Thứ sáu, 28 Tháng 7 2017 09:35

NHỮNG KỶ VẬT ĐẶC BIỆT LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG

 

   Trong số hàng trăm hiện vật về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn có những hiện vật luôn gây được sự quan tâm và xúc động đối với khách tham quan khi đến với Bảo tàng. Đó là nhật ký chiến trường do chính các chiến sỹ viết ngay tại mặt trận khi đang chiến đấu với quân thù. Tập nhật ký gồm 4 quyển của liệt sỹ Phạm Quang Sơn là một trong số những hiện vật tiêu biểu đó.

   Liệt sĩ Phạm Quang Sơn sinh năm 1952 tại thị xã Lạng Sơn trong một gia đình nông dân. Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với hàng triệu thanh niên Việt Nam anh đã hăng hái cầm súng lên đường vàoNamchiến đấu. Thời kỳ ở chiến trường (1968 – 1972), anh được phân vào đơn vị công trường 671 - mặt trận B5, hòm thư 270 – 833 – TB02 thuộc tỉnh Quảng Trị. Ngày 7/12/1972, trong một trận chiến đấu anh đã anh dũng hy sinh. Sau đó, đơn vị đã cử người đến gia đình anh ở phường Đông Kinh, Thành phố Lạng Sơn trao lại một số tư trang, kỷ vật. Trong số đó có 04 quyển nhật ký do anh viết ở chiến trường. Suốt 40 năm qua, bà Phạm Kim Liên - em gái của liệt sỹ đã nâng niu, giữ gìn những kỷ vật của anh trai mình như những báu vật. Ngày 21/5/2015, bà Liên đã trao tặng lại 4 quyển nhật ký của liệt sỹ Phạm Quang Sơn cho Bảo tàng lưu giữ và trưng bày. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ ( 27/7/1947 - 27/7/2017) Bảo tàng Lạng Sơn đã tiến hành trưng bày bổ sung 04 quyển nhật ký cùng 30 hiện vật tiêu biểu của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc.

IMG 9843

Nhật ký của liệt sỹ Phạm Quang Sơn ghi chép lại trong quá trình công tác và chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ năm 1968 – 1972.

Sổ nhật ký của liệt sỹ Phạm Quang Sơn có khổ nhỏ, ruột bằng giấy pơ –luya mỏng, chữ viết tay bằng bút mực. Đọc những dòng nhật ký của liệt sỹ, mỗi chúng ta như được xem những thước phim sống động, chân thực và vô cùng xúc động về những tháng ngày sống, chiến đấu của người lính ở chiến trường. Nhìn vào thời gian ghi trên mỗi trang nhật ký, có thể thấy mặc dù ở chiến trường bộn bề khó khăn gian khổ, vô cùng khốc liệt, chiến sỹ Phạm Quang Sơn vẫn hàng ngày ghi chép nhật ký rất đều đặn. Dường như, đi tới đâu anh cũng cẩn thận chép lại sự việc, những suy nghĩ của mình vào cuốn sổ nhỏ như một cách để lưu giữ ký ức. Cuốn nhật ký giống như một khoảng trời riêng, một người bạn thân thiết, nơi lắng đọng những tâm tư, tình cảm của người lính những năm tháng xa nhà đi chiến đấu. Cũng chẳng phải là những gì quá to tát, đôi khi chỉ là vài dòng ngắn gọn về cảm xúc khi nỗi nhớ nhà chợt đến, lúc đứng trên đỉnh đèo cao nhìn núi, nhìn trời hay niềm vui gặp được người quen khi tạm nghỉ giữa đường hành quân, thậm chí chỉ là một cơn mưa xối xả khi đứng gác… Tất cả đều được người chiến sỹ ấy trải lòng trên trang giấy trắng.IMG 9844

Những nét chữ còn được lưu giữ mãi của liệt sĩ Phạm Quang Sơn

Chiến tranh dù khốc liệt đến đâu cũng không khuất phục được tâm hồn và ý chí nghị lực của người lính. Đọc những dòng tâm sự của anh gửi về cho gia đình chúng ta thấy người lính ấy luôn kiên định với lý tưởng sống cao đẹp, đồng thời lạc quan và tin tưởng vào thắng lợi của dân tộc, được trở về xum họp với gia đình. Ngày 15/02/1972 (mùng 1 tết) anh viết: “ Thêm xuân nữa con không về thăm bố mẹ, năm nay tết đơn vị tổ chức nhiệt tình và chu đáo, bánh chưng kẹo mứt nhiều vô kể, vậy mà vẫn thấy thiếu thốn bữa cơm têt mẹ nấu cả nhà vui trong cuộc sống an lành… nhưng thôi với ý chí và nghị lực của người lính con sẽ cố gắng đợi ngày đất nước thống nhất để trở về với gia đình”.

Ngày 25/7/1972 anh viết: “Tối nay pháo sáng thả đầy trời và liên tục từ chập tối đến giờ (9h kém) chưa bao giờ mình thấy pháo sáng thả dày đặc và lâu vậy, rồi bom đạn những tên cướp trời trút xuống bom phá cũng nhiều, bom bi cũng lắm, sau trời có những người còn bắn để lấy dù còn đi nhặt dù rơi họ cũng nghịch! thật nhiều và căm uất đến cổ. Đất nước của ta, bầu trời của ta đêm của những đêm trăng đẹp. Cảnh trời bao la tuyệt vời háo hức thế mà những tên cướp trời cứ hoành hành nhào lộn trên đầu ta”.

Cuốn nhật ký sờn góc đã cũ nát theo năm tháng. Những dòng chữ tuy đã nhạt nhòa nét mực theo thời gian nhưng vẫn có thể đọc được. Dòng nhật ký ngày 14/8/1972 có đoạn: “ Đêm 13, rạng ngày 14 tháng 8 tại đây lại bị một trận phủ đầu lần nữa, máy bay địch đánh phá liên tục, sau những loạt bom dữ dội và những loạt tọa độ bom bi khủng khiếp, lại hụt chết lần nữa. Ôi! Sao mà ác liệt, hãy nhớ lấy mối thù oán hờn, tội ác của giặc Mỹ. Chúng đã cướp máu của đồng đội ta, tôi đau đớn và thương tiếc, lòng quặn đau như cắt”. Những trang nhật ký cuối cùng đã dừng lại và ngày 7/12/1972, anh đã mãi ra đi để lại lời hẹn ước trở về cho những người thân yêu nơi quê nhà.

Đọc những trang nhật ký chiến trường của liệt sỹ Phạm Quang Sơn chúng ta đã hiểu thêm về cuộc sống chiến đấu, lý tưởng cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam “Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước” năm xưa, về những năm tháng chiến đấu chống Mỹ vô cùng anh dũng và hào hùng của dân tộc. Chúng ta càng thấm thía hơn những mất mát, hy sinh của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Đó mãi là động lực, nguồn cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ công dân ViệtNam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước hôm nay ./.

                                                              Lương Thúy Hồng

                                                                     

 

Last modified on Thứ sáu, 28 Tháng 7 2017 09:49

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 3

Tất cả 2857444

Videos

Liên kết website