Thứ năm, 20 Tháng 10 2016 01:06

Người con xứ Lạng với Thủ đô Hà Nội

   Là một người con của dân tộc Tày, sinh tại bản Phạc Lạn, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có một thời gian dài sống, làm việc và rồi hi sinh trên mảnh đất Thủ đô Hà Nội. Trong 6 năm ấy (1939 - 1944), người Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ trẻ tuổi đã có những cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam.

    Mùa thu năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được đồng chí Lê Hồng Phong giao nhiệm vụ về Hà Nội để truyền đạt chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít ở Đông Dương cho Xứ ủy Bắc Kỳ. Những cơ sở đầu tiên đón tiếp và che giấu đồng chí tại Thủ đô là: Cửa hàng câu đối, trướng Tùng Lâm, số 11 phố Hàng Giấy; Hiệu cắt tóc Nguyễn Bá Song, số 1 phố Hàng Mành. Sau đó, đồng chí được cử ra Hòn Gai, Uông Bí để củng cố cơ sở Đảng. Năm 1939, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, Đảng Cộng sản Đông Dương chuẩn bị rút vào hoạt động bí mật, đồng chí Hoàng Văn Thụ lại được Trung ương Đảng điều về Hà Nội.

   Ngày 8/9/1939, Hội nghị Xứ uỷ mở rộng họp tại Vạn Phúc (Hà Nội), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ và còn được giao trực tiếp phụ trách Thành ủy Hà Nội. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật ở nhiều nơi, đồng chí tranh thủ thời cơ gần gũi quần chúng để xây dựng cơ sở, hướng dẫn cán bộ công tác hoạt động bí mật, đồng chí luôn nhắc nhở mọi người: “Trong hoàn cảnh công tác bí mật, quân thù còn mạnh và đông gấp bội, một vài khẩu súng thì có nghĩa lý gì? Cốt nhất là đồng bào quần chúng bảo vệ mình”.

 1

Di tích Đình làng Vạn Phúc, Hà Nội, thời kỳ 1939 - 1945

   Trong những năm 1939 - 1943, các cơ sở như: Số 1 phố Hàng Mành, số 11 phố Hàng Giấy, số 41 phố Bùi Thị Xuân, số 22 Chợ Hôm, số 62 phố Yên Phụ, hay làng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Phúc, La Khê, La Cả, Phú Thượng, Thượng Cát… thuộc địa bàn Hà Nội là nơi che chở, nuôi giấu đồng chí hoặc nơi đồng chí thường lui tới làm việc. 

   Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn quan tâm, căn dặn các đồng chí trong Xứ ủy: “Bất kể tình huống nào, cũng phải đặc biệt chú ý đến Hà Nội”. Trong thời gian này, Ban lãnh đạo Đảng bộ Thành phố liên tiếp bị địch phá vỡ, các đồng chí lãnh đạo lần lượt bị bắt giam. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo việc khôi phục lại cơ quan Thành ủy, giữ vững những cơ sở còn lại và củng cố các tổ chức quần chúng tại Hà Nội.

   Trước bản án khắc nghiệt của chính quyền thực dân, người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Hoàng Văn Thụ đã biến phiên tòa xét xử mình thành nơi tuyên truyền cách mạng, bảo vệ khí tiết và lý tưởng. 

2

   Một tổn thất lớn đã xảy ra đối với sự phát triển của cách mạng nước nhà: đó là vào tháng 8/1943, trên đường đi dự hội nghị binh vận tại ngõ Năm Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội), đồng chí đã bị mật thám Pháp phục kích bắt đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

   Kẻ địch đã tập trung những tên mật thám khét tiếng gian ác, áp dụng những thủ đoạn mà chúng cho là hiệu quả nhất, từ dụ dỗ đến đánh đập tàn nhẫn nhưng cũng không đem lại kết quả. Giữ vững niềm tin son sắt với cách mạng, đồng chí kiên quyết không cung khai. Một lần bị đánh ngất đi, khi tỉnh dậy, cơ thể đẫm máu nhưng đồng chí vẫn ôn tồn tuyên truyền cách mạng để thức tỉnh những kẻ lầm đường, lạc lối làm tay sai cho giặc.

   Đối với đồng chí khác bị bắt cùng thời gian, đồng chí thường động viên: “Có đau cố gắng chịu đừng quên Tổ quốc và Đảng”. Trước sự anh dũng, quả cảm và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và Đảng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, các đồng chí khác hết sức khâm phục. Qua hơn 5 tháng tra khảo, bọn mật thám buộc phải để hồ sơ trắng kèm những lời khai của vài tên phản bội. 

   Ngày 21/12/1943, thực dân Pháp mở phiên tòa quân sự đặc biệt để xét xử đồng chí. Nhưng phiên tòa hôm ấy đã trở thành nơi đồng chí tuyên truyền cách mạng, bảo vệ khí tiết và lý tưởng.

