Thứ sáu, 22 Tháng 4 2016 09:31

Người nghệ nhân lưu giữ hồn then dân tộc

      Do cơ duyên nghề nghiệp, tôi biết bà đã lâu. Năm 2005, được xem bà làm chủ lễ then cấp sắc (lẩu then) tại nhà, tôi vô cùng ngưỡng mộ tài năng hát then, đàn tính của bà. Sau này, để tâm theo dõi, tôi rất vui mừng trước những đóng góp tích cực của bà đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Bà là nghệ nhân Mông Thị Sấm, dân tộc Nùng - trú tại 38A, ngõ 3B, đường Lê Đại Hành, khối 7 phường Vĩnh trại, thành phố Lạng Sơn.

Đến giờ, nhắc đến then Lạng Sơn, những ai am hiểu chút ít về nghệ thuật hát then, đàn tính đều biết tiếng bà và cụ Mỗ Thị Kịt ở Bình Gia. Bởi đây là hai nghệ nhân tài năng tiêu biểu, có tuổi đời cũng như tuổi nghề cao nhất của tỉnh hiện nay. Ngồi bên bà trong ngôi nhà khang trang một ngày cuối năm mưa rét, tôi đã được bà kể cho nghe hành trình gần 60 năm đến với nghệ thuật hát then, đàn tính của mình.

Nghệ nhân Mông Thị Sấm sinh năm 1939 tại Pò Tang, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc – một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, là địa bàn cư trú lâu đời của người Nùng ở vùng ven thành phố. Gia đình bà đã có tám, chín đời làm then. Khi trưởng thành, những thăng trầm của cuộc sống khiến bà đã chọn cho mình một lối rẽ khác không theo nghề gia truyền nữa. Nhưng, dường như là một nghiệp chướng, cuối cùng bà lại bỏ công việc đã chọn để theo nghề làm then - ngẫu nhiên đúng với quan niệm nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề...

Untitled

Nghệ nhân dân gian Mông Thị Sấm

Năm 1957 được coi là mốc quan trọng trong cuộc đời bà – đó là năm bà bắt đầu “tầm sư học đạo” theo “căn, số” của mình. Trên bàn thờ tổ nghề then ở nhà bà, có  bức ảnh chân dung một cụ bà được thờ rất trang trọng ở vị trí trung tâm. Đó chính là cụ Nguyễn Thị Dần, dân tộc Nùng, nhà ở phố Đông Cai (Kỳ Lừa), phường Hoàng Văn Thụ, thị xã Lạng Sơn (nay là TPLS) - người đã dạy bà làm then. Cụ Dần sinh năm 1920 - mất năm 1991 là người làm then nổi tiếng ở Thị xã lúc bấy giờ. Cụ đã dạy nghề cho rất nhiều người. Trong số 11 người được cụ truyền nghề khi đó giờ chỉ còn lại vài người, các bà then khác đã về theo tiên tổ. Như vậy, tính đến nay bà đã có suýt soát 60 năm trong nghề làm then.

