Thứ hai, 15 Tháng 12 2014 03:43

Công tác giáo dục trong hoạt động bảo tàng

      Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của Bảo tàng trong việc bảo tồn, giới thiệu các bộ sưu tập và lưu truyền ký ức. Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn giới thiệu để khách tham quan khám phá những câu chuyện ẩn chứa bên trong các sưu tập hiện vật bảo tàng, đồng thời, thông qua đó khách tham quan có thể liên tưởng, nhớ lại những ký ức của bản thân và mối liên hệ với những hiện vật đó.

Và như mọi người đều biết, các tài liệu hiện vật, nhất là các sưu tập hiện vật bảo tàng đều có trật tự thời gian - niên đại, hay phân đại địa lý để người ta trưng bày và cũng không loại trừ việc Bảo tàng sẽ áp dụng một cách trình bày mới theo đề tài - bởi để thu hút sự quan tâm của công chúng thì Bảo tàng phải có nhiều hình thức trưng bày khác nhau.

                         

                               Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, một thiết chế văn hóa hiện đại

           Hiện tại, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn có trên 2.000 hiện vật (là di sản văn hoá gồm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...). Đây là số hiện vật có giá trị lớn về lịch sử văn hoá và nghệ thuật, là những rìu đá, những xẻng đá cỡ lớn, những mũi tên và giáo mác, trống đồng..., các hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp các danh nhân..., có thể trưng bày triển lãm giới thiệu phục vụ đông đảo công chúng tham quan, nghiên cứu và học tập.

Trong quá trình hoạt động Bảo tàng cho ta thấy phần lớn khách đến tham quan là thanh thiếu niên học sinh các cấp, đây chính là đối tượng tiềm tàng mà Bảo tàng phải đặc biệt quan tâm hướng tới và đây cũng là mối quan tâm sâu sắc của chương trình phối hợp giáo dục trong các cấp trường học giữa ngành GD&ĐT và ngành VHTT&DL trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chương trình giáo dục đó thấm nhuần sâu sắc và cụ thể hoá lời dạy của Bác Hồ kính yêu “dân ta phải biết sử ta...”. Một chương trình có tính khoa học dẫn dắt các em đi tới tương lai tươi sáng của đất nước từ lịch sử hào hùng dân tộc. Đưa vào chương trình học chính khoá về lịch sử và địa lý địa phương, nhằm giúp cho các em nhỏ hiểu biết nơi các em sinh ra và lớn lên là rất cần thiết. Qua đó khơi dậy tình yêu quê hương đất nước một cách cụ thể hơn, gần gũi hơn, các em yêu những con đường thân quen dẫn đến trường, yêu cây đa giếng nước sân đình, đến rặng tre làng cùng tiếng ầu ơ giữa trưa hè nóng bức, biết kính già yêu trẻ...

                  

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư tham quan Bảo tàng

 

Như vậy, công tác tuyên truyền giáo dục được Bảo tàng xác định bao trùm xuyên suốt tất cả mọi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Từ công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản đến trưng bày triển lãm. Tuyên truyền giáo dục nhất thiết phải phù hợp với nhận thức chung của các đối tượng tham quan nghiên cứu và học tập. Công tác tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng cần phải được quan tâm đẩy mạnh, để công chúng biết rõ Bảo tàng ở đâu? Làm gì, lưu giữ những gì..v.v.. phải có đầy đủ các thông tin về Bảo tàng. Bảo tàng là một thiết chế văn hoá, là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu các hiện vật lịch sử, vậy thì tình cảm của khách tham quan đối với di sản văn hoá ra sao?...Ta thấy trong các cấp trường học phổ thông, ở bậc tiểu học, cả một năm học mà chương trình Lịch sử và địa lý lớp 4 chỉ có hai bài: Lạng Sơn thời nguyên thuỷ (bài đọc thêm: Văn hoá Bắc Sơn và bài Văn hoá Mai Pha), bài hai Di tích lịch sử Chi Lăng (bài đọc thêm: Ải Chi Lăng và Hang Gió). Khối lớp 5 cũng vậy, chỉ có hai bài: Anh Hoàng Văn Thụ người con của quê hương Xứ Lạng (bài đọc thêm: Anh Hoàng Văn Thụ) và bài Lễ hội dân gian Xứ Lạng (bài đọc thêm Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa và Lễ hội chùa Tam Thanh). Chương trình được biên soạn nội dung phải phong phú và cách đặt câu hỏi phải phù hợp (câu hỏi: Vì sao lại nói rằng: Lạng Sơn là nơi xuất hiện sự sống của con người?). Trong chương trình dạy các em về “Văn hoá Bắc Sơn và Văn hoá Mai Pha” nhưng lại không cho các em biết thế nào là di tích lịch sử? khái niệm về di sản văn hoá... Hoạt động của Bảo tàng gồm nhiều khâu, trong đó khâu đầu tiên là hoạt động sưu tầm, yêu cầu cần đặc biệt hướng tới các tài liệu hiện vật gốc, bởi đó mới là ngôn ngữ đặc trưng của Bảo tàng. Mỗi tài liệu hiện vật đều tiềm ẩn giá trị lịch sử văn hoá nghệ thuật, nên việc khai thác những giá trị bên trong làm nổi bật nét văn hoá đậm tính lịch sử là rất cần thiết. Đảm bảo khi tiếp cận tài liệu hiện vật người ta cảm nhận được hiện vật đó mang đậm dấu ấn lịch sử, hay hằn in dấu vết bàn tay lao động...? Phản ánh sinh động “phần hồn” của từng tài liệu hiện vật, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của tiểu vùng Xứ Lạng. Việc mô tả phải sống động trong hồ sơ hiện vật, đó chính là kết quả của công tác nghiên cứu. Đặc biệt là xây dựng các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm, độc đáo bởi ngoài chức năng trưng bày, bảo tàng còn thực hiện chức năng chuyển tải thông tin. Thực hiện chức năng này là truyền đạt kiến thức, Bảo tàng phải biên soạn và in để giới thiệu giá trị các tài liệu hiện vật và các bộ sưu tập quý hiếm độc đáo đó. Sưu tầm là công việc khó khăn vì nguồn tài liệu hiện vật đang tiềm ẩn, vậy phải làm thế nào đạt hiệu quả, cần phải tìm biện pháp phù hợp, như khảo sát điền dã, phát hành phiếu điều tra... Phiếu điều tra phản ảnh đầy đủ các tiêu chí Bảo tàng đề ra về hiện vật cần sưu tầm.

Để công tác tuyên truyền giáo dục đạt hiệu quả, trong hoạt động kiểm kê hiện vật (quá trình nghiên cứu xác lập thủ tục pháp lý và làm rõ nội dung giá trị hiện vật), việc lập hồ sơ hiện vật rất quan trọng. Các tài liệu hiện vật sưu tầm được lập hồ sơ và ghi chú thích ảnh, được đánh giá theo các tiêu chí, ở đây quan trọng nhất là tính độc đáo, là đặc điểm riêng – bản sắc riêng, được thể hiện trên hiện vật, phải được ghi chép một cách khoa học.

                        

Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương tham quan Bảo tàng

Tuyên truyền giáo dục trong hoạt động trưng bày triển lãm là khâu phản ánh mối quan hệ mật thiết và là cầu nối giữa Bảo tàng với công chúng. Qua đó, công chúng được thưởng thức các giá trị các di sản văn hoá, hiểu rõ nội dung và ý nghĩa các cuộc triển lãm. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch triển lãm phải làm rõ các vấn đề: mục đích cuộc triển lãm? Đối tượng cuộc triển lãm là những ai?... Phải gắn chủ đề cuộc triển lãm với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hoạt động trưng bày triển lãm cần mở rộng, có thể phối hợp với các Bảo tàng khác và các chủ sở hữu cổ vật ngoài Bảo tàng để hoạt động trưng bày thêm phong phú và hấp dẫn. Có thể xác định công chúng là khách hàng, vậy thì Bảo tàng phải chủ động bằng nhiều biện pháp, trong đó việc tổ chức triển lãm lưu động, mang các hình ảnh và các bộ sưu tập hiện vật đến với công chúng là biện pháp mang lại hiệu quả cao, gây được ấn tượng sâu sắc - là cần thiết. Bên cạnh đó, việc biên soạn sách “Lịch sử và địa lý” địa phương, cần có nội dung phong phú và hấp dẫn hơn. Bảo tàng sẽ biên soạn tài liệu giới thiệu một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động, các sưu tập cổ vật, bảo vật.... Công tác tuyên truyền phải làm cho các cấp trường học phổ thông, các trường chuyên nghiệp, các cơ quan và tổ chức đoàn thể quan tâm tổ chức tham quan Bảo tàng, như một buổi giao lưu và học chính khoá, một cuộc tham quan bổ ích. Mặt khác, Bảo tàng sẽ tổ chức các triển lãm chuyên đề phù hợp với nội dung học tập của học sinh, sinh viên, tạo điều kiện giúp cho tất cả giáo viên và học sinh tiếp cận để minh hoạ cho chương trình học chính khoá. Bảo tàng nên tổ chức gặp mặt toạ đàm với các giáo viên, cán bộ quản lý các trường... để nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên. Hoạt động tuyên truyền giáo dục còn được trực tiếp thông qua đón tiếp hướng dẫn tham quan, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin phát thanh truyền hình, báo chí... hoặc tuyên truyền bằng việc in phát hành các tờ rơi..., trong đó cần đặc biệt quan tâm giới thiệu nội dung các cuộc triển lãm chuyên đề, các sưu tập hiện vật có giá trị lớn được đưa ra giới thiệu lần đầu, hay những phát hiện mới về sưu tập và khảo cổ..., làm được như vậy sẽ thu hút được nhiều thành phần công chúng đến với Bảo tàng, điều đó cũng khẳng định kết quả của công tác tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng.

                

Học sinh trường Tiểu học Chi Lăng – Thành phố Lạng Sơn tham quan Bảo tàng

 Từ hoạt động thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng là rất quan trọng. Nó xuyên suốt quá trình hoạt động Bảo tàng, từ hoạt động sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày. Công tác tuyên truyền giáo dục hoạt động tích cực góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chuyên môn Bảo tàng, mặt khác tạo cho các em học sinh và công chúng nhận thức rõ hơn về di sản văn hoá. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng, khi họ tìm hiểu nội dung các giá trị di sản văn hoá. Để ngày càng thu hút đông đảo công chúng tham quan học tập, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn với định hướng mở rộng phạm vi phối hợp với các Bảo tàng khác, liên kết với các cơ quan đơn vị, các tổ chức, cá nhân để tổ chức tốt các hoạt động Bảo tàng, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, in các tờ rơi, các xuất bản phẩm văn hoá chuyên ngành. Triển khai ứng dụng các thiết bị nghe nhìn hiện đại phục vụ công tác trưng bày và thuyết minh phục vụ khách tham quan, nghiên cứu học tập. Tích cực giới thiệu về Bảo tàng qua chương trình truyền hình và báo chí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng. Xây dựng Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn thành một điểm tham quan hấp dẫn, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn./.

 

Trần Hữu Tính

Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Last modified on Thứ ba, 29 Tháng 9 2015 08:56

Giờ tham quan

+ Sáng 7h30 – 11h30

+ Chiều 13h30 – 17h

Các ngày trong tuần
(tham quan ngày nghỉ lễ, T7, CN vui lòng liên hệ trước)

Thống kê truy cập

Hôm nay 59

Tất cả 2857429

Videos

Liên kết website