Lần đầu tiên, giới nghiên cứu khoa học biết đến những chiếc xẻng đá trên vùng đất Lạng Sơn là vào năm 1994. Tại Hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về khảo cổ học“do Viện Khảo cổ học tổ chức thường niên, một nhóm các nhà khảo cổ gồm GS. Hoàng Xuân Chinh, TS. Vũ Thế Long, Trần Đình Nhân thông báo về việc phát hiện xẻng đá tại Lạng Sơn(1). Theo đó, tại xã Thái Bình của huyện Đình Lập, nhân dân ở đây đã phát hiện năm chiếc xẻng đá và một số tiền đồng ở cùng một địa điểm. Nhóm tác giả chỉ được tiếp xúc với một trong số những chiếc xẻng đó do một cán bộ công tác tại mỏ than Na Dương (huyện Lộc Bình) cất giữ. Chiếc xẻng này làm bằng đá phiến, có kích thước dài 40 cm, chỗ rộng nhất ở vai 20 cm, toàn thân mài nhẵn, lưỡi mài vát. Rất tiếc cho đến nay vẫn chưa sưu tầm được các di vật này.
Toàn bộ xẻng đá do BT LS sưu tầm và lưu giữ
Những năm sau này, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát khảo cổ; sưu tầm hiện vật trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng Lạng Sơn đã rất lưu tâm đến loại di vật này. Do đó đã kịp thời thu thập được một số xẻng đá do quần chúng nhân dân phát hiện. Có một trường hợp được xác định trong quá trình xử lý, chỉnh lý hiện vật kho cơ sở của Bảo tàng. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin được đề cập tới những chiếc xẻng đá hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
1. Nhóm xẻng đá phát hiện tại Bình Gia: Tháng 3/2006, trong khi thi công công trình trường PTCS xã Tân Hòa (huyện Bình Gia), những người thợ xây dựng đã phát hiện ở độ sâu khoảng 1m tại một khu đồi 5 chiếc xẻng đá cùng một số di vật quen thuộc khác của văn hóa Hậu kỳ đá mới như bàn mài, rìu có vai... Địa điểm này cách thành phố Lạng Sơn khoảng 120 km, cách trung tâm thị trấn Bình Gia 50 km về về phía Tây Bắc, tiếp giáp với tỉnh Bắc Cạn. Chính quyền xã đã kịp thời thu giữ được 4 chiếc xẻng giao cho Phòng Văn hóa thông tin huyện chuyển cho bảo tàng tỉnh. Trong số này có 3 chiếc kích thước lớn tương đương nhau và một chiếc nhỏ bị gãy ngang thân nhưng ghép lại được. Tất cả đều được chế tác bằng đá phiến kết cấu hạt mềm, bên ngoài có màu trắng xám, mài nhẵn toàn thân.
- Chiếc thứ nhất (ký hiệu BTLS 1464/1): dài 20 cm, rộng vai 12,5 cm, dày 1,6 cm. Xẻng có chuôi nhỏ và ngắn, vai ngang vuông góc với chuôi. Từ đầu vai, cạnh xẻng lượn cong hơi lõm vào, đến giữa thân thì nở rộng ra và bắt đầu thu vào tạo thành lưỡi cong hình chữ U, rìa lưỡi mài vát đều hai bên. Xẻng bị gãy đôi nhưng gắn lại được. Đây là một chiếc xẻng đá loại II theo cách phân loại hiện nay của các nhà khảo cổ học.
- Chiếc thứ hai (ký hiệu BTLS 1464/2): Chiếc xẻng này có kích thước rất lớn: Dài 39 cm; Rộng vai 24; Dày 1,8cm. Xẻng có chuôi nhỏ và ngắn hình vuông. Tại chuôi và vai có một đoạn ngắn vuông góc, tiếp đó là vai xuôi lượn hơi cong và thu lại thành một góc vuông. Ở cạnh liền vai có một mấu nhỏ. Thân lượn cong hơi lõm và phình ra ở giữa. Từ đó thu lại tạo thành lưỡi cong tròn kiểuchữU.Lưỡi xẻng khá dày, mài vát ở đầu, không sắc. Đây là một chiếc xẻng đá loại III ở dạng nguyên chiếc, được chế tác rất đẹp, quy chuẩn.
- Chiếc thứ ba (ký hiệu BTLS 1464/3): Là một chiếc xẻng loại II có kiểu dáng giống chiếc thứ nhất nhưng kích thước lớn hơn. Xẻng có chiều dài toàn thân 38,5 cm; rộng vai 18 cm; dày 1,8 cm. Chuôi nhỏ và ngắn, vai ngang vuông góc với chuôi. Từ đầu vai, cạnh xẻng lượn cong hơi lõm vào, đến giữa thân thì nở rộng ra và bắt đầu thu vào tạo thành lưỡi. Lưỡi có hình chữ U cân đối, rìa lưỡi được mài vát đều hai bên. Nguyên chiếc.
