Thứ tư, 18 Tháng 5 2016 03:08

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BẢO TÀNG TRONG CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG VÀ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG Ở ĐỊA PHƯƠNG

Bảo tàng là một trong những thiết chế văn hóa có nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị của các sưu tập hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội của tỉnh thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày tuyên truyền. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, Bảo tàng tỉnh là nơi hiện đang lưu giữ 60 sưu tập hiện vật về lịch sử, lịch sử Các mạng, dân tộc học, khảo cổ học với khoảng 7 vạn đơn vị hiện vật các loại. Đó là những vật chứng chân thực giúp người xem hiểu rõ hơn về những năm tháng đã qua của quê hương, đất nước.

Trong những qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, bảo tàng tỉnh đã có nhiều giải pháp nỗ lực đưa bảo tàng tiếp cận gần hơn với công chúng và làm tốt chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhà trưng bày bảo tàng thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan. Hệ thống trưng bày cố định tại đây giúp các tầng lớp nhân dân hiểu và thêm tự hào về truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Bám sát vào các ngày kỷ niệm lớn của đất nước và của tỉnh, Bảo tàng đã xây dựng các chương trình giáo dục với nội dung, hình thức và quy mô phù hợp với ý nghĩa của sự kiện. Hàng năm tổ chức được từ  3 đến 5 cuộc trưng bày triển lãm. Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4 và Quốc tế lao động 1/5; Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9... bảo tàng đều mở triển lãm chuyên đề tại nhà trưng bày với các chủ đề khác nhau. Bên cạnh đó còn tổ chức một số cuộc triển lãm phục vụ tuyên truyền cho các sự kiện chính trị của đất nước như: đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc...

13219559 903644106411092_22524580_n

Các em học sinh Tiểu học tham quan trưng bày triển lãm "Đảng cộng sản Việt Nam - rực rỡ những trang sử vàng" tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh.

Khách đến tham quan bảo tàng gồm nhiều đối tượng song chủ yếu là các em học sinh. Trong những năm gần đây, nhờ tích cực phối hợp với các trường học, tăng cường quảng bá, giới thiệu chương trình giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng nên đã thu hút ngày càng đông các trường học đưa học sinh đến tham quan. Nhiều trường tiểu học, THCS, PTTH đã lựa chọn tham quan bảo tàng là một trong những hình thức giáo dục truyền thống được ưu tiên hàng đầu cho các em. Đến nay, không chỉ các trường trên địa bàn thành phố mà các huyện như Cao Lộc, Hữu Lũng, Văn Quan, Chi Lăng, Lộc Bình... cũng đã đưa học sinh đến tham quan, học tập.

 Một số cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tổ chức tham quan bảo tàng như một hình thức sinh hoạt chính trị, tư tưởng thiết thực cho cán bộ, đoàn viên. Trung bình mỗi đợt triển lãm như vậy, bảo tàng đón tiếp khoảng 1000 lượt khách tham quan. Riêng tháng lễ hội xuân, lượng khách tăng từ 3 đến 4 lần. Mới đây, trong đợt triển lãm về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp (mở cửa từ 28/4), chỉ sau hơn hai tuần mở cửa đã có 20 đoàn khách tham quan với 1.360 lượt người xem. Qua đó giúp người xem hiểu rõ hơn nội dung, ý nghĩa của các ngày kỷ niệm và sự kiện lịch sử. Góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao trách nhiệm của công dân với quê hương, đất nước.

DSC 0241

Đoàn công an nghĩa vụ công an tỉnh Lạng Sơn đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại nhà trưng bày Bảo tàng

Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, Bảo tàng đã chú trọng từng bước đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền. Bên cạnh việc  thuyết minh trực tiếp đã bổ xung thêm một số hình thức khác như xem phim, nói chuyện chuyên đề; tổ chức giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu sử”... Phù hợp với chương trình giáo dục lịch sử địa phương và phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong trường học, bảo tàng trở thành địa điểm thu hút ngày càng đông học sinh đến sinh hoạt ngoại khóa. Tuy kết quả đạt được còn hạn chế song đó là những chuyển biến tích cực, gợi mở hướng đi đúng trong việc sử dụng bảo tàng, di tích để giáo dục truyền thống, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

IMG 2424

Học sinh trường PTTH Dân tộc nội trú và trường PTTH Việt Bắc tham gia sinh hoạt câu lạc bộ "Em yêu sử" tại nhà trưng bày Bảo tàng. 

Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được - theo ông Nông Xuân Tiến, Phó giám đốc phụ trách bảo tàng tỉnh, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên là đẩy mạnh sưu tầm tài liệu hiện vật để làm cơ sở cho công tác trưng bày tuyên truyền. Bên cạnh đó là tích cực đa dạng hóa các hoạt động Bảo tàng, xây dựng nhiều chương trình giáo dục mới, phong phú hơn đáp ứng nhu cầu của khách tham quan và phù hợp với nội dung giáo dục của trường học, các tổ chức đoàn thể để thu hút khách tham quan đến bảo tàng. Tăng cường phối hợp với các trường học triển khai mô hình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương thông qua các hiện vật Bảo tàng. Từ đó tạo thêm sân chơi bổ ích và lý thú cho các em... Làm được điều đó có nghĩa là bảo tàng đã hoàn thành tốt một phần chức năng nhiệm vụ của mình. Xứng đáng là địa chỉ đỏ của công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa ở địa phương./.

         Bài viết nhân ngày Quốc tế bảo tàng 18/5

                                                                     Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ tư, 18 Tháng 5 2016 07:12

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 1

Tất cả 2857442

Videos

Liên kết website