Thứ hai, 04 Tháng 4 2016 08:23

ĐÔI NÉT KHẢO CỨU VÈ LÊ HỘI "ĐẬP ĐẤT"- "XUÔNG ĐỒNG" LÀNG "THƯỢNG"TẠI THỊ TRẤN CHI LĂNG - HUYỆN CHI LĂNG - TỈNH LẠNG SƠN.

 

          Lễ hội "Xuống đồng" là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng đã có sức cuốn hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân thường diễn ra vào đầu năm mới để cùng hướng về cội nguồn, để cầu những điều tốt đẹp. Đến với mong ước cầu may, cầu bình an, cầu sức khoẻ; cầu: mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, no đủ, vạn vật sinh sôi ... Cũng như bao nơi trên miền quê Xứ Lạng làng "Thượng" (xưa thuộc Tổng Thuốc Sơn, châu Hữu Lũng, phủ Lạng Thương) nay thuộc hai  thôn Xóm Ná và Cây Hồng - thị trấn Chi Lăng - huyện Chi Lăng - tỉnh Lạng Sơn là một vùng quê mang trong mình truyền thống kinh tế sản xuất nông nghiệp còn lưu truyền được nhiều tập quán xã hội mang nhiều nét văn hóa dân gian truyền thống mà lễ hội  "Xuống đồng"-" Đập đất" được tổ chức vào ngay những ngày đầu năm mới âm lịch (ngày mùng 4 tháng giêng) là một điển hình.

 

          Lễ hội " Đập đất" Làng "Thượng" được tổ chức liên thôn là dân của hai thôn Xóm Ná và Cây Hồng thị trấn Chi Lăng- huyện Chi Lăng- tỉnh Lạng Sơn (thuộc Làng Thượng xưa) cùng thực hiện nghi lễ và tổ chức, còn có nhân dân thuộc các thôn gần đó đến tham dự hội (họ là người dân sinh sống tại 4 làng: Thượng, Trung, Hạ, Cường ngày trước nay thuộc các thôn: Lân Bông, Cây Hồng, Trung Mai, Yên Thịnh, Trung Thịnh của Thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng và thuộc thôn Tam hợp, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng) .

 Từ lễ xin "Cai đám" tại Chùa "Sạc" thuộc thôn Cây Hồng (Chùa “tháng 2”- tên nhân dân thường gọi) nhằm ngày 14 tháng 2 âm lịch do cả hai làng "Thượng" và làng "Trung" tổ chức (một năm một lần là dân làng tổ chức còn gọi là "sự lệ làng") để chọn ra "Ban Hương Trưởng" và " Cai Đám" là những người sẽ tổ chức và thực hiện các nghi lễ trong lễ hội của làng. Cách chọn là xin quẻ âm dương theo danh sách trai đinh tuổi từ 49 trở xuống (con trai trong làng từ 18 tuổi đến 49 tuổi là trai đinh, đóng suất đinh với làng); ngày hôm đó cả hai làng cùng có trách nhiệm như nhau, lễ của làng nào làng ấy lo, khác làng khác tổ chức xin "Cai đám" cho Đền làng mình (Làng Thượng coi Đền Cao, Làng Trung coi Đền Suối Lân); nhìn từ trong Chùa Sạc ra thì Làng Thượng ngồi bên trái còn Làng Trung ngồi bên phải. Người "Cai đám" được chọn sẽ có phận sự chăm sóc, hương khói tại Đền trong cả năm (cho đến ngày 14 tháng 2 âm lịch năm sau có "Cai đám" mới).

IMG 5544

Chùa “Sạc” – Nơi dân làng tổ chức gieo quẻ xin Cai đám

    Thành lập Ban Hương trưởng gồm 10 người được chọn trong các trai đinh của làng với tiêu chuẩn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, am hiểu về phong tục tập quán của địa phương, có khả năng ăn nói, giao tiếp và có thời gian dành cho việc của làng, "Cai đám" có thể nằm trong Ban Hương trưởng. Ban Hương Trưởng của Đền Cao  kiêm nhiệm công việc chuẩn bị và tổ chức lễ hội làng "Thượng". Trước khi lễ hội diễn ra từ tháng Chạp Ban Hương trưởng đã chủ trì cuộc họp bàn về việc tổ chức lễ hội và phân công nhiệm vụ cho các thành viên chuẩn bị sân bãi, các đạo cụ có liên quan... Trưởng Ban (còn gọi là Hương trưởng hay Lệnh nhất) phân công công việc và nhiệm vụ cho từng thành viên của Ban. Tổ chức họp làng thông báo và xin ý kiến của các cụ Bô lão. Do nghi lễ đập đất diễn ra vào lúc nửa đêm nên mọi công tác chuẩn bị ngoài đồng phải được tiến hành xong trước tối mùng 3 tháng giêng. Chiêng, trống được tập hợp, cờ hội được cắm, làm giá để mâm lễ của các suất đinh và cắt cử người trông nom cho đến khi nghi lễ được bắt đầu.

