Thứ tư, 06 Tháng 7 2016 08:21

Sưu tập hiện vật về khu du kích Chi Lăng

Trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), thực hiện đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” do Đảng ta lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Lộc Bình đã có những đóng góp quan trọng cùng với quân và dân tỉnh Lạng Sơn lập nên những chiến công vang dội trên mặt trận đường số 4, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn năm 1950. Đóng góp quan trọng nhất của Đảng bộ quân và dân các dân tộc huyện Lộc Bình trong cuộc kháng chiến chống Pháp là đã xây dựng  được Khu căn cứ du kích Chi Lăng. Đây là một căn cứ kháng chiến vững chắc đã lập được nhiều thành tích vẻ vang, góp phần làm tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang của tấn công tiêu diệt địch trên tuyến mặt trận đường số 4 từ Lộc Bình tới Tiên Yên ( tỉnh Hải Ninh). Hoạt động đầy hiệu quả của Khu du kích Chi Lăng đã thể hiện được một khu du kích kiểu mẫu, một hậu cứ, một địa bàn chiến lược vừa tiến công vừa phòng thủ, xây dựng và bảo toàn lực lượng cho tiến hành kháng chiến lâu dài và khẳng định tính đúng đắn đường lối chiến tranh nhân dân ”Toàn dân, toàn diện” của Đảng ta.

          Khu căn cứ du kích Chi Lăng được xây dựng trên địa bàn ba xã: Tĩnh Gia, Tam Lộng, Tú Mịch. Nơi đây có địa thế hiểm trở, núi rừng bao bọc, có sông chảy qua ngăn cách rất thuận lợi về chiến thuật quân sự. Địa bàn này rất an toàn để cất giữ lương thực, sơ tán nhân dân và thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất tại chỗ kịp thời phục vụ chiến đấu lâu dài. Nhân dân các dân tộc ở đây vốn có truyền thống yêu nước, không khuất phục trước kẻ thù, tích cực tham gia ủng hộ kháng chiến. Đây chính là hậu thuẫn vững chắc về mọi mặt cho quá trình hoạt động của khu du kích.

          Tháng 12- 1947, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến huyện Lộc Bình đã huy động lực lượng vũ trang và sự đóng góp mọi mặt của nhân dân các xã trong huyện để xây dựng căn cứ. Nhân dân hăng hái tham gia đào hào, đắp luỹ, xây dựng các pháo đài, hầm ngầm... Chỉ sau một thời gian ngắn trận địa chiến đấu đã xây dựng xong. Khu căn cứ du kích Chi Lăng thành lập được một đội du kích có trang bị vũ khí đầy đủ, thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Khu căn cứ du kích này được Đảng bộ, quân và dân Lộc Bình thống nhất đặt tên gọi “Khu du kích Chi Lăng” với ý nghĩa phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

          Qua 3 năm xây dựng, củng cố và hoạt động (tháng 2-1947 đến tháng 2 - 1950) dưới sự lãnh đạo của Huyện Uỷ, Uỷ ban kháng chiến huyện Lộc Bình, quân và dân khu du kích Chi Lăng đã chiến đấu ngoan cường lập nên những chiến công vang dội: Đánh bại 36 cuộc tấn công lớn nhỏ của quân Pháp vào căn cứ, chủ động tấn công đánh địch ở các đồn bố, làng tề của chúng; tiêu diệt hàng trăm tên địch và làm bị thương hàng trăm tên khác, góp phần làm suy yếu lực lượng của chúng. Hoạt động của Khu du kích Chi Lăng đã tạo hậu thuẫn tích cực cho lực lượng vũ trang của ta tấn công uy hiếp và làm chủ nhiều vị trí quan trọng trên đường số 4, đồng thời góp phần mở rộng xây dựng căn cứ du kích trên toàn huyện và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của Khu du kích Ba Sơn ( huyện Cao Lộc), Khu du kích Nà Thuộc (huyện Đình Lập). Khu du kích Chi Lăng còn là một trong những địa bàn quan trọng  góp phần  vào việc củng cố, phát triển phong trào kháng chiến của tỉnh Hải Ninh. Những chiến công oanh liệt của quân và dân khu căn cứ du kích Chi Lăng đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, thúc đẩy phong trào "Thi đua giết giặc lập công" của quân và dân ta trên mặt trận đường số 4, xứng đáng với danh hiệu “Lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công...”. Với những thành tích xuất sắc đó, cuối năm 1948 Khu du kích Chi Lăng đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.

          Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc nhưng tinh thần anh dũng kiên cường, vượt mọi khó khăn gian khổ, không ngại hy sinh, chiến đấu quết liệt với quân thù lập nên những chiến công hiển hách của quân và dân Khu du kích Chi Lăng vẫn còn lưu mãi tới các thế hệ mai sau thông qua các hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn:

          Vũ khí của các chiến sĩ du kích Chi Lăng đã sử dụng trong chiến đấu:

Khẩu súng trường, (số ĐK: BTLS: 755) của ông Nông Nguyên Trung (du kích  xã Tĩnh Gia, huyện Lộc Bình )và khẩu súng Joóp 5 (số ĐK:BTLS: 847) của ông Hoàng Tiên - du kích Chi Lăng (Bản Quyêng, xã Tĩnh Gia - Lộc Bình)... Các ông đã sử dụng những  khẩu súng này  tham gia nhiều  trận đánh tại Khu căn cứ du kích Chi Lăng. Trong những ngày đầu Khu du kích Chi Lăng mới được thành lập còn nhiều thiếu thốn về mọi mặt, với tinh thần yêu nước quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, nhân dân đã tự nguyện đóng góp lương thực vũ khí đạn dược cho khu du kích. Các ông Nông Nguyên Trung, Hoàng Tiên đã tự mua súng, đạn để trang bị vũ khí đánh giặc. Với những khẩu súng này, các ông đã sát cánh cùng các chiến sĩ du kích và nhân dân Khu căn cứ Chi Lăng đánh bại hết đợt tấn công này đến trận càn quét khác của quân Pháp buộc chúng phải tháo chạy nhục nhã khỏi Khu căn cứ.

