Ông ngoại làm bàn thờ mụ cho cháu
Người Nùng Cháo sau khi sinh đứa trẻ được 3 ngày phải làm lễ cúng tổ tiên, báo cho gia tiên biết gia đình có thêm thành viên mới, tạ ơn bà mụ và cầu an cho đứa trẻ lớn khôn khỏe mạnh. Nếu đứa trẻ là cháu đầu lòng, chưa làm lễ ‘‘Lẩu mưng’’- đặt bàn thờ khi mang thai 7 tháng, thì trong lễ Sam-nơ, bên ngoại (các cô, dì, chú, bác) mang theo xôi, gà, lợn quay kèm theo bàn mụ, cây hoa cắm và một chiếc nôi đan bằng tre sang bên nhà nội để làm lễ cho cháu.
Bàn thờ mụ được đặt bên cạnh bàn thờ gia tiên.
Bàn thờ Mụ (bàn Hoa) do ông ngoại làm cho cháu, được đan bằng tre (hoặc nứa) hình vuông, rộng khoảng 40cm. Trên bàn mụ có một ống hương cũng bằng tre để cắm bông hoa bằng vải hoặc bằng giấy (do nhà ngoại chuẩn bị và mang đến). Bông hoa này tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành, để chúc phúc cho đứa trẻ, họ ước mong đứa trẻ lúc nào cũng được tươi như hoa, khỏe khoắn, sau này dựng vợ gả chồng sẽ sớm ‘‘đơm hoa kết trái’’ có con đầu lòng.
Trên đường mang lễ vật sang nhà nội, ông ngoại tuyệt đối không được nói chuyện với bất cứ ai, kể cả khi gặp người quen thân trên đường, ai hỏi gì cũng không được nói bất cứ câu gì, cứ lẳng lặng mà đi thẳng đến nhà nội. Khi đến nơi, ông ngoại đi thẳng vào chỗ đặt bàn thờ mụ, treo bàn mụ lên chỗ đã được nhà nội chuẩn bị sẵn, rồi bắt đầu bày lễ ra cúng. Nếu nói chuyện với người đi đường thì ma quỷ sẽ biết hôm nay làm lễ cúng mụ cho đứa trẻ, ma quỷ sẽ đi theo ông ngoại về đến nhà nội để làm hại đứa trẻ, sẽ làm cháu quấy khóc và gặp điều không may mắn. Cho nên, người dân khi thấy ai cầm nôi và bàn mụ, khi gặp mà không chào hỏi, thì họ biết ngay là gia đình đó đang đi làm lễ cúng mụ cho con cháu.
Bố mẹ đứa trẻ phải ăn hết con gà cúng mụ
Khi chuẩn bị mâm lễ cúng mụ, nếu là cháu trai thì chuẩn bị gà trống, nếu là cháu gái thì chuẩn bị gà mái mang đến. Ngoài ra, nhà ngoại chuẩn bị hai bát xôi thật đầy, tượng trưng cho hai bầu sữa mẹ để bà đẻ có nhiều sữa, hai bát xôi này chỉ dành cho bà đẻ ăn sau khi cúng. Ðặc biệt, có những gia đình còn làm món canh gà nấu gừng nghệ cho vào ống tre (hoặc chai), sau khi cúng thì lấy xuống rót vào chén rượu cho mỗi người uống một chút để mừng cho cháu ra đời khỏe mạnh. Con gà để cúng mụ thì chỉ có bố mẹ đứa trẻ được ăn và phải ăn hết, những người khác không được ăn con gà này. Nếu ăn không hết thì đổ đi chứ tuyệt đối không cho người khác ăn. Theo lý giải của đồng bào, đó là do bà mụ đã làm phép vào con gà, bố mẹ phải ăn hết con gà đó thì hồn vía đứa trẻ mới hòa nhập được cùng với hồn vía bố mẹ, đứa trẻ sớm quen hơi và gần gũi bố mẹ đẻ hơn.
Ông bà ngoại thường là người chuẩn bị mâm lễ cúng mụ cho cháu
Trong ngày cúng mụ, nếu có điều kiện, gia đình có thể mời bà Then, thầy Mo đến cúng cầu cho con cháu mình được bình an, khỏe mạnh. Khi bà Then cúng xong, bà ngoại tắm rửa cho em bé, nói một câu chúc tốt đẹp, mong cháu hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh thông minh và may mắn. Cũng có nhà khi cúng xong ông ngoại vào buồng cháu nằm ngủ một giấc, với dụng ý là để cho cháu bé dễ ăn dễ ngủ, chóng lớn và ngoan ngoãn. Lễ cúng mụ có thể được tổ chức trong một đến hai ngày, làng xóm bạn bè họ hàng đến ăn uống chúc mừng cho đứa trẻ. Quà mừng cho đứa bé thường là gạo, tiền, tấm vải hay quần áo để đứa trẻ lấy lộc.
Ở xã Xuân Mai, mỗi gia đình người Nùng Cháo thường có hai bàn thờ mụ của hai thế hệ khác nhau (ông bà và cha mẹ). Bàn thờ mụ thường được đặt và treo ở vị trí cửa phòng ngủ của đôi vợ chồng hoặc đặt bên cạnh bàn thờ gia tiên của gia đình. Chiếc bàn thờ Mụ to là của người con trai trưởng trong gia đình, được lập khi ông bà sinh ra cậu con trai trưởng. Sau này người con trai này cưới vợ và sinh con đầu lòng thì cũng lập một bàn mụ nhỏ hơn đặt bên cạnh.
Lễ Sam-nơ của người con thứ được tổ chức đơn giản hơn con đầu lòng. Lễ vật cúng cũng như vậy, nhưng ông ngoại và nhà ngoại sẽ không phải mang bàn mụ như đứa cháu đầu lòng mà chỉ làm thêm một cành hoa nữa đặt bên cạnh cùng với cành hoa của người con sinh trước. Người đặt lễ lên khấn vái tổ tiên, báo cáo gia đình có thêm một thành viên mới nữa và cầu xin tổ tiên và bà Mụ phù hộ cho cháu được những điều tốt đẹp như hay ăn chóng lớn, mạnh khỏe, thông minh, học giỏi. Gia đình hai bên và họ hàng, làng xóm cũng có thể đến nhà thăm hỏi, trao quà và chúc phúc bình an cho cháu bé.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, người Nùng nói chung và người Nùng Cháo ở tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã xác lập cho mình một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội khá rõ nét, đồng thời lưu giữ được nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc cho đến ngày nay, lễ Sam-nơ là một trong những nét văn hóa đó.
Nguồn: langvietonline.vn