    Lễ hội được dân làng tổ chức trên đám ruộng của làng thuộc thôn Xóm Ná, phần ruộng đó xưa kia được cắt cử cho Cai đám của mỗi năm cày cấy để lấy một phần gạo làm lễ cho những ngày hội của đền. Hội xuống đồng đập đất được diễn ra vào lúc 0h.00" ngày mùng 4 tháng giêng. Những người tham gia tế lễ gồm: Chủ tế, Hội đồng tế (Ban Hương Trưởng) và các đối tượng khác. Sau khi Cai đám lên hương xong, một người trong ban hương trưởng hoặc một cụ cao niên đã được cai đám lựa chọn (trong năm trước gia đình không xảy ra việc kiêng kỵ), sẽ tiến hành làm lễ đập đất cho làng. Người được chọn làm lễ đập đất: Hai tay cầm chiêng tiến hành khấn bái ngũ phương. Người Hương trưởng (Lệnh nhất) cùng 1 cụ già cao tuổi trong làng là người đầu tiên gõ trống gõ liên tiếp 3 hồi, 3 dùi trống để khai hội. Sau đó những người trong Ban hương trưởng đền thường xuyên gõ trống chiêng với ý nghĩa đánh động vào đất. Nghi lễ diễn ra ở ngoài đồng lại vào lúc nửa đêm nên chỉ có khoảng 15 đến 20 người tham gia, chủ yếu là người nhà của "Cai đám" đến giúp việc và các cụ tới kiểm tra xem lễ có diễn ra đúng với nguyên bản chưa. Từ xưa đến nay, Người dân trong làng chỉ sau Lệ đập đất mới có thể được phép đi làm.

 IMG 5685

Dân làng mang lễ vật ra đồng để thực hiện lễ cúng Đinh

Sáng hôm sau, dân làng mang suất đinh của gia đình mình ra ngoài đồng cúng, trong lễ  này là Ban Hương trưởng sẽ làm lễ " Mở cờ" là bàn giao, kiểm tra: cờ, sắc phong của Đình làng được cất giữ cẩn thận trong hòm tại nhà Hương trưởng cả năm chỉ được phép mở một lần kiểm đếm, tế lễ trong ngày lễ xuống đồng. Điều đặc biệt là số cờ thêu hình "tứ linh" đó là được ông Hoàng Đình Kinh người sinh ra và lớn lên tại Làng Thượng tặng (theo các cụ cao niên kể lại). Hoàng Đình Kinh là một người yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc trong những năm 1882- 1888 ông đã tổ chức đoàn kết các dân tộc trong khu vực lập căn cứ chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ quê hương đất nước; ông được làm Cai Tổng nên thường gọi là Cai Kinh; Ông vẫn luôn tự coi mình là một suất đinh của Làng "Thượng" nên đã tặng cho làng cờ Hội. Vậy nên cứ hàng năm vào ngày Hội " Xuống đồng" của Làng nhân dân rất trân trọng làm lễ "Mở cờ" để tưởng nhớ tới ông. Cứ 4 suất đinh góp 1 cỗ, lễ vật đóng góp là 1 cỗ xôi (khoảng 5 bò gạo nếp- cỗ xôi suất đinh nào cũng chuẩn bị); còn: 3 cỗ gà, 3 cỗ chuối và còn lại cỗ thịt (khoảng 0,5kg thịt lợn luộc) được phân theo lượt- luân phiên các suất đinh chuẩn bị quay vòng.Cỗ sau khi cúng lại được chia theo đinh suất (4 đinh suất 1 cỗ) các cỗ có thể ăn tại đó hoặc mang về đều được.

