Lễ hội Trò Ngô mô tả lại quá trình đánh giặc, cứu dân giúp nước thoát khỏi ách thống trị Đông Hán (quân Phục Ba Tướng Quân – Mã Viện) của hai vị Thượng Đẳng Thần (Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát) và ông nghè Vũ Lôi Quận Công. Mỗi vị cùng 4 tướng quân chia 2 hướng đánh thắng giặc và bắt được tướng Ngô. Vũ Lôi Quân Công lui về nghỉ tại am quán làng Diễn, sau này được nhân dân địa phương dựng nghè hương khói phụng thờ. Đức Thanh Lãng hiển thánh tại chùa Sơn Lộc (Sơn Lộc Tự), được người đời sau tôn là Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh, tôn thần Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát Thượng Đẳng Thần. Tám tướng đi đánh giặc thắng trận trở về, đem tám thanh gươm nộp vào kho, trở thành bảo vật linh thiêng của làng, được trao truyền và sử dụng khi tổ chức hội làng. Tướng giặc bị bắt, tự vẫn sau được nhân dân địa phương lập nơi hương khói và phong tước Am Chỉ Đại Thần. Bị thua trận, triều đình nhà Ngô đã cử sứ giả đem lễ vật đến tiến cống Vua nước Nam và hai nước lập lại tình giao hảo như xưa. Từ đó, làng Giàng mở hội Trò Ngô hai năm một lần để mừng thắng lợi và tưởng nhớ tới các vị tướng và nghĩa quân đã có công đánh giặc Ngô cứu dân giúp nước.
Trước lễ hội khoảng một tháng, nhân dân chuẩn bị cho việc tổ chức: thành lập Ban Tổ chức lễ hội, Ban an ninh, các tiểu ban… để phân công việc cụ thể cho mọi người và phải hoàn thành trước ngày 9 tháng Giêng.
- Nhóm phụ trách nghi thức, nghi lễ gồm: Cai đám, Lềnh cả, Lềnh hai, Thư ký và 24 ông Hương trưởng (Hương trưởng – bàn nhì của 12 dòng họ: họ Dương, Mè, Bành, Phan, Lê, 02 họ Hoàng, 05 họ Ngô). Đây là những người đứng đầu 12 họ, hiểu biết về phong tục, tập quán ở địa phương, được người dân tin tưởng, tín nhiệm, tổng chỉ huy toàn bộ lễ hội. Vào ngày hội, đội tế gồm 8 cụ cao niên sẽ thực hiện các nghi lễ cúng tế; anh oản là một trai đinh, lo thắp nhang, dâng trà, tửu, hương hoa. Nhóm phụ trách nghi lễ phân công cho dân làng chuẩn bị các lễ vật để dâng tế thần linh, gồm: 01 mâm lễ chay, 01 mâm lễ mặn của làng; 01 mâm lễ của Lềnh cả; 01 mâm lễ Lềnh hai và hàng phe; 12 mâm lễ của 12 dòng họ; 01 mâm lễ tiến cống của tướng giặc Ngô; bữa cơm cộng cảm kết thúc lễ hội.
- Nhóm phụ trách trò diễn và các hoạt động khác: khoảng 40 người, được dân làng tuyển chọn, phải là người khỏe mạnh, trong gia đình không có tang, không có người mang thai, luyện tập để thực hành các trò diễn:
+ Trò múa dậm: gồm 09 người, một ông Hát cái và 08 trai đinh đóng vai 08 tướng Kim Cương.
+ Trò diễn tiến cống: gồm 07 người từ 45 tuổi trở lên vào đóng vua nước Nam, tướng giặc, thông sự, phụ tá gánh đồ tiến cống và người dẫn đường.
+ Trò diễn sĩ – nông – công – thương: khoảng 20 người đóng các vai Bố làng, Mẹ làng, Con gái làng, 04 người trong vai Sỹ, Nông, Công, Thương và các vai diễn phụ khác.
Ngoài ra, nhóm phụ trách diễn trò còn nhập vai các trò diễn khác trong lễ hội như: Trò sấm, chớp, mưa; trò trồng lúa nước; trò tái hiện trồng dâu nuôi tằm…
- Nhóm dựng khung thành hội; ban điện, sàn xá táo; đồn Bà Dầu; dựng cột đánh đu; làm các đạo cụ dùng trong các trò diễn: công việc được đông đảo nhân dân làng Giàng tham gia vào ngày mùng 08 tháng Giêng.
