc Sơn. Những năm qua, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông (VH,TT&TT) huyện Bắc Sơn đã chỉ đạo cán bộ phụ trách tại bảo tàng mỗi tuần 2 lần lau chùi, bảo quản di vật bằng kỹ thuật chuyên môn. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hướng dẫn đội ngũ thuyết minh viên lồng ghép quảng bá khi dẫn đoàn khách tham quan bảo tàng. Riêng từ năm 2019 đến nay, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn đón gần 12 nghìn lượt khách, trong đó đều được các thuyết minh viên giới thiệu về giá trị của những chiếc dấu Bắc Sơn.
Ông Lương Đình Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm VH,TT&TT huyện Bắc Sơn cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh tiếp tục tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn làm sáng tỏ công dụng của dấu Bắc Sơn để có cơ sở khoa học bảo tồn, phát huy giá trị của di vật này được tốt hơn. Trước mắt, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu những điểm đặc trưng, giá trị lịch sử của chiếc dấu đến du khách thăm quan.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 99 dấu Bắc Sơn đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (96 chiếc) và Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn (3 chiếc). Các dấu này được phát hiện trong các cuộc khai quật khảo cổ học từ khoảng những năm 1984 đến nay tại các địa điểm như: Hang Dơi (xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn); Phja Điểm (xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc); Bó Nam, Ngườm Sâu (huyện Chi Lăng)…
Cùng với những di vật khác, dấu Bắc Sơn là di vật độc đáo của nền văn hóa khảo cổ học Bắc Sơn thời đại đá mới đã và đang từng ngày “kể” những câu chuyện của quá khứ. Mong rằng, thời gian tới, các cơ quan hiện đang lưu giữ di vật độc đáo này sẽ có những giải pháp sáng tạo, hiệu quả hơn nữa giúp lan tỏa giá trị dấu Bắc Sơn đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo các nhà khảo cổ học, tất cả các dấu Bắc Sơn được làm từ đá diệp thạch (Schiste) dài trung bình từ 8 – 15cm, có dạng một thỏi cuội nhỏ, dài, hơi dẹt, trên một hoặc hai rìa mỏng có hai vết rãnh song song khá đều đặn. Bên cạnh các loại hình di vật đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn như: rìu mài lưỡi, công cụ cuội ghè đẽo thì dấu Bắc Sơn là tiêu chí chỉ thị tính chất văn hóa và nếu di tích khảo cổ học nào tìm thấy loại di vật này thường được họ xếp ngay vào văn hóa Bắc Sơn. |
HOÀNG HIẾU - Baolangson.vn