Làm then không phải nghề lao động chân tay nhưng lại là một nghề vất vả, đòi hỏi phải khổ luyện mà nếu chỉ có sự đam mê thì chưa đủ. Muốn hành nghề thì bắt buộc phải thuộc các bài hát nghi lễ theo lối truyền khẩu, phải thông thạo quy trình làm lễ, phải có sức khỏe dẻo dai để làm lễ trong một số nghi lễ có thời gian kéo dài và đi đến bất kỳ nơi nào khi được yêu cầu. Ai không có khiếu, không có sức khỏe và lòng kiên trì chắc khó có thể theo được. Bà cho biết, người làm then giỏi là người thông thạo và thực hành được nhiều loại hình nghi lễ. Thực tế cho thấy, trong số những người làm then, có người tuy đã hành nghề nhưng chỉ làm được một số nghi lễ cơ bản như cầu an, giải hạn, mừng sinh nhật, đám cưới, thôi tang... Lại có những người tuy đã làm nghề then, khi tham gia nghi lễ then dưới sự điều khiển của thầy then thì có thể hòa nhịp, hát đồng ca được đối với tất cả các bài then. Nhưng nếu để tự mình thì họ lại không thể hát được như vậy. Vì thế, mới có sự phân biệt trình độ, “đẳng cấp” giữa những người làm then. Khi mới được cấp sắc hành nghề, người làm then được cấp mũ 5 đai (dải tua), chùm xóc nhạc 5 dây ngựa. Sau đó, cứ 3 năm lại được làm lễ cấp sắc một lần, mỗi lần tăng thêm 2 dải tua và 2 dây ngựa - cho đến khi đạt thứ bậc cao nhất là 15 dải tua và 15 dây ngựa. Người đạt thứ bậc cao nhất luôn được cộng đồng kính trọng, nể phục, tín nhiệm mời đi làm lễ. Với bà, từ năm 1991 đã qua nghi lễ cấp sắc cao tột bậc (15 ngựa, 15 dây). Không chỉ thông thạo các nghi lễ then thông thường (như lễ cúng mụ cho trẻ sơ sinh, cầu tự xin hoa, cắt giải đào hoa, cầu an cầu phúc cầu tài, giải hạn, lễ mừng sinh nhật, cầu thăng niên thăng thọ cho người già, lễ khao tổ, lễ chuộc hồn 49 hoặc 100 ngày, mãn tang cho người đã khuất, lễ triệu hồn gọi vía...), bà còn là người nắm giữ, thực hành thông thạo các nghi lễ then cấp sắc, thăng sắc, thăng âm binh, thăng ngựa, đại lễ lẩu then, tu sửa dinh trạm cho người then đã đạt đến cấp cao tuột bậc (15 ngựa, 15 dây)...  Chứng kiến lễ lẩu then do bà làm chủ lễ mới cảm nhận hết được tài năng của bà. Một nghi lễ then cấp sắc gồm rất nhiều chương đoạn, phải tuân thủ đúng tuần tự diễn tả hành trình then đưa đoàn quân binh mang lễ vật lên Thiên đình xin được cấp sắc. Bà thuộc lòng giai điệu bài hát trong từng chương đoạn: dẫn đoàn âm binh đi tàng bốc (đi đường bộ), tàng nặm (đi đường nước), khao binh khao mạ (khao binh, khao ngựa), vào động yêu tinh, săn hươu, săn nai, bắt ve sầu, lượn én, chèo thuyền, qua biển, lên Mè Nàng, xuống địa ngục… Miệng hát tay đàn,  điều hành nhịp nhàng, ăn ý hơn hai chục “con then” hát đồng ca, xóc nhạc, múa chầu đều tăm tắp... Bà dẫn dắt học trò thực hiện các nghi thức: lên của trời bằng thang dao, đi qua than, ngồi ngựa gai; trao sổ trao ấn kiếm cho người làm then... thành thục, chuẩn xác đến từng động tác. Những lễ then của bà luôn thu hút rất đông người đến dự khiến cuộc then trở thành buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa lý thú của cộng đồng. Đến giờ, không thể nhớ chính xác số buổi lễ bà đã làm cho học trò và mọi người. Then tín ngưỡng là điểm tựa tinh thần của con người, giúp họ vượt qua khó khăn, hoạn nạn nên nhiều người đã coi bà là ân nhân của mình. Thật xứng đáng khi tháng 6-2006 bà và cụ Mỗ Thị Kịt được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”.

IMG 7830 - Copy

Bà Sấm trong lễ lẩu khai quang của cháu ngoại Chu Văn Minh

Từ người học làm then, từ năm 1961 bà Sấm bắt đầu truyền nghề cho người khác. Học trò (đệ tử) của bà ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh - vì ngưỡng mộ, phục tài của bà mà theo học. Đến nay, bà đã trực tiếp truyền nghề cho 17 học trò (lục slở - con thớ). Các lục slở lại tiếp tục truyền nghề cho 19 lan slở, lẩn slở (cháu thớ, chắt thớ). Điều thú vị là trong số các học trò đó có Chu Văn Minh – cháu ngoại của bà, người mà bà dành nhiều tâm huyết nhất cho việc dạy bảo, trao truyền. Sinh năm 1990, từ nhỏ, Minh đã theo bà đi làm then ở khắp nơi. Chính bà là người đã giảng giải cho Minh từng nghi thức lễ, luyện cho Minh từng nốt đàn, lời ca. Vì vậy dù rất trẻ nhưng ngón đàn của Minh đã vô cùng điêu luyện, em có thể hát chuẩn xác những làn điệu then cổ vốn ít người biết. Năm 2009, tại Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ III tại Bắc Cạn, cùng bà lên sân khấu trình diễn tiết mục “Co lùng“ (Cây đa), hai bà cháu đã tạo được ấn tượng đặc biệt và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của người xem. Tháng 11 năm nay, Minh đã được bà làm lễ khai quang (mở cửa phủ) - chính thức bước chân vào nghề làm then. Hiện em vẫn luôn đồng hành cùng bà với mong muốn học hỏi được nhiều hơn nữa.

13059346 890092967766206_1969976657_n

Cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tham gia nghiên cứu lễ then

Gần 60 năm làm then, bước chân của bà đã in dấu khắp các nẻo đường quê hương đất nước. Nơi nào có cộng đồng người Tày, người Nùng sinh sống là bà lại đến với họ cùng các nghi lễ then tín ngưỡng đầy cuốn hút, mê hoặc. Gần thì các huyện, thành phố trong tỉnh. Xa là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang... Xa nữa là Nha Trang, Sài Gòn, Lâm Đồng, Đăk Lắk... Uy tín nghề nghiệp của bà đã vượt khỏi phạm vi biên giới. Hoa Kiều ở một số nơi như Thị Bằng Tường, thành phố Nam Ninh, huyện Phù Sí, huyện Long Châu tỉnh Quảng Tây, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) cũng biết tiếng bà. Mỗi khi có nhu cầu, nguyện vọng làm then họ đều mời, đón bà sang tận nơi làm lễ giúp họ.