3 

Tòa Đại hình (nay là trụ sở của Tòa án nhân dân tối cao, số 48, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội), nơi thực dân Pháp xét xử các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam

   Trước vành móng ngựa, bằng một giọng hùng hồn, đanh thép, đồng chí lên án chính sách cai trị  tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam. Đồng chí nêu rõ chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, kêu gọi những người Pháp dân chủ cùng Đảng Cộng sản Đông Dương lập mặt trận chống phát xít Nhật, Pháp…

   Khi tên chưởng lý đứng lên buộc tội, mặc dù nắm khá đầy đủ hoạt động của đồng chí, những hắn phải kết luận: “Căn cứ vào hồ sơ của Hoàng Văn Thụ thì không thể lấy điều luật nào để kết án nặng nhất Hoàng Văn Thụ, ngay cả khổ sai chung thân…”.

   Nhưng theo tên Chánh mật thám Trung ương: “Hoàng Văn Thụ là một lãnh tụ cách mạng rất nguy hiểm. Trong gần hai mươi năm qua, hắn đã hành động chống lại nhà nước bảo hộ và gây ra biết bao cuộc phiến loạn. Nếu Hoàng Văn Thụ còn sống thì các nhà cầm quyền Pháp không thể ngồi yên ở đây và những người Pháp ở Đông Dương sẽ bị giết chết…”.

   Cuối cùng, tòa tuyên án tử hình đồng chí. Bản án vừa đọc xong, tiếng hô “Đả đảo thực dân Pháp!” vang lên.

 “Không nên bỏ phí những năm tháng ở tù, phải luôn trau dồi chí khí cách mạng và kiến thức lý luận để chỉ nay mai thôi, một khi được tháo cũi sổ lồng, các cậu sẽ hoạt động thay mình…”, đó là lời căn dặn của đồng chí Hoàng Văn Thụ giành cho đồng đội của mình.

4

    Vừa bước chân vào Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã mang đến một không khí phấn chấn cho anh em tù nhân. Đồng chí cho biết tình hình thế giới có nhiều biến chuyển thuận lợi. Liên Xô bắt đầu phản công phát xít Đức. Phe Đồng Minh có thể mở Mặt trận mới ở châu Á. Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã thành lập Mặt trận Việt Minh. Đội du kích Bắc Sơn giờ đây đã trở thành Cứu quốc quân, đang hăng hái phát triển lực lượng tiến lên chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Phong trào quần chúng phát triển hơn trước rất nhiều.

5

Khu xà lim tử hình - Nhà tù Hỏa Lò

   Những ngày ở xà lim tử hình Nhà tù Hoả Lò, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã truyền lại những kinh nghiệm đấu tranh, những chính sách mới của Đảng, những lý luận và đạo đức cách mạng cho nhiều đồng chí khác. Đồng chí mở rộng cuộc tranh luận với các thủ lĩnh của đảng Đại Việt, giúp họ thấy chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Pháp - Nhật do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Đồng chí còn tranh thủ cảm hoá giám ngục, lính gác, nhiều người tù rất kính phục đồng chí. Đồng chí nào có những suy nghĩ lệch lạc, đồng chí ân cần chỉ bảo, làm cho họ thấy rõ hơn âm mưu của đế quốc và sự tất thắng của cách mạng. Quà bánh ở bên ngoài gửi vào, đồng chí dành cho anh em phần nhiều và khuyên mọi người nên ăn để có sức chiến đấu. Đồng chí Trần Đăng Ninh kể lại nguyên văn lời anh Thụ: “Tôi ăn vào chỉ tốt cho mấy gốc cây”.

 6

Đồng chí Hoàng Văn Thụ  bị thực dân Pháp giải từ Nhà tù Hỏa Lò 

ra pháp trường, ngày 24/5/1944

  Sáng sớm ngày 24/5/1944, thực dân Pháp đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ ra trường bắn. Đồng chí hiên ngang đi giữa hai hàng lính lê dương, cặp mắt ngời sáng trên khuôn mặt bình thản. Anh em tử tù xung quanh biết địch đưa đồng chí đi xử bắn, đau đớn, căm phẫn, những tiếng thét vang lên:

-         Phản đối án tử hình!

-         Tinh thần đồng chí Hoàng Văn Thụ bất tử!

-         Tất cả các buồng giam khác đều hô theo.

-         Đồng chí Hoàng Văn Thụ đáp lại: 

-         Việt Nam độc lập muôn năm!

-         Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

-         Chào các anh ở lại!

   Tại pháp trường, khi được hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”, đồng chí bình tĩnh trả lời: “Không nói gì nữa. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.

   Đồng chí không cho kẻ địch bịt mắt, hai loạt súng không át nổi tiếng đồng chí hô vang:

-         Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

-         Việt Nam độc lập muôn năm!

Ngày hôm ấy, toàn thể tù nhân Nhà tù Hoả Lò tuyệt thực để tưởng nhớ đồng chí Hoàng Văn Thụ, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 

    Trong thời gian đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò, nhiều kế hoạch giải thoát được lập ra nhưng không có cơ hội thực hiện.

Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ đã bàn việc cứu đồng chí bằng cách bố trí một "cơ quan" ở Bắc Giang rồi bắn tin cho mật thám Hà Nội biết. Nếu chúng dẫn đồng chí Hoàng Văn Thụ về đây thì đội du kích cảm tử sẽ xông ra cứu. Nhưng bọn  mật thám giữ chặt đồng chí trong xà lim Hỏa Lò.

 xa lim

Xà lim số 2, Nhà tù Hỏa Lò - nơi giam đồng chí Hoàng Văn Thụ (1943 - 24/5/1944)

     Được tin sáng 24/5/1944, thực dân Pháp sẽ đưa đồng chí đi bắn, lập tức một kế hoạch táo bạo cướp tù được tổ chức, nhằm đánh tháo cho đồng chí chạy thoát ngay trên đường ra pháp trường. Kế hoạch được báo cáo lên trên và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đều nhất trí tán thành. 

     Theo kế hoạch đã định, khi xe chở tù của nhà giam Hỏa Lò qua ngã tư Trung Hiền rẽ xuống trường bắn Tương Mai thì một người sẽ giả vờ ngã xe đạp cản ô tô dừng lại, một số đồng chí có nhiệm vụ xông tới khống chế bọn lính canh trên ô tô, đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ xuống. Buổi sáng hôm ấy, khi tới gần khu vực chợ Mơ, người họp chợ tràn cả ra vỉa hè, dưới lòng đường thì tàu điện, xe bò, xe đạp qua lại rất đông. Con phố Đại La, Bạch Mai hẹp, nhiều ngõ ngách, phía sau là làng xóm với nhiều đầm ao, mồ mả. Chỉ cần dìu được đồng chí Hoàng Văn Thụ vào một ngõ nhỏ là thoát! Nhưng ở trên xe, đồng chí Hoàng Văn Thụ lắc đầu ra hiệu không nên hành động lúc này. Vì bọn mật thám không chỉ khóa tay mà còn xích chân đồng chí vào sàn ô tô. Đồng chí không muốn vì mình mà thêm nhiều đồng đội khác phải hi sinh.

    Chị Lê Thị Thanh còn có tên là An, một nữ đồng chí gan dạ, mưu lược, chỉ huy trực tiếp cuộc giải thoát hôm ấy đành nuốt hận nhìn chiếc ô tô màu đen bịt kín phía sau chở đồng đội của mình chầm chậm chạy qua trước mặt. Nhưng các anh, các chị lại chớp nhoáng hội ý, nảy ra ý kiến táo bạo mới: Cứu anh Hoàng Văn Thụ ngay tại cổng trường bắn, khi chúng vừa tháo xích đưa anh từ ô tô xuống. Những người có nhiệm vụ đã nhanh chóng tới địa điểm quy định, chen lẫn trong đám đông dân chúng đứng chật bên đường để ''xem bắn'' (Địch có thông báo cho một số người vào chứng kiến nhằm khủng bố tinh thần nhân dân). Nhưng xe ô tô chở đồng chí Hoàng Văn Thụ chạy thẳng vào trường bắn, bọn lính gác ngăn không cho người vào theo. Một lần nữa, ý định giải thoát cho đồng chí lại không thành.

    Chị Thanh cho biết thêm: Cũng trong kế hoạch dự kiến hôm đó, mọi người đã chuẩn bị một phương án chu đáo nhằm bảo vệ thi hài đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ông X. một quần chúng tốt, nhà ở gần ô Cầu Dền đã đưa tiền cho những tên lính để ông được làm thay phần việc chôn cất đồng chí Hoàng Văn Thụ. Cái huyệt lấp đầy, nhưng thi hài đồng chí đã được đưa tới bãi rác Ô Cầu Dền (nay thuộc đê Tô Hoàng, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nơi chôn những người tù chết trong nhà giam Hỏa Lò).

  Thi hài đồng chí được che đậy, giữ gìn cẩn thận rồi bí mật chuyển đi chôn ở Thanh Xuân trong đêm, đây là một nghĩa địa nhân dân nằm bên đường Hà Nội - Hà Đông.

 8

Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cắt băng khánh thành Nhà bia tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 24/5/1994

    Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), phần mộ của đồng chí Hoàng Văn Thụ được đưa về nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ở Tương Mai, nơi đồng chí hy sinh cũng có một nấm mộ và khu tưởng niệm người con của xứ Lạng đã dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. 

    Bài thơ Nhắn bạn, đồng chí Hoàng Văn Thụ sáng tác trong Nhà tù Hỏa Lò với những vần thơ sáng ngời ánh thép mãi ngân vang đến tận hôm nay:

“Việc nước xưa nay có bại, thành,

Miễn sao giữ trọn được thanh danh.

Phục thù chí lớn không hề nản.

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm,

Chí còn theo dõi buổi tung hoành.

Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu

Trước sau xin giữ tấm lòng thành”.

 

 

                                                                     Nguồn : Hoalo.vn

Last modified on Thứ năm, 20 Tháng 10 2016 01:22

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 1

Tất cả 2858854

Videos

Liên kết website