- Chiếc thứ tư (ký hiệu BTLS 1464/4): Dài 40 cm; Rộng vai 16; Dày 1,8 cm. Đay là một chiếc xẻng đá loại III, có chuôi nhỏ và ngắn hình vuông. Tại chuôi và vai có một đoạn ngắn vuông góc, tiếp đó là vai xuôi hơi cong một góc khoảng 45 0 . Đầu vai có hai mấu và khấc. Hai cạnh bên thân lượn hơi cong lõm dạng thắt eo và phình ra ở giữa. Sau đó thì thu lại tạo thành lưỡi kiểu chữ U. Lưỡi xẻng mài vát hai bên. Xẻng ở dạng nguyên chiếc, bị vỡ một mảnh nhỏ ở cạnh thân, đã gắn lại.
2. Xẻng đá phát hiện tại Văn Quan (ký hiệu BTLS 1801): chiếc xẻng này do ông Lý Văn Nhi ở Nà Pò (xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan) phát hiện từ năm 1979, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn sưu tầm năm 2010. Xẻng được tìm thấy ngẫu nhiên ở độ sâu khoảng 1m trong lòng đất, tại taluy âm của bờ ruộng ven đồi. Ngoài chiếc xẻng này ra không tìm được thêm hiện vật nào khác. Xẻng ở dạng nguyên chiếc, chế tác bằng đá phiến, có kích thước trung bình: dài 30 cm, rộng vai 20,5 cm, dày nhất 2,2 cm. Chuôi xẻng hình chữ nhật nhỏ và ngắn dùng để tra cán. Vai ngang, vuông góc với chuôi. Từ đầu vai, cạnh xẻng lượn cong hơi lõm vào khiến cho vai và cạnh tạo thành góc nhọn, đến giữa thân thì nở rộng ra và thu về phía lưỡi. Lưỡi xẻng cong hình chữ U cân đối, mài vát đều hai bên. Toàn thân mài nhẵn mịn, bên ngoài phủ một lớp patin màu ngà vàng. Xẻng có nhiều nét tương đồng với xẻng đá phát hiện tại Bình Gia. Căn cứ vào hình dạng, kiểu dáng, có thể xếp chiếc xẻng đá này vào nhóm xẻng loại II.
Xẻng đá phát hiện tại Vĩnh Lại – Văn Quan
3. Chiếc xẻng đá cuối cùng ở Bảo tàng Lạng Sơn là một mảnh lưỡi xẻng (ký hiệu BTLS 1649). Hiện vật này có ở trong kho của Bảo tàng đã lâu, lẫn lộn với một số di vật khảo cổ khác không rõ nguồn gốc. Sau này, quá trình xử lý hiện vật kho chúng tôi nhận ra đây chính là phần lưỡi của một chiếc xẻng đá bị gãy. Mảnh xẻng dài 11 cm, rộng thân 16 cm, dày 1,3 cm. Lưỡi xẻng có hình chữ U khá cân xứng. Rìa lưỡi được mài hơi vát. Bên ngoài phủ một lớp patin khá dày màu vàng nhạt. Do bị mất phần trên nên không thể phân loại chiếc xẻng này được.
Đôi điều nhận xét:
Xẻng đá lưu giữ tại Bảo tàng Lạng Sơn tuy không nhiều nhưng khá phong phú về loại hình, kích cỡ, được chế tác bằng kỹ thuật cưa, mài. Chúng có hình dáng cân đối, kiểu dáng đẹp, tinh xảo thể hiện trình độ gia công chế tác đá phát triển rất cao. Trong số sáu chiếc xẻng trên đây không có xẻng loại I, có ba chiếc xẻng loại II, hai chiếc loại III, một chiếc không phân loại được. Cơ bản đều có sự thống nhất ở chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật chế tác. Địa điểm phát hiện xẻng đá thuộc các huyện ở phía Bắc của tỉnh hoặc gần sông Kỳ Cùng – trùng với địa bàn phân bố của Văn hóa Mai Pha của Lạng Sơn. Những chiếc xẻng đá có nguồn gốc vùng Quảng Tây phát hiện tại Lạng Sơn là bằng chứng về sự giao lưu văn hóa giữa cư dân cổ vùng Đông Bắc Việt Nam với vùng cực Nam Trung Quốc giai đoạn Hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 4000 – 5000 năm. PGS. Ts. Trình Năng Chung (Viện khảo cổ học) cho rằng con đường giao lưu đó chính là theo đường sông Kỳ Cùng(2) - Một con sông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua địa phận Lạng Sơn và lại đổ về Trung Quốc. Đây là những di vật rất có giá trị bổ xung vào sưu tập xẻng đá đã phát hiện ở ViệtNam, đồng thời là tư liệu quý để nghiên cứu làm sáng tỏ lịch sử Lạng Sơn thời kỳ tiền sử./.
- Tài liệu dẫn:
(1) Về chiếc xẻng đá ở Lộc Bình (Lạng Sơn) – NPHMVKCH năm 1994. Hoàng Xuân Chinh, Vũ Thế Long, Trần Đình Nhân.
(2) Văn hóa xẻng đá lớn ở Quảng Tây Trung Quốc và mối quan hệ với với Bắc Việt Nam. Trình Năng Chung. Tạp chí Khảo cổ học số 2. trang 85 - 92
Chu Quế Ngân