+ Dựng khung thành hội tại cánh đồng làng Giàng bằng tre, vầu, nứa,… có 3 cổng ra vào. Cổng chính quay về hướng Tây, trên hai cột cổng gắn hình hai con hạc, tượng trưng cho sự mến khách. Hai cổng còn lại ở phía Nam và phía Bắc. Xung quanh khung thành hội là 24 cột cờ của 12 dòng họ, trên đỉnh mỗi cột cờ có gắn một con quạ gỗ, dưới là cờ ngũ hành.
+ Dựng Ban điện thờ bên trong khung thành hội với 03 ban thờ, ở giữa là Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh, bên trái là Thánh Hai Bà Chúa Mỏ Dương, bên phải là Thánh Ba Ông Nghè Vũ Lôi Quận Công. Chếch về Đông Nam cạnh điểm vuông góc khung thành hội được dựng giá sàn 3 bậc tượng trưng cho Tam Tòa Đức Phật chùa Sơn Lộc.
+ Dựng sàn Xá Táo bên ngoài khung thành hội, trên treo một chiếc mõ tre để diễn trò “Kén rể”.
+ Dựng Đồn Bà dầu bên ngoài, cách khung thành hội khoảng 100m. Ngoài các đạo cụ, dụng cụ còn có một đống rơm, một lá cờ đen để chuẩn bị cho diễn trò tám tướng Kim Cương tiến đánh đồn giặc.
+ Dựng cây đu.
+ Đẽo các đạo cụ dùng trong các trò diễn như: cày, bừa, chày, vồ, khung cửi... do trai đinh đại diện cho 12 dòng họ trong làng thực hiện.
- Nhóm thực hiện các công việc vệ sinh chùa, nghè, tượng thánh, đồ thờ, ngai thờ, bài vị, tàn, lọng, trang trí cờ hội,… tại chùa Sơn Lộc và nghè Vũ Lôi Quận Công để chuẩn bị tổ chức lễ hội.
Trước đây, ngày mùng 09, Lềnh cả, Lềnh hai, Hương trưởng, Bàn nhì, 08 quan viên tế, 28 trai đinh cùng các lão làng đến chùa Sơn Lộc và nghè Vũ Lôi Quận Công thắp hương làm lễ mời các Thánh và rước ngai thờ Thánh Cả, Thánh Hai, Thánh Ba ra khung thành hội để làm lễ tế chay và xin cho dân làng được mở hội. Sau lễ tế chay, các ngai thờ được rước trở lại chùa và nghè. Nay lễ này không thực hiện nữa.
Sáng sớm ngày mùng 10, các thành viên đoàn làm lễ tế chay hôm trước và 8 trai đinh đóng vai tướng Kim Cương cùng đông đảo dân chúng tham dự hội gióng cờ, chiêng, trống, kèn, thanh la đến chùa Sơn Lộc và nghè Vũ Lôi Quận Công để làm lễ và rước các Thánh Thần ra dự hội.
Tại chùa Sơn Lộc, sau khi Lềnh cả thực hiện xong nghi lễ, 08 trai đinh khiêng ngai thờ Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh, Bà Chúa Mỏ Dương ra khung thành hội. Đi trước đoàn rước là đội múa sư tử và đội nhạc. Tiếp đến lần lượt là ông Lềnh cả, Lềnh hai, ông hát cái và 24 ông Hương của 12 dòng họ, theo sau là hai người bưng hai mâm lễ (một mâm lễ chay, một mâm xôi gà), 8 tướng Kim Cương vác gươm sắt đi đan xen với các trai đinh cầm cờ ngũ sắc, các trai đinh khiêng ngai Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh và ngai Bà Chúa Mỏ Dương, đi bên cạnh hai ngai thờ là hai người cầm hai tán lọng để che ngai, theo sau là các lão làng cùng đông đảo nhân dân tham dự hội. Khi đám rước đi đến trước cửa nghè, đoàn rước ngai thờ Vũ Lôi Quận Công đã chờ sẵn trước đó gia nhập cùng đoàn và cùng đi thẳng tới Ban điện - khung thành hội làng Giàng, nơi tổ chức lễ hội.