          Khu căn cứ Du kích Chi Lăng tồn tại và phát triển trước sự uy hiếp của kẻ thù là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ huyện Lộc Bình. Đảng bộ đã biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối của Đảng về tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát triển chiến tranh du kích, huy động sự đóng góp sức người sức của trong nhân dân để xây dựng khu du kích vững mạnh. Sự huy động, đóng góp đó được thể hiện qua các tài liệu hiện vật giấy. Đó là các Thông tri (số ĐK: BTLS: 589/1-2) của Uỷ ban kháng chiến xã Tú Mịch ra ngày 16/3 và 11/4/1947, Thông tri (số ĐK:BTLS: 590) của Uỷ ban hành chính xã Tĩnh Gia ra ngày 26/8/1948 và ngày 5/6/1949 về việc huy động gạo cho Khu du kích Chi Lăng. Giấy biên nhận gạo (số ĐK: BTLS: 591/1-4) của bộ đội tại Khu du kích Chi Lăng với đại diện Bản Phải, xã Tú Mịch năm 1947. Sự ủng hộ hết lòng của nhân dân đã góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của Khu du kích Chi Lăng anh hùng.

           Bộ đồ dùng nhà bếp ( số ĐK: 192/a-f) gồm năm chiếc bát, một chiếc đĩa, một chiếc bàn sản, các chiến sĩ du kích đã dùng trong pháo đài ngầm  suốt thời gian bị địch tấn công vây ráp từ năm 1947 - 1950. Trong thời gian này quân và dân Khu du kích Chi Lăng gặp rất nhiều thiếu thốn nhưng họ đã biết khắc phục khó khăn để đánh địch lâu dài. Các chiến sĩ du kích vừa chiến đấu vừa tham gia sản xuất góp phần ổn định đời sống, họ đã tự làm ra các vật dụng như bát, đĩa bằng tre, gỗ. Những đồ dùng này được làm rất đơn giản, từ những đốt tre, mẩu gỗ dưới bàn tay khéo léo các chiến sĩ du kích đã đẽo, gọt, ghép lại tạo nên những chiếc bát, đĩa xinh xắn phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Điều đó thể hiện tinh thần vượt khó của du kích Chi Lăng. Dù thiếu thốn gian khổ đến đâu vẫn sẵn sàng vượt qua để chiến đấu lâu dài với quân giặc

bo do dung 

 Bộ đồ dùng nhà bếp chiến sĩ du kích đã dùng trong pháo đài ngầm  suốt thời gian bị địch tấn công vây ráp từ năm 1947 - 1950

         Thắng lợi của quân dân Khu du kích Chi Lăng được minh chứng bằng những chiến lợi phẩm quân ta thu được: Chiếc mũ ca lô (số ĐK:BTLS:54) của tên quan Hai Pháp Panhge bị chiến sĩ Giai Miễn (du kích Chi Lăng) bắn chết ngày 5/4/1949 trong trận chống càn của quân Pháp vào khu căn cứ. Những chiếc túi đựng đạn (số ĐK:  BTLS: 42 và 51) - quân trang của bọn Pháp bỏ lại khi tháo chạy, quân du kích đã thu được sau những trận tấn công càn quét của giặc Pháp vào căn cứ du kích Chi Lăng (ngày 22/4/1948 và ngày 5/4/1949). Những hiện vật này là bằng chứng ghi dấu sự thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Pháp - một đội quân được trang bị đầy đủ, vũ khí hiện đại nhưng phải chịu thất bại trước một  căn cứ du kích nhỏ bé, lực lượng ít hơn, mặc dù còn nhiều thiếu thốn nhưng có tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đoàn kết một lòng, chủ động linh hoạt với nhiều cách đánh sáng tạo đã chiến thắng quân xâm lược.

mu

Chiếc mũ ca lô của tên quan Hai Pháp Panhge bị chiến sĩ Giai Miễn (du kích Chi Lăng) bắn chết

Sưu tập hiện vật về Khu du kích Chi Lăng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lạng Sơn là minh chứng sinh động về hoạt động đầy hiệu quả trong gian đoạn khó khăn ác liệt của cuộc kháng chiến và những chiến công vang dội của quân và dân khu du kích Chi Lăng. Thông qua hiện vật giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau càng hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù của cha anh chúng ta, qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, góp phần động viên cổ vũ mọi tầng lớp nhân đân tiếp tục đóng góp công sức trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày càng giàu đẹp./.

Dương Thị Bình

Last modified on Thứ tư, 06 Tháng 7 2016 09:05

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 50

Tất cả 2857420

Videos

Liên kết website