Thứ sáu, 09 Tháng 10 2015 07:44

65 năm giải phóng Lạng Sơn - đôi nét nhìn lại lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ tổ quốc trên mảnh đất địa đầu tổ quốc!

Trong không khí tưng bừng phấn khởi của những ngày tháng 10 hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, vui trong niềm vui những ngày lễ kỉ niệm của tỉnh Lạng Sơn và của Đất nước nhìn lại quá trình đấu tranh giải phóng  dân tộc, giải phóng quê hương của dân nhân ta, của Đảng ta là một sự tự hào, một niềm trân quý!

Theo dòng lịch sử, hòa chung trong phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước, theo lời kêu gọi " Toàn quốc kháng chiến " của chủ tịch Hồ Chí Minh ( năm 1946 ) nhân dân Lạng Sơn đóng góp sức người, sức của cùng cả nước trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1945- 1954 với những chiến công trên đường số 4 rực lửa...

          Nhìn lại từ nền tảng phong trào đấu tranh cách mạng Lạng Sơn luôn là một trong những địa phương đi đầu trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khởi đầu với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ( phong trào tiên phong từ năm 1940- gắn với tên tuổi của các nhà cách mạng tiền bối như: Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh...). Với tinh thần quật cường ấy các đội cứu quốc quân đã được thành lập tại căn cứ địa Bắc Sơn- Võ Nhai...hòa cùng với phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước trở thành tiền thân của  lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Là một trong 6 tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc ( gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn ,Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) được chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi căn cứ địa để đấu tranh chống thực dân Pháp để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ " lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu", giải phóng Miền Bắc Việt Nam, làm hậu phương cho cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước nước để có một ngày " Bắc nam xum họp một nhà" ( ngày 30/ 04/ 1975).

          Trở lại những năm 1945- 1954 tại Lạng Sơn, chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng ( 14- 8- 1945), Quân đội Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch, với danh nghĩa là quân Đồng Minh tiến vào Đông Dương giải giáp vũ khí quân đội Nhật Ngày 26/ 8/ 1945...Quân dân Lạng Sơn buộc phải nổ súng đánh trả lại chúng để bảo vệ chính quyền non trẻ mà nhân dân ta mới giành được... Tháng 7- 1946, thay thế quân Tưởng, quân Pháp đẫ kéo vào chiếm đóng Lạng Sơn thuộc khu vực Cửa Đông, một phần Cửa Nam xuống Mai Pha... Chúng đã tiến hành khiêu khích ở nhiều nơi: thị xã, Đồng Đăng, Lộc Bình, Đình Lập...hòng khống chế tuyến đường 4 chiến lược và hai con đường huyết mạch Lạng Sơn - Hà Nội và Lạng Sơn- Thái Nguyên ( 1A,1B)...Hòa cùng khí thế kháng chiến của cả dân tộc, quân và dân Lạng Sơn đã đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Hồ Chủ tịch, anh dũng bước vào trận chiến đấu chống quân thù xâm lược với tất cả quyết tâm sắt đá: " Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" ở các địa phương, quân dân ta khẩn trương bắt tay thực hiện các nhiệm vụ kháng chiến. Những nơi quân Pháp chiếm đóng như Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Na Sầm chúng ta đẫ tiến hành " tiêu thổ kháng chiến ", bất hợp tác và tiến hành bao vây kinh tế, gây cho địch nhiều khốn quẫn...

lang son 1 ( ATL-Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát Đông Khê, chiến dịch Biên giới 1950) 