Đến Ban điện khung thành hội, các ngai thờ được đặt hướng về phía Tây, Ngai Đức Thánh Cả được đặt chính giữa, bên trái là ngai Bà Chúa Mỏ Dương, bên phải là ngai ông Nghè Vũ Lôi Quận Công. Các mâm lễ được đặt trước ngai theo thứ tự: mâm lễ của Lềnh cả đặt ở ngai Thánh Cả; mâm lễ của Lềnh hai, ba anh em Chứa phe đặt tại ngai Thánh Hai, Thánh Ba. Phía trước các ngai thờ là mâm lễ của 08 quan viên tế, cai đám. Tiếp đến là các mâm cỗ được đặt theo hàng dọc, mâm cỗ phe Thượng đặt bên trái, mâm cỗ phe Hạ đặt bên phải. Trước khi làm lễ tế thần, để thể hiện sự tôn kính trong việc dâng lễ vật lên thần linh, Lềnh cả và ba anh hàng phe đi kiểm tra lại các mâm cỗ một lần nữa, nếu phát hiện mâm cỗ nào không đạt yêu cầu thì Lềnh cả dùng que đũa cắm xuống và yêu cầu bỏ ra ngoài.
Để thực hiện các nghi thức tế lễ, làng cử ra một anh oản thường xuyên túc trực bên các ngai tại Ban Điện để lo thắp nhang, dâng trà, tửu, hương hoa cho các thánh thần. Cai đám quỳ gối thực hiện nghi lễ tế, hai bên là 8 quan viên tế đứng thành hai hàng dọc để thực hiện các nghi lễ dâng trà, rượu. Ngồi phía sau các quan viên tế là Lềnh cả, Lềnh hai, Hương trưởng, Bàn nhì của 12 dòng họ. Ban tế thực hiện nghi thức tế xong, nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương đến dâng lễ, thắp hương, cầu mong một năm mới hạnh phúc và may mắn…
Sau nghi thức tế, nhân dân tham gia và thưởng thức các trò chơi, các tiết mục biểu diễn văn nghệ, các trò diễn dân gian đặc sắc…
* Trò múa dậm
Đây là trò diễn đầu tiên trong lễ hội. Theo hiệu lệnh trống, ông Hát cái trong trang phục quần lĩnh, áo the, tay cầm cuốn sách và 08 tướng Kim Cương trong phục áo trắng, quần đen, có dây đai buộc bụng, dải vải vấn ở trên đầu, mang thanh kiếm sắt thực hiện nghi thức dâng hương lên ông Thiên Bồng ở phía trước Ban điện để tưởng nhớ công lao vị khai sáng, dạy dân trò nhảy múa và báo cáo thần linh xin được thực hiện trò diễn nhảy dậm. Sau đó, 08 tướng Kim cương xếp thành hai hàng dọc song song, cách nhau một mét.
Cùng với hiệu trống lệnh, ông Hát cái hát lời chỉ huy 08 tướng Kim Cương thực hiện các động tác múa chân tay kết hợp, múa quay theo các hướng, như: giơ gươm về phía trước, tựa gươm trên vai, xoay gươm nửa vòng, chân đứng thẳng, chụm chân hình chữ V, xuống tấn… Mỗi động tác thực hiện 3 lần. Cứ sau một động tác lại kết hợp với tư thế một chân bước lên, hai tay vỗ đập vào nhau hô “xa la hý” (nghĩa là quyết tâm đánh giặc). Trò diễn gồm: trấn trạch ngũ phương, quyết tâm luyện tập để đánh giặc, tiến công đồn giặc. Khi trình diễn tiến công đồn giặc, đội quân cầm gươm xông lên, quân giặc hỗn loạn, đồn Bà Dầu khói đen cuộn lên, giặc giương cờ đen đầu hàng. Hạ xong đồn giặc, đội quân quay về khung thành hội, báo cáo chiến thắng quân Ngô với Tam Tòa Đức Phật chùa Sơn Lộc.
Kết thúc trò múa dậm, thầy Độ cùng với thầy chùa nhảy động tác hàn chì trước ban Phật với mục đích bắt quỷ trừ tà, cầu Đức Phật ban cho “Nhân khang vật thịnh”, “mùa màng bội thu”.
* Trò tiến cống
Trò diễn cảnh nhà Ngô cử đoàn sứ giả đến nước Nam tiến cống để cầu hòa. Hồi trống lệnh vang lên, đoàn sứ giả nhà Ngô từ đồn Bà Dầu (đồn giặc) tiến về phía khung thành hội. Đi đầu đoàn sứ giả là một người đầu đội nón, mặc áo chàm, mặt bôi nhọ, tay cầm đao khua sang trái, sang phải làm động tác mở đường cho đoàn sứ giả đi. Theo sau là tướng giặc dáng đi nghênh ngang, tay cầm tẩu thuốc, Thông sự tay cầm quạt, phụ tá vác đồ tiến cống: lợn gỗ, cá gỗ, khung cửi... Đến trước Ban Điện, nơi vua nước Nam ngồi, sứ giả dâng lễ tiến cống, xin vua nước Nam nối lại mối giao hảo giữa hai nước.