Từ một người đơn thuần làm then tín ngưỡng, năm 2007 bà đã bước ra ánh đèn sân khấu để trình diễn nghệ thuật hát then, đàn tính. Bà đã tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng: Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Liên hoan hát dân ca khu vực Đông Bắc, Liên hoan hát then, đàn tính... và đã đạt nhiều giải thưởng ở tỉnh, khu vực và toàn quốc. Năm 2009, lần đầu tham gia Liên hoan nghệ thuật hát then đàn tính toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Bắc Kạn, bà đã đạt giải A tiết mục then cổ “Khảm hải” (vượt biển). Tại Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ IV tổ chức tại Lạng Sơn, tiết mục “Khẩu đông pắt ngoàng” (Vào rừng bắt ve) do bà trình diễn được Ban tổ chức tặng giải A và trao giấy chứng nhận “Nghệ nhân cao tuổi” tham gia chương trình Liên hoan. Bà là hội viên tích cực của Hội bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn. Bà đã có mặt trong một số chương trình biểu diễn, giới thiệu dân ca do Đài PTTH ở TW và địa phương dàn dựng. Những năm gần đây, với mong muốn những bài then cổ được lưu giữ, vốn di sản văn hóa dân tộc không bị thất truyền, bà cùng nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên chép lại các bài then cổ thành văn bản để lưu giữ, phục vụ nghiên cứu, truyền dạy cho hội viên các câu lạc bộ hát then (thuộc Hội bảo tồn dân ca của tỉnh). Cán bộ văn hóa, nghiên cứu sinh, học sinh, những người muốn học hỏi để biết thêm về nghệ thuật hát then, đàn tính đến tìm hiểu bà luôn nhiệt tình chỉ bảo, cung cấp tư liệu. Nhắc đến then là thấy bà say sưa như lên đồng. Dễ có cảm tưởng, trong con người bà luôn có một ngọn lửa tình yêu đối với nghệ thuật hát then âm ỉ cháy, để chỉ cần chạm đến là ngọn lửa ấy bùng lên thành những đam mê bất tận, sẵn sàng dâng hiến cho đời. Nhiệt huyết ấy đã được Bộ VHTTDL ghi nhận bằng kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng nhiều giấy khen của ngành.

13084272 890092251099611_372266701_n

Bà Sấm trò chuyện thân mật cùng NSUT Triệu Thủy Tiên

Năm 2015 vừa qua là năm bà có rất nhiều niềm vui lớn. Cháu ngoại Chu Văn Minh – người mà bà tin yêu dìu dắt đã chính thức nối tiếp đường then, hát tiếp câu then của bà. Một niềm vui lớn nữa đến với bà đó là vào dịp cuối năm, bà đã vinh dự cùng 8 nghệ nhân khác của tỉnh Lạng Sơn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đợt đầu. Đây là danh hiệu cao quý dành cho 617 nghệ nhân của cả nước có phẩm chất đạo đức, tài năng xuất sắc, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đất nước. Đây cũng là năm di sản then của người Tày, người Nùng Lạng Sơn được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia - trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của bà. Tròn 76 tuổi đời, 58 tuổi nghề - bà trở thành một trong những “cây đại thụ” của nghệ thuật hát then, đàn tính, tích cực góp phần nâng cao vị thế của then Xứ Lạng ở khu vực và Quốc gia. Chứng kiến sức làm việc dẻo dai của bà khi đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, tôi vô cùng cảm phục. Bà luôn bận rộn với những chuyến đi xa, lịch làm việc của bà trong tuần nhiều khi kín đặc. Bà bảo: "Bà đi nhiều chỗ lắm, ở đâu bà cũng đi, cứ người ta về bảo bà là bà đi thôi". Chia tay bà, tôi thầm nghĩ, nếu coi kho tàng di sản văn hóa của địa phương mình như một chiếc tủ lớn có nhiều ngăn thì bà và các nghệ nhân hát then là những người nắm giữ chìa khóa của ngăn chứa di sản then đầy sức hấp dẫn, cuốn hút đó. Họ chính là “báu vật sống”, là vốn quý để hồn then quê hương đất nước trường tồn mãi cùng tháng năm./.

                                                                            Chu Quế Ngân

Last modified on Thứ năm, 12 Tháng 5 2016 07:02

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 56

Tất cả 2857426

Videos

Liên kết website