          Giữa năm 1947 toàn tỉnh đã hình thành hai vùng chiến lược theo hình thái các khu căn cứ du kích liên hoàn với nhau từ Bình Gia, Bắc Sơn, Bằng Mạc, Điềm He cho đến Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Nổi lên là khu căn cứ du kích Ba Sơn ( Cao Lộc) và Chi Lăng- Nà Thuộc ( Lộc Bình, Đình Lập ), cùng với nhiều khu căn cứ nhỏ, hoạt động trên đường 4 từ Lộc Bình về Đình Lập đến Tiên Yên và từ Đình Lập dọc theo đường 13 về An Châu, Sơn Động ( Hà Bắc)... Trung đoàn chủ lực e174 của ta được lệnh tham chiến cùng lực lượng vũ trang địa phương, tiếp tục tiến công tiêu diệt giặc, làm chủ chiến trường, tiến lên giải phóng từng địa bàn. Cuối tháng 2 năm 1950, hoạt động của các đại đội địa phương và bộ đội chủ lực đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Trục đường 4A: Lạng Sơn- Văn Uyên- Thoát Lãng- Tràng Định lên Đông Khê ( Cao Bằng), quân ta tiến hành bao vây đẩy các đồn bốt, dồn địch vào thế phòng ngự, lúng túng đối phó.Trục đường 4B: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập ra đến Tiên Yên ( Hải Ninh ), bộ đội ta phối hợp cùng các khu du kích Ba Sơn, Chi Lăng- Nà Thuộc, tiến hành vũ trang tuyên truyền, giải tán hội tề, trừ gian, diệt phỉ, chặn đánh các đoàn xe tiếp tế của địch từ Hải Phòng, Hải Ninh đến. Chính quyền kháng chiến không ngừng được củng cố....Tháng 6-1950,  Ban thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch biên giới, đề ra yêu cầu: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới phía bắc nước ta, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của giặc Pháp, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính...Hưởng ứng lệnh tổng động viên của Chính phủ; đẩy mạnh phong trào dân công phục vụ tiền tuyến, phong trào mua công trái kháng chiến."Chỉ một thời gian ngắn, khẩn trương, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã đóng góp cho chiến dịch 2.700 tấn thóc, ngô, bán và ủng hộ 1448 con trâu bò và 243 con ngựa, đảm bảo lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội đánh giặc" *( theo Địa chí Lạng Sơn). Ngày 16-9- 1950, chiến dịch biên giới bắt đầu, quân ta nổ súng tấn công tiêu diệt đồn Đông Khê, mở màn giành thắng lợi cho chiến dịch. Ta liên tiếp chủ động tiến công tiêu diệt địch trên đường số 4. Ngày 8-10- 1950, hai binh đoàn chủ lực Pháp bị đánh tan tác, cánh quân cứu viện từ Hà Nội lên đều bị ta tiêu diệt. Ngày 10- 10- 1950, địch rút khỏi Thất  Khê; ngày 13- 10, địch rút ra khỏi Na Sầm, Đồng Đăng. Ngày 17- 10- 1950, địch rút khỏi thị xã Lạng Sơn và huyện Cao Lộc. Các huyện, các thị trấn lần lượt được giải phóng...Đêm 30 rạng sáng 31-10-1950, quân ta tiến vào tiếp quản huyện Đình Lập. Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược.

           Bằng những chiến công hiển hách gắn liền với tên đất, tên làng: Ba Sơn, Chi Lăng, Nà Thuộc, Lũng Vài, Lũng Phầy, Bó Củng...quân và dân Lạng Sơn đã góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn, tạo ra một địa bàn hậu phương quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng: Đánh bại hoàn toàn quân viễn chinh Pháp, mở ra một bước ngoặt lịch sử: hòa bình được lập lại ở miền Bắc, cả nước bước sang một giai đoạn cách mạng mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

lang son 2

Thành phố Lạng Sơn ngày nay (ảnh : Trịnh Tố Oanh ) 

          Hôm nay, trong không khí tưng bừng phấn khởi kỉ niệm 65 năm ngày giải phóng Lạng Sơn ( 10/ 1950- 10/ 2015) quân và dân Lạng Sơn đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của tỉnh nhà cũng như của đất nước. " Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI khẳng định quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn , thách thức, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả " dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng , văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội... phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, chủ động khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; đảm bảo an sinh xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; xây dựng và phát triển Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh..." ( Dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI )./.

 

Tài liệu tham khảo

- * Theo Địa chí tỉnh Lạng Sơn- Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn.

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1930- 1954- Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

- Dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI - Tỉnh ủy Lạng Sơn.

- Hội thảo 50 năm chiến thắng đường 4 giải phóng Lạng Sơn 10/ 1950- 10/ 2000- UBND tỉnh Lạng Sơn

- Tràng Định với chiến thắng Biên giới- Huyện ủy huyện Tràng Định, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn

Vy Thị Quỳnh Ngọc- Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ sáu, 09 Tháng 10 2015 08:00

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 49

Tất cả 2857419

Videos

Liên kết website