* Trò diễn Sỹ - Nông - Công - Thương
2 lão làng đóng vai bố làng, mẹ làng, 8 tướng Kim Cương của trò múa dậm nay nhập vai Sĩ, Nông, Công, Thương và con gái làng. Bắt đầu trò diễn, một người trong trang phục quần áo chàm, đầu chít khăn chàm, mặt bôi nhọ đen, cầm đao múa trò mở đường, theo sau là Mẹ làng vác khung cửi, tay cầm chiếc lược to bằng gỗ, tiếp đến là Bố làng và Con gái làng. Đến sàn xá táo, Mẹ làng vừa hát vừa đi 3 vòng quanh sàn, Bố làng gõ mõ thông báo kén rể. Lần lượt các chàng trai trong vai Sĩ, Nông, Công, Thương cùng người mang vác đạo cụ đặc trưng nghề nghiệp bước lên sàn xá táo, hát đối đáp để cô gái kén chồng. Cô gái luôn có lý do để từ chối các chàng trai. Cuối cùng, cô gái chọn lấy anh Nông và cả gia đình đến Ban Điện báo cáo thánh thần làm lễ tơ hồng.
* Trò diễn sấm - chớp - mưa
Hai người đóng vai Thiên phủ, Địa phủ xưng danh trước ban Phật. Thiên phủ cầm ống diêm đánh lửa, đánh trống tượng trưng cho sấm, chớp, Địa phủ cầm ống mai vẩy nước ra xung quanh tượng trưng cho mưa cầu mong “mưa điều, phong vũ thuận cho trần gian dân làng làm ăn cấy cày, canh nông vi bản”.
* Trò diễn nghề trồng lúa nước
Tám trai đinh trong vai 04 nam, 04 nữ, trình diễn trai kéo bừa, gái gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa trên cánh đồng… Cuối cùng, 2 người đàn ông khiêng bó lúa to, hạt mẩy chắc vàng óng lên trước Ban Điện để báo cáo, tạ ơn thánh thần ban cho mùa vụ bội thu.
* Trò diễn nghề trồng dâu nuôi tằm
Một lão làng mang một thúng các nong kén bện bằng tre, trong vai người bán kén hát và vãi kén ra xung quanh. Những người tham gia hội hứng lấy kén với quan niệm có nhiều điều tốt lành, may mắn.
Ngoài các trò diễn, cộng đồng còn tổ chức các trò chơi và trình diễn dân gian khác như: đánh đu, hát chèo.
Ngày 11, 24 lá cờ của 12 dòng họ được hạ xuống. Lễ bàn giao giữa Cai đám cũ và Cai đám mới diễn ra với sự tham gia của Cai đám cũ, Cai đám mới, Lềnh cả, Hương trưởng, Bàn nhì của 12 dòng họ cùng các lão làng tại khung thành hội. Hiện vật gồm: 5 hòm đựng sắc phong, tàn lọng, quần áo làm trò, chiêng, trống, 8 thanh gươm. Cai đám mới kiểm nhận đồ và dâng mâm lễ mặn lên Đức Thánh Cả Sắc Quý Minh để tạ lễ. Kết thúc hội, Cai đám mới chia một nửa lễ cho dân làng, nửa còn lại mang về nhà cùng gia đình thụ lộc.
Hoàn tất việc bàn giao, Lềnh cả, Lềnh hai, 24 ông Hương trưởng, Bàn nhì, thầy chùa, phường kèn, Cai đám cũ, mới cùng các trai đinh rước các ngai và các mâm lễ từ khung thành hội quay trở về chùa Sơn Lộc và nghè Vũ Lôi Quận Công. Cộng đồng cùng dự bữa cơm cộng cảm tại chùa, gia đình nào không tham dự cũng được chia phần lộc thánh.
Lễ hội Trò Ngô làng Giàng tái hiện lại truyền thống chống giặc ngoại xâm, công lao lập làng, lập bản, bảo vệ cuộc sống của nhân dân của hai vị Thượng Đẳng Thần Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát và ông nghè Vũ Lôi Quận Công. Lễ hội thể hiện những tri thức dân gian liên quan đến cầu mùa, chứa đựng khát vọng, mong muốn tạo văn hóa của cộng đồng. Lễ hội thể hiện mối quan hệ bền chặt trong các dòng họ, tính cố kết cộng đồng trong việc cùng tham gia các hoạt động tổ chức lễ hội, tham gia các trò diễn… ; góp phần giáo dục các thế hệ hướng về cội nguồn của dân tộc.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Trò Ngô làng Giàng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2017.