IMG 9627

Đoàn nghiên cứu kiểm tra những lá cờ của Hoàng Đình Kinh

Khoảng 2 giờ chiều ngày hôm đó, làng cũng tổ chức lễ nhập đinh cho các bé trai trong làng được sinh trong năm trước (Từ 40 ngày tuổi trở lên), tên của các bé sẽ được ghi trong sổ cái của làng, đánh dấu mốc từ đó bé là 1 thành viên của làng, có trách nhiệm và nghĩa vụ với làng, hàng năm đóng đinh suất. Đồng thời tổ chức ra đinh (lên lão) cho những người lên 50 tuổi. Gia đình nào có người được nhập đinh hoặc ra đinh sẽ chuẩn bị lễ vật gồm: 1 cỗ xôi, 1 con gà sống gáy, 5 quả cau, 5 lá trầu, 1 chai rượu, 5 đôi đũa, 5 cái chén, 1 chục vàng, 1 thẻ nhang (đũa chén để lại đền, góp lại làm những đồ dùng chung khi tổ chức "Sự lệ làng" (đóng góp đinh suất và tổ chức chia suất, ăn tại đó). Ngay sau phần tế lễ phần hội diễn ra gồm: các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian. Các trò chơi dân gian như : đẩy gậy, đấu vật, riêng trò chơi dựng cây đu trước có nhưng nay đã không còn tồn tại hiện nay đang muốn khôi phục dần; diễn xướng gồm có hát Hát Sli, Hát Chèo cổ (Hát Sli vài năm gần đây có được phục hồi và duy trì trong ngày Hội, Hát chèo cổ và các trò chơi đánh đu hiện nay không còn); Lễ hội kết thúc vào khoảng 16h30 cùng ngày.

Lễ hội "Xuống đồng"- " Đập đất" Làng "Thượng" hiện nay vẫn còn tồn tại được nhân dân tham gia đông đảo,được tổ chức định kỳ thường xuyên là một năm một lần. Hiện nay việc khôi phục lại các lễ hội truyền thống đang được chính quyền nhà nước quan tâm . Lễ hội truyền thống là hoạt động sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng vì vậy các cấp chính quyền đã rất chú trọng đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhằm khôi phục, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đến với lễ hội cũng là dịp để mọi người củng cố, nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, ý chí của con người khi có sự tương đồng nó sẽ trở thành những truyền thống để các thế hệ sau kế thừa, nối tiếp và trở thành những biểu tượng văn hoá cao đẹp thấm sâu trong tiềm thức mỗi con người của quê hương đất nước. Ngoài ra, đến với lễ hội con người còn có thể giải toả sự căng thẳng trong cuộc sống, hiểu thêm về lịch sử dân tộc và cả những tinh hoa văn hoá của cha ông để lại. Ý thức về cội nguồn, niềm tự hào về quê hương của mỗi con người khi đến với lễ hội sẽ được nhân lên tạo thành một nét đẹp văn hoá, một truyền thống mang đậm tính nhân văn. Đến với lễ hội mọi người được hòa vào không khí vui tươi, nhộn nhịp, thể hiện tinh thần nhân ái, đoàn kết thông qua những hoạt động trong lễ hội, đặc biệt là các nghi lễ, các trò chơi bao hàm ý nghĩa về lịch sử của cha ông. Lễ hội Lồng tồng đập đất  là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương; cầu mong cho cuộc sống khoẻ mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi... Những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hoá lâu đời của cư dân lúa nước. Lễ hội Lồng tông làng "Thượng" là một trong những nét văn hoá độc đáo của dân tộc Nùng, góp phần làm phong phú kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam...

Để bảo tồn lễ hội một cách tối ưu nhất là kết hợp hai biện pháp bảo tồn là: bảo tồn tĩnh (ghi âm; ghi hình; phỏng vấn ghi tài liệu để lưu trữ bảo quả lâu dài) và bảo tồn động (cố gắng làm tốt công tác phục dựng và duy trì lễ hội). Nâng cao công tác quản lí cũng như tổ chức lễ hội của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể về trách nhiệm quản lý lễ hội, đặc biệt là trong công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong quản lý lễ hội. Cơ chế và phương thức quản lý phải phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm lễ hội ở địa phương. Tổ chức thực hiện đúng mục đích và đạt hiệu quả của lễ hội. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về giá trị lịch sử, văn hoá của lễ hội từ đó có ý thức để nâng cao việc thực hiện pháp luật và tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động lễ hội để tăng cường sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của đông đảo nhân dân góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống./.

*Tài liệu tham khảo:

-" Kỷ yếu Hội thảo khoa học Các bài viết , tư liệu về thân thế, sự nghiệp Hoàng Đình Kinh chống giặc Pháp, Phỉ bảo vệ quê hương cuối thế kỷ XIX.

- Tư liệu điền dã trực tiếp khảo sát Lễ Hội năm 2013 và 2016.

                                                                               Nông Xuân Tiến,Vi Thị Quỳnh Ngọc

                                                                                              Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ hai, 04 Tháng 4 2016 09:14

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 60

Tất cả 2857430

Videos

Liên kết website