Xẻng có màu trắng ngà, kích thước khá lớn: dài 28,5 cm; rộng vai 17,5 cm, dày 1,6 cm, nặng 1.4 kg, hình dáng cân đối. Chuôi xẻng nhỏ, có dạng hình gần vuông, vai hơi xuôi, cân đối, thân thẳng, hơi lõm ở giữa. Lưỡi xẻng hình chữ U, mài vát về một bên. Toàn thân mài nhẵn bóng, lớp patin phủ bên ngoài khá dày, còn nguyên vẹn.
Xẻng đá lớn phát hiện tại thị trấn Bắc Sơn tháng 3/2018
Căn cứ vào kiểu dáng, đặc điểm, có thể thấy đây là một chiếc xẻng đá lớn - công cụ lao động sản xuất, đồng thời là vật nghi lễ của cư dân tiền sử giai đoạn Hậu kỳ đá mới (khoảng 4000 - 5000 năm cách ngày nay). Loại di vật độc đáo này có nguồn gốc ở vùng Quảng Tây (Trung Quốc). Trong những năm gần đây một số tỉnh thuộc vùng Đông Bắc và cực Bắc nước ta như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang... đã tìm được loại di vật này. Địa điểm phát hiện chiếc xẻng này thuộc địa bàn phân bố của văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Mai Pha. Trước đây, tại Tân Hòa (Bình Gia), Vĩnh Lại (Văn Quan), Thái Bình (Đình Lập) của Lạng Sơn cũng đã phát hiện được loại di vật này. Đó là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử Lạng Sơn thời kỳ tiền sử; mối quan hệ giữa cư dân tiền sử Bắc Việt Nam và cư dân vùng Nam Trung Quốc giai đoạn Hậu kỳ đá mới. Việc phát hiện xẻng đá ở Bắc Sơn đã được Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn công bố tại Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2018 do Viện Khảo cổ học tổ chức tại Huế trong 2 ngày 29 và 30/9 /2018.
Lạng Sơn là vùng đất có tiềm năng lớn về văn hóa khảo cổ. Các di vật khảo cổ phát hiện trên địa bàn tỉnh rất cần được thu thập kịp thời để phục vụ nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương và đất nước /.
Chu Quế Ngân