Toàn cảnh núi đá hang Cốc Mười (hang Bãi Đá)
Năm 2011, trong đợt điều tra thám sát khảo cổ học, các cán bộ của Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện di tích chứa hóa thạch động vật ở hang Cốc Mười. Năm 2012, Viện khảo cổ học Việt Nam phối hợp với chuyên gia cổ sinh và địa chất đến từ Pháp và Úc, Ban quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khảo sát và lấy mẫu hóa thạch, trầm tích ở di chỉ này Kết quả khảo sát được công bố tại Hội nghị thông báo “Những phát hiện mới khảo cổ học năm 2011 và năm 2012” di chỉ hang Cốc Mười có lượng trầm tích chứa hóa thạch lớn, quần động vật đa dạng.\
Quang cảnh khai quật hang Cốc Mười (hang Bãi Đá)
Trong quá trình khai quật, đoàn đã mở ba hố (H1, H2, H3) ở các vị trí khác nhau tại khoang trong cùng của hang để kiểm tra địa tầng và xác định sự phân bố hóa thạch trong hang và các lớp trầm tích. Địa tầng các hố khai quật ở các vị trí khác nhau cho thấy tạo thành trầm tích ở khoang trong đều gồm ba lớp như sau: Trên cùng là lớp thạch nhũ, kế tiếp là lớp trầm tích mầu vàng – nâu vàng có kết cấu khá cứng hoặc hơi bở tùy vị trí đây cũng là lớp chứa hóa thạch, dưới cùng là lớp trầm tích sét tồn tại thành dạng khối rời nhau có kích thước đa dạng được phủ mặt ngoài bởi lớp áo rất mỏng mầu đen, phần trong là sét mịn mầu nâu khi đào có thể dễ dàng cậy rời các khối này. Kết quả phân tích cho thấy lớp thạch nhũ trên vách ở H1 có tuổi 114.000 năm cách ngày nay, như vậy tuổi của hóa thạch sẽ sớm hơn 114.000 năm. Các mẫu trầm tích này đã được tiến sĩ Kira Westaway, trường đại học Macquarie, Úc xác định niên đại bằng phương pháp Luminescence dating (Optically stimulated luminescence-OSL và Thermoluminescence-TL).
Quần động vật tìm thấy ở đây có nhiều thành phần loài khá đa dạng, với đủ các loài đặc trưng cho quần động vật thế Pleistocene như Đười ươi, Gấu tre, Voi răng kiếm, Lợn vòi, Tê giác… Kết quả phân loại bước đầu cho thấy cấu trúc quần động vật ở đây có một số đặc điểm khác biệt so với các di chỉ cổ sinh đã được nghiên cứu như hiện tượng vượt trội về số lượng các răng tê giác và răng các nhóm thú ăn thịt khá đa dạng và nhiều về số lượng. Hơn nữa di chỉ đã được nghiên cứu xác định niên đại ngay từ những chuyến khảo sát khai quật đầu tiên có khung niên đại đáng tin cậy cao, những thông tin từ di chỉ này sẽ rất hữu ích khi nghiên cứu, so sánh với các di chỉ cổ sinh khác ở Việt Nam và cả trong khu vực.
Một số mẫu vật thu được trong quá trình khai quật:
Răng voi châu á (Elephas maximus) Răng tê giác (Rhinoceros sp)
Di chỉ hang Cốc Mười (hang Bãi Đá) là di chỉ cổ sinh rất có giá trị nghiên cứu với khối lượng lớn hóa thạch đã được khai quật, hơn nữa đây còn là một trong số ít các di chỉ cổ sinh có trữ lượng hóa thạch đủ để tiếp tục tiến hành khai quật, nghiên cứu sau này. Tầng trầm tích chứa hóa thạch còn lại trong hang được bảo tồn khá nguyên vẹn, các lớp trầm tích ít có sự xáo trộn, do vậy đặc điểm cấu trúc trầm tích ở đây rất có giá trị trong nghiên cứu so sánh với các di chỉ cổ sinh khác ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và sẽ là một mắt xích quan trọng trong nghiên cứu cổ sinh cổ môi trường trong khu vực Đông Nam Á – Nam Trung Hoa trong giai đoạn Pleistocene muộn./.
Nguyễn Gia Quyền
